Vẫn trong phần tưởng mộ Thế Uyên đã mất cách đây đúng 9 năm, đánh máy lại bài điểm sách của ông đã giúp tôi quen với Nhật Tuấn. Lúc xưa, giống bao thiếu niên miền Nam trước 75, tôi đọc Thềm Hoang, Những Vì Sao Lạc, Đường Lên Núi Thiên Mã, Vách Đá Cheo Leo của Nhật Tiến mà hoàn toàn không biết em kế của Nhật Tiến, là Nhật Tuấn, cũng là nhà văn nhưng không kịp di cư vào Nam.

Cuối thập niên 80, phong trào Công Khai Hóa phát xuất từ chính sách Glasnost & Perestroika bên Nga lan sang Việt Nam đưa đến cao trào Văn Học Đổi Mới. Đi Về Nơi Hoang Dã của Nhật Tuấn là một trong những thành tựu của thời kỳ này. Một tiểu thuyết lạ lùng. Cuốn hút như một cuốn phim quay dưới những tán rừng bị chọc thủng bởi các vách núi nhọn hoắc, bên dưới là những con người không kém chớn chở, nhận chỉ thị đi tìm một đỉnh Hua-Ca nào đó… Ẩn dụ mang tầm vóc lớn ấy khiến Nhật Tuấn bị lên án “mất lập trường”. Sách không được nhắc đến trong một thời gian dài, phải tục bản ở Hoa Kỳ. Thế Uyên và Vũ Huy Quang là hai nhà văn hải ngoại đầu tiên giới thiệu Đi Về Nơi Hoang Dã trên các diễn đàn ngoài nước.

Đi Về Nơi Hoang Dã, truyện dài của Nhật Tuấn, ấn bản Hoa Kỳ do nhà xuất bản Việt Nam hải ngoại in năm 1990, dày 268 trang, tranh bìa Hồ Thành Đức, phi lộ của Vũ Huy Quang. Huyền Trân tái bản 2001. Bạn đọc có thể đọc miễn phí qua địa chỉ tusachtre.com.  [Trần Vũ]

Thế Uyên trước 75

Thế Uyên

Tại Việt Nam từ lâu đã có hiện tượng nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh có liên hệ huyết thống với nhau. Trong những thế kỷ gần đây chúng ta có dòng họ Ngô Thì, dòng họ Nguyễn Tiên Điền (trong đó có Nguyễn Du), dòng họ Nguyễn Huy (trong có Nguyễn Huy Tự), dòng họ Phan Huy (trong có Phan Huy Vịnh) v.v.

Trong thế kỷ 20, thời kỳ tiền chiến, chúng ta đã có hai cha con Nguyễn Văn Vĩnh – Nguyễn Nhược Pháp; Phạm Duy Tốn và các con Phạm Duy Khiêm, Phạm Duy. Nổi danh từ thời tiền chiến tới hiện nay là ba anh em dòng họ Nguyễn Tường: Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Kế tiếp bằng thế hệ sau là Tường Hùng, Duy Lam và Thế Uyên. Gần đây nhất chúng ta có hai chị em Nguyễn Thị Thụy Vũ – Hồ Trường An; Trần Thị NgH – Trần Thị Kim Lan; Phan Thị Trọng Tuyến – Nguyễn Thị Ngọc Nhung – Nguyễn Thị Ngọc Diễm, và hai anh em Nhật Tiến – Nhật Tuấn.

Dĩ nhiên là dù có liên hệ huyết thống gần gũi, một nhà văn hoặc nhà thơ dù là anh em ruột chăng nữa, mỗi người vẫn có một bút pháp, một tư duy và nhận thức khác nhau. Lấy thí dụ gần gũi nhất là hai anh em Duy Lam và Thế Uyên. Duy Lam chỉ viết truyện ngắn, truyện dài và lập trường chính trị thì hữu khuynh, trong khi Thế Uyên viết đủ loại, từ sáng tác tới biên khảo, dịch thuật, và lập trường chính trị thì tả khuynh.

Nhưng độc đáo nhất vẫn là trường hợp hai anh em Nhật Tiến và Nhật Tuấn.

Năm 1954, Nhật Tiến di cư vô Nam, viết văn rất sớm và thành danh đã lâu, trong khi người em Nhật Tuấn ở lại Hà Nội đã viết văn rất trễ. Sau 1970 mới có những truyện ngắn đầu tiên và chỉ thành danh sau 1985. Ở miền Nam, Nhật Tiến làm nghề nhà giáo, rồi do động viên, đã thành lính Việt Nam Cộng Hòa, rồi làm giảng viên chính trị trong quân đội. Ở miền Bắc, Nhật Tuấn đi vào ngành kiều lộ, chuyên về nghiên cứu và thiết kế những tuyến đường mới – do nghiệp vụ này, Nhật Tuấn đã đội nón cối, đi dép râu, đeo xà cột vào Sàigòn ngay từ những ngày đầu của tháng 5-1975.

Hai anh em ruột nhưng lớn lên trong hai chế độ Bắc – Nam, cộng sản – quốc gia thù nghịch nhau, nội chiến máu lửa suốt mấy chục năm. Anh ở bên này chiến tuyến, em ở bên kia, đương nhiên khi viết văn, những tác phẩm của họ, dù chọn đề tài trong đất nước Việt Nam, vẫn có những sắc thái khác nhau. Nếu họ có giống nhau chăng, là cách thế họ nhìn chế độ cộng sản và quốc gia trong quá khứ. Nếu họ có tương đồng nào chăng, đó là cách thế họ nhìn về tương lai. (Thế Uyên)

Nhà văn Nhật Tiến và Nhật Tuấn

Nội cái nhan đề sách đã mang nặng tính cách “phản động” rồi. Ai đi về nơi hoang dã? Dân miền Bắc. Ai bắt dân phải đi về nơi khốn cùng như thế? Ðảng cộng sản Việt Nam với thứ chủ nghĩa Mác-Lê Nin, Mác-Mao nhập cảng. Nhật Tuấn đã bắt đầu truyện dài của mình bằng đoạn văn sau:

Xem thêm:   Đua ngựa Sài Gòn

“Chúng tôi có 5 người, một ông già và bốn gã đàn ông lực lưỡng sẵn sàng làm chồng những cô gái khỏe mạnh, làm cha những đứa bé chập chững, làm chủ những gia đình vào chiều đông xám lạnh như chiều nay hẳn đang quây quần quanh bữa cơm nóng sốt. Vậy mà đằng đẵng bao năm nay, chúng tôi bị quăng lên những đỉnh núi quanh năm mây phủ, không có cả đến một tiếng chó, một bãi phân trâu, cái thứ ở dưới miền đồng ruộng kia, ta bắt gặp nhan nhản ngay khi chưa bước chân vào cổng làng.” (trang 11)

Năm người đàn ông đó là ai? Nhật Tuấn không hề đặt cho họ một cái tên rõ rệt, chỉ gọi họ bằng chức vụ trong toán người đi mở tuyến đường tới đỉnh Hua-Ca. Ông già là “ông trưởng toán”, tượng trưng cho thành phần đảng viên cộng sản trung kiên. “Thằng học giả” tượng trưng cho thành phần trí thức “đã đầu hàng giai cấp vô sản” (nghĩa là Ðảng). “Thằng hộ pháp” thân hình lực lưỡng, tính tình chất phác, tượng trưng cho giai cấp nông dân lao động chân chính. “Thằng cấp dưỡng” (làm bếp và tiếp vận), cháu của ông trưởng toán, tượng trưng cho mẫu người trung bình yếu đuối trong xã hội, ai sao ta vậy. Còn nhân vật thứ năm, xưng “tôi” trong truyện, tượng trưng cho người trí thức có lương tri.

“Ðỉnh Hua-Ca” là cái chi vậy? Với Nhật Tuấn, đó là cái thiên đường xã hội chủ nghĩa, ước mơ của biết bao thế hệ đảng viên cộng sản từ đầu thế kỷ này, từ Moscow, Bắc Kinh tới Hà Nội và Havana. Ðó là thứ thiên đường mà Dương Thu Hương gọi là thiên đường mù, Xuân Vũ gọi là thiên đường treo. Nhưng đó là chuyện về sau này. Còn vào thời điểm trong truyện, chưa ai tới được đỉnh Hua-Ca cả, nên nàng Sao, cô gái miền núi, người yêu của nhân vật “tôi” …mới nghĩ rằng:

“Phà ơi – nàng kêu lên – anh lên đỉnh núi Hua-Ca. Cao lắm, sát tầng mây kia đấy. Hua-Ca có nghĩa là “đầu quạ”, nghe nói ở cái mỏ của nó phun ra một dòng nước, nếu hai người cùng uống nước đó trong một cái chén thì không bao giờ quên được nhau…”
“Thật không? Em nói thật không?”

“Thật chứ, ông nội em kể lại cho bố, bố kể lại cho em. Nhưng phải thực bụng với nhau mới uống được, người nào không thực bụng uống vào chết ngay.”

“Tôi nói với nàng nếu vậy nhất quyết tôi sẽ tìm bằng được đỉnh Hua-Ca ấy, lấy một chai nước về tặng nàng để mai kia uống chung với ai đó.” (trang 227)

Toán người mở tuyến đường này chỉ có những phương tiện thô sơ như dao chặt cây nên cuộc sống vô cùng khốn khó. Ăn thì đói vì cơm ăn không đủ no, đừng nói gì đến thức ăn. Bởi thế họ đã từng phải ăn thịt chó ghẻ hấp hối, đào con bò chết bệnh lên mà ăn thịt, và đôi khi may mắn được ăn thịt tươi thì cái thú vị, niềm hạnh phúc lúc đó của họ chỉ có những sĩ quan cải tạo miền Nam sau này mới chia sẻ được. Nhật Tuấn tả họ ăn thịt con cheo như sau:

“Quả thực suốt từ ngày bắn được con lợn rừng, ba tháng nay chúng tôi không động tới miếng thịt tươi, thiếu đạm động vật, người mệt mỏi, da khô, mắt mờ, đêm nằm mơ thường chỉ thấy mình sắp được ăn món này món kia, món nào cũng kề miệng rồi tỉnh giấc. Bởi vậy mới chỉ đặt miếng thịt cheo vào đầu lưỡi đã thấy cái vị bùi bùi của nó chạy lan khắp người, rung chuyển cả hệ thần kinh và rồi dạ dày như được đánh động co bóp thật chặt để đón chờ những dưỡng chất thần kỳ, từ lâu rồi vắng mặt.” (trang 133)

Xem thêm:   Thiện xạ

Năm con người này là những con người thực sự, không hề là “bọn quỷ đỏ”, bọn “ác ôn cộng phỉ”. Ngay ông trưởng toán, đảng viên trung kiên mấy chục năm, cũng có lần sa ngã mê một “bà trưởng phòng”, làm tình với bà để có một đứa con hoang. “Thằng học giả” chiều nào ăn xong cũng ngồi giữa rừng núi viết thư cho người yêu là “nàng búp bê” ở Hà Nội . “Thằng cấp dưỡng” không dám chi một đồng lương nào, dành dụm tiền để mang về cho mẹ già sửa mái nhà mưa dột. “Thằng hộ pháp”, mặc dù to khỏe đẹp trai, đi tới đâu là phụ nữ mê tới đó, làm tình bừa bãi, nhưng lúc nào cũng chỉ yêu “con vợ thằng xã đội” ở quê nhà. Còn “tôi” thì cô đơn hoài, mãi cho tới khi đến bản Mù Cang gặp nàng Sao. Tai họa dồn dập tới với họ. Bệnh kiết lỵ, bệnh rắn lục cắn, rớt xuống thác, tuột tay trên vách núi. Nhưng tất cả những tai nạn kiểu đó không làm cho họ đau khổ bằng những thay đổi khác. Thí dụ như nàng búp bê không đợi chờ được, đi lấy chồng khác, làm “chàng học giả” suýt nữa dùng súng tự tử. Chàng cấp dưỡng bị rớt mất gói tiền dành dụm trong lúc tấn công đỉnh núi cao. Chàng hộ pháp trốn về quê, dự tính rủ nàng vợ ông xã đội trốn theo lên rừng núi yêu nhau tự do, nhưng không thành. Có thể nói Nhật Tuấn đã thật can đảm khi dám bước ra khỏi thứ văn chương phải đạo (tất cả nhân vật đều là anh hùng, dũng sĩ, cách mạng chân chính, lao động tiên tiến). Các nhân vật của anh đều rất “người” với tất cả những giấc mơ bình thường, những tâm tình yêu đương và nhu cầu sinh lý.

Con người, dưới ngòi bút Nhật Tuấn, được mô tả trọn vẹn hơn là những nhân vật của ông anh Nhật Tiến. Nghĩa là con người vừa biết yêu thương vừa có nhu cầu về tính dục. Chính vì lối miêu tả này mà Nhật Tuấn ở trong nước đã bị mấy ông đảng viên già kết tội là viết văn khiêu dâm. Sự thực những đoạn nói về sex ấy không thấm vào đâu so với những nhà văn của miền Nam trước đây như Túy Hồng, Thế Uyên, Dương Nghiễm Mậu. Và còn xa mới bằng những Kiệt Tấn, Khánh Trường, Ðỗ Kh. của hải ngoại. Chúng ta hãy đọc một vài đoạn:

“Tôi thò đầu ra khỏi võng kêu lên: Lạ nhỉ, đói rét mất ngủ đã đành, no ứ bụng mà cũng không ngủ được thì là sao? Thằng học giả cất giọng giảng giải. Chúng mình không ngủ được là đúng thôi. Tình dục là nền tảng cho các hoạt động của con người. Bởi thế “‘cái đó ” mới nằm bên dưới cái đầu. Nó thuộc hạ tầng cơ sở nhưng lại chi phối chặt chẽ thượng tầng kiến trúc. Cho nên chúng mày thử ra lệnh cho nó rụt lại xem có được không? Không được…” (trang 35)

“Kỳ phép vừa rồi tao (thằng hộ pháp kể) vừa đặt chân xuống bến ô-tô phố huyện thì đổ mưa như trút, xung quanh trốn sạch cả, tao còn đang khoác áo ny-lông đứng giữa trời, giữa bến xe ngơ ngơ ngác ngác như quạ vào chuồng lợn thì bỗng từ quán ăn đằng xa có một em ướt như chuột lột, chạy tới, chui tọt vô ny-lông của tao. Trời ơi, tưởng ai hóa ra con vợ thằng xã đội, nó cứ run lên cầm cập, ôm lấy tao khóc rưng rức: “Ôi anh ôi, anh bỏ em đi đâu cho em khổ thế này”. Tao càng dỗ, nó càng khóc to, hai quả dừa của nó cứ đè chặt lấy ngực, nóng ran khắp người. Mưa lại ào ào mỗi lúc mỗi to. Biết làm sao giờ, tao đành buông cái ba lô trên vai xuống rồi cứ đứng thế mà quấn chặt lấy nhau như bện thừng, may có miếng ny-lông trùm kín chẳng sợ ai nhìn thấy. Chưa giập bã trầu, nó đã giẫy lên đành đạch, miệng gù gù: “ôi anh ôi, anh nàm gì em thế này…” (trang 92)

Xem thêm:   Ballerina

Mùa mưa ào ào chụp lên toán mở tuyến đường khi họ không còn xa đỉnh Hua-Ca. Ông Trưởng toán ngã bệnh, tình nguyện ở lại một cái lán làm tạm, để những người còn lại tiếp tục leo lên đỉnh. Lúc này chỉ còn có hai người, “thằng học giả” thay ông già làm trưởng toán, và anh trí thức lè phè nhưng sáng suốt “tôi”. Và đây là đỉnh Hua-Ca:

“Tôi ngơ ngác nhìn quanh, nửa tin nửa ngờ, không lẽ tôi đã đi một vòng ngay trên đầu con quạ ấy ư? Vậy còn cái mỏ của nó phun ra dòng nước thần đâu? Chẳng lẽ cái vùng đất huyền diệu nàng Sao kể cho tôi nghe lại tầm thường toàn sương mù gai góc và đầy những vũng nước vàng ố và bẩn thỉu thế kia ư? Không thể như thế được, cái đỉnh Hua-Ca thần thánh ấy chắc không phải nơi tôi đang đứng đây, nó phải ở đâu đó cao tít từng mây kia chứ…

Thôi nhé, vĩnh biệt chuyện đi tìm nước thần thoát ra từ miệng con quạ. Tôi không thể bắt chước thằng học giả, không thể mang thứ nước vàng đục kia và gọi nó là nước thần về cho nàng Sao. Tôi bước nhanh ra khỏi vũng lầy đầy những bọ gậy và lá mục…”

Nhà văn Nhật Tuấn (qua đời năm 2015)

-oOo-

Ðoạn kết luận thật buồn và có “tính phản động” cao độ. Nhật Tuấn đã cho thấy ông trưởng toán trong những ngày đau ốm chót, đã kín đáo trao cho nhân vật “tôi” tất cả tiền bạc dành dụm, nhờ nhân vật này khi trở về đến đồng bằng, hãy đi kiếm mẹ con “bà trưởng phòng” đang sống lam lũ trong một nông trường tặng ngân khoản ấy với lời xin lỗi và hối tiếc. Xét về tình người muôn thuở, thì sự kiện ấy rất được. Nhưng sự kiện khai tử ông đảng viên trung kiên một đời cho sự nghiệp cách mạng, là một thị kiến làm nhức nhối rất nhiều ông trung ương ủy viên già của đảng cộng sản Việt Nam vào thời điểm Boris Yeltsin chưa giải thể Liên bang Sô-Viết. Quý ông không thể tới đỉnh Hua-Ca được và có tới cũng chẳng có gì ngoài sương mù, gai góc và những vũng nước vàng dơ bẩn. Thời và giấc mơ của quý ông và ngay bản thân của quý ông nữa đã qua rồi.

Ðó là thứ thông điệp nhà văn Nhật Tuấn muốn gửi tới Ðảng.

Nhưng chỉ có đảng cộng sản là phải chết, qua đi thôi. “Thằng cấp dưỡng” dù phát quang cả sườn núi cũng không kiếm ra gói tiền đánh mất, đã trở lại. “Thằng hộ pháp” không rủ được nàng xã đội ra đi, cũng một mình trở lại miền Hua-Ca. “Bốn thằng” này, tượng trưng cho nhân dân trường tồn ngàn đời của Việt Nam, đã trịnh trọng mang xác ông trưởng toán lên chôn trên đỉnh Hua-Ca. Sống, ông đã không lên được nhưng ông đã thiện chí và cố gắng tối đa, thì chết, cho ông lên nằm ở đó – phản ứng đúng tình nghĩa của dân Việt.

Nhưng kết luận của Nhật Tuấn cũng không đến nỗi bi quan. Dưới đây là những dòng chót của Ði Về Nơi Hoang Dã :

“Trong đêm cuối cùng trên đỉnh núi Hua-Ca, chúng tôi lại đốt một đống lửa, ngồi quây quần như những ngày trước. Không ai hé răng một lời. Tất cả đều ngồi thẫn thờ trước ngọn lửa đang bốc cao kéo những tàn đỏ đuổi nhau và mất hút trong bóng đêm. Mọi việc giữa bọn tôi rồi cũng qua đi như thế. Sáng mai sẽ xuống núi, sẽ nói với nàng Sao rằng suối thần trên đỉnh Hua-Ca chỉ có trong huyền thoại, tuy nhiên KHÔNG VÌ THẾ CON NGƯỜI KHÔNG THỰC BỤNG YÊU NHAU…

TU (1992)

Trần Vũ đánh máy lại phần 1 “Đi Về Nơi Hoang Dã với Nhật Tuấn” từ điểm sách “Việt Nam qua Tác phẩm của Nhật Tuấn và Nhật Tiến” của Thế Uyên trên tạp chí Văn Học số 75 tháng 7-1992 từ trang 85 đến 91. Phần 2 trang 91 đến 95 “Mồ Hôi Của Đá của Nhật Tiến” chưa đánh máy.