Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Nhập ngũ năm 1965 tại Trường Bộ Binh Thủ Ðức; Qua Mỹ theo chương trình HO năm 1995. Tuy Chu Lynh nói ông không phải là nhà văn, nhưng một số truyện ngắn, bài viết do ông là tác giả đã được phổ biến rộng rãi trên các trang web Việt ngữ. Ðồng thời ông cũng là editor cho một số phim tài liệu đã được phổ biến rộng rãi như: Sự Thật về Hồ Chí Minh, Ho Chi Minh The Man and The Myth, Ðại Họa Mất Nước.

Bài viết sau đây theo tác giả, là câu chuyện Việt Nam thời ly loạn, khởi đầu tại một làng quê Quảng Bình từ giữa thế kỷ trước, trải dài tới khung cảnh Thư viện George Mason ở Virginia thời nay. Trong cuộc thi viết tại trường NOVA College, bản anh ngữ của bài viết này đã được tặng giải thưởng hạng nhất, trong khi một cô bé trong số du học sinh chiếm được giải nhì. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.

Chu Lynh nói về tác phẩm của mình

Ðể tưởng nhớ những người thân yêu đã ra đi

Ðã từ lâu, tôi muốn viết về quãng đời niên thiếu kém may mắn của mình, nhưng vẫn chưa tìm được ngày tháng yên hàn để thực hiện giấc mơ. Chinh chiến đã xô đẩy tôi phiêu bạt khắp nơi. Khi chiến tranh chấm dứt, tôi bị lùa vào các trại tập trung. Thoát vòng lao lý, tôi phải lang thang nhiều nơi tìm kế mưu sinh. Ðến xứ người, tôi vẫn chưa tìm được những khoảnh khắc yên vị để thu nhặt lại những mảnh đời đã lạc khuất trong quá khứ.

Tác giả Chu Lynh   

Tôi vừa kỷ niệm sinh nhật. Tuổi ngũ thập, tuổi tri thiên mệnh. Chuyện ngày mai, tôi có thể nghi hoặc về những dự đoán hay toan tính của mình. Nhưng chuyện ngày qua, tôi tin những tương quan trong quá khứ chưa hẳn đã chấm dứt, có thể ẩn mình đâu đó như con thú ngủ giấc đông miên, rồi bỗng một hôm thức giấc tiếp tục cuộc hành trình.

Ðã đến lúc tôi cần viết ra câu chuyện của chính tôi mà không một chút hoài nghi về sự tương quan kỳ diệu Thượng đế đã xếp đặt. Tôi nghĩ đây không còn là chuyện của riêng tôi, mà của một dân tộc chìm đắm trong oan nghiệt một ngàn năm, một trăm năm, rồi mấy chục năm đăng đẳng mà vẫn chưa ló dạng ánh sáng của phục sinh, đêm canh thức vẫn còn thăm thẳm. Như thể chiếc đũa thần đâu đó chưa buông tha dân tộc khốn khổ nầy, vẫn còn khuấy động giòng sông quê hương thêm những đợt sóng bi thương khác.

Xem thêm:   Cung Tích Biền. trong phòng đợi lịch sử

Mời bạn cùng tôi ngược giòng thời gian, về lại chốn xưa, với những hình ảnh tưởng đã xóa mờ, nhưng lạ thay vẫn còn sống động trong trí nhớ tôi như vừa mới hôm qua.

Ra mắt sách ‘Mảnh Da Vàng’

Nhóm thân hữu gồm quý anh chị Thu Nga, Thu Hoàng, Phan Quang Trọng, Trần Anh, Lê Kim Oanh, Trần Thu Miên và Phan Ngọc Thạch đã tổ chức giới thiệu cuốn MẢNH DA VÀNG của tác giả Chu Lynh tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Dallas vào chiều Chủ Nhật ngày 23 tháng 7 năm 2023.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu nội dung cuốn sách qua bài viết của Ngọc Diệp.

Ngọc Diệp: Đọc ‘Mảnh Da Vàng’

Kính thưa quý vị, tôi tên là ND, qua Mỹ diện HO và sống ở Austin. Hôm nay cả gia đình 5 người chúng tôi đều về đây. Tôi rất hân hạnh được tác giả Chu Lynh chọn mời phát biểu cảm tưởng về cuốn sách của ông.

MẢNH DA VÀNG!  Tôi đã đọc 2 lần và thấy sách này đặc biệt hơn những cuốn sách khác! Sách cũng đã thu hút tôi ngay khi mới nghe tựa đề.  Tại sao?

Điểm 1 – Ðối với tôi, đây không chỉ là hồi ký mà là một nguồn sử liệu rất quý.  Lý do:

  1. Sách là những ghi chép rất cẩn thận theo thứ tự thời gian và những diễn tiến của lịch sử VN. Vì ông là người từng chết đi sống lại, từ những ngày tháng rối ren cận 30/4 ở Cần Thơ cho tới khi bị bắt đi tù cải tạo xong ra tù. Những trang ghi chép này đã nhiều lần xém mất đi nhưng cuối cùng sống sót cùng với tác giả để sau đó ra đời sau 47 năm thai nghén, mang hình hài là một hồi ký để hôm nay chúng ta có thể đọc.
  2. Có thể nói sự thật của lịch sử được phơi bày rất thực trong sách này! Tôi đang tìm đọc về sự thật của lịch sử để nâng cao kiến thức, và để có một cái nhìn đúng đắn về lịch sử, xong còn chia sẻ lại cho con, và nhiều người khác. Nhờ đọc sách này tôi khám phá ra nhiều sự thật lịch sử tôi chưa từng biết. Có người tù hơn 10 tuổi như Tạ Văn Hùng, bằng tuổi con tôi. Hay tội danh như “bôi bác chế độ” chỉ vì nói “savon này ít bột hơn savon hồi trước”.  Cảnh người tù đói nướng con cóc trong mùng. Hay tiếng hét thất thanh từ thùng conex làm tôi chảy nước mắt thương người lính miền Nam vô cùng!

Ra mắt sách ‘Mảnh Da Vàng’tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Dallas vào chiều Chủ Nhật ngày 23 tháng 7 năm 2023.

Điểm 2 – Sách này tác giả viết không phải cho riêng ông mà viết cho tất cả nạn nhân của chiến tranh VN mà nhứt là người miền Nam.  Ông và tôi, gia đình ông và gia đình tôi cũng như hàng triệu hay chục triệu gia đình Nam khác đã rơi vào thảm cảnh tương tự!  Ông đã viết thay cho họ!  Ông đã viết cho tất cả Mảnh Da Vàng VN.  Tôi nhập tâm gần như hoàn toàn vô sách.  Hồi ức lần lượt hiện về thấp thoáng qua lời kể của ông.

  1. Ðâu đó tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của cả gia đình tôi gồm có bà Nội tôi, ba tôi, mẹ tôi, cô tôi, dượng tôi. Nếu như mẹ ông khóc cạn nước mắt vì chờ tin anh Hai ông và ông cũng chính là hình ảnh của bà Nội tôi khóc chờ tin ba tôi. Cảnh mộ người tù tên Nguyễn Mạnh Ðàm nằm trơ trọi trên mảnh đất hoang làm tôi nhớ tới cảnh cô tôi đi thăm mộ dượng tôi.  Cảnh cô tôi, một quả phụ trẻ, đẹp đứng cầm nắm nhang bên nấm mộ hoang trên đất Bắc làm tôi suốt đời không quên.  Có điều ba tôi may mắn hơn tác giả ở chỗ mẹ tôi đợi ba vò võ 7 năm trời.
  2. Tôi thấy bóng dáng của cả chính tôi trong đó. Tuy tôi may mắn hơn con của ông và con của người tù khốn khổ bị mẹ bỏ tại trại, khiến người tù đó phải nhờ người khác đưa con về bên nội nuôi, Ba tôi bị bắt lúc mẹ tôi mang bầu tôi được 1 tháng. Khi tác giả viết tới đoạn con gái ông 5 tuổi “không xa lại cũng không gần gũi” với ông, tôi liên tưởng tới chính tôi cũng đúng 5 tuổi khi cùng mẹ và cô ra Vĩnh Phú trại K3 thăm ba tôi. Khi gặp ba tôi, tôi thấy rất lạ lẫm.  Ba tôi xanh như tàu lá chuối và ốm tong ốm teo.
  3. Khi ông nhắc tới Ðoàn tàu Thống Nhất: Tôi nhớ cảnh Trên đường về Nam chúng tôi xém mất mạng vì xe lửa trật đường rầy. Bà Nội ở nhà trông đứng trông ngồi “Mẹ con nó chắc trôi mất rồi”.  Hình ảnh bộ đồ bà ba đen mà ông nhắc cũng là bộ đồ ba tôi mặc khi ra tù. Rồi cảnh tác giả bị quản chế phải đi trình diện hàng tuần tôi đều nhớ lại vì ba tôi bị y chang.
Xem thêm:   Lư đã về lại Phá Tam Giang

Điểm 3 – Về hình thức, đọc không ngán vì lối văn súc tích, sâu sắc mà không kém phần hóm hỉnh. Coi như cười ra nước mắt, thưa quý vị!

Tác giả Chu Lynh và độc giả Thái Lan

Quê mẹ VN nói chung và miền Nam nói riêng oan khiên lắm. Mảnh da vàng VN là nồi da xáo thịt nhưng các bạn trẻ có thể làm gì? Chính tôi là nạn nhân của CS, không phải 1 mà tới 2 đời, nhưng tôi không thù hận họ, cũng không chống họ. Cái tôi thích làm và tôi thiết nghĩ các bạn trẻ nên làm là nâng cao kiến thức lịch sử nói chung và tìm hiểu về SỰ THẬT LỊCH SỬ nói riêng rồi chia sẻ lại cho con cái và những người xung quanh. Hãy tìm đọc Mảnh Da Vàng.  Chỉ khi có nhiều người biết về sự thật lịch sử và ít người còn mù mờ về thế hệ cha ông, chỉ khi sự khác biệt về ý thức hệ không còn quá lớn thì Mảnh Da Vàng VN mới bớt phần xào xáo và oan khiên.  Xếp sách lại, tôi thấy thế hệ trẻ cần đọc MDV hay cần được biết, được kể để tương lai không đi lại vết xe đổ của lịch sử!

Nay kính,

N&BH