Hàng năm, khi tờ lịch sau cùng của tháng 12 rơi xuống, người dân Việt lại tất bật đón một năm mới đến với nhiều hy vọng tốt đẹp. Riêng những phạm nhân đang thụ án trong các trại giam, tâm trạng chung của họ là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cùng sự ray rứt hoặc ân hận về những chuyện trước kia họ từng cố ý hay vô tình mắc phải để sau cùng phải chịu sống cảnh “cá chậu, chim lồng”.

Thống kê công khai của giới chức Việt Nam cho biết, Cục V26 Công an đang quản lý 53 trại giam, 70 trại tạm giam, 5 cơ sở giáo dục bắt buộc và 3 trường giáo dưỡng với khoảng 55 – 60 nghìn tù nhân. Số lượng trại giam tập trung đông người nhất là Thanh Hóa (4 trại giam, 3 trại tạm giam), Hà Nội (2 trại giam, 3 trại tạm giam), còn lại rải rác tại các tỉnh, thành khác như Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Gia Lai, Kontum… Nếu so với số dân gần 100 triệu người thì tỉ lệ tù nhân của Việt Nam tương đương 75 tù nhân/100 nghìn dân.

Chuẩn bị bước vào năm mới 2021, thông qua một ông bạn quen biết đang công tác trong ngành công an, chúng tôi có dịp tìm đến một số trại giam để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của một số người buộc phải chào đón năm mới sắp đến ở phía sau… song sắt.

Buổi chiều giữa tháng 12/2020, tại trại giam An Phước (xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), chúng tôi gặp một phạm nhân nữ tên Huỳnh Thị H.G. (19 tuổi, quê Trà Vinh) đang thụ án 18 tháng tù giam. H.G. vào trại này từ tháng 5/2020 và năm nay là lần đầu tiên cô buộc phải đón năm mới xa nhà. Theo lời kể của H.G. cha mẹ làm nghề nông, nhà có 3 chị em, H.G. là con thứ hai. Cố gắng lắm cũng chưa hết lớp 11 thì tự ý bỏ học giữa chừng, H.G. quay qua đàn đúm với đám bạn bè xấu chơi bời, cờ bạc, quậy phá. Một lần, cô cùng đám bạn kia dàn cảnh lấy cắp xe máy của khách vào tiệm mua tạp hóa, bị camera an ninh ghi lại và nhà chức trách nhanh chóng tìm ra thủ phạm. H.G. bị bắt giam. Mức án 18 tháng tù vì tội “đồng lõa” không dài lắm nhưng với một cô gái đang “tuổi ăn tuổi lớn” như H.G. quả là cú sốc không nhỏ. Cô nói trong dòng lệ rơi: “Từ ngày con vô tù, cuộc sống gia đình con xáo trộn hoàn toàn. Tía má con xấu hổ với chòm xóm, bà con, người thân chung quanh. Năm mới xa nhà đã buồn, ở trong tù còn buồn hơn. Con sẽ cố gắng chấp hành tốt quy định trại giam, hy vọng sau thời hạn giam giữ sẽ không phải quay lại đây lần nào nữa. Ngán ngẩm lắm các bác ơi!”.

Chúng tôi lại tìm đến trại giam Tống Lê Chân K1 (xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Ở đây dường như có nhiều phạm nhân dính líu với án ma túy. Ðó là trường hợp của cô gái Nguyễn Thu Th. năm nay 24 tuổi, cái tuổi còn quá trẻ cho những ước vọng của mùa Xuân. Tuy nhiên, cũng vì tham gia vào một đường dây mua bán chất ma túy mà cô phải lâm cảnh tù tội. Th. tâm sự: “Ðây là lần đón năm mới đầu tiên của cháu sau 10 tháng bị đưa vào trại giam. Những ngày cuối năm như thế này, cháu cảm thấy buồn, nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ bạn bè… Cháu mong được sớm quay về với gia đình để ngày Tết được đi chơi, được vui vẻ như bao người khác, được cùng ba mẹ, anh chị đón Tết”.

Tương tự trường hợp của Thu Th. nhưng có thời hạn bị giam giữ lâu hơn, tới 9 năm, do bản thân là một trong những đầu mối chủ chốt tàng trữ, tiêu thụ, mua bán chất ma túy. Vì vậy năm 2021 sắp tới cũng là năm thứ 5 bà Trần Thị H. (42 tuổi, quê Bến Tre) buộc phải… xa nhà. Bà H. kể: “Những ngày đầu vào tại trại giam này, tất cả đối với tôi đều mới mẻ. Không quen với cuộc sống lao động gò bó, tâm trạng quá chán nản nên tôi đã nghĩ rằng, vào mất hết, cuộc đời mình coi như xong rồi. Nhiều lúc tôi muốn đập đầu tự tử nhưng theo thời gian, nhận được sự quan tâm cũng như tình cảm của những người đồng cảnh ngộ trong nhà tù, tôi đã học được rất nhiều điều. Từ đó, tôi nhận ra cuộc đời này còn có nhiều giá trị chân lý khác mà một người như tôi ngày trước chưa hề cảm nhận được”.

Ở trại giam Gia Trung (Ðáktaley, xã Ajun, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chúng tôi được cho phép gặp phạm nhân Lê Hùng M. (33 tuổi, quê quán Gia Lai). Trước đó, với tội danh cố ý gây thương tích trong một cuộc nhậu nhẹt, đánh mất tự chủ, dùng dao chém người khác và cuối cùng M. phải ra tòa nhận mức án 7 năm tù giam. M kể: “Từ ngày tôi vướng vòng lao lý, vợ tôi ở nhà phải tự tay gồng gánh kinh tế gia đình, vất vả kiếm tiền nuôi hai đứa con còn ăn học. Hàng tháng, vợ tôi đều làm đơn xin phép Ban quản trại cho vào thăm nuôi. Những thời khắc ấy hai vợ chồng tôi chỉ biết ôm nhau vừa khóc vừa chia sẻ cho nhau những chuyện buồn vui ở nhà và trong trại giam. Không biết nói gì hơn, tôi chỉ mong thời gian qua nhanh, mãn hạn tù để vợ chồng, con cái chúng tôi sớm được đoàn tụ cùng nhau”.

Bên cạnh những trường hợp phạm nhân trong các nhà tù được người thân, bạn bè thỉnh thoảng tìm đến thăm, cũng có không ít trường hợp phạm nhân đang chấp hành án nhưng không được bất cứ ai quan tâm. Chẳng hạn trường hợp bà Nguyễn Thị Ng. (55 tuổi, quê quán tỉnh Bạc Liêu). Bà Ng. kể lại: “Nhắc về quá khứ, tôi chỉ muốn ngược dòng thời gian quay lại những tháng ngày yên bình, tự do. Gia đình từng có của ăn của để, có chiếc đò máy nhỏ làm ăn đường sông, ngày ngày vợ chồng tôi chuyên chở nhiều loại hàng hóa đi bán khắp vùng sông nước… Về sau này tôi còn cho mở cả quán bia nhậu nhẹt, hát karaoke ngay trên đò, có thuê mướn em út phục vụ gác tay và mua bán luôn món ma túy cho khách có nhu cầu. Có lần bị cảnh sát giả trang ập vào bắt nhưng nhờ “chạy chọt” nên được tha, chỉ bị phạt cảnh cáo. Làm ăn được thêm 3 năm lại tiếp tục bị kẻ nào đó ganh ghét chỉ điểm và bắt quả tang lần nữa. Chồng tôi nhanh chân bỏ chạy thoát, hiện giờ cũng không rõ ông ấy ở đâu! Bản thân tôi lĩnh án cùng lúc hai tội danh môi giới mại dâm tàng trữ, mua bán ma túy… Vợ chồng tôi vốn không có con, gia đình cha mẹ hai bên cũng chẳng còn ai nên suốt mấy năm nay không một ai thăm nom hết, tôi luôn sống trong tâm trạng đầy mặc cảm. Năm mới lại sắp đến càng thấy cô đơn, tủi thân. Tôi mong nhanh hết thời hạn giam giữ, sớm ra tù để đi chữa bệnh, sau đó sẽ kiếm công việc tử tế, lương thiện khác làm ăn. Chắc không bao giờ tôi dám đi vào vết xe đổ xưa cũ nữa…”.

Do những quy định riêng của ngành công an Việt Nam, ngoài các tù nhân thường phạm, chúng tôi chưa được phép tiếp xúc, gặp gỡ những đối tượng tù nhân đang lĩnh án tử hình hoặc “tù nhân lương tâm” (ngoại trừ những người thân gần nhất của họ nhưng cũng chỉ hưởng một chế độ thăm nuôi hạn chế). Dĩ nhiên, ở các trại giam, chúng tôi biết vẫn không thiếu những trường hợp bị bắt oan, xét xử oan sai. Và ngược lại có những kẻ tội lỗi tày đình nhưng do biết cách luồn lách kẽ hở pháp luật vẫn sống nhởn nhơ ngoài đời! Ðiều này là một thực trạng đau buồn mà những người tù phải gánh chịu những năm tháng giam cầm song không thể nào tự làm trong sạch được bản thân mình qua nỗi oan sai, uất ức ấy…

Xem thêm:   Nạn xâm hại tình dục trẻ em

NS

Ảnh những tù nhân phải đón năm mới 2021 ở phía sau… song sắt. ảnh do tác giả cung cấp