Nhà văn Mai Ninh qua đời chiều ngày 22 tháng 3-2025 tại Thủ Đức vì ung thư tụy. Tiễn chị đi, người bạn thủy chung là Nguyễn Thị Xuân Sương bút danh Miêng ghi lại những ngày cuối của Mai Ninh. Một Mai Ninh mà những ai từng gặp đều giữ trong lòng hình ảnh một phụ nữ đằm thắm, thông minh và tài hoa.
[Trần Vũ]
Tên thật là Nguyễn Mai Ninh, sinh năm 1950 theo gia đình di cư từ Bắc vào Nam và lớn lên ở Sàigòn. Được học bổng du học của chính phủ Pháp năm 1968. Mười năm sau lấy bằng Tiến sĩ Kỹ sư và năm 1982 lấy bằng Tiến sĩ quốc gia về Vật lý Nguyên tử.
Làm nghiên cứu khoa học cho Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS) và dạy ở đại học Caen.
Mai Ninh đã viết một số bài khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. Bắt đầu cầm bút sáng tác văn chương khoảng những năm cuối thập niên 90. Cộng tác với các tạp chí: Kiến Thức Ngày Nay, Tia Sáng, Sông Hương, Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Diễn Đàn…
Đã xuất bản
Hợp Âm trong vùng sân khuất (NXB Thời Mới, Canada, 2000)
Ảo Đăng (NXB Hội Nhà Văn, 2003)
Cá Voi trầm sát (NXB Trẻ, 2004)
Dậy đi Rối ơi (NXB Phụ Nữ, 2010)
Miêng
Vậy là Mai Ninh vừa bước qua ngưỡng ấy, nơi không có tường cũng không khung cửa, ngay cả một đường vẽ ranh giới cũng không, nên chẳng bao giờ khép lại, để mọi người rồi ai cũng sẽ bước qua…
Ông bà nói Sống cho khỏe, chết cho nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc. Mai Ninh được trọn vẹn điều thứ bốn.
Lần chúng tôi ghé thăm Mai Ninh trước khi trở lại Pháp, và cũng là cuối cùng, vào đầu tháng 12 năm 2024. Chúng tôi đi dạo khỏi khu nhà chừng 200 mét là ra tới bờ sông Sàigòn, có ghế ngồi hóng mát, là đã thấy sức Mai Ninh không như lần thăm trước vào đầu tháng 10 rồi. Mai Ninh nói “Nhiều khi đau quá, em mong đi sớm cho rồi”. Tôi nửa đùa nửa thật “Xuống đó trước rồi khi tụi này xuống thì nhớ đi đón nghen”. Nhà tôi bảo “Xuống dưới đó cũng gặp nhiều bạn bè rồi”. Và chúng tôi kể ra anh Phan Huy Đường, anh Chân Phương, anh Trần Hữu Dũng, anh Đặng Tiến, chị Phạm Tư Thanh Thiện, anh Cao Huy Thuần, anh Nghiêm Xuân Kính, anh Huỳnh Hùng… Và chúng tôi cùng cười như thể viễn ảnh đó đầy triển vọng.
Ngồi với nhau ở đây, không có con bên cạnh, lần nào Mai Ninh cũng nói về nỗi lòng mình. Lần trước thì cáu cô giúp việc Âu Lan nó thuê con nhỏ đó phí quá S. à, nó có làm gì đâu, chỉ làm theo à la lettre con Âu Lan dặn là canh chừng em, thì trong khi em ăn cơm nó ngồi bên kia bàn, cứ nhìn em lom lom. Ban đầu em cáu, sau em mặc kệ. Tôi phì cười, một người quen sống độc lập tự do và thanh nhã, giờ bị canh chừng kiểu thô thiển ấy thì sao không cáu. Rồi với cô giúp việc sau rất tốt, rất hài lòng, thì Mai Ninh lại có nỗi lo thiết thực khác, cho Âu Lan. Nỗi lo như tất cả các bà mẹ, dù rất đúng nhưng luôn nằm ngoài khả năng định đoạt của mình. Chỉ biết an ủi là thôi để trời tính, Mai Ninh chỉ phải lo cho sức khỏe thôi.

Nhà văn Miêng
Rồi chỉ một tháng sau, anh chị Trần Cung – Thu Thủy từ Đức về, ghé thăm, mới biết rằng Mai Ninh nói rất ít, nằm co chân lên cho đỡ đau lưng, hoặc nằm co quắp, úp mặt vào tường… Chợt nhớ đến một Mai Ninh vui vẻ thoăn thoắt ngày anh Đặng Tiến dẫn chúng tôi đi chơi trên sông Thu Bồn, tối về ngủ lại nhà gia đình bạn anh ấy ở làng Đại Bường. Cơm nước xong chúng tôi đi dạo quanh làng, dưới ánh trăng. Cảnh tình hài hòa, thơ mộng. Làng này rất trù phú, nhà nào cũng khang trang với vườn rào bao bọc kín đáo, người ta gọi đây là miền Nam thu nhỏ, vì có cả sầu riêng và măng cụt. Mãi lâu mới về nhà, hai đứa nằm chung trên chõng tre, gió lạnh kể gì, chúng tôi co quắp lưng tựa vào nhau cho ấm và chuyện trò cười rúc rích. Giờ thì Mai Ninh cũng co quắp đấy! Mỗi lần từ Vũng Tàu về thăm, chị Thu Thủy lại kiên nhẫn vuốt ve lưng bạn, như thể cố đuổi cái ác ra khỏi người đứa em nhỏ và cố truyền chút năng lực từ mình.
Đó là hình ảnh con Cá voi nằm im chờ ngày trầm sát, sẵn sàng đối diện điều tồi tệ nhất, không sức lực gọt giũa từng chữ uyển chuyển văn chương nữa. Một Mai Ninh vừa giản dị gần gũi, vừa kiểu cách của nền giáo dục Bắc Hà, chi tiết nào cũng phải chỉn chu hoàn hảo, lịch sự ngọt ngào và rạch ròi chu đáo, cả trong văn và ngoài đời, bây giờ phó mặc. Nếu đúng Văn là người, thì Mai Ninh là người tinh tế dịu dàng nhưng cũng dứt khoát, kiên định. Hiếm khi chúng tôi trao đổi nhau các bài trước khi đăng, nhưng thỉnh thoảng Mai Ninh đưa tôi đọc trước thì tôi luôn luôn sửa lưng Mai Ninh về bệnh cầu kỳ. Tôi thì viết cụt ngủn, ngắn gọn, nên thường bảo Mai Ninh “đừng đếm”, Em bưng trên tay chậu hoa, việc gì phải đếm Em bưng trên tay một chậu hoa. Tựa là Nắng đã đủ bao la, cần gì phải Một ngày đầy nắng. Thường là Mai Ninh cười Ừ nhỉ. Và sửa.
Nhớ những lần xuống Caen chơi nhà Mai Ninh, căn nhà rộng và khu vườn cũng rộng có cây to, vậy mà chỉ một mình mỏng manh nhỏ bé lại thản nhiên sống ở đó nhiều năm và thường tiếp đón bạn bè phải nói là khắp thế giới. Hoặc thỉnh thoảng một trong chúng tôi có sách mới in sắp chào hàng, thì Trọng Tuyến, Hoàng Yến, Mai Ninh, Quỳnh Dao tụ họp tại nhà chúng tôi để “lên chương trình” như thể sự kiện gì to tát quan trọng lắm, mà thực ra là chỉ để nói để cười. Nhiều lần như những lúc này, anh Hùng ông xã của Quỳnh Dao thường nói với nhà tôi “Từ ngày cưới nhau, moi chưa bao giờ nghe bả cười như vậy đó toi”. Mà thời đó sao có nhiều chuyện vui để cười đến thế, sao chúng tôi dễ cười đến thế, và tiếng cười giòn tan đến thế.

Nguyễn-Võ Thu Hương (trái) và Mai Ninh (phải)
Ngày ra mắt Cá Voi Trầm Sát, tôi giới thiệu. Đang nói ngon lành, chợt bắt gặp ánh mắt một chị nhìn tôi chăm chăm. Trời ạ, chẳng hiểu cái lỗ của trí nhớ đã được đào từ bao giờ, từ đâu, bất ngờ nhào tới, trong tích tắc tôi chẳng nhớ đang nói và phải nói cái gì. Im lặng, lòng hơi rối. Tôi nhìn Mai Ninh, thì Mai Ninh cũng đang nhìn tôi… đắm đuối, chăm chú theo dõi để nghe tôi viết cái gì, bởi vì tôi đã không cho xem trước. May là cái lỗ oái oăm ấy được lấp lại nhanh chóng, và nhất là sau đó Mai Ninh nói chị đã dẫn chứng những chỗ như em cũng đã nghĩ tới và thích nhất. Có thể nói chúng tôi khác nhau cũng lắm mà hạp nhau cũng nhiều. Mai Ninh là người bạn có thể nói với nhau được nhiều đề tài, nói không ngần ngại, không có vùng tối dễ hiểu nhầm, và không có khoảng lặng lúng túng nặng nề trong câu chuyện.
Nhóm chúng tôi không quen nhau qua viết lách văn chương, mà chơi hạp, và thương mến gắn bó nhau. Rồi cũng như bất kỳ chị em nào, chúng tôi cũng cự nự cau có với nhau, nhưng vẫn hòa nhi bất đồng, xa nhau thì nhớ. Về hưu thì ráng thu xếp để ít nhất mỗi năm đi chơi xa với nhau một lần, cùng nhau thực hiện một công trình thiện nguyện nào đó. Mỗi lần, anh Nguyễn Minh Châu đều gom hết chúng tôi vào máy, mai này coi lại hẳn phải bùi ngùi. Chỉ 9 người giờ đã mất 2, câu chuyện nào cũng sẽ kém phần rôm rả, nụ cười nào cũng sẽ nhiều ít đượm buồn.
Có lần Mai Ninh viết Lâu nay rồi sao em hay lo âu và bi quan dễ sợ chị ơi, cho dù như chị bảo: chúng ta là những người có phúc phần lắm so với bao nhiêu người trên đời này. Từ tâm trạng âu sầu đó, lại rất ủy mị nhắc tới những chuyện ngày xưa, rằng em nhớ ơn anh chị đã cưu mang em khi em đau ốm, anh chị đã chăm sóc nâng đỡ em… Nhưng thật ra những ngày đó chúng tôi lại được ăn ngon hơn, từ tay người bệnh nấu, Mai Ninh làm những món hơi cầu kỳ tôi thích mà không biết làm. Nhưng phụ thì không cho, cứ bảo để đó em làm, tôi hỏi không tin tưởng hả, cười, trả lời chị nói chuyện với em là đủ rồi. Và đúng là tôi chỉ nói và nhìn: một người lý trí, tính toán chính xác trong lĩnh vực khoa học, lại cũng là người tâm hồn ướt át mềm mại trong văn chương, lại cũng là người đảm đang hoàn hảo việc nhà, nội trợ. Và chẳng thích ngồi không, cứ như trong thân thể của cô bắc kỳ nho nhỏ mảnh khảnh kia lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Vì vậy bây giờ, trong mỗi ngóc ngách nhà chúng tôi đều mang ít nhiều kỷ niệm của người vừa rời bỏ cõi này. Có tiếng kêu leng keng của các chiếc vòng đeo tay chạm nhau buổi sáng Mai Ninh rửa mặt. Có tiếng lục đục trong bếp S. ơi sao em không tìm thấy hộp đường. Có tiếng bước nhẹ xuống cầu thang mà tiếng bật cười giòn giã khi thấy vợ chồng tôi ngồi đọc báo với hai chiếc mũ Mai Ninh vừa tặng. Hoặc là sau này, vừa ăn cơm xong lại hỏi chị thấy em đã chích thuốc chưa. Những lúc đó tôi nhìn bạn mình không nói gì, không biết nghĩ gì. Giờ những điều rất giản dị này cũng đã thành cổ tích.

Khánh Trường và Mai Ninh ở Normandie
Từ khi biết Mai Ninh bịnh, ngày ngày tôi chỉ biết cầu xin ơn trên gia hộ kiểu nào đó cho Mai Ninh bớt khổ, tha thiết khẩn cầu phép mầu cho bạn. Mới thấy rõ ràng rằng niềm đau nỗi buồn chẳng bao giờ là chia sẻ được, dù người nói có dốc hết tâm thành. Chia tay sau mỗi lần thăm thì hai cái trán áp vào nhau, tôi ôm khuôn mặt còn chút đỉnh thịt so với thân hình, ve vuốt tóc, Mai Ninh ôm eo tôi, và khóc… Đứa nào cũng biết đó có thể là lần cuối còn nhìn thấy nhau, còn chạm được nhau, còn nghe nhau nói.
Khi tôi bày tỏ ngạc nhiên sao với căn bịnh này, giai đoạn này, mà bác sĩ không cho Mai Ninh dùng morphine, lại vẫn chỉ là Tramadol mà trời, Tramadol thì tôi nhức đầu uống còn không khỏi, và Salonpas thì chỉ dùng khi ê ẩm chớ chẳng ích dụng gì, thì Mạch Nha trả lời: “2006, đêm cuối cùng, bố em đi đến giai đoạn phù não, đau đớn vật vã, bệnh viện vẫn không cho morphine, nói là không có. Em nói: “Vậy thì để tôi đi tìm mua morphine bên ngoài.” Họ không chịu, nói là không được phép sử dụng nguồn thuốc không thuộc quản lý của bệnh viện. Em chỉ biết nắm tay bố, nói: “Bố cứ bấu vào con đi cho đỡ đau.” Ông sợ làm em đau, chỉ nắm lấy vạt áo. Khi bố ngất đi, em cảm thấy nhẹ nhõm vì như vậy ông không đau nữa”.
Tôi đọc đi đọc lại vẫn lạnh sống lưng, nổi da gà vì xúc động. Và không cầm được nước mắt. Hình ảnh một ông bố đang vật lộn với tử thần, vẫn e ngại sợ con gái bị đau, chỉ dám nắm lấy vạt áo. Hình ảnh đứa con biết sắp mất bố rồi, hết lòng muốn làm điều gì cho bố mà bất lực. Thật là bi hùng. Và giờ thì tôi tin rằng Mai Ninh và con cháu cũng đã vừa trải qua tâm trạng đó.
Bây giờ thì nhẹ nhõm rồi, Mai Ninh không còn đau đớn nữa, không còn lo âu nữa, không còn cơn ác mộng lặp đi lặp lại cảnh ngày thi mà tới nơi cổng trường đã khóa… Và tôi cũng không còn thỉnh thoảng nhận được meo S. ơi món này dễ làm nè S., hay Chị đọc quyển này chưa, hay vẫn rất… bắc kỳ rào đón Em có thể lên ở nhà anh chị ít ngày không… Giờ khỏe mạnh rồi, rảnh rang rồi, lại sắp tiếp tục làm chương trình Biogaz Vi Tín Dụng với chị Thanh Thiện thôi!
Nhiều năm trước Mai Ninh thường tâm sự, trong héo ngoài tươi. Mỗi lần vậy tôi chỉ im nghe và rút đưa khăn giấy. Giờ thì nói như Quỳnh Dao “Je ne pleure pas, mais les larmes cứ tuôn ra”. Tôi rút khăn giấy cho mình.
Vĩnh biệt Mai Ninh thân yêu. An nghỉ nhé. Sẽ gặp lại nhau một ngày nào đó. Nhưng khoan vội, ráng gượm lại một phút Ninh ơi, cho mình siết Ninh thật chặt lần cuối cùng, trước khi vĩnh viễn bước vào thời kỳ không bao giờ chạm vào nhau ở cõi này được nữa…
Xuân Sương (Miêng)
Paris, 22 tháng 3, 2025.