Ngày nào Dắc cũng thức dậy thực sớm, đi thăm bẫy. Anh là tay thợ săn chuyên nghiệp nên chẳng mấy bữa không có chồn, sói hay ít ra vài chú cầy hương đem về. Thường thường Dắc đặt mươi chiếc bẫy cầy trong rừng, trên lối mòn có dấu chân thú để bắt thứ cầy bông lau, lông xám nâu giữa mùa hè, nhưng vào tiết đông, bộ lông xám biến thành trắng toát, bán rất được giá.
Những bẫy lớn, có hàm thép với lò xo được đặt ngoài cánh đồng hay giữa ngách núi: đó là loại bẫy dành cho chó sói, cáo xanh hay chồn mướp.
Dắc bước chân dưới vòm lá đẫm hơi sương, khẩu súng săn lắc lư trên vai theo nhịp chân.
Bỗng anh buột miệng sửng sốt:
– Cha!… Kỳ há!
Chiếc bẫy đầu tiên anh đặt đây bữa qua nay biến đâu mất!… Hãy còn vết máu trên lớp cỏ ướt, lẫn với dấu chân người: như vậy là tên kẻ trộm lấy cả bẫy lẫn con thú săn được!… To gan thực!
Dắc nạp đạn vào súng, mặt nóng bừng … Cơn giận làm đôi mắt anh như tóe lửa … Nhưng biết ngờ ai đây?…
Đi chừng một đoạn đường nữa, anh tới chỗ có chiếc bẫy thứ hai: chiếc này cũng biến đâu mất!… Rồi anh cũng chẳng thấy dấu vết chiếc bẫy thứ ba, thứ tư đâu…
Sự việc xảy ra đột ngột quá, Dắc bàng hoàng như trong giấc mơ: anh quen mặt hầu hết thợ săn trong vùng, họ đều là những người làm ăn lương thiện xưa nay!… Chắc chắn là một nhóm nào khác đây!
Dắc thầm tính:
– Ít ra cũng phải 3, 4 người mới đủ sức tháo, gỡ rồi mang đi hàng chục bẫy của mình…
Mà từ trước tới giờ, một chuyện táo bạo như vậy chưa hề xảy ra trong vùng … Dắc theo dấu chân trên lối mòn, tới khoảng rừng thưa có dòng suối băng ngang. Ngay dưới khóm bạch dương, còn vài bếp than mới tắt, dăm mẩu xương thú ngổn ngang. Dắc gật gù:
– Thì ra có nhóm da đỏ cắm trại ở đây, đêm qua!… Có thế chứ!
Chẳng bao giờ Dắc chịu được nếp sống lang thang của những bộ lạc da đỏ này: chúng tham lam kỳ lạ, gặp ngựa trộm ngựa, gặp bò trộm bò … Chắc chúng chẳng tha những bẫy của Dắc!
Nhưng Dắc cũng không có cách nào đuổi kịp chúng được nữa… Chúng nhổ trại ngay từ lúc trời còn trăng.
–oOo–
Người thợ săn thở dài sườn sượt:
– Thế là mất toi 20 chiếc bẫy … Lại mất cả tháng trời dành dụm sắm bẫy mới …
Dắc rẽ tới chỗ đặt chiếc bẫy chót: thứ bẫy này chẳng da đỏ, da đen nào đánh cắp nổi… Đó là một hố sâu chừng 3 thước, vuông vức, trên phủ cành cây khô để bẫy thứ nai sừng dãng kéo đi hàng đàn vào đầu mùa Đông.
Lần này nụ cười thoáng nở làm Dắc tươi tỉnh đôi chút: có dấu vết thú rừng sa bẫy, lớp cành khô vẹt ra làm thành lỗ thủng tròn vo:
– Chắc con gì đó… Không phải nai!
Dắc nghĩ vậy, vì nếu là nai thì đã nghe vùng vẫy rung chuyển mặt đất lên rồi!… Dắc khum tay che ánh nắng nhìn xuống hố, anh sững sờ tới lặng người: dưới hố chẳng có nai, có gấu gì hết, chỉ có mỗi thằng bé chừng 3 tuổi, nằm thiêm thiếp… Hình như nó ngất lịm thì phải… Dắc tháo vội sợi thừng bên sườn, buộc vào gốc cây gần đó… Anh tụt xuống hố nhanh như chớp… Đứa bé không mang thương tích gì, nó chỉ lịm đi vì sợ hãi. Lên tới mặt đất, nó tỉnh ngay, nức nở khó …
Dắc ngắm nghía thằng nhỏ bụ bẫm, có nước da màu nâu đỏ, cặp mắt đen láy hơi xếch, thầm nhủ:
– Đúng dân da đỏ … Chắc nó thuộc bộ lạc vừa cắm trại trong rừng đêm qua đây thôi …
Qua phút ngỡ ngàng đầu tiên, đứa bé dạn dĩ ngay. Nó chưa nói sõi, chỉ luôn miệng lắp bắp:
– Oyakopo!… Oyakopo!…
Dắc phì cười:
– Được rồi… Tao đặt tên mày là Kopo, có sao đâu! Từ đó, Dắc có thêm thằng con nuôi.
–oOo–
Năm tháng qua … Kopo lớn như thổi. Nó được Dắc dìu dắt từng chút trong nghề. Mới 15 mà nó vạm vỡ như người lớn, và từng trải như bất cứ một tay săn thú lành nghề nào.
Bữa đó, Kopo về sớm, nổi lửa nấu cơm rồi ngồi chờ cha. Vào mùa này, tuyết phủ trắng cánh rừng thông, và cũng là mùa săn thích thú nhất. Từng đàn cầy mới thay lông, mịn màng như thứ lụa nõn nà, cứ khoảng trăng lên là rời hang; lũ cáo lông biếc màu cánh chả khôn ngoan hơn, nhưng cũng chui vào bẫy dễ dàng vì hiếm mồi … Rồi chồn sắc ô, sắc lửa, rồi mèo rừng, thậm chí tới sói trắng là thứ có bộ da được giá nhất, đôi khi cũng nằm gọn trong bẫy… Kopo vẫn tự phụ về tài đặt bẫy của cha nuôi … Nhưng mỗi lúc nó một thấy sốt ruột hơn: Chẳng bao giờ Dắc về trễ như vậy!
– Chắc có chuyện gì xảy ra đây!
Thằng bé nuốt vội mấy miếng thịt nướng lót lòng, thắng xe trượt tuyết, hăm hở đi tìm cha. Nó thuộc lòng cánh rừng Dắc đặt bẫy mà!
Trời rét như cắt… Tuyết phơi phới như bông nõn.
Chiếc xe lao nhanh trên lối mòn quen thuộc … Bỗng Kopo lạnh toát người: nó vừa nhận ra chiếc xe của Dắc nằm nghiêng bên đường, trơ trọi có chiếc xe tuyết bám trắng… Đàn chó biến đâu mất, da thú cũng chẳng còn một mảnh. Rõ ràng là bị cướp … Loáng thoáng vài vết máu trên tuyết chi chít dấu giày da đỏ: như vậy là người thợ săn đã chống cự với bọn cướp, rồi bị bắt luôn… Chắc vậy!
Thằng bé tìm ra ngay vết xe của bọn cướp, chúng xuôi về Nam… Miền Nam mênh mông, xa lạ với những bộ lạc da đỏ dữ dằn như thú rừng … Nhưng chẳng có gì cản nổi Kopo, nó vung chiếc roi bằng gân nai, quất ngang đầu lũ chó, làm thành thứ tiếng khô khan nổ ròn như tiếng pháo … 8 con chó gò lưng lôi chiếc xe băng băng…
Trên nền trời xám màu chì, vầng trăng mờ nhạt chếch dần về phía Tây. Gió buốt như cứa vào da thịt… Kopo ghì chặt lấy ngọn roi, mắt đăm đăm nhìn vết đoàn xe đi trước còn lờ mờ dưới lớp tuyết đang rơi… Nó buồn ngủ rã rời, nhưng nó biết: chỉ chợp mắt đôi chút trong lúc tuyết rơi mau này, nó sẽ chẳng hy vọng gì tìm thấy người cha thân yêu nữa … Sáng mai đây khi cánh rừng được trải tấm thảm trắng tinh, mới mẻ, tinh khiết … Mọi dấu vết sẽ sạch băng!
Tảng sáng nó mới tới chỗ nhóm da đỏ; mươi chiếc lều da đang được cuốn lại: họ sửa soạn nhổ trại.
Kopo xông thẳng vào giữa đám người lạ mặt, tay giơ cao khẩu súng săn:
– Người thợ săn da trắng đâu?… Phải thả ra ngay!
Nhưng cả chục cánh tay lực lưỡng đã ghì chặt lấy nó, khẩu súng bị tước gọn … Tha hồ cho thằng bé vùng vẫy, đấm đá, chỉ trong vài giây, nó bị trói như đòn bánh tét ngày tết, và được dẫn tới trước mặt người tù trưởng có bộ mặt dăn dúm, như trái táo phơi khô, đang thản nhiên ngồi hút thuốc với chiếc tẩu thực dài, làm bằng ống xương nai.
Kopo giậm chân một cách hằn học:
– Cha tôi đâu? Thả cha tôi ra!… Các người muốn gì tôi cũng chịu… Súng đạn?… Hay da thú?… Nói đi!
Trong lúc giận dữ, chiếc mũ của Kopo rớt xuống đất. Người tù trưởng nãy giờ ngồi yên như pho tượng chợt đứng phắt dậy … Gã ngắm nghía vết chàm xăm trên trán thằng bé rồi kêu lên:
– Trời! Con tôi!…
Phải một lát sau gã mới cất tiếng được:
– Con!… Cha mất con từ 15 năm nay… Dấu chàm là hình vật tổ của dòng họ nhà ta, do chính tay cha xăm trên trán con, khi mới lọt lòng … Con là Yakopo, con của cha!… Không thể sai được!
Thằng bé được cởi trói ngay … Nỗi xúc động ban đầu vừa nguôi, nó vội hỏi:
– Ông Dắc … Cha nuôi con … Tại sao bộ lạc lại bắt ông?
– Ông ta bị thương … Nhưng đó là người thợ săn không thực thà … Y lấy bẫy của ta …
Kopo lắc đầu:
– Không đời nào!
Người tù trưởng cười nhạt:
– Y bị bắt quả tang đang gỡ bẫy… Y còn cả gan nhận là bẫy y mất trước đây…
Kopo được dẫn tới chỗ cha nuôi … Đứa bé ôm lấy Dắc, khóc nức nở. May mắn cho 2 cha con, vì đến bây giờ, nhóm da đỏ mới chịu nghe người thợ săn thuật lại chuyện xưa….
–oOo–
Ngày đó cũng bộ lạc này hạ trại trong cánh rừng quen thuộc của Dắc. 3 người da đỏ gian tham đã lấy trộm một số bẫy thú mà người tù trưởng không hay … Cũng trong đêm đó, Yakopo mới lẫm chẫm biết đi, lần mò ra ngoài rồi sa hố, mất tích … Mãi đến nay, 15 năm sau, Dắc mới có dịp nhận ra một chiếc bẫy bị mất ngày nào … Nhưng khi người thợ săn chỉ vào tên mình khắc trên thân bẫy để đòi lại, thì chẳng ai chịu trả, và cuộc xô xát xảy ra.
Dắc ngã xuống … Người tù trưởng không nỡ bỏ Dắc chết rét nên cho đem về trại. Cũng nhờ đó cha con Yakopo gặp nhau.
–oOo–
Viên tù trưởng ân hận lắm, hết lời tạ tội với Dắc, hoàn lại đủ số bẫy và đền thêm vài chục tấm da thú đẹp nhất.
Ông ta quay lại Kopo, ngậm ngùi:
– Con nhờ người thợ săn da trắng mới sống tới ngày nay… Bây giờ ông ta còn yếu, con phải săn sóc ông. Mùa hạ tới, bộ lạc sẽ trở lại cánh rừng này, lúc đó con sẽ quyết định… Cha có tuổi rồi, bộ lạc cần người cầm đầu … Người đó không ngoài ai khác là con … Con có đủ đức tính gan dạ, hiếu thảo …
Người thợ săn chợt cảm thấy mình già nua hẳn đi … Từ bao lâu nay, ông ta coi đứa bé như con ruột mình rồi! Nhưng biết sao!… Kopo nắm lấy tay cha nuôi, ánh mắt, nụ cười của nó như thầm nói với Dắc:
– Cha con ta còn sống bên nhau trong suốt mùa Đông kia mà!… Chuyện sau này, vội gì…
NMT phóng tác (Theo S.Thomas)
Trần Vũ đánh máy lại tháng 2-2024 từ tuyển tập 15 Truyện Mạo Hiểm của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.