Mặt trận Guadalcanal kéo dài với 9 trận thủy chiến lớn mà Nhật thắng 5: Hải chiến đảo Savo 9 tháng 8-1942, Đông Solomon 24 tháng 8, Xà trận Santa Cruz 26 tháng 10, ngoài khơi Guadalcanal 12 tháng 11, Tassafaronga 30 tháng 11-1942; Mỹ thắng 4 trận: Mũi Hy Vọng 11 tháng 10, Phục hận Guadalcanal 14 tháng 11, trận đảo Rennel 29 tháng 1 và biển Bismarck 3 tháng 3-1943. Nếu các chiến thắng của Hoa Kỳ đều có tính cách chiến lược: ngăn không cho Nhật tái chiếm Guadalcanal, triệt tiêu sức mạnh hàng không mẫu hạm và không lực Nhật, tiêu hao hạm đội chủ lực của Thiên hoàng và đặc biệt đánh bại bộ binh Nhật trên mặt đất, thì các chiến tích của Nhật thuần chiến thuật đạt được bằng ngư lôi 93 là vũ khí lợi hại và bằng khả năng dạ chiến thuần thục của thủy thủ. Các chiến thắng đó không thay đổi tình thế vì chỉ cần nhìn vào bảng so sánh tổng lượng sản xuất máy bay trong thế chiến của các quốc gia lâm trận, là thấy chung cuộc.

Tổng số máy bay Đồng Minh sản xuất là gần sáu trăm ngàn trong lúc Khối Trục vỏn vẹn hai trăm ngàn. Lính Đức và Nhật chưa biết lấy “tiếng hát át tiếng bom”. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXX

Xa xa một chiếc xuồng máy chạy về Amatsukaze. Một kẻ tò mò lại đến nữa đây, nhưng dù sao cũng phải tiếp đón lịch sự. Tôi bước đến thành tàu khi chiếc xuồng cập vào. Người khách đã la to vui mừng khi vừa đặt chân lên cầu thang. Tôi nhận ra Trung tá Yasumi Toyama, Tham mưu trưởng Phân Hải đoàn 2 Khu Trục hạm của Ðề đốc Raizo Tanaka, hiện trú đóng ở Rabaul. Trước kia tôi thuộc phân đoàn này nên tôi chơi thân với Toyama. Hắn ta đến Truk tham dự các phiên họp mở ra trên soái hạm Yamato của Ðô đốc Yamamoto.

Vừa thấy tôi, Toyama hỏi ngay: “Anh coi bộ bịnh? Sao vậy? Bị thương à?”

“Không, không trầy một mảnh da nào hết. Nhưng tôi đang trầm cảm. Bất kỳ người nào có chiếc tàu bị dập tơi tả như thế này đều cảm thấy như tôi.”

“Không, Hara, làm sao mà anh lại cảm thấy như vậy được! Anh đã làm một việc kinh khủng. Từ xa, tôi nhìn thấy chiếc Amatsukaze có hề hấn gì đâu. Tôi biết anh là sỹ quan ngư lôi giỏi nhứt của Hải quân, nhưng tôi không ngờ tài lái tàu của anh đạt mức thượng thừa. Nếu gặp hạm trưởng khác thì chiếc tàu này tiêu rồi.”

“Tôi không đồng ý với anh, Toyama. Ðúng ra chúng tôi đã gặp may mắn. Anh xem đây, các vết đạn không đếm xuể này đã tránh né máy móc và bồn chứa nhiên liệu của chiếc tàu. Thôi, anh hãy nói cho tôi biết tình trạng của hải đoàn như thế nào đi.”

“À,” hắn kêu lên. “Hiện tại chúng tôi trở thành một đoàn tàu chuyển vận hàng hóa hơn là một hải đoàn chiến đấu. Chúng tôi chuyển hàng đến hòn đảo chết tiệt đó (tức Guadalcanal), và lịnh cấp trên ban xuống cho chúng tôi là bỏ chạy tốt hơn chiến đấu. Thực tệ, lịnh không ra gì! Lịnh này có vẻ hồ nghi khả năng chiến đấu trong bất kỳ hoàn cảnh nào của bọn khu trục hạm chúng ta. Ðồ tiếp liệu chở đến Guadalcanal cao như núi trên sàn tàu, khiến cho đạn dược của mỗi chiếc tàu đều bị cắt giảm phân nửa. Hàng hóa được xếp vào thùng kín và buộc dính chùm với nhau, tàu chở đến gần hòn đảo rồi xô đại xuống biển và quay đầu bỏ chạy. Các thùng này sẽ trôi nổi trên mặt nước, cho đến khi binh sĩ trên đảo của chúng ta bơi ra để kéo vào. Ðó là một công việc chán không thể tả. Bây giờ tôi muốn nghe anh kể lại trận đánh mà anh đã tham dự và luôn tiện tôi được học hỏi thêm kinh nghiệm của anh. Hãy kể tất cả cho tôi nghe đi.”

Ðó là một yêu cầu thông minh mà tôi được nghe lần đầu trong suốt tuần lễ qua.

Tôi hoan hỉ kể lại từng chi tiết trận đánh vừa rồi. Tôi vạch ra những lỗi lầm của chúng tôi lẫn của địch quân, và phân tích thật tỉ mỉ. Ðể kết luận, tôi nói: “Dù cho thi hành bất cứ nhiệm vụ nào, chúng ta cũng phải luôn luôn sẵn sàng tấn công. Tôi nghĩ thực sai lầm nếu xem thường việc sẵn sàng tấn công. Cẩn thận bao giờ cũng cần thiết, nhưng cẩn thận thái quá thì sẽ trở thành nhút nhát. Xin anh hãy khuyên Ðề đốc Tanaka không nên vấp phải những lỗi lầm “thái quá” này một lần nữa.

Toyama rời khỏi tàu của tôi và leo lên thủy phi cơ bay trở về Rabaul. Chuyến đến Truk vội vã, và những điều Toyama đã nói về phương cách tiếp tế khác thường của chúng tôi chứng tỏ rằng địch đã nắm ưu thế trên không phận Guadalcanal. Ngay cả khu trục hạm cũng trở thành tàu chở hàng hóa, cho thấy lực lượng Nhựt trên đảo đã thiếu thốn tiếp liệu các loại đến mức độ trầm trọng. Hai món tiếp tế mà họ kêu cứu hàng ngày chính là thực phẩm và thuốc men.

Ðề đốc Tanaka được giao phó cứu đói binh sỹ Nhựt đang sa lầy ở Guadalcanal. Trong nhiệm vụ này, hàng đêm mỗi khu trục hạm đều mang hơn 100 thùng tiếp liệu chạy cách bờ biển từ 200 đến 300 mét để thả xuống. Sau đó, binh sĩ Nhựt lớp bơi xuồng, lớp lội từ trong đảo ra kéo các thùng tiếp liệu vào bờ, và mang chôn giấu trong rừng rậm để tránh phi cơ địch phá hủy.

Xem thêm:   Bài ca "Chiêu hồi"

Tám khu trục hạm của Tanaka rời khỏi Rabaul vào ngày 27 tháng 11-1942, trực chỉ hướng Nam, đến quần đảo Shortlands. Chuyến đi phải lén lút. Nương bóng đêm ngày 29, hải đoàn lại rời khỏi Shortlands vào lúc 22g45, để đi tiếp đoạn hải trình còn lại. Bằng mọi cách, hải đoàn giả vờ di chuyển đến hòn đảo Ramos. Sau đó sáng ngày 30 tháng 11, tám khu trục hạm trong đội hình hàng dọc xoay mũi về hướng chính Nam, trực chỉ Guadalcanal. Một thám thính cơ của địch đã bắt gặp Phân Hải đoàn 2 vào lúc 8g sáng. Ðề đốc Tanaka biết rằng hoạt động lén lút của ông đã bị khám phá. Không lâu sau đó, một trạm quan sát Nhựt trên đảo Guadalcanal báo cho Tanaka biết khoảng một chục khu trục hạm địch rời khỏi mũi Lunga. Cùng lúc, các trạm quan sát khác xác nhận lực lượng địch vừa nói.

Lúc 15g, Tanaka ra huấn lịnh: “Chúng ta có thể chạm trán với địch đêm nay. Mặc dù nhiệm vụ là thả tiếp liệu, nhưng nếu cần đánh thì chúng ta sẽ quyết chiến. Nếu cuộc đụng độ xảy ra, chúng ta phải dốc tâm chiến đấu và tiêu diệt địch.”

Lúc 21g, hải đoàn tiến đến điểm hẹn ở Tassafaronga. Tất cả chiến hạm đều giảm tốc độ xuống còn 12 hải lý, chạy theo đội hình hàng dọc, với chiếc Takanami (Ngọn Sóng Cao) dẫn đầu cách 3,000m, và bên mạn trái phía sau chiếc tàu này là soái hạm Naganami (Ngọn Sóng Dài). Ðây là một đội hình có tính cách co dãn, có nhiều lợi thế hơn đội hình hàng đôi quá cẩn trọng mà Ðề đốc Abê đã áp dụng trong đêm 11 rạng ngày 12 tháng 11 trước đây. Gió thổi hướng Ðông-Bắc, tầm nhìn là 9,000m.

Hải lực Hoa Kỳ đối mặt với Tanaka được đặt dưới quyền của Ðề đốc Carleton H. Wright, đã sử dụng đội hình giống như của hai Ðề đốc Scott và Callaghan trong trận trước. Ðó là đội hình hàng dọc duy nhất với 4 khu trục hạm giữ nhiệm vụ tiền vệ, kế đó là 4 tuần dương hạm nặng, 1 tuần dương hạm nhẹ và cuối cùng là 2 khu trục hạm hậu vệ. Dẫn đầu toàn thể đội hình này là khu trục hạm Fletcher, có trang bị radar tối tân. (Hai tuần trước đây, trong cuộc bại trận của Callaghan, chiếc Fletcher nhờ chạy ở phần đuôi của đội hình nên không bị thiệt hại).

So sánh hai lực lượng, rõ ràng là phía Ðề đốc Wright vượt trội hẳn Ðề đốc Tanaka. Ngoài sự chênh lệch về quân số, các khu trục hạm của Tanaka đều chất đầy hàng tiếp liệu và do đó, đạn dược mang theo của các chiến hạm này cũng giảm còn phân nửa. Thêm vào số đạn dược bị cắt giảm, mỗi khu trục hạm của Tanaka chỉ mang theo 8 quả ngư lôi thay vì 16 quả đúng như cấp số. Khu trục hạm Nhựt chỉ có 6 pháo 127 ly là lớn nhứt trong lúc các tuần dương hạm nặng Mỹ võ trang 9 pháo 203 ly với 8 pháo 127 ly. Giống như châu chấu đá voi.

Task Force 67 của Ðề đốc Wright rời khỏi Espiritu Santo (Ðông-Nam Guadalcanal) thực sớm để đón đầu các khu trục hạm của Tanaka. Cho đến 21g cùng ngày, radar của soái hạm Minneapolis đã khám phá ra hải lực Nhựt khi còn cách 25km. Tám phút sau đó, trên màn ảnh radar của chiếc Fletcher cũng hiện lên một mục tiêu cách 7km phía trước, hơi chếch về mạn trái và khu trục hạm này đã chuẩn bị phóng ngư lôi. Nhưng, 5 phút quý báu đã trôi qua trước khi Fletcher, cũng như 2 khu trục hạm Perkins và Drayton, nhận lịnh khai hỏa. Vì vậy, 20 quả ngư lôi do các tàu này  phóng đi không có quả nào chạm đích.

Trong khi đó, Ðề đốc Tanaka bận túi bụi bên các hải đồ để định vị các tàu chiến của ông. Khi điểm “đổ hàng” của ông chỉ còn cách 5,000m, chiếc Takanami mở đường, báo cáo: “3 khu trục hạm địch ở hướng 110 độ!!”

Báo cáo xong, Takanami phóng ngay 8 quả ngư lôi vào các mục tiêu, đồng thời khai hỏa tất cả các pháo khẩu. Ðây là hành động tự ý của chiếc Takanami, không đợi lịnh của thượng cấp.

Cho đến khi 5 tuần dương hạm Hoa Kỳ đồng loạt bắn trả khu trục hạm Takanami, Ðề đốc Tanaka mới biết địch hiện diện gần sát, ông ra lệnh khẩn cấp: “Ngưng sứ mạng chánh! Tất cả chuẩn bị chiến đấu!”

Một phút sau đó, lúc 21g22, Tanaka ban lệnh khác: “Mọi chiến hạm xả hết tốc lực!”

Các xạ thủ Hoa Kỳ hình như chỉ nhắm vào chiếc Takanami để xối đạn, và kết quả, khu trục hạm này bị trúng đạn nhiều nhất. Nhiều quả pháo 203 ly trực xạ đã làm cho chiếc tàu bốc cháy dữ dội và sau đó chìm lỉm, mang theo toàn bộ thủy thủ đoàn 211 người.

Lúc Takanami bốc cháy, khói và lửa trở thành một bức màn che, Tanaka ra lệnh cho các chiến hạm còn lại của ông xoay 180 độ, để chạy song song cùng hướng với nhóm tàu của địch. Sau đó, ra lệnh gia tăng tốc độ để tiến sát vào địch quân, và soái hạm Naganami vung sang mạn trái sau khi đã phóng một loạt 8 quả ngư lôi vào tuần dương hạm Minneapolis dẫn đầu. 6 khu trục hạm khác của Nhật cũng bắt chước theo Naganami. Loạt ngư lôi Nhựt đều nhắm vào sườn tàu của địch, nên chính xác hơn lối phóng thẳng vào đằng mũi phía trước như chiếc Fletcher và các tàu Mỹ đã làm. Ðiều này không ngạc nhiên khi các ngư lôi Mỹ đều sai đích. Hơn nữa, phóng ở một góc độ khó trúng như vầy, tàu địch lại còn thiếu sự ước tính chính xác nhiều yếu tố liên quan, cho thấy địch không được huấn luyện kỹ thuật phóng ngư lôi hữu hiệu.

Xem thêm:   Khám đường Alcatraz!

Trái lại, 2 trong số các ngư lôi của chiếc Naganami đã trúng ngay tuần dương hạm nặng Minneapolis, khiến soái hạm dẫn đầu này bể tan nồi súp-de, bốc cháy và hầu như đứng chựng lại. Tuần dương hạm nặng New Orleans, chạy ở hàng kế, khi né tránh va chạm với Minneapolis, đã lãnh ở mũi một quả ngư lôi của chiếc Makinami (Ngọn Sóng Cuộn). Sức nổ của nguyên một tấn chất nổ làm nổ tung hai hầm đạn của chiếc New Orleans và cắt đôi tàu này ở pháo tháp thứ nhì.

Tuần dương hạm nặng Pensacola, chạy sau chiếc New Orleans, trong khi cố tránh né đụng chạm cũng lãnh một quả ngư lôi ngay bồn chứa nhiên liệu và biến thành cây đuốc. Tuần dương hạm nhẹ Honolulu, chạy sau chiếc Pensacola, may mắn hơn đã nhanh chân xoay sang trái ngay khi chiến hạm Nhựt bắt đầu phóng ngư lôi, và khi nhìn thấy đồng bọn bốc cháy, chiếc tàu này lại xoay sang phải, chạy theo hình chữ chi về phía Tây-Bắc để tránh tầm pháo của Nhựt.

Tuần dương hạm nặng Northampton cuối cùng còn lại của địch quân, từ đầu trận đánh đã tỏ ra ít hoạt động, sau khi thấy 3 đồng đội bị bao phủ trong lửa đỏ, định quay đầu chạy theo chiếc Honolulu, nhưng khi thấy các chiến hạm Nhật xoay về hướng Tây, nó cũng xoay theo và khai hỏa với các trọng pháo 203 ly. Các quả đạn được bắn vội vã nên không có quả nào trúng đích. Chiến hạm Nhựt phóng 2 quả ngư lôi vào mạn trái của Northampton, gây 2 tiếng nổ dữ dội. Tàu địch bốc cháy và chìm cấp kỳ.

Hải đoàn của Tanaka vung về phía Tây-Bắc và xả hết tốc lực. Honolulu, tuần dương hạm duy nhất của địch không bị hư hại, đã lầm 2 khu trục hạm hậu vệ Lamson và Lardner là hai chiến hạm Nhựt nên khai hỏa bắn đuổi, bắt buộc hai chiếc tàu này phải xoay hướng và bỏ chạy.

Cách Guadalcanal khoảng 50 dặm, soái hạm Naganami chạy chầm chậm. Ðề đốc Tanaka kiểm điểm lại lực lượng của ông. Ngoài khu trục hạm Takanami bị đánh chìm, trong 7 khu trục hạm còn lại không có chiếc nào mang thương tích, cũng không có thủy thủ nào thiệt mạng. Nhựt đã gây thiệt hại nhiều cho địch mà chỉ trả giá bằng một tàu khu trục, nhưng Tanaka không cảm thấy vui vẻ. Chiếc Takanami bị đánh đắm đã khiến ông rầu rĩ và ngồi trầm ngâm trong suốt hải trình rút lui. Ông muốn trở lại khu vực để cứu những thủy thủ của chiếc tàu chìm còn sống sót và tái chiến với Task Force 67. Nhưng sau khi kiểm điểm, 4 trong số 7 khu trục hạm Nhựt không còn một quả ngư lôi nào. 3 chiếc kia, một chiếc mới chỉ phóng phân nửa, và 2 chiếc khác vì nằm ở một góc độ không thuận lợi nên không phóng được quả nào, do đó số ngư lôi mang theo vẫn còn nguyên. Tính ra, trong trận đánh vừa rồi, Nhựt đã phóng cả thảy 44 ngư lôi. Trong tình trạng đó, Tanaka nghĩ lực lượng của ông không có hy vọng thắng một khi tái chiến. Vì vậy, vào lúc 23g30, cho lệnh rút lui về Rabaul.

Quyết định này khiến Bộ Tư Lệnh Tối Cao không hài lòng, cho dù Tanaka nêu ra chiến công của ông là đã đánh chìm một thiết giáp hạm và 2 tuần dương hạm, còn gây thiệt hại nặng cho 4 tuần dương hạm khác của địch mà chỉ thiệt hại có một khu trục hạm. Nhưng thực sự, thượng cấp của Tanaka không cần biết đến những chiến công này, họ không hài lòng bởi vì Tanaka đã thất bại trong việc tiếp tế cho bộ binh Nhựt trên đảo Guadalcanal.

Sự không hài lòng này trở nên xác thực khi không lâu sau Tanaka bị điều sang Tân Gia Ba, và sau đó lại phải khăn gói sang Miến Ðiện. Qua hai lần thuyên chuyển, tài thủy chiến của ông đã bị hoang phí, nhưng nhờ vậy mà ông xa hẳn mặt trận, và sống sót.

Từ đó cho đến cuối cuộc chiến, Tanaka không còn được giao chỉ huy trên biển nữa. Mười lăm năm sau trận Tassafaronga, tôi đến thăm Tanaka tại trang trại của ông gần Yamaguchi. Khi thảo luận về trận đánh này, ông nói với tôi: “Một số chuyên viên Hoa Kỳ đã khen tài chỉ huy của tôi trong trận đánh đó. Tôi không xứng đáng nhiều mà phải nói là nhờ vào tài năng và ý chí của thuộc cấp đã giúp tôi chiến thắng.”

“Nói như vậy, không phải là tôi từ chối vinh dự mà tôi có quyền hưởng nhằm trốn tránh sự chỉ trích. Tôi chấp nhận sự chỉ trích do các sỹ quan đồng liêu đưa ra. Tôi phải chịu trách nhiệm trong việc không đưa tiếp liệu đến nơi đến chốn theo đúng kế hoạch. Ðáng lẽ tôi phải quay lại để hoàn thành sứ mạng, nhưng tôi đã rút lui. Việc này không có gì khó hiểu, bởi vì lúc ấy tôi không nắm trong tay tin tức chính xác về sức mạnh của địch. Tôi cứ đinh ninh đội hình của Ðề đốc Wright sẽ giống như đội hình của hai Ðề đốc Callaghan và Scott trong trận đụng độ với Ðề đốc Abê hai tuần lễ trước đó. Có nghĩa là đội hình của địch gồm có 4 khu trục hạm đi đầu và 4 khu trục hạm tiếp sau. Khi trận đánh xảy ra, 7 khu trục hạm Nhựt chất đầy các thùng tiếp tế, và đạn dược bị cắt giảm phân nửa, đã phải lâm chiến đánh 6 khu trục hạm và 5 tuần dương hạm địch, đó là điều tôi không bao giờ nghĩ đến. Nếu tôi biết địch chỉ còn lại một tuần dương hạm nhẹ và 4 khu trục hạm thôi… Tôi đã lấy quyết định khác.”

Xem thêm:   Con gấu của kia

Ðôi mắt Tanaka đầy lệ: “Trong trận đánh đó, sở dĩ chúng ta đánh bại Ðề đốc Wright là nhờ chiếc Takanami. Nó đã lãnh tất cả trừng phạt của địch trong những phút đầu của trận đánh và đã làm mộc che cho chúng ta. Vậy mà chúng ta đã phủi tay bỏ đi, không cứu thủy thủ đoàn của chiếc tàu này.”

Tuy nhiên, Ðề đốc Tanaka chắc đã cảm thấy sự nỗ lực vượt bực của ông ở Tassafaronga, khi ông đọc qua những nhận xét khách quan sau đây của sử gia Hoa Kỳ, là Ðề đốc Samuel Eliot Morison, về trận đánh này: “Trận Tassafaronga luôn luôn gợi sự an ủi rằng chúng ta bị đánh bại bởi những kẻ tài giỏi thực sự, và Ðề đốc Tanaka tài giỏi hơn những kẻ tài giỏi. Ngoài soái hạm Naganami, các khu trục hạm lâm chiến của ông đều chất đầy kiện hàng cồng kềnh, vậy mà ông đã đánh chìm một tuần dương hạm nặng của Hoa Kỳ và loại 3 tuần dương hạm nặng khác khỏi vòng chiến trong gần một năm. Trong khi ông chỉ thiệt mất một khu trục hạm. Qua nhiều trận đánh xảy ra trong cuộc chiến, phía Hoa Kỳ và Nhựt cùng phạm nhiều lỗi lầm nhưng ở Tassafaronga, mặc dù có bối rối lúc đầu, nhưng Ðề đốc Tanaka không phạm một sai lầm nào hết.”

Trước khi bị thuyên chuyển, Tanaka còn chỉ huy nhiều chuyến tiếp tế cho Guadalcanal. Vào ngày 3 tháng 12, ông điều động một hải lực gồm 4 tuần dương hạm và 11 khu trục hạm vận tải 1,500 thùng tiếp liệu đến Guadalcanal. Công tác thành công mỹ mãn. Thời gian này, Tanaka chuẩn bị đương đầu với một trận Tassafaronga thứ hai, nhưng phía Hoa Kỳ chưa sẵn sàng. Chiến thắng phi thường của Tanaka đã khiến US Navy choáng váng và phải sắp xếp lại lực lượng. Không hề có một cuộc đụng độ nào trên mặt biển, chỉ một số phi cơ địch bay đến quấy rầy và bỏ vài trái bom gây hư hại nhẹ cho một khu trục hạm Nhựt. Nhưng các cuộc chuyển vận này gặp phải một sự thất bại đầy chua chát: Bộ binh Nhựt trên đảo chỉ vớt được vỏn vẹn 500 thùng tiếp liệu trong số 1,500 được thả xuống biển.

Bốn đêm sau đó, Tanaka quay lại hòn đảo với 11 khu trục hạm. Sự lặp đi lặp lại một phương thức trong chiến tranh trước sau gì cũng vấp một vố nặng. Chuyến đi này, 2 khu trục hạm của Tanaka bị các phi cơ Hoa Kỳ cất cánh từ phi trường Henderson hủy diệt. Cùng đêm, Tanaka đã đối đầu với một loại địch thủ mới, các ngư lôi đĩnh. Tám chiếc PT (Patrol Torpedo boats trang bị 4 ngư lôi đạt vận tốc 74 km/g) nhỏ bé và nhanh như cắt này đã quấy phá lực lượng của ông đến nỗi ông phải bãi bỏ cuộc chuyển vận và các khu trục hạm phải quay về căn cứ.

Vào đêm 11 tháng 12, Tanaka lại cố gắng lên đường một lần nữa với 9 khu trục hạm. Lần này ông đã thả 1,200 thùng tiếp liệu một cách thành công. Sau đó, phi cơ Mỹ đến tấn công, nhưng vô hiệu, và đến phiên các PT nhảy vào vòng chiến, soái hạm Teruzuki (Nguyệt Rạng) lãnh 2 quả ngư lôi và bốc cháy. Thủy thủ đoàn cố gắng cứu chiếc tàu nhưng bó tay khi ngọn lửa bắt qua hầm chứa mìn. Tanaka bị thương, ông chuyển soái kỳ cho người khác và trở về Rabaul. Tanaka rất buồn khi nghe tin 1,200 thùng tiếp liệu được ông thả xuống chỉ có 220 thùng đến tay lính Nhựt trên đảo.

Tanaka nằm trong bệnh viện Rabaul. Nơi đây, ông đã viết một thỉnh nguyện thư yêu cầu Bộ Tư Lệnh Tối Cao triệt thoái khỏi Guadalcanal. Ðáp lời yêu cầu này là lệnh bổ nhiệm ông sang Tân Gia Ba. Lời yêu cầu của Tanaka bị bác bỏ một cách thẳng tay thực sự là một sự nhầm lẫn, vì ai cũng thấy hòn đảo ấy không còn hy vọng chống giữ lâu dài hơn nữa. Các tiềm thủy đĩnh và khu trục hạm đều được trưng dụng để vận chuyển quân nhu, nhưng cho dù cả hai loại tàu này đã nỗ lực tối đa và phối hợp chặt chẽ cách mấy đi nữa, tiếp tế đến tay 20 ngàn binh sỹ trên đảo chỉ có tính cách cầm hơi.

Kỳ sau: Chương XXXI

Triệt thoái khỏi Guadalcanal

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships