CHÂU LIÊM

Còn nhớ cách đây vừa đúng 15 năm, Hoàng Anh Tuấn từ giã bạn bè ra đi. Khiến nhiều người tiếc thương và viết lời tưởng niệm. Trong số đó có Tưởng Năng Tiến với nhiều người nữa và cả gã Châu Liêm này. Hôm nay, nhân ngày đầu tháng 9, xin cùng nhớ lại.

Với chủ đề (subject) “Anh CL ơi, anh Hoàng Anh Tuấn đã ra đi”, Tưởng NăngTiến viết ngay một bài đặt tựa là “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” để tưởng niệm nhà thơ của chúng ta. Bài viết của Tưởng Năng Tiến mở đầu: “Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn ra đời ngày 7 tháng 5 năm 1932 tại Hà Nội. Ông đi du học năm 1949 và không bao giờ có dịp trở lại nơi sinh trưởng nữa. Không phải Hà Nội mà Paris, Sàigòn, Ðà Lạt, và San Jose mới là những nơi ông đã sống gần hết cuộc đời lưu lạc của mình. Tuy thế, tác giả “Yêu Em, Hà Nội” (có lẽ) chưa bao giờ thôi nhớ đến thành phố này – dù chỉ một ngày – trong suốt những năm tháng tha hương. Hoàng Anh Tuấn qua đời sáng nay – ngày 1 tháng 9 năm 2006 – tại California. Bài viết này xin được coi như một nén hương lòng, gửi người đã khuất.”

Tin Hoàng Anh Tuấn ra đi làm CL nghĩ ngợi và bồi hồi xúc động. Nhớ ngôi nhà ở đường Rose Ðà Lạt, nơi Hoàng Anh Tuấn và Ngô Thy Liên cùng các cháu cư ngụ. Ngôi nhà đó cũng là nơi quần tụ của Rừng, Ðỗ Long Vân, Ðinh Cường, Trịnh Công Sơn, Khánh Ly… Nhớ bông phù dung trong vườn và bức tranh Khỏa Thân Nâu Hồng của Ðinh Cường. Nhớ Hoàng Hôn Thắm và Thằng Cọp. Thu Thuyền lúc bấy giờ hãy còn bé tí tẹo. Nhớ lại những năm tháng làm ở Ðài Phát Thanh Ðà Lạt, gặp Hoàng Anh Tuấn ra vô hàng ngày. Nhớ nóc nhà thờ Con Gà và những con chim én dưới mái ngói Hotel du Parcs. Nhớ ơi là nhớ màu hoa pensées trong đôi mắt của một thời.

Vâng, nhớ nhiều lắm. Tuy nhiên, cái tin Hoàng Anh Tuấn từ giã cõi đời không khiến CL bị sốc như hôm Ðinh Cường báo cho biết Thanh Tâm Tuyền đang hấp hối. Bởi lẽ sự ra đi của Hoàng Anh Tuấn đã được báo trước: cũng đã hơn năm nay, Hoàng Anh Tuấn bị bệnh nằm liệt giường trong nursing home ở San Jose. Còn Thanh Tâm Tuyền, tuy lâu rồi không có dịp gặp nhau, trước khi Ðinh Cường báo tin, CL vẫn nghĩ rằng anh còn khỏe mạnh và sống vui vẻ ở Minnesota.

Hoàng Anh Tuấn

Tin buồn về Hoàng Anh Tuấn gợi CL nhớ đến Thanh Tâm Tuyền, bởi lẽ cả hai đều là nhà thơ và cùng sinh trưởng ở Hà Nội. Trong Liên, Những Bài Thơ Tình Thời Chia Cách, Thanh Tâm Tuyền đã viết về người yêu mình như sau: Em làm con tin ở một thế giới / mà lòng sầu héo là một trọng tội. Và Thanh Tâm Tuyền viết về thành phố Hà Nội, nơi mình đã đau đớn từ biệt ra đi: Sự có mặt của em và bãi biển mùa đông / thành phố đau từ mỗi cột đèn / mỗi bực thềm cửa đóng / em đi không nón không áo choàng / mưa tầm tã / những cửa sổ đêm muốn hé ra / nổi loạn / và mắt em mặt trời cỏ hoa với môi anh đằm thắm / và rực rỡ nhớ thương… Như thế đó, Hà Nội của một mối tình thời chia cách. Và còn nữa, Hà Nội: Năm cửa ô hồi sinh trên xác năm cửa tù / mưa nắng cùng rủ nhau xuống Sinh Từ ngõ Hội Vũ/ bao nhiêu đường tình tự ga Hàng Cỏ / nụ hôn đầu ôm mái tóc lang thang / tà áo bàn tay hương trẻ con / hoàng hôn tỉnh… Như vậy đó, Thanh Tâm Tuyền nhìn thấy người yêu và Hà Nội ở những ngọn đèn đường vàng úa và trên những viên gạch sạm nâu lát vỉa hè. Không có hương hoa sữa như sau này các ông bà Miền Bắc viết về Hà Nội. Không có liễu rũ và khăn san, tà áo lụa tung bay. Và như một cuộc đoàn viên ở địa ngục, năm 1982 khi được đưa đâu từ trại Vĩnh Phú về miền Nam để thả ra, xe ngừng lại ở ga Hàng Cỏ, Thanh Tâm Tuyền có dịp đi một vài nơi thăm lại Hà Nội trong đêm. Nghe từ trên sân khấu thời đại tiếng gõ vào ván mục và màn kéo lên, lập tức cảnh Inferno mở ra. Thanh Tâm Tuyền mặc chiếc áo mưa nhàu nát – anh bảo Hà Nội thời nay chỉ được xứng đáng tiếp anh trong vẻ nghèo khổ đó thôi. Và Thanh Tâm Tuyền cũng có dịp uống tách cà phê ở một cửa sổ tò vò bên vỉa hè để có được dư vị đắng cay của một cuộc đời đã đổi dời, của Hà Nội thời khốn khó “con người xếp hàng cùng chó ngựa”.

Xem thêm:   Nhà văn và người lính Cao Xuân Huy

Trên là Hà Nội và tình yêu thời chia cách của Thanh Tâm Tuyền. Và đây, Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn:

Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói

Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ

Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa

Anh nắn nót một trường thi lãng mạn.

Ta thấy Hà Nội và người yêu của Hoàng Anh Tuấn khác với Hà Nội và người yêu trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Nghĩa là không hằn những nét đau đớn, phẫn nộ, đổ vỡ. Âu cũng là do ở mỗi nhà thơ, mỗi tâm hồn cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên còn một lý do nữa có thể lý giải về sự khác nhau đó. Hoàng Anh Tuấn giã từ Hà Nội lên đường du học vào năm 1949, nghĩa là lúc Hà Nội còn thơm ngát mùi hương hoàng lan và chiếc khăn san của những tiểu thư lãng mạn. Cho nên Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn nổi lên hình ảnh của liễu rũ, mái tóc thề và chiếc kẹp tóc ba lá, áo lụa ngà và chiếc khăn san trong gió heo may, mùi hương sấu và mùi hương cốm mới.

Hà Nội yêu, anh vẫn yêu muốn khóc

Mấy chục năm, xa đến mấy ngàn năm

Giã từ em mười bảy tuổi một lần

Thu rất mỏng, mưa hững hờ đẫm lá

Hà Nội yêu, áo lụa ngà óng ả

Thoáng khăn san nũng nịu với heo may

Hai ngón tay nhón một trái ô mai

Xem thêm:   Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng

Chiếc răng khểnh xinh nụ cười cam thảo

Mùi hoàng lan, mùi hương sấu và hương cốm mới… Ðó là mùi hương của một mối tình của thời cặp sách trong tay nghe hẫng nhẹ: Khung cửa sổ mở ra trời yêu cũ / Chẳng khép vào sợ khuất dáng em xưa / Một nỗi buồn thoáng Hà Nội mùa thu… Vâng, Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn là Hà Nội mùa Thu, rất trong rất sáng, nhưng cũng đượm buồn. Thật ra khó phân biệt trong thơ Hoàng Anh Tuấn hình ảnh nào là hình ảnh người yêu, hình ảnh nào là hình ảnh Hà Nội. Hai hình ảnh đó đã hòa nhập vào nhau. Nhớ tới người yêu xưa là nhớ tới Hà Nội, và nghĩ tới Hà Nội là thấy hiện lên hình bóng tà áo vân nền nã, chiếc răng khểnh và chiếc mũi chun nũng nịu… Hà Nội là người tình hay chính Hoàng Anh Tuấn là người tình của Hà Nội một thời xa rất xa. Bây giờ thì thi sĩ đã ra đi. Nhưng người đời sau nhớ về Hà Nội chắc chắn sẽ tìm thấy trong thơ Hoàng Anh Tuấn nhiều cảm xúc và hình bóng thật đẹp, thật lãng mạn.

Viết tới đây, tưởng có thể ngừng lại với Hoàng Anh Tuấn, người tình của Hà Nội, nhưng hình như còn một nỗi nhớ khác trong tôi. Ðó là những câu thơ lục bát của Hoàng Anh Tuấn mà CL được đọc cách nay gần 40 năm. Xin người cùng nghe:

Xem thêm:   Lư đã về lại Phá Tam Giang

Này y nguyên thuở cơ hàn

Mắt xanh rêu ngủ giấc vàng cỏ khô

Từ yêu em tới bây giờ

Tay cầm tay vẫn sững sờ đầu tiên

Vẫn thèm vai xõa tóc mềm

Thấy nghiêng nghiêng thủy triều lên nửa hồn

Nghe xao xác lụa tà huân…

Những câu thơ lục bát trên là trong bài thơ có tựa đề Nghi Lễ, với lời đề tặng Ngô Thy Liên. Tôi được đọc nó trên báo Văn vào khoảng những năm sau 1965. Ðây thời của tranh trừu tượng Ðinh Cường và Trịnh Công Sơn bắt đầu nổi tiếng cũng như người ta bắt đầu được nghe giọng ca Khánh Ly hát nhạc của Sơn. Mấy chục năm trôi qua, những câu thơ lục bát của Hoàng Anh Tuấn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi sau khi đã quên đi thơ của nhiều người và của chính mình. Vậy ắt hẳn đây là những câu thơ hay. Hồi đó, tôi cũng nghĩ Nghi Lễ là một trong những bài lục bát giá trị nhất, bên cạnh lục bát của Cung Trầm Tưởng và Hoàng Trúc Ly.

Tới đây thì đã có thể dừng lại được rồi. Xin thi sĩ hãy yên nghỉ trong Yêu Em, Hà Nội, Nghi Lễ với mắt xanh rêu và giấc vàng cỏ khô.

theo Châu Liêm

NGUYỄN & BẠN HỮU ghi lại