Cảng cá Đông Hải cách cửa biển non một cây số, cạnh con sông ốm, dập dềnh thuyền thúng và ghe tàu lưới cá sơn xanh đỏ vàng. Những trưa nước rút, sông lõa lồ bùn đất, phơi đầy rác rến. Đa số đàn ông nơi đây hành nghề đóng thuyền và đi biển. Những chuyến hải hành, đôi khi, kéo dài tới vài tuần, giạt về cực Nam hay xuôi Bắc, sang tận Đài Loan, Trung quốc. Phụ nữ, ngoài việc nội trợ, còn tìm thêm những nguồn thu nhập khác: Vá lưới, bán vé số, rau củ quả hay thịt cá, cà-phê, thức ăn sáng.

Và những con chó lông còi lang thang, sinh hoạt đồng điệu cùng loài người.

Nhà bạn ông nằm trong con đường rộng đủ hai xe 4 bánh lách qua. Trong dải sân hẹp lát gạch trước nhà trồng một cây hoàng anh đơm bông vàng rực quanh năm, một cây dâm bụt bông đỏ đan kín một góc hàng rào sắt, một chậu bông lài, một chậu trạng nguyên, một chậu lưỡi hổ và một lu sành trồng súng, nuôi cá 7 màu. Vừa khi ánh sáng đầu ngày soi len qua ô cửa sổ lắp kính mờ, đã nghe tiếng xe gắn máy từ ngoài đường văng vẳng căn phòng hẹp, máy quạt mở suốt đêm những ngày nóng. Có những sớm mai, vừa thức giấc, ông nghe vọng lại tiếng trống đập rời rạc. Thoạt đầu tưởng như âm thanh của giấc mơ những đêm cúng đình, lễ lạt rộn rã thời thơ ấu vướng lại đáy tiềm thức. Không, không phải. Tiếng trống báo hiệu có người vừa qua đời đêm qua.

Năm nay, thời tiết thất thường. Đã tháng Tư mà mùa nắng vẫn chưa bắt đầu. Vẫn còn những cơn gió ngậm muối, man man mùi cá khô từ hướng biển thổi về. Đôi lúc, ông chợt thức giấc vì tiếng mưa rối nhịp xuống mái tôn, tầm tã lên vuông sân tráng xi-măng sau nhà. Bạn ông bật dậy, lẹ chân bước ra sân, gom góp mớ quần áo phơi chiều hôm trước, chưa ráo nước.

Gần như mỗi sáng, khoảng 7 giờ, ông lại lững thững cuốc bộ khoảng trăm thước, tới hàng quán quen. Tại ngã ba, đầu bờ kè bên dòng sông ô nhiễm, có hai tiệm tạp hóa, một xe bán cháo lòng, một sạp bánh bèo, bánh quai vạc, bánh nậm, một xe bánh mì xíu mại, một sạp bánh căn, bánh xèo, một sạp bán phở mì kê vài cái bàn, chục cái ghế con, và cách đó chục thước, một sạp bánh canh cá. Món nào cũng đã được ông thử qua một lần, để rồi giữ lại vài món hợp khẩu: cháo lòng bà Loan, bánh bèo cô Tâm, bánh xèo, bánh căn cô Hạnh.

Bảo Huân

Những hôm ông trở lại nhà sau vài hôm đi chơi xa, sáng ra, vừa sà xuống ghế, bà Loan cháo lòng đã lên tiếng như trách:

Xem thêm:   Lon thịt bò

“Đi đâu mất biệt, trời?”

“Đi chơi.”

“Tui tưởng anh qua lại bển rồi. Lần sau anh đi đâu, nhớ cho tui biết, không thôi tui suy nghĩ lung tung, ngủ không được!”

“Tui đi chơi mấy ngày thôi mà”, ông bật cười.

Tô cháo vừa dọn ra, vài ba con chó từ đâu không rõ tới vây quanh. Ông không thích ăn huyết, sẻ chia mỗi con một miếng.

“Mấy con chó khôn thấy bà cố, cứ thấy anh tới là bu lại.”

Ăn xong, ngang qua sạp bánh bèo cô Tâm, ông nhắn:

“Mai chú ghé.”

“Dạ, chú”, cô Tâm nhoẻn cười.

Không giống như món bánh bèo ông thường ăn từ nào tới giờ ở Sài Gòn, những cái bánh bèo nơi đây được đổ dầy dặn, lõm xoáy sâu. Bánh quai vạc trong veo, ửng vàng nhân đậu xanh. Bánh nậm cô Tâm không giống món bánh nậm, bánh lá xứ Huế trắng tinh mỏng mảnh, điểm nhân thịt bằm xào dầu điều đỏ au rắc tôm chấy, mà đổ dầy, sậm màu xanh lá dứa, nhân đậu xanh, gói lá chuối. Một tô mười ngàn gồm một cái bánh nậm, vài cái bánh bèo, vài cái bánh quai vạc, rưới thêm một muỗng đậu xanh quết vụng và một muỗng dầu hành. Không thấy có cà-rốt và củ cải xắt sợi ngâm giấm đường và tôm khô xay nhuyễn. Có 3 loại nước ăn kèm là mắm nêm pha loãng, nước mắm đậu phộng và nước mắm chanh. Gọi là nước mắm, nhưng về sau ông biết ra đó là loại nước muối pha chanh đường, có màu đỏ lợt ớt bằm nhuyễn. Ông chọn nước mắm chanh.

Thức ăn nơi đây được pha chế, nêm nếm không cầu kỳ, nghiêng về vị ngọt. Nhìn dáng người, nghe cách nói, nhận biết hương vị món ăn. Người dân xứ nầy, hẳn vì lý do thời tiết, đa số thấp, chân ngắn, da sẫm nắng. Không biết những khi tỏ tình, giọng nói họ ra sao, chứ ông nghe họ nói chuyện với nhau rất lớn tiếng, tưởng như một cơn hải chấn thính giác cấp ba. Lúc đầu chưa quen, ông nghe lạ. Dần dà, nghe tiếng quen tai, ăn hoài quen miệng, ông thôi để ý.

Xem thêm:   Hạnh Châu

Ngồi ăn mà tâm tư ông không ngớt liên tưởng những hương vị ưa thích thời thơ ấu. Món bánh ướt điểm nấm mèo xắt nhuyễn hoặc hành phi ăn kèm chả lụa, bánh vá đậu xanh chan nước mắm pha của bà người Bắc. Món bún thịt nướng ướp sả theo kiểu miền Nam. Món cơm tấm chỉ với độc nhất món bì rưới mỡ hành và nước mắm mặn ngọt. Món bún riêu cua gánh, sóng sánh riêu cua ửng màu dầu điều, kèm rau giá, tía tô, kinh giới, dấp cá và rau muống chẻ của người đàn bà Bắc ốm yếu, bụng chửa thường xuyên. Món mì hoành thánh quán nhỏ người Hoa, có miếng bánh tôm chiên giòn, thêm dúm hẹ, rắc hành lá xắt nhuyễn. Món phở vỉa hè ngầy ngật hương bò gia vị hồi hương thảo quả của anh người Bắc chột mắt những trưa nắng đổ, mưa dầm. Món bò bía phết tương đen tương đỏ của chú người Tàu chiều chiều đẩy xe ngang nhà. Món cóc, ổi, xoài xanh dầm nước cam thảo chấm muối ớt của cô nhỏ mặt mũi phúng phính đầy mụn cám …

Ôi, những món ăn đậm đà những sáng nắng những chiều mưa Sài Gòn trong ký ức ông xa xưa ấy!

Sau bữa ăn sáng, bạn chở ông tới quán cà-phê gần nhà, bỏ dép ngoài thềm, phủi chân ngồi xuống. Cho bạn, một ly đen đá không đường. Cho ông, một ly sữa đá ít sữa. Và lúc nào, kèm theo ly cà-phê là một ly trà nóng hay với đá lạnh tùy thích.

Quán nước không bảng hiệu, cũng là nhà riêng, được hai chị em quán xuyến, vì vậy có tên gọi quán cà-phê “Chị Em”. Cà-phê nơi đây đậm đà, có vị đắng nhẹ, ngụm nào ra ngụm nấy. Cũng ở nơi đây, ông quen được ông Đức bán vé số, hóng hớt chuyện xóm cảng qua giọng nói đả đớt của chú Hảo bằng thứ ngôn ngữ ngoài hành tinh, chỉ hai chị em chủ quán hiểu. Nguyên nhân xảy ra đám cháy ngôi nhà bỏ hoang chiều qua? Lý do hai cô gái trẻ nắm tay nhau nhảy sông tự tử gây xôn xao dư luận cả thành phố cả tuần nay. Chuyện ma ám trong căn nhà treo bảng bán nhiều tháng qua, không ai dám mua.

Ấy mà, khi chú Hảo đứng chống nạnh giữa quán cà-phê, giạng chân, nẩy bụng, hất mặt nhái giọng bà Loan cháo lòng quát tháo the thé một sáng nọ. Giọng chú đột nhiên rõ ràng, bén ngót từng chữ như có ai nhập xác, nói giùm:

Xem thêm:   Thôi thì bán bắp...

“Đồ đĩ ngựa! Cái thứ chó chê mèo mửa như mầy, tối ngày chỉ biết tô mặt vẽ mày, chưng diện như gái đứng đường, đi rượn hết thằng nầy tới thằng khác, còn bày đặt chảnh chó.”

Nói xong, chú quày quả bỏ đi, không ngoảnh mặt.

-oOo-

Những tối mười lăm, mười sáu âm lịch, ông và bạn thường ra biển ngắm trăng.

Bãi biển nơi đây vắng người, không có hàng quán xôn xao tiếng nhạc, thực khách ồn ào, ám tối như bãi cát hoang. Một bậc cấp xi-măng hình vòng cung đắp cao. Có đôi nam nữ ngồi thì thầm bên nhau. Đêm rằm thưa gió. Vầng trăng bạc tròn trĩnh, sáng rực treo ngang trời, rắc vảy lấp lánh lên mặt nước mực tàu đen quánh. Biển xô sóng từng đợt, từng đợt vỗ về lưng cát. Đó đây, vài chiếc thuyền thúng úp ngược. Hai đứa trẻ soi đèn, lúp xúp đuổi bắt còng biển trên bãi. Một nhóm chục người, đàn ông đàn bà trẻ con, đang xúm xít quanh nhau. Một người đứng cầm điện thoại bỏ túi, rọi đèn.

Ông tới gần. Họ đang gỡ cá. Vài người ngưng tay, ngước mặt nhìn người lạ, nhoẻn cười. Ông khẽ gật đầu thay cho tiếng chào. Họ giăng lưới gần bờ, vừa kéo lên. Người đàn ông thoăn thoắt gỡ mớ cá mắc lưới, lấy dép đập nát mấy con còng, ném lên cát. Bạn ông bấm vội vài tấm ảnh. Ông ngẩng mặt ngó vào ống kính, chợt thấy trên đụn cát lô nhô cỏ mọc phía bên kia một người đàn bà mặc quần áo trắng đứng day mặt ra biển, bất động như tượng. Thoảng khi, gió thốc lên, thổi sáng vầng trăng rằm. Manh áo trắng của người đàn bà rực lên. Chỉ một thoáng.

Ông rùng mình một cái như ớn lạnh.

“Tội nghiệp”, một giọng đàn bà chép miệng. Mọi người bất chợt im lặng, cùng lúc quay nhìn người đàn bà áo trắng. Cảnh tượng trông như một hoạt cảnh câm.

Ông day qua, bắt gặp tia mắt bà ta soi thẳng vào mắt ông. Như thể nhận ra nỗi hoang mang trên khuôn mặt người lạ, bà tiếp lời:

“Cả tuần nay, tối nào cũng thấy bả ra đứng đó. Ai cũng lấy làm lạ. Hỏi thăm thì biết, chồng bả đi biển nhiều tuần nay rồi, không thấy trở lại.”

NND (04.2025)