CHUYÊN ĐỀ DUYÊN ANH – KỲ 8

Trong khảo luận Huỳnh Phan Anh đặt câu hỏi: “Những người đọc trẻ tuổi của Duyên Anh, thật ra họ đã tìm kiếm cái gì trong trang sách của ông, và họ đã bắt gặp cái gì?”

Và ông trả lời: “…theo tôi rất đơn giản. Họ (độc giả trẻ tuổi của Duyên Anh) tìm kiếm chính hình ảnh của họ, chính thế giới của họ. Họ tìm kiếm chính họ.”

Cá nhân tôi không mấy đồng ý. Chúng tôi, những độc giả nhi đồng lúc đó làm sao biết mình là ai để tìm kiếm chính mình? Lứa tuổi thiếu nhi chưa biết tìm hình ảnh của mình nhưng ngược lại ước ao làm Bồn Lừa đá banh tài hoa dù chưa từng lên Ban Mê Thuột; mơ thành Người Quang Trung cầm quân; ước sau này lớn cũng có một người bạn gái cùng dạo phố khuya đếm những bóng đèn đường đêm Giáng sinh, như Chương với Phượng trong Phượng Vỹ ở Thái Bình.

Độc giả tuổi nhỏ không tìm kiếm chính hình ảnh của mình  mà ước sao những hình ảnh Duyên Anh tạo ra sẽ xảy đến với mình. Điều đó gọi là mộng mơ.

[Trần vũ]

Huỳnh Phan Anh

Huyền thoại Duyên Anh

Tôi không thấy có những điểm khác biệt trầm trọng nào giữa các hiện tượng văn nghệ, ít ra là trên phương diện hình thức, dù chúng không cùng hít thở một bầu không khí chung của một thời đại hay một xã hội. Vẫn có những căn do tâm lý và xã hội đã biến Gide, Sartre, Camus, Sagan, Segal thành những tác giả thời thượng, những hiện tượng văn nghệ làm bá chủ một thời. Vẫn những căn do tâm lý và xã hội đã quyết định sự thành công của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Nhất Linh, Khái Hưng… của thời kỳ tiền chiến tại Việt Nam.

Trường hợp của Duyên Anh cũng không thoát ra ngoài những phạm trù tất yếu đó, Ở đây, dĩ nhiên, như đã nói, vấn đề giá trị nội tại trên bình diện văn nghệ thuần túy không nhất thiết đặt ra, có thể giá trị đó không liên quan gì tới một tác giả thời thượng, một hiện tượng văn nghệ, đặc biệt là “hiện tượng tác giả có sách bán chạy nhất” của thời đại này. Hiện tượng văn nghệ là hiện tượng của đám đông, của đại chúng. Nó cần thiết được giải thích, soi sáng bằng chính những ước vọng, những đam mê gần gũi nhất của đám đông đó, của đại chúng đó. Nó cần được đặt vào những trào lưu, những điều kiện sinh động nhất của xã hội hay thời đại. Tách rời Duyên Anh ra khỏi tất cả những thứ làm nên một môi trường, một hoàn cảnh trong đó Duyên Anh sống và viết, trong đó Duyên Anh được nuôi dưỡng, người ta khó lòng lãnh hội được hiện tượng Duyên Anh. Tôi nghĩ hơn ai hết, có lẽ Duyên Anh thừa hiểu rằng trước khi là một nhà văn, ông đã là một quan sát viên, một chứng nhân, vừa là một diễn viên tham dự trực tiếp vào dòng sinh động phong phú của một thời đại, một giai đoạn lịch sử. Có thể Duyên Anh đã không phản ảnh trọn vẹn một thời đại của ông trong tác phẩm của ông. Nhưng điều mà người đọc có thể nhận ra một cách dễ dàng là Duyên Anh đã viết cũng như đã sống không ở ngoài mà ở ngay trong thời đại của mình, không với tư cách của một khách bàng quan, dửng dưng, lạc lõng, mà với tư cách một kẻ tình nguyện gia nhập vào cuộc đời, tình nguyện kết thân với nó, lắng nghe nó, chuyện trò với nó, như một tâm hồn bạn, gần gũi và thân mật. Đọc Duyên Anh người ta không khổ công tìm kiếm cái chất đời sống trong tác phẩm ông. Tưởng tượng ông viết với những tiếng động của đời sống chung quanh. Tưởng tượng ông viết như người ta đón bắt những hình ảnh, những âm thanh của dòng đời hối hả.

Bóng dáng đời sống trong tác phẩm Duyên Anh có thể còn thiếu hẳn những kích thước cần thiết đúng với sự đòi hỏi của một độc giả khó tính, người ta cũng có thể trách Duyên Anh đã không vận dụng đúng mức khả năng của ngôn ngữ trong việc lột tả hay đào sâu những thực tại cùng những chất liệu phong phú của đời sống. Người ta có thể cho rằng Duyên Anh quá dễ dãi với chính mình vì đã bỏ quên hay không biết tới những viễn tượng bi thảm, hay khốn khổ có tính cách siêu hình về đời sống.

Nhưng liệu người ta có thể trách Duyên Anh đã chọn lựa một đời sống hay đúng ra một khía cạnh của đời sống để mô tả, đã chọn lựa một cách nhìn đời sống và từ đó, chọn lựa cho tác phẩm mình một đường hướng rõ ràng, dứt khoát.

Đời sống thể hiện, phát hiện trong tác phẩm Duyên Anh, đó là thứ đời sống gần gũi, quen thuộc, thân mật dễ dàng bắt gặp nhất. Nó không mang nặng những ưu tư quá lớn, những khắc khoải quá sâu xa, những rung động quá siêu hình. Nó cũng không dừng lại ở trạng thái quá thô sơ, tầm thường. Nó là cái trung bình. Và để dùng một danh từ quen thuộc của các nhà xã hội học hiện đại nó chính là đời sống hàng ngày với những dung mạo và kích thước vừa tầm, đúng mức của nó. Đời sống đó không phải của thánh nhân cũng không phải của quỷ sứ mà của mỗi người trong chúng ta, của những con người không tên không tuổi xuất hiện nhan nhản  ngoài đường phố trong đám đông. Đó là đời sống của những con người không có tiểu sử hay tiểu sử của họ đã tan biến vào dòng lịch sử chung của một tập thể hay một thời đại: những con người trung bình, những con người thường nhật.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (06/05/2025)

Cũng như phần đông những truyện dài của Duyên Anh đã từng xuất hiện từng kỳ trên trang báo nhật trình, đời sống dưới ngòi bút của ông luôn luôn có tính cách gần gũi, sống động. Nó không là một đối tượng ù lì. Nó tồn tục trôi chảy, ngày tiếp theo ngày. Nó luôn luôn hứa hẹn, như hai tiếng “còn nữa” hay “còn tiếp” xuất hiện dưới mỗi kỳ Feuilleton của một trang nhật báo. Phải đó chính là đời sống vô cùng phong phú và cũng vô cùng quen thuộc của những nhà văn viết Feuilleton, nó xuất hiện ngay trước mắt, trong tầm tay chờ đợi được hóa thân thành chữ nghĩa.

Chọn một cách nhìn đời sống, một cách thể hiện đời sống đó, Duyên Anh đã quyết định ngay tác phẩm của ông và, từ đó, chính sự nghiệp của ông. Ông biết ông viết cái gì. Ông biết ông viết cho ai. Ai? Ai đọc Duyên Anh, còn hứa hẹn tiếp tục đọc Duyên Anh? Đâu là mẫu người, lớp người vẫn mua sách Duyên Anh, vẫn đọc ông, vẫn yêu mến ông, vẫn trung thành với ông? Đâu là mẫu người, lớp người mà, ngay trong khi viết, ông đã nhắm tới, đã chọn là độc giả của ông? Như đã nói Duyên Anh vẫn được xem là nhà văn của tuổi trẻ. Nếu thành phần độc giả quyết định của Duyên Anh là lứa tuổi này, chắc chắn đó không là điều đáng ngạc nhiên. Bởi có thể nói rằng trên từng trang sách của Duyên Anh đều bàng bạc những hơi thở nồng nàn, đầm ấm của tuổi hoa niên. Thế giới của Duyên Anh là thế giới riêng biệt của lứa tuổi vẫn được xem là đẹp nhất của đời người, lứa tuổi đánh dấu bằng đoạn đời vàng son nhất của kiếp nhân sinh, từ lúc còn thập thò bên tà áo mẹ trong buổi học đầu tiên cho tới lúc vào đời với những bước chân còn bỡ ngỡ, với tâm hồn mai đây còn ôm ấp mãi căn bệnh của quá khứ. Ngay từ tập truyện đầu tiên – Hoa Thiên Lý – Duyên Anh đã chọn lựa thế giới hồn nhiên trong sáng đó. Sự chọn lựa của một nhà văn ngay trong tác phẩm đầu tiên của mình là một chọn lựa có tính cách định đoạt. Những tác phẩm đến sau chỉ còn là những cố gắng mở rộng chân trời đã vạch sẵn. Duyên Anh đã chọn lựa một thế giới cho riêng mình và đã trung thành với thế giới đó. Ông viết trong tình yêu mến cái thế giới đó. Tức là không ngớt hẹn hò với nó, không ngớt kêu gọi nó trở về để chuyện trò thăm hỏi. Có thể một nhà văn không có quá nhiều tác phẩm để viết, không có quá nhiều điều để nói. Hắn chỉ có một tác phẩm để viết mãi không thôi, để đào sâu và mở rộng không ngừng, tác phẩm như một công trình đời đời dang dở nghĩa là luôn luôn chờ đợi hoàn tất. Liệu có nhà văn nào tự hào đã viết dòng chữ sau cùng cho tác phẩm mình, đã bước cái bước sau cùng của đoạn đời sáng tạo, đã làm tròn nhiệm vụ đối với chính tác phẩm của mình. Đâu là bến bờ của tác phẩm. Đâu là giới hạn của thế giới văn chương.

Và đọc, tức là lên đường tìm kiếm một thế giới. Thế giới của ai? Có phải là thế giới riêng biệt của một nhà văn mà mình tình nguyện lạc vào và chỉ có thế? Những người đọc trẻ tuổi của Duyên Anh, thật ra họ đã tìm kiếm cái gì trong trang sách của ông, và họ đã bắt gặp cái gì? Câu trả lời đồng thời là câu cắt nghĩa, cắt nghĩa sự thành công của Duyên Anh, cắt nghĩa hiện tượng Duyên Anh. Câu trả lời theo tôi rất đơn giản. Họ (độc giả trẻ tuổi của Duyên Anh) tìm kiếm chính hình ảnh của họ, chính thế giới của họ. Họ tìm kiếm chính họ. Và tác phẩm chỉ còn là cơ hội để người đọc gặp lại chính mình, như một tấm gương trung thực.

Tác phẩm Duyên Anh chính là tấm gương ném trả lại cho người đọc những hình ảnh no đầy của tuổi trẻ, lứa tuổi vàng son người ta đang bay nhảy trong đó, hay lứa tuổi thiên đường đã một lần đánh mất, đời đời sẽ chỉ còn là kỷ niệm.

Người ta viết về tuổi trẻ không riêng cho tuổi trẻ đọc. Người ta còn viết cho những tâm hồn không phân biệt tuổi tác, đã từng sống qua những tháng ngày tươi thắm nhất, rộn ràng nhất kia của đời người. Văn chương tuổi nhỏ không chỉ là văn chương của tuổi nhỏ. Bởi thế giới tuổi nhỏ là thế giới đời đời, không ngăn cách, không giới hạn. Đó là thế giới kỳ diệu một lần đi qua để trở về không ngớt, và ngời sáng biết bao nhiêu trong mỗi lượt nó trở về. Không. Nó không đi đâu cả. Nó vẫn ở đó, ngủ yên trong bốn bề vắng lặng của vùng tâm thức âm u, như vương quốc Atlantide chìm sâu trong lòng đại dương theo huyền thoại của thời nào xa xưa. Vâng, nó vẫn ở đó, trong mỗi chúng ta, để rồi chỉ cần một tiếng gọi âm thầm thốt lên từ một trang sách hay từ một chút rung động của thời tiết, bao nhiêu đó thôi đã đủ đánh thức nó dậy, rực rỡ như ngày nào.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 26 tháng 6 năm 2025

Ai trong chúng ta không từng sống qua một thời tuổi nhỏ. Ai trong chúng ta không còn giữ gìn, ôm ấp những kỷ niệm của một thời tuổi nhỏ. Tuổi nhỏ, nó như một góc thiên đường trìu mến để nhớ lại, để quay về. Tuổi nhỏ, nó như một vùng trú ẩn muôn đời của những tâm hồn cằn cỗi muốn quay lưng trước thực tế cay xè, chất ngất. Tìm về tuổi nhỏ, phải chăng đó là chuyến hành hương kỳ diệu nhất, thiêng liêng nhất của mỗi đời người giữa muôn ngàn bủa vây và thôi thúc của đời sống.

Có cả một nền văn chương tuyệt vời của tuổi nhỏ. Một nền văn chương không có biên thùy, không có quốc tịch. Bởi vũ trụ của tuổi nhỏ, tuy bát ngát và phong phú muôn vàn nhưng lại là một vũ trụ hòa đồng, không hề biết đến những phân chia, ngăn cách. Những tên tuổi lừng lẫy của Anatole France, Alphonse Daudet, Charles Dickens, Andersen, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh… đã trở thành những tâm hồn bạn thân yêu trìu mến nhất của tuổi nhỏ muôn đời, của chúng ta. Có lẽ người ta cũng không còn nhớ họ. Họ không có tuổi tác. Họ đã gia nhập vào thế giới tuổi nhỏ để mãi mãi ở lại đó, mãi mãi là tâm hồn và tiếng nói của thế giới ngọc ngà đó. Họ vẫn không ngừng có mặt và lên tiếng trong mỗi chúng ta, thân mật và gần gũi, như chính tuổi nhỏ không ngừng có mặt và lên tiếng.

Ai trong mỗi người chúng ta không còn giữ lại những rung động đến từ những trang sách đầu tiên, từ những trang Quốc Văn Giáo Khoa Thư mộc mạc tới những đoạn văn hùng tráng của những nhà văn tuổi nhỏ, không, những công dân danh dự của thiên đường tuổi nhỏ. Những trang sách đó đã ru ta vào giấc mơ của một thời, đã thổi vào linh hồn ta hơi thở nồng nàn, những sức sống mãnh liệt. Những trang sách đó, những dòng chữ quen thuộc ngày đó, đã dàn ra, dựng lên một khung cảnh riêng tư, một khung cảnh kỳ tình đượm tính chất huyền thoại. Chỉ cần đọc lên những câu văn lộng lẫy đó. Chỉ cần nhìn lại cái thế giới trong vắt hiện lên từ những dòng chữ hồn nhiên như hơi thở đó. Đã quá đủ. Nếu không nói đã quá thừa. Để thấy tuổi nhỏ căng phồng, chiếm trong khoảng không gian chật chội của hồn mình. Nếu phải gọi đó là một nền văn chương, tôi không thấy một nền văn chương nào có đầy đủ những ma lực huyền diệu như văn chương tuổi nhỏ. Cũng như không có thứ ngôn ngữ nào hòa đồng như ngôn ngữ tuổi nhỏ. Hình ảnh của cậu bé theo mẹ đến trường vào một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, hoặc hình ảnh của chú nhóc con lưng đeo túi dết, băng qua khu vườn Lục Xâm Bảo vào một sáng tinh mơ của tháng mười… đó không là hình ảnh độc quyền của một Thanh Tịnh, một Anatole France hay của bất luận một tâm hồn nào khác trên mặt đất này, dưới một vòm trời nào có tính cách khác biệt riêng tư. Trái lại đó là hình ảnh chung đồng của tất cả mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói. Nó đời đời, nó bất tử và luôn luôn sáng đẹp ngời ngời. Nếu đời sống phân ly thì tuổi nhỏ là hình ảnh của sự kết hợp. Và văn chương của lứa tuổi đó (viết về lứa tuổi đó) lại càng là yếu tố kết hợp, là nơi hẹn hò của con người có thể chỉ gặp nhau, cảm thông nhau, yêu mến nhau trong thiên đường tuổi nhỏ. Trong viễn tượng này, và có lẽ chỉ trong viễn tượng này, tôi không ngần ngại nói lên niềm tin của mình ở sức mạnh, ở quyền năng và ở giá trị cao cả của văn chương, chữ nghĩa.

Phải chăng chúng ta vẫn không ngừng hướng về tuổi nhỏ? Phải chăng tuổi nhỏ và ký ức về tuổi nhỏ đã trở thành một căn bệnh cần thiết nhất trong mỗi chúng ta?

Và đọc Duyên Anh, phải chăng điều này cũng có nghĩa là tìm kiếm cái hình ảnh của tuổi nhỏ mà mọi người đều đã biết tới, sống qua, cái hình ảnh không ngớt sống lại, trở về: hình ảnh của tuổi nhỏ đời đời.

Dù có chấp nhận Duyên Anh hay không người ta vẫn phải đồng ý với nhau rằng Duyên Anh đã viết trong một ý hướng và một sự chọn lựa rõ rệt, đồng thời chính tác phẩm ông đã thể hiện ý hướng và sự chọn lựa đó. Ông viết cho những người sẽ đọc ông. Ông viết không để hỏi mà để trả lời. Để thỏa mãn tâm hồn người đọc trong những khát vọng của họ về một giai đoạn thần tiên nhất của đời người. Ông viết cho người đọc ở lứa tuổi mà ông tìm cách gợi lên, mô tả ngay trên những trang sách của ông. Nhìn vào số lượng tác phẩm quan trọng của Duyên Anh xuất bản, cho tới bây giờ căn cứ vào giọng văn và lối viết của ông, điểm nổi bật nhất người ta có thể tìm thấy là Duyên Anh vẫn trung thành với sự chọn lựa của mình.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 5 tháng 6 năm 2025

Người đọc có thể thích hay không thích Duyên Anh. Nhưng vấn đề ở đây không là tìm cách biện minh cho một sở thích, một khuynh hướng hay một khát vọng nào đó của độc giả đối với Duyên Anh. Vấn đề là nhìn thẳng vào nó, thừa nhận nó như một thực tại.

Có lẽ người ta đọc Duyên Anh không để đào sâu thêm một quan niệm hay một triết thuyết về cuộc đời đã có sẵn nơi mình, cũng không để tìm kiếm một mỹ quan thể hiện qua cách xây dựng tác phẩm hoặc sử dụng ngôn từ của tác giả. Người ta sẽ thất vọng nếu tìm tới Duyên Anh với những yêu cầu nghiệt ngã của một người đọc khó tính, những yêu cầu thuần túy trí thức hay siêu hình. Bởi điều đơn giản là Duyên Anh, qua những cuốn sách ông viết cho tới bây giờ, gần như không thể hiện một tham vọng sâu xa nào liên quan tới những phạm trù đó. Ông không thuộc lớp những nhà văn đặt nặng vấn đề ý thức trong tác phẩm mình. Ông cũng không bộc lộ một ý hướng cách mạng hay làm mới một cái gì trên bình diện chữ nghĩa.

Có lẽ Duyên Anh khiêm nhường hơn, ít tham vọng hơn. Ông không viết văn để giáo hóa hay nâng cao trình độ của độc giả, hoặc để buộc người đọc phải suy tư hay thắc mắc về những đề tài lớn lao liên quan tới sự sống hay chết của họ.

Người ta không đọc Duyên Anh bằng ý thức mà bằng sự xúc động của tâm hồn, để cùng với tác giả phiêu lạc trên những nẻo đường của trí nhớ và mộng mơ. Duyên Anh đã tạo hẳn cho mình một thế giới. Cái thế giới đó chan hòa thực tại và nước mắt. Cái thế giới đó đã được dựng lên bằng chính những rung động sống thật nhất cũng như bằng chính niềm tin thơ ngây và đôn hậu nhất của tác giả. Cái thế giới đó không quá cao xa, thoát vượt khỏi tầm tay của mọi người, trái lại vô cùng thân mật và gần gũi. Đọc Duyên Anh là tham dự vào cái thế giới đó không còn là sở hữu riêng biệt của tác giả, tức là chiếm trọn lấy nó trong một niềm rung động hồn nhiên, bộc phát, không đo lường, không tính toán. Nếu viết là thốt lên một tiếng gọi, phải chăng đọc Duyên Anh, điều này còn có nghĩa là đáp lại tiếng gọi thương yêu trìu mến của một tâm hồn mơ mộng. Mơ mộng phải chăng đây là chiếc chìa khóa quan trọng giải thích tác phẩm Duyên Anh.

Dù trong những hồi tưởng về tuổi ngọc hay một tuổi vàng đã mất, dù trong những cái nhìn thẳng vào thực tế phũ phàng trước mắt, Duyên Anh vẫn không ngừng mơ mộng và nhường lời cho mơ mộng được lên tiếng dưới ngòi bút của mình. Có lẽ nhờ thế mà thế giới của Duyên Anh là thế giới không biết đến sự khốn khổ ngay trong những tình cảnh khốn khổ của nó. Và điều người đọc có thể nhận ra dễ dàng là ở ngoài lãnh giới của sự mơ mộng, Duyên Anh chỉ còn là kẻ lạc loài đánh mất vũ trụ đích thật của mình. Duyên Anh là vũ trụ của thằng , thằng Côn, của Ngày Xưa Còn Bé, của Cầu Mơ  v.v. Vũ trụ trong đó tác giả bay bổng trong những vòm trời mộng tưởng của mình, không còn hiện tại gay gắt, không còn thực tế hung bạo. Mơ mộng chỉ là một trạng thái tâm hồn thụ động. Trái lại nó là một tác động và hơn thế nữa là một cách ngắm nhìn cuộc đời, một thái độ sống trước cuộc đời. Dù trong ý hướng chối bỏ hay lẩn tránh thực tế con người mặc nhiên biến đổi, thực tế đó bắt đầu từ mơ mộng.

Thời đại của chúng ta không là thời đại chứng kiến sự thiêu rụi và hủy diệt của mơ mộng dưới muôn ngàn lửa dữ? Phải chăng đó là thời đại con người ngày càng đánh mất mơ mộng để sống?

Duyên Anh thuộc số những nhà văn còn tin tưởng vào giá trị của sự mơ mộng. Dù trong ý hướng làm đẹp cuộc đời hay lãng quên, quay lưng trước thực tế xấu xa, khốn khổ, Duyên Anh lúc nào cũng trung thành và trọn vẹn với vũ trụ mơ mộng của mình, vũ trụ mà chắc hẳn ông là người đầu tiên yêu mến và tin tưởng./. (hết)

HPA (Sàigòn, 1972)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2024, từ khảo luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng và Thực của Huỳnh Phan Anh in tại Sàigòn năm 1972, Nxb Vàng Son, Chương II. số trang giới hạn, bản in trên tuần san Trẻ là bản cắt ngắn.