Đây nè! Nhưng xích lô đạp sau hơn nửa thế kỷ đã khác nhiều rồi. Thôi thì nhắc nhớ xích lô đạp ngày cũ để biết có lúc đời nó lẫn lộn buồn vui, bị “hóa kiếp” đến “tái sinh”…
Một thời khó quên
Ðó là đầu những năm 1960, thời tôi hơn 10 tuổi, theo mẹ hay đi xích lô đến rạp hát coi cải lương… Tiếng là đi xích lô nhưng không được ngồi ghế nệm dựa ngửa mà ngồi trên một miếng gỗ rộng hơn gang bàn tay, gác ngang hai bên chỗ đặt cánh tay. Ghế nệm thường dành cho người lớn. Giống như hồi nhỏ khi ra quán hớt tóc cũng phải ngồi trên miếng gỗ nhỏ gác ngang. Ngồi lọt thỏm dưới ghế làm sao ông thợ cắt tóc với cạo mặt cho được!
Trại hồi cư (nay là khối phố Tam Giác 2, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) nơi tôi ở, có gia đình 3 đời đạp xích lô như ông Chánh Hảo (cha), chú Hồng (con), anh Bé (cháu); 2 đời đạp xích lô thì nhiều như ông Cà (cha), anh Bốn Thành (con); ông Ba (cha), anh Lợi (con); ông Liên (cha), anh Hùng (con); ông Xuân… Người đạp xe xích lô có cuộc sống khá ổn định. Thời ấy xe xích lô rất có giá. Năm 1976, mua lại chiếc xích lô đã là 1.2 lượng vàng. Khách ngồi xích lô tuy có hơi nguy hiểm do phải “đứng mũi chịu sào”, ngồi phía trước đối diện với hiểm nguy. Nhưng không phải áy náy khi chứng kiến cảnh người đạp phía sau gò lưng, rướn người, căng chân ra đạp. Khác với những năm 30 của thế kỷ trước, có xe kéo tay. Khách phải thấy tận mắt người kéo xe vất vả dùng tay chân mất nhiều sức… Để phòng tránh tai nạn, ngoài chuông ra, chạy ban đêm xe xích lô có gắn đèn dầu nữa.
Ký ức buồn vui về xích lô đạp
Cuối những năm 1980, ở Đà Nẵng có Hợp tác xã Xe thô sơ trong đó có Xích lô đạp với hơn 200 xã viên. Số ngoài Hợp tác xã cũng gần phân nửa. Những người lớn tuổi thì chạy xích lô đạp chở khách ban ngày. Ban đêm ngủ lấy sức. Với lại, cũng thường hay hú vài ba chiến hữu “gầy độ nhậu”: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều. Một xị, một dĩa là điều tất nhiên!” cho giãn gân cốt. Tối về đánh một giấc tới sáng, rồi tiếp tục… đạp xe ra đường. Những người trẻ, hầu hết số thất nghiệp, thì mướn lại xích lô để đạp ban đêm kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Có sinh viên, thanh niên chưa có việc làm muốn có ít đồng rủng rỉnh mua cái này sắm cái kia thì tối lấy xe của cha hoặc chú mình đạp ra đường… tới sáng. Ban ngày ngủ bù!
Khi được hỏi chuyện vui buồn trong nghề đạp xích lô, Ph. năm nay gần lục tuần, nhớ lại chuyện nghề… hơn 30 năm trước. Ph. chạy xích lô đạp ban đêm, ngày ngủ, có bảng số xe XL-1056. “Bảng số này nó gắn với nghiệp của em. Mười (10) năm (5) cũng không có lộc (6 là lục), có nghĩa là nhiều lộc, phúc, chỉ có mỏi mệt! Có đêm hai, ba chục nghìn, có đêm “húp cháo rùa”! Chở khách đêm cũng được boa nhưng có lúc bị khách quỵt tiền cũng xảy ra”. Anh L.M.H (sinh năm 1968) dáng người ốm nhom. H. mướn xe của ông anh bà con cô cậu ruột, để chạy đêm. Chạy chi thì chạy, nhận xe từ 7 giờ tối đến đúng 5 giờ sáng phải giao xe để ông anh chở bà Tám Hướng bán xôi bắp trong xóm xuống Chợ Cồn. Tướng đã gầy hay uống rượu, hút thuốc lại chạy xe đêm nên sức lực bị bào mòn thấy rõ. H. kể lại: “Lúc ấy hơn 11 giờ khuya, em đạp xe đến ngã ba Hoàng Hoa Thám – Lý Thái Tổ, có 3 ông khách đón lại. Em mới rà phanh tấp vô lề thì 3 ông giành nhau nhảy phốc lên xe. Xe chổng hất em xuống đường cái ịch. Lồm cồm bò dậy thì nghe: “Lên ngã ba Huế…ba chục nghìn!” Nghe rứa thấy khỏe ra liền. Nhưng ngửi được mùi bia rượu nồng nặc của họ thì em thấy… mất lửa mẹ hắn luôn. Thôi thì ráng mà đạp. Mới đạp tới ngã ba Cai Lang thì… ngáp cá luôn! Một ông nhảy xuống xe la to: “Đổi tài!”. Ờ đổi thì đổi cho khỏe. Không ngờ chạy một đoạn là ổng cứ đâm xe vô lề 3, 4 lần. Em năn nỉ thiếu điều quỳ lạy mấy chú tha cho con nhờ. Một ông run run giúi vào tay em tờ 5 nghìn đồng với mấy điếu thuốc Dalat rồi kéo nhau đi nghiêng ngả”.
Đạp xích lô đêm mát trời dễ chịu, vắng xe, ít sợ tai nạn giao thông. Thỉnh thoảng cũng được khách Tây hoặc khách Ta chơi sộp boa thêm tiền. Nhưng gặp khách cô hồn quỵt tiền hoặc say xỉn, ta nói cũng đọa, coi như… múc nước cho chó uống!

Xích lô đã hết thời!
Xích lô đạp… xuống đời!
Xe máy ôm, xe mô tô ôm cạnh tranh gay gắt với xe xích lô đạp, xe đạp ôm. Có người bán rẻ xích lô mua xe máy chạy cho… hợp thời trang! Xích lô đạp dần dần…nhường sân, nhường khách cho xe honda ôm! Đầu năm 2000, sang thế kỷ XXI, xích lô… gần như xuống đời!
Đau xót nhất là xe xích lô bị “cải tạo” thành xe chở rác! Có xe còn xác chứ không còn hồn. Người ta cắt rả ra, hàn thêm sắt móc vào xe máy để chở hàng. Xe bị tháo mái che, vè, dùng chuyên chở hàng vật liệu xây dựng… Xích lô Đà Nẵng không như xích lô ở Huế có gắn động cơ chở khách mà chỉ dùng chở vật liệu xây dựng cho đỡ tốn sức. Xích lô dựa bên hàng rào, chỏng chơ trên vỉa hè chẳng ai màng đến! Đời xích lô nó buồn gì đâu á!
Ông Tr. (69 tuổi) từng đạp xích lô chở khách, chở gạo… Năm 1990, ông mua chiếc xe giá 3 triệu đồng (tương đương 6.5 chỉ vàng) từ tiền vay xóa đói giảm nghèo của thành phố. Nay mỗi sáng đạp xe tà tà đi lượm nhôm nhựa, thùng xốp dồn lại rồi bán kiếm thêm thu nhập. Ông có mối chở hàng cho một chị bán chè trong xóm tôi. Thường xuyên tháng 26 buổi, trừ các ngày Chủ Nhật, được 1.5 triệu đồng, khá ổn. “Chừ mà nói xích lô chở khách là xưa rồi! Chỉ có mối chở hàng may ra còn lâu dài. Đến nỗi mấy cái chỗ đề pô bán cát sạn, sắt thép, tôn lợp cũng có người của hắn rồi. Còn mình năm thì mười họa mới chở được chuyến giàn giáo, xe rùa cho mấy ông thợ nề”.

‘cải tạo’ xe xích lô thành xe chở rác!
Xích lô đạp lại… lên đời!
Năm 2003, thành phố thành lập Đội Xích lô du lịch Đà Nẵng gồm 70 chiếc, dưới sự quản lý của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng. Đội hoạt động trong hệ thống tour thăm thú thành phố của du khách khi đến Đà Nẵng. Thành viên đội có sức khỏe, biết tạm tạm ngoại ngữ, nhưng am hiểu kiến thức về các điểm đến thăm như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Chợ Hàn, Nhà thờ Con Gà… Mỗi thành viên được trang bị đồng phục, mũ, thẻ. Khung sườn xe, vè bằng Inox, có mái che màu đỏ, ghế ngồi và dựa lưng của khách có lót nệm.
Trước năm 2019, xích lô du lịch hoạt động sôi nổi khi có khách đến bằng tàu biển hoặc phục vụ đưa đón khách đoàn hoặc phục vụ đám cưới v.v. Năm 2024, trang phục của đội ngũ, hơn 80 thành viên, được thiết kế mới, bắt mắt dễ nhận diện. Giá phục vụ 1 giờ là 125 nghìn đồng/xe/khách, giá đối với khách đoàn 120 nghìn đồng, phục vụ trong vòng 30 đến 45 phút
Sáng 30/3/2025, tôi gặp ông N. (sinh năm 1957), ở phường Hải Châu, tại ngã ba Trần Quốc Toản – Bạch Đằng. Ông từng đạp xích lô 30 năm, chạy xe mô tô ôm chở Tây hơn 10 năm. Giã từ, giã từ hết, ông chuyển sang làm bảo vệ giữ xe cho một quán cà phê. Nhưng công việc gò bó lại chịu nhiều áp lực ông bèn “quay xe”. Trông ông nhỏ con, da sạm nắng hẳn đã “trên từng cây số”. Khi được hỏi, ông hào hứng kể: “Nhờ người quen giới thiệu, em làm hồ sơ, khám sức khỏe đầy đủ nên được nhận vào Đội Xích lô du lịch. Em mừng lắm vì không bị gò bó. Ngó em nhỏ con ri chứ “chiến” lắm đó anh! Nhận xe về, lau chùi, vô lại dầu mỡ, thay cặp lốp hết 700 nghìn đồng. Xe do mình trông coi. Chạy mới nửa tháng nay, thu nhập kể ra cũng ổn”. Tôi hỏi nhỏ con thế này, chở khách người nước ngoài to béo có nổi không, ông N. cười to: “Ngó em ri chứ khỏe lắm anh nghe! Hôm qua chở một ông khách Hàn Quốc qua cầu Sông Hàn vòng về Cầu Rồng được 300 nghìn đồng. Chỗ mô lên dốc đạp oải quá thì mình nhảy xuống đẩy!”.
Một anh đạp xích lô, tuổi 60, đợi khách trước Nhà thờ Con Gà kể: “Tình trạng tranh giành khách đã không còn. Có tour đội sẽ điện, không thì mình chở khách lẻ. Hồi mô hễ thấy đạp không nổi nữa thì trả lại xe. Nói rứa chứ trong đội có ông Hiếu, 75 tuổi, ở chợ Đống Đa, vẫn còn đạp khỏe đó anh!”.
Thật sự mừng khi xích lô đạp… lên đời trở lại. Biết là không nhiều, chưa vượt quá con số 100. Nhưng nó cũng gợi nhớ lại hình ảnh xích lô đạp ngày xưa trên những nẻo đường thành phố. Lúc ấy xe làm gì sáng bóng, nhìn bắt mắt như bây giờ? Nhưng người đạp xe bây giờ vẫn là… người của muôn năm cũ. Họ hầu hết đều ngoài 50 cho đến hơn 70 tuổi. Cũng phải thôi, trẻ tuổi thì chạy xe ôm công nghệ, lái taxi…
Thỉnh thoảng xuống phố thấy xích lô đạp “đời mới” chở khách du lịch thong thả dạo trên đường. Xích lô chở khách ngắm sông Hàn hoặc cả đoàn vài chục chiếc chở đám cưới, nói thiệt, thấy lòng mình cũng rộn ràng, vui như sắp đính hôn!
Bài & ảnh LKD