Ca khúc Chiều Qua Phà Hậu Giang lần đầu được giới thiệu đến khán giả yêu nhạc là từ năm 2002 trên Paris By Night 66 chủ đề Người Tình Và Quê Hương, giới thiệu những ca khúc của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh và Nhật Ngân). Bài hát thời hậu chiến rất cảm động về một thương binh từng là một người lính kiêu hùng, nhưng khi thất thế, tật nguyền, chỉ có thể đàn dạo để khất thực qua ngày. Sau đây, mời các bạn nghe nhạc sĩ kể lại hoàn cảnh sáng tác ca khúc nhân một lần về thăm quê vợ ở Miền Tây. NS

Trên chương trình Paris By Night 2002, nhạc sĩ Nhật Ngân cho biết trong chuyến đi ấy, khi qua phà Hậu Giang thì ông gặp một người bạn cũ là thương phế binh đi đàn dạo kiếm sống.

“Chiều hôm đó mưa bay bay, tôi ngồi trong quán, bỗng nhiên nghe được giọng hát rất xúc động của một người thương phế binh mặc áo treillis bạc màu, ngồi ở ngoài hàng hiên ôm đàn hát. Nhìn cách đệm đàn của anh, tôi nghĩ không phải là một người hát dạo bình thường. Ðiều làm cho tôi thật xúc động, đó là anh hát bài “Xuân Này Con Không Về”.

Tôi ra nói chuyện với anh, khi vừa ra tới nơi thì nhận ra đó chính là một người bạn học cũ của tôi, học chung từ thời trung học, rồi sau đó anh đi Võ Bị Ðà Lạt. Thời gian sau đó anh bị thương ngoài chiến trường, gãy một chân và được giải ngũ từ đó. Sau khi tôi nói chuyện với anh, tôi suy nghĩ nhiều và thấy ngậm ngùi cho những người lính đã hiến cả một phần thân thể của mình cho quê hương. (Trích theo lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân)

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Sau khi về lại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Nhật Ngân đã bàn với nhạc sĩ Trần Trịnh và cùng sáng tác Chiều Qua Phà Hậu Giang. Theo ý của nhạc sĩ Trần Trịnh, vì câu chuyện diễn ra ở bến phà Hậu Giang nên 2 nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Bài hát này được ca sĩ Phi Nhung hát đầu tiên, và cô cũng là một học trò của nhạc sĩ Nhật Ngân ngay từ khi bắt đầu bước chân vào sự nghiệp ca hát.

Thắm Nguyễn

Theo nhạc sĩ Nhật Ngân, bài Chiều Qua Phà Hậu Giang rất thích hợp với giọng hát quê hương chân chất như Phi Nhung, không cần màu mè nhiều nhưng vẫn gây ra sự xúc động đối với người nghe.

Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay

Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa

Chân nạng gỗ thấp cao kéo lề đời theo dòng nhạc đưa

Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi

Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai nhắc kỷ niệm xưa

Tiếng ca gợi trong tim bao nhiêu niềm đau chưa lãng quên

Nhưng người qua vẫn qua bước vô tình không hề dừng chân

Ôi xót xa trong lòng tiếng ca buồn chìm vào trong mưa…

NS

(theo Nhật Ngân. từ Facebook)