Nhiều người ở Quảng Nam, Kon Tum phất lên, trở nên giàu có nhờ “trúng” sâm. Nhưng cũng có không ít người và cả người “ăn theo” vướng … nợ!

Đường lên các vườn sâm ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam
Sâm Ngọc Linh là “Quốc Bảo”
Năm 1973, một đoàn người của ngành Y tế Việt Nam đi tìm cây thuốc. Họ phát hiện cây sâm (loài thảo dược có giá trị cao, người dân tộc thiểu số gọi là cây “thuốc giấu” hay “ngải rọm con”) ở núi Ngọc Linh. Một bên của Ngọc Linh là huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, một bên là huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thực hiện “Đề án Bảo tồn và Phát triển cây sâm Ngọc Linh”, Quảng Nam đưa ra nhiều chủ trương và chính sách để thực hiện. Thủ phủ sâm Ngọc Linh là huyện Nam Trà My. Trong đó Trà Linh là xã miền núi cao, có 4 thôn với gần 800 gia đình, gần 3,000 dân, hầu hết là người dân tộc thiểu số (DTTS) Xê Đăng, có nhiều vườn sâm. Anh T.T., một người kinh doanh sâm, cho biết: “Gần như 90% dân của xã trồng sâm, trong đó thôn 2 trồng nhiều. Từ năm 2015 khi biết sâm có giá trị, chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã “vực” sâm lên. Năm 2016, 2017 trồng sâm phát triển nhanh. Đến nỗi một số người DTTS ở đây cảnh giác với người lạ vì sợ họ lừa lấy đất trồng sâm!”.
Trước kia rất mất an ninh như một số vườn bị mất trộm sâm. Năm 2017 trở về sau tình hình có khác. Đời sống người dân được thay đổi. Sâm Ngọc Linh được xem là “Quốc Bảo”, người trồng cũng…lên ngôi. Ngày càng xuất hiện nhiều “đại gia sâm”. Người dân ở đây truyền miệng, về “trùm sâm”có N.V.L., dân tộc Xê Đăng, nay có cả nghìn tỉ đồng. Vườn sâm vài trăm tỉ (có vài chục người) như các ông người Xê Đăng H.V.D (từng làm bên ngành Dược), H.V.B, H.V.Ph…
Năm 2015 địa phương quảng bá cây sâm Ngọc Linh rầm rộ. Trung tâm huyện có 3, 4 showroom giới thiệu các sản phẩm. Lá sâm tươi giá 12 triệu đồng/kg. Một ký lá sâm khô (bằng từ 9 kg đến 10 kg lá sâm tươi) giá từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đó là lá xanh không lẫn lá vàng úa đã rụng. Củ, lá, thân sâm ngâm rượu bán tùy loại tuổi, kích cỡ, trọng lượng … “Các năm trước sâm hiếm, thị trường chưa ổn định nên giá thay đổi hằng tháng. Hiện 1kg sâm củ phân theo số lượng và trọng lượng: hạng 1 (từ 10 đến 13 củ/kg) giá 215 đến 220 triệu đồng/kg; hạng 2 (từ 20 đến 23 củ/kg) giá 100 đến 120 triệu/kg; hạng 3 (từ 30 củ đến 33 củ) giá 90 triệu đồng/kg; hạng 4 giá 80 triệu đồng/kg; hạng 5 giá 70 triệu đồng/kg…”, chị H. một người DTTS Ca Dong bán sâm ở huyện chia sẻ. Cây sâm 3-4 năm tuổi mới cho hạt. Khoảng 4 , 5 cây trong 10 cây mới có cây cho từ 50 đến 70 hạt. Một hạt giống bằng hạt đậu đen giá 110 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/hạt. Một lon hạt (bằng lon sữa bò) giá 110 triệu đồng. Mua củ thì cho nợ vài trăm ngàn chứ mua hạt là miễn nợ, mới thấy giá trị cỡ nào của … hạt giống sâm!

Vườn sâm Ngọc Linh
Đánh bạc với trời
Nhiều người Kinh trong và ngoài huyện, tỉnh chung vốn với người DTTS trồng sâm. Nếu trúng thì giàu ngất. Còn như thua thì cũng tận mạt. “Có vườn ở độ cao gần 2000m. Từ dưới xã Trà Mai lên vườn sâm gần nhất đi ô tô mất 1 tiếng, thêm 2 tiếng nữa bằng xe máy rồi 30 phút đi bộ mới đến. Nếu biết sâm có giá như chừ thì gửi trồng một ít nay giàu to rồi!”, anh chạy xe ôm chở tôi, tiếc rẻ. Trồng sâm như đánh bạc với trời. Đánh bạc với người nếu có thua còn được cho lại ít tiền về xe. Đánh bạc với trời thì đừng hòng! Một hào cũng không có! Bỏ ra từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng trên một luống trồng sâm. Gặp thời tiết xấu, chết một phát là… hết phim! Kỹ thuật yếu, luống đất xấu, sương muối, sét đánh, chuột núi phá … là trắng tay! Gần đây có người không trồng trong đất mà trồng trong rổ nhựa, thùng xốp chứ không trồng cố định. Nếu thấy thời tiết có dấu hiệu bất thường là di chuyển ngay.
Một giáo viên từng dạy học ở Trà Linh, kể: “Trồng sâm lệ thuộc thổ nhưỡng, thời tiết. Có người thành, người bại. Bại thì mộng làm giàu tan theo sương khói. Nợ đầm đìa, ai nói ra? Ví dụ, đầu tư một tỉ bạc trồng sâm một chỗ. Lỡ thua là thôi rồi. Vốn ít lại vay ngân hàng, mượn bà con nên thất bại là giấu. Đúng là “Có những niềm riêng một đời câm nín”. Người đầu tư “bạo” 5 tỉ đồng trồng 5 chỗ, thua chỗ này còn chỗ khác. Vốn lớn, vốn dày thì may mắn nhiều hơn. Có người có đất trồng xa quá, cao quá, sợ đi dọc đường lên thăm vườn huyết áp lên theo, chết không chừng. Cứ phú cho trời thì cũng thua. Rủ nhau trồng chung nhưng nửa chừng ai rút vốn, tháo chạy sẽ mất thêm một số tiền “phạt”. Rứa mới đau!”. Trước đây có vài công ty ở Tam Kỳ, Quảng Ngãi và cả Hà Nội, Sài Gòn đầu tư trồng sâm ở Trà Linh… Công cõng đồ ăn, phân bón, đưa vật liệu lên đất trồng cứ 10 nghìn đồng/kg. Trên đó rét buốt, cứ “Nổi lửa lên em” suốt đêm ngày. Tháng một, hai lần họ chạy xe bán tải lên thăm vườn. Sau dịch COVID-19 không thấy lui tới nữa. Đầu tư nào camera, đường ống dẫn nước, rào lưới B40, lắp mái che sương muối chừ bỏ không ai lấy! Một chị chủ quán ăn góp chuyện: “Cháu biết có người gửi vài chục cây sâm cho mấy người DTTS trên ấy trồng. Mỗi cây cứng cứng (từ hai đến ba năm tuổi) cũng vài triệu bạc. Cây loại vài trăm nghìn thì trồng lâu mới có thu hoạch. Cũng hên xui vì có lên trên đó được đâu mà biết! Xa lắc xa lơ”.

Khách hỏi mua sâm
“Ăn theo” sâm Ngọc Linh
Năm 2017, lần đầu Hội chợ Sâm Ngọc Linh (gần 20 gian hàng bán sâm và dược liệu) tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm do bà con trồng và khai thác. Sau này diễn ra vào mỗi đầu tháng hằng năm. Trước khi mang sâm vào chợ được Tổ kiểm định (gồm hai người của Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện và một của chính quyền xã Trà Linh) kiểm tra bằng kinh nghiệm và mắt thường!? Giao dịch xong nhưng khách yêu cầu kiểm định thì vẫn tiến hành. Sâm Lai Châu, sâm Trung Quốc … giả sâm Ngọc Linh được dịp nhảy vào các phiên chợ là điều khó tránh!
“Ăn theo” sâm Ngọc Linh còn có “Doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam – ASEAN-EU 2021”, bà Phạm Mỹ Hạnh, đã kêu gọi được hơn 1,200 tỉ đồng trồng sâm Ngọc Linh “ảo” đã bị bắt hôm 10/11/2023; Theo báo Công thương: “Nhiều doanh nghiệp trồng sâm, địa phương Quảng Nam, Kon Tum bày tỏ băn khoăn về Ban Vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất Sâm Việt Nam do ông Võ Kim Cự làm trưởng ban!?”. Thành viên của ban vận động đều ở Hà Nội, chẳng thấy đâu bóng dáng doanh nghiệp, người trồng sâm Ngọc Linh của Kon Tum, Quảng Nam!
Gần đây, sâm Ngọc Linh giả bán tràn lan trên mạng xã hội, ngoài thị trường… gây khó khăn cho người vất vả trồng, chăm, buôn bán chân chính. Một số thành phần xấu mang các loại củ (củ tam thất, điền trúc) rất giống sâm Ngọc Linh từ ngoài Bắc vào Kon Tum, Quảng Nam… bán. “Bây giờ con người can thiệp quá nhiều vào cây sâm chứ không còn “tự nhiên” như trước kia. Môi trường thì ô nhiễm, rồi phân bón này nọ … lại thêm hàng giả nhãn hiệu sâm Ngọc Linh đánh lừa người mua. Tỉnh, huyện phải gia tăng kiểm soát, bảo tồn một sản phẩm quý như sâm Ngọc Linh chớ không thì gay!”, lại anh chạy xe ôm … có ý kiến!
Hiện vườn sâm giống ở Trà Linh với diện tích hơn 70 ha và trồng mở rộng trên địa bàn 9 xã với diện tích 810 ha, khoảng 3 triệu cây sâm. Một tương lai hứa hẹn cho nguồn dược liệu ổn định, bảo đảm phẩm chất, phát triển vững chắc!

Tác giả tại thủ phủ sâm Ngọc Linh
Bài & ảnh LKD