Sài Gòn thực hiện giãn cách với chỉ thị 10 và 15 từ 31-5-2021, rồi 16, đến 16+,… rồi giãn cách nghiêm ngặt. Đến 12-9-2021 (thời điểm chúng tôi viết bài này) đã được 105 ngày (nói gọn là trăm ngày). Tại Việt Nam, tổng số người nhiễm virus cúm Vũ Hán tính đến hết 12-9-2021 là 608,997 người và có 15,279 người tử vong, chiếm tỉ lệ 2.5% so với tổng ca nhiễm và cao hơn 0.4% so với tỉ lệ tử vong trên thế giới (2.1%). Riêng Sài Gòn trong trăm ngày qua đã có 11,861 người “ra đi”, trung bình mỗi ngày hơn 100 người!

Người nhiễm bệnh và tử vong do cúm Vũ Hán ở Sài Gòn vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ảnh: tác giả cung cấp.  

Có thể thấy nỗi lo chung của người Sài Gòn hiện giờ là chuyện dịch dã, chết chóc. Ðau đớn xiết bao khi nhiều người “ra đi” một cách vội vàng, lắm trường hợp thật khó tin. Mới vài hôm trước còn “alô” qua lại cùng nhau, còn lên facebook, còn làm thơ, chọc cười… nay vong mạng không lời từ biệt. Tiếp nữa là nỗi lo sinh kế. Dễ hiểu thời gian qua, hầu hết mọi người, từ ông chủ xí nghiệp, bà chị tiểu thương, cô bán vé số, chú phụ hồ… đều phải vật vã, tả tơi với bệnh dịch thế kỷ. Nhiều người đặt câu hỏi: Sài Gòn giãn cách mãi mà sao dịch vẫn tăng? Người nhập cư chừng nào được trở về quê? Cuộc sống xã hội bao giờ quay lại nhịp bình thường? Trăm ngày qua, người Sài Gòn đã luôn phải đỡ đần lẫn nhau, “tự cứu mình trước khi… Trời cứu”!

Tại chùa Từ Quang (Thủ Ðức), trăm ngày qua các sư thầy và con Phật nơi đây đã cùng nhau nấu gần triệu suất ăn, cung cấp miễn phí cho bệnh nhân ở nhiều khu cách ly, người nghèo khó khăn. Tương tự, suốt thời gian qua, từ trưa đến tối, các nữ tu dòng Ða Minh Rosa Lima (Tân Bình) hay nhà thờ Cha Tam (quận 5) đã tự khuân vác hàng trăm tấn gạo, mì tôm, sữa, rau củ quả… hỗ trợ cho những người dân nhập cư. Họ lặng lẽ làm theo lời Chúa dạy, bất kể tôn giáo.

Hàng quán tiếp tục đóng cửa dù có lệnh cho mở bán lại vì đối mặt nhiều khó khăn. Ảnh: tác giả cung cấp.

Sư thầy Thích Nhuận Tâm (chùa Lá, Gò Vấp) cho biết: “Thời gian qua, nhà chùa Phật tử chúng tôi đã quyên góp, gởi gần 1,000 tấn rau củ quả đến các khu cách ly, khu phong tỏa, các bếp ăn tập thể nhằm san sẻ bớt những lo toan với người dân. Phiên chợ 0 đồng của nhà chùa hàng tháng qua tới giờ vẫn mở cửa cho mọi người có thêm cái ăn…”.

Cuộc đương đầu với virus cúm Vũ Hán ở Sài Gòn vẫn đang giai đoạn cao điểm. Qua đó, phơi bày những lúng túng bởi các giải pháp ứng phó nửa vời của chính quyền. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho việc giảm dần giãn cách – bởi càng giãn cách kinh tế càng kiệt quệ, chính quyền Sài Gòn đã có công văn cho mở lại các dịch vụ ăn uống (có giấy phép kinh doanh) từ 8-9-2021 nhưng phải là “bán mang đi”, yêu cầu thực hiện phương thức “3 tại chỗ”, hoạt động từ 6-18 giờ hằng ngày, đặt hàng qua app công nghệ, sử dụng shipper giao hàng…

Người dân di chuyển luôn phải trình báo giấy đi đường trong lúc chờ đợi chính quyền có những chủ trương mới. Ảnh: tác giả cung cấp.

Tuy nhiên, theo ông Hữu Tài, chủ quán phở – bún bò khá nổi tiếng ở góc đường Hùng Vương (quận 10) nhận xét: “Dù đã được chính quyền cho phép nhưng quán tôi vẫn không thể hoạt động. Nguyên nhân đầu tiên các chợ còn đóng cửa, tìm mua nguyên liệu rất khó, lại quá đắt đỏ. Thêm nữa, chúng tôi cũng không biết làm thế nào cho nhân viên của mình có giấy đi đường để đi mua những món cần thiết. Thứ gì cũng tăng giá gấp đôi, gấp ba so lúc chưa giãn cách, rồi thêm tiền ship quá cao. Làm sao bán cho khách một tô bún bò giá 100 ngàn đồng, trong khi bình thường chỉ 40-50 ngàn đồng, bởi phải tính luôn chi phí cho shipper nữa! Chưa hết, chính quyền còn yêu cầu nhân viên phải “ngoáy mũi” 3 ngày/lần để xét nghiệm virus, những khoản này ai trả? Nhà nước cho mình mở quán bán buôn lại rất mừng nhưng với cái kiểu nới lỏng nửa vời, thiếu đồng bộ, tôi nghĩ kế hoạch này khó lòng thực hiện được!”.

Từ lâu, Sài Gòn vốn là đầu mối giao thương với mọi miền đất nước. Hàng hoá tứ phương ngày đêm đổ về Sài Gòn rồi phân phối đi các nơi. Thế nhưng khi vừa bùng phát dịch bệnh, chính quyền liền chọn ngay phương án “bế môn tỏa cảng” để ngăn chặn.

Chỉ mỗi việc người dân khai báo y tế cá nhân đã có trên 20 App ứng dụng điện thoại được sử dụng ở Việt Nam. Ảnh: tác giả cung cấp.

Anh Lộc, giám đốc điều hành một công ty giao nhận hàng nổi tiếng cho biết: “Tôi cho rằng đó là biện pháp hoàn toàn sai lầm của chính quyền, gây rối rắm trong việc lưu thông hàng hoá. Nào phát phiếu đi chợ, chỉ cho mở cửa vài siêu thị, cấm shipper giao hàng, giao quân đội đi chợ hộ rồi cuối cùng quay về sử dụng đội ngũ shipper chuyên nghiệp như cũ. Nhưng giờ lực lượng này cũng đang gặp vấn đề. Trước đây, Sài Gòn có khoảng 62 ngàn shipper nhưng hiện nay Sở Công thương chỉ huy động được 25 ngàn, số còn lại… tự nghỉ. Lý do chính cũng do chuyện xét nghiệm quá dày, chờ đợi quá mất thời gian, nhiều nơi giao hàng khó “thông chốt”… khiến anh em shipper không còn thiết tha với công việc dù họ cũng gặp không ít khó khăn trong đời sống…”.

Trong khi đó, nguồn tin mới nhất cho biết chính quyền Sài Gòn đang tính tới kế hoạch “sống chung với dịch” giai đoạn sau ngày 30-9-2021 (ban đầu dự tính 15-9 nhưng sau dời lại nhưng cũng chưa biết chắc mốc thời gian nào) bằng cách sử dụng “thẻ xanh”, “thẻ vàng” để người dân dễ dàng tham gia các hoạt động xã hội. Cụ thể khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine là có “thẻ xanh” còn 1 mũi đã tiêm sau 14 ngày là “thẻ vàng”. Tuy nhiên theo lời anh Hải, chuyên viên đang làm việc ở Khu công nghệ cao quận 9: “Ðến giờ tôi cũng chưa rõ những loại thẻ này được cấp phát thế nào và ai cấp? Nếu tổ chức không tốt cũng dễ trở thành tiêu cực. Thường, sau khi tiêm chủng, mỗi người sẽ có một tờ giấy xác nhận, nhưng nếu dùng giấy này đi đường chắc vài ba hôm là rách toe. Hay người ta định dùng ứng dụng app Sổ sức khoẻ điện tử trên điện thoại nhưng dường như cái sổ này làm việc chẳng ra gì. Bởi có người đã chích 1 mũi rồi mà sổ vẫn không báo hoặc có người chích 2 mũi thì nó chỉ báo một mũi! Vừa qua lại nghe chính quyền đang dự định thực hiện một app chung nữa. Trời ơi app gì lắm thế! Bây giờ chỉ mỗi chuyện khai báo y tế đã có hơn 20 app rồi. Ông bà nào, ban ngành nào cũng muốn mình là… cha đời. Thời buổi công nghệ 4.0, mọi việc càng tinh giãn, khoa học chỉ thấy họ làm rối thêm. Làm ăn kiểu nửa vời như vậy chỉ có đám dân đen thấp cổ bé miệng lãnh đủ!”.

NS