Từ mùa Hè 1943 tên tuổi của Hara bắt đầu vang danh: được xem là hạm trưởng của phép lạ. Vào thời điểm đó một khu trục hạm khó sống sót sau hai trận thủy chiến nhưng chiếc Shigure của Hara vẫn trở về lành lặn và lập chiến công. Rất khác các trận đánh trên bộ có sự phối hợp hỗ tương giữa các đơn vị, trên mặt biển đội hình của một hải đoàn vỡ tan ngay tức khắc một khi lâm trận. Mỗi chiến hạm phải tự lực chiến đấu. Đặc điểm này cho thấy Hara là một thuyền trưởng giỏi giang, biết lấy những quyết định đúng lúc và phù hợp với tình thế. Huyền thoại “The Unsinkable Captain” chỉ mới bắt đầu. [Trần Vũ] 

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXVI

Trong lúc 20 hải vận hạm tiến chậm chạp dọc theo bờ biển, các khu trục hạm Nhựt đã lừa các chiến hạm Mỹ chạy theo ra hướng đại dương. Ðó là 4 khu trục hạm Nicholas, O’Bannon, Taylor và Chevalier.

Trước khi trời tối một vài giờ, 400 binh sỹ Nhựt phải nằm lại trên các hải vận hạm ẩn núp dọc theo sườn đảo. Khi màn đêm buông xuống, tất cả đã đổ bộ lên Horaniu. Như thế, cuộc hành quân đã thành công trọn vẹn. Và như vậy, có thể kết luận rằng các khu trục hạm của Ðại tá Thomas J. Ryan đã thất bại, và trong thất bại này có nhiều khúc mắc.

Các chiến hạm của Ryan chạy cùng một hướng với các chiến hạm của chúng tôi mãi cho đến 23g32, và sau đó bỗng xoay hai lần 90 độ để hướng về các hải vận hạm Nhựt. Một vài báo cáo cho biết sở dĩ Ryan đã từ bỏ cuộc săn đuổi các khu trục hạm chạy với vận tốc 35 hải lý của chúng tôi bởi lẽ các khu trục hạm của ông ta chỉ có thể chạy với tốc độ 30 hải lý mà thôi.

Nhưng sự thực lúc ấy tốc lực tối đa của chiếc Shigure chỉ đạt đến 30 hải lý là cùng. Hơn nữa bánh lái của Shigure lại không được chính xác nên chắc chắn tàu này của tôi và Isokaze chạy không quá 28 hải lý. Mặt khác, hướng tiến của các chiến hạm Hoa Kỳ và hai chiến hạm Nhựt, tôi kiểm chứng lại qua các tài liệu của hai bên sau này, cho thấy Ðại tá Ryan không hề săn đuổi chúng tôi.

Ryan cũng không chủ tâm săn đuổi các hải vận hạm Nhựt. Theo báo cáo, tất cả các khu trục hạm của ông ta đã bắn hết đạn nhưng vẫn còn nhiều đạn cao xạ Bofors 40 ly và đại liên, đủ sức tấn công vào đoàn chuyển vận không võ trang của chúng tôi.

Qua những sự kiện này, cho thấy Ðại tá Ryan có lẽ đã nghĩ đây là một trong các chuyến tiếp tế quen thuộc mà khu trục hạm Nhựt thường đảm trách vai trò chính trong việc chuyên chở lính tăng viện, vì vậy khi các khu trục hạm Nhựt rút lui thì ông ta đã mãn nguyện, cho rằng cuộc đổ bộ của chúng tôi đã bị bẻ gãy, không cần phải truy đuổi xa hơn nữa.

Trong suốt trận đánh vừa qua, tôi cũng như tất cả các đồng đội khác không hề nhìn thấy một quả ngư lôi Mỹ nào được phóng đi. Ðiều này cũng gây thắc mắc, bởi vì cuộc đụng độ này xảy ra, chỉ cách có 10 ngày sau chiến thắng oanh liệt bằng ngư lôi của US Navy tại cùng một khu vực. Sau này, Ðề đốc Ijuin đã nói với tôi là ông “tin rằng các chiến hạm địch phải là tuần dương hạm chứ không phải khu trục hạm, bởi vì các chiến hạm này chỉ tham chiến bằng trọng pháo từ đầu chí cuối ở khoảng cách xa.”

Ghi nhận của một quan sát viên trên khu trục hạm Shigure về việc một trong những quả ngư lôi của tôi đã trúng tàu địch không bao giờ được kiểm chứng. Ðó có thể là do quan sát lầm lẫn. Hoặc quả ngư lôi phát nổ là do chạm phải các làn sóng dội mạnh từ một tàu địch gây ra. Lối điều động không mấy hăng hái của địch sau báo cáo của quan sát viên, khiến cho tôi nghĩ nhận xét sau của tôi có lẽ đúng. Như vậy, có thể nói không có quả ngư lôi nào của Nhựt chạm mục tiêu, nhưng một số đã gây rối loạn trong hàng ngũ đối phương.

Ijuin, sanh ra trong một dòng họ quý tộc và có những thói quen gia hệ, luôn luôn giữ trạng thái lạc quan. Ông ta không hề để tai đến những ngờ vực có tính cách bi quan của tôi. Do đó, trong bản báo cáo gửi cho Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng gia, ông viết: “Khu trục hạm xuất sắc nhất thuộc hải đoàn của tôi là chiếc Shigure đã phóng ngư lôi đánh chìm một tuần dương hạm của địch.”

Ðiều đáng chê trách nhứt của toàn bộ trận đánh là việc Nhựt bất thình lình ngưng hướng tiến để xoay hướng Tây-Nam. Lý do là radar của chiếc Hamakaze đã khám phá ra một hải lực địch hùng hậu trong khu vực phụ cận. Ðây là một sự sai lầm, và chỉ có một cách giải thích: radar của Nhựt vào lúc đó chưa đáng tin cậy. “Hạm đội” địch mà radar của chiếc Hamakaze phát hiện, thực ra là các tàu vận tải thuộc hải đoàn tiếp vận của chúng tôi.

Xem thêm:   Thiện xạ

Sau khi thế chiến chấm dứt, tôi đọc tất cả những lời đả kích mạnh mẽ của Hoa Kỳ nhắm vào hành động rút lui của Ijuin, bỏ mặc đoàn chuyển vận mà ông có trách nhiệm bảo vệ. Tuy nhiên, một điều hơi lạ là dường như không có một lời chỉ trích nào nhắm vào vị chỉ huy Hoa Kỳ về việc ông ta không xúc tiến truy đuổi và không đạt một kết quả nào trong việc ngăn tàu Nhựt tiếp tế cho Vella.

Theo tôi nghĩ, các vị chỉ huy của cả hai bên đều có sự bận tâm cùng bối rối riêng trong khi điều động. Thảm bại ngày 7 tháng 8 tại vịnh Vella hiển nhiên đã ám ảnh nặng nề Ijuin, giống như trận Kolombangara vào ngày 12 tháng 7 đối với Ryan. Trong trận Kolombangara, Ryan chỉ huy một hải đội khu trục hạm khi một trong 4 chiếc tàu của ông bị đánh chìm, 3 chiếc kia đã xoay hướng bỏ chạy một cách hỗn loạn, nhưng vẫn bị các hải đội Nhựt đông hơn rượt theo và giáng cho các đòn chí tử. Tuy nhiên, các sử gia thường không chú ý đến trạng thái tinh thần của các vị tư lịnh trong việc phê phán một trận đánh trên bộ hoặc trên biển.

Bốn khu trục hạm của chúng tôi trở về Rabaul vào ngày 18 tháng 8. Qua ngày sau, thủy thủ đoàn sung sướng và hãnh diện của chiếc Shigure được nghỉ ngơi. Trong giai đoạn tiêu hao khá cao của cả cuộc chiến, một khu trục hạm trải qua 2 trận đánh liên tiếp mà không mang một vết thương nào là một điều đáng ngạc nhiên. Trong chuyến trở về trước đó của chúng tôi, thiên hạ đã nhìn một cách điềm nhiên bởi vì họ cho rằng Shigure là tàu duy nhất của Nhựt còn sống sót sau trận đánh, chỉ là do may mắn. Bây giờ thì không còn ai tỏ vẻ nghi ngờ về tài năng và sự kiêu hùng của nó.

Ðề đốc Ijuin dùng cơm trưa với Ðại tá Miyazaki và tôi tại Câu Lạc bộ sỹ quan. Cả hai đều hết lời ca tụng chiến công của chiếc Shigure đến nỗi tôi cảm thấy bối rối nhưng pha chút sung sướng. Ijuin ghi nhận rằng từ ngày được tôi chỉ huy, khu trục hạm Shigure có nhiều thay đổi lớn lao, và ông kết luận:

“Tôi rất tiếc, Hara, mang tiếng là chỉ huy trưởng hải đội mà anh chỉ có trong tay một chiếc tàu duy nhứt, và chiếc tàu này lại còn già hơn chiếc Amatsukaze trước đây của anh. Nhưng hãy kiên nhẫn, không lâu nữa số tàu dưới quyền sẽ có đầy đủ cho anh.”

Ðề đốc Ijuin là một mẫu người rất dễ thân cận và hòa hợp. Mặc dù ông thuộc giai cấp quý tộc, sanh ra trong nhung lụa, nhưng ông đã tạo được một tiếng tăm lừng lẫy trong hải quân như là một hoa tiêu xuất sắc.Thực đáng hài lòng khi thấy một người có khả năng và giai cấp như vậy lại chú tâm đến sự an vui của người khác.

Căn cứ Rabaul tương đối yên tĩnh vì không có những trận oanh kích xảy ra, do đó sau khi dùng cơm trưa xong, chúng tôi thả bộ quanh một vòng. Từng cơn gió nhẹ, từ hướng Ðông-Nam lướt đến, lay động hàng dừa rợp bóng trên đầu. Căn cứ vùng xích đới này nhộn nhịp rộn ràng chút ít ở bề ngoài. Chúng tôi đều mặc áo ngắn, vận quần ngắn và đội nón rơm. Ăn mặc như vầy thích thú hơn vì không ai chú ý và khỏi phải phiền phức đáp trả những nghiêm chào của thủy thủ đi ngang qua.

Các cửa hàng trên hòn đảo vẫn mở cửa buôn bán như thường lệ, và hầu hết do người Hoa làm chủ. Một dân tộc nhẫn nại và cần cù biết bao. Trong lúc Ðồng Minh và Nhựt đang đụng độ tàn khốc thì họ, những Hoa kiều bình thản này, chỉ tìm cách kiểm soát kinh tế địa phương.

Khi băng qua một ngõ hẹp, chúng tôi bị một đám đông tụ tập trước sân một lữ quán lôi cuốn. Ðó là đám khán giả của một nhóm vũ công bản xứ khoảng chừng 40 người. Bốn mươi vũ công này không trang điểm gì khác hơn là giắt những lông chim trĩ lên tóc, vận xà rông màu sắc sặc sỡ và thân thể nhễ nhại trần trùi trụi, rám nắng của họ được tô vẽ lòe loẹt. Họ múa may cuồng nhiệt đến nỗi cơ thể ướt đầm mồ hôi. Tiếng trống là âm điệu duy nhất phụ họa. Một số khán giả phụ nữ lâu lâu ném vài quả chuối vào nhóm vũ công, và họ chụp lấy vừa ăn vừa nhảy múa. Thỉnh thoảng họ la lên, âm thanh giống như tiếng vịt kêu. Chúng tôi không hiểu nguyên nhân nào mà dân bản xứ tổ chức buổi múa này, nhưng phải công nhận đây là một màn rất thu hút. Gần nửa giờ, chúng tôi đứng quan sát nhóm vũ công trẻ tuổi hoa chân múa tay trong khi đầu lắc qua lắc lại liên hồi. Chỉ chừng bấy nhiêu động tác, nhưng hấp dẫn kỳ lạ.

Miyazaki nói: “Sắc dân này bằng lòng với đời sống sơ khai, ăn uống đạm bạc, ở trong những căn nhà tồi tàn, ăn vận thô sơ và không mơ ước gì hơn nữa. Ðối với cuộc sống hiện đại của chúng ta, xem ra họ có vẻ biếng nhác. Nhưng thực ra ai là kẻ hạnh phúc hơn?”

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 19 tháng 6 năm 2025

Cuối cùng, Ijuin đề nghị đi chỗ khác, ông nói: “Tôi thích màn nhảy múa này, nhưng tôi lại muốn viếng nơi tắm suối nước nóng mà hồi nãy chúng ta nhìn thấy. Các anh theo tôi không?”

Lời đề nghị của Ijuin làm Miyazaki và tôi sửng sốt. Hồi nãy khi đi ngang qua suối nước nóng, chúng tôi có nói với Ðề đốc về sự tuyệt diệu của chỗ tắm này. Bây giờ, khi nghe Ijuin nói, tôi định lên tiếng thì Miyazaki đã cướp ngang: “Xin lỗi Ðề đốc, suối nước nóng đó ở ngay ngoài trời. Tôi chưa thấy một vị Ðề đốc nào tắm công cộng bao giờ.”

Ijuin đáp: “Nhưng mà anh đã từng tắm ở đó rồi, phải không? Và một khi anh có thể tận hưởng bồn tắm ngoài trời sảng khoái như vậy, tại sao tôi lại phải bằng lòng với cái buồng tắm chật hẹp và thiếu tiện nghi của tôi ở trên tàu?” Không ai dám cãi lý với một vị Ðề đốc, nhứt là khi ông ta nói rất hữu lý. Hải quân Nhựt đã cho xây nhiều nhà tắm lộ thiên bên các suối nước nóng do núi lửa tạo ra. Ở đấy có đặt những thùng bằng kim khí rộng lớn dùng để chứa nước. Ai muốn tắm thì đổ đầy nước ấm vào thùng, rồi tắm theo lối Nhựt, nghĩa là ngâm cả thân thể vào chiếc thùng đầy nước này. Tắm theo kiểu này thân thể sẽ đỏ hồng và cảm thấy khỏe khoắn hoàn toàn.

Bất cứ thủy thủ nào từng ghé Rabaul đều biết đến địa điểm tắm nước nóng ở đây. Nếu có giấy phép lên bờ, thủy thủ có thể đến tắm tự do, khỏi phải trả xu nào. Sau những ngày lênh đênh, không hề biết đến tắm rửa là gì, đây là một địa điểm mà họ không thể nào quên. Nhưng các sỹ quan cao cấp thì đã có nơi tắm riêng trên tàu, do đó, thực là đáng ngạc nhiên, khi nhìn thấy một vị Ðề đốc, cũng là một vị Nam tước ngoài đời, lại lần mò đến những nơi tắm công cộng thế này.

Khi chúng tôi bắt đầu hứng nước nóng vào thùng, hai thủy thủ trẻ tuổi nhảy ra khỏi thùng của họ, chào chúng tôi và dành lấy công việc này. Phản ứng tự nhiên, chúng tôi chào trả lại họ, nhưng Ijuin nhanh miệng: “Ðược rồi, các chú, việc này có khó khăn gì đâu, chúng tôi có thể tự làm mà. Trần truồng như thế này thì phân biệt giai cấp quái gì nữa? Ðừng nghiêm chào tồng ngồng như vậy.”

Nhưng hai chàng thủy thủ trẻ dường như không nghe. Sau đổ nước đầy mấy cái thùng của chúng tôi xong, họ lặn ngay lập tức. Ðề đốc Ijuin thở dài: “Dường như chúng ta đã quấy rầy cuộc vui của họ. Từ rày tôi sẽ không đến đây nữa.”

Buổi tắm tuyệt thú. Sau khi tắm xong, chúng tôi kỳ lưng cho nhau và xếp hàng giống ba con khỉ đột. Thực ra, đây là trò không lấy gì làm đứng đắn lắm đối với các sỹ quan, nhưng chúng tôi cũng không để ý đến điều đó. Trong lúc đang hưởng sự thoải mái, Ijuin nói: “Sư tổ phóng lôi Hara, tôi muốn anh cho tôi biết ý kiến về hành động của tôi trong trận chiến vừa qua. Tám con cá của khu trục hạm Sazanami đã phí phạm một cách vô ích. Sao chúng ta không thể làm tốt hơn?”

“Thưa Ðề đốc, theo tôi nghĩ, các ngư lôi đó thực sự không phí phạm một chút nào hết. Loạt phóng đầu tiên của chúng ta bị đối phương phát giác kịp thời, bởi lẽ có một quả ngư lôi đi sai hướng và bị sóng lật ngược trở lại. Nếu điều đó không xảy ra thì tôi tin rằng thế nào chúng ta cũng bắn trúng tàu địch.”

Ijuin đồng ý lý luận của tôi, và ông nêu ý kiến thêm rằng khoảng cách của mục tiêu quá xa, nên dầu cho các ngư lôi có tầm xa cũng không thể nào trúng đích được. Tôi tiếp lời: “Ðúng vậy, thưa Ðề đốc, với sự tiến bộ về tầm phát hiện của radar địch, họ có thể bắn chúng ta từ xa, trong khi chúng ta khó mà có thể đến gần họ trong tầm ba ngàn mét.”

Ijuin nói: “Ðúng vậy. Ðịch quân hiện thời đã trên chân chúng ta. Ðiều khôn ngoan nhất cho chúng ta là cố gắng làm sao đừng gắng công đạt cho được chiến thắng mà phải chịu hao tổn quá nhiều. Không nên trả giá đắt về người và chiến hạm chỉ để đánh đổi một chiếc tàu địch.”

Các cuộc tấn công của Ðồng Minh ngày càng gia tăng mạnh mẽ, khiến Nhựt xoay trở khó khăn. Ngay chính vào ngày chúng tôi quay về nghỉ ngơi tại Rabaul, bộ binh Nhựt bắt đầu triệt thoái khỏi căn cứ Santa Isabel, một hòn đảo có chiều dài nhưng không có chiều ngang thuộc quần đảo Solomon, nằm song song phía chính Ðông của các đảo Vella Lavella, Kolombangara và New Georgia.

Sau 3 ngày nghỉ ở Rabaul, Miyazaki và tôi được lịnh dùng 3 khu trục hạm di tản càng nhiều càng tốt số binh sỹ đồn trú trên đảo Rekata nằm ở phía Ðông-Bắc Santa Isabel. Trước đó, 600 trong số 3,400 binh sỹ trú đóng trên đảo Rekata đã được một số khu trục hạm khác di tản.

Xem thêm:   Câu chuyện về Long Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào

Thêm một lần nữa, chiếc Shigure lại ra khơi với chiếc Hamakaze. Khu trục hạm hư hại Isokaze được chiếc Minazuki thay thế. Cả 3 khu trục hạm lên đường vào sáng ngày 22 tháng 8. Tàu của chúng tôi chất đầy đồ tiếp tế cho số binh sỹ còn kẹt lại trên đảo không di tản hết trong chuyến đi này vì tàu của chúng tôi mỗi chiếc chỉ có thể chở 250 lính là cùng.

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ giao phó cho chúng tôi đều gian nan vất vả. Cuộc di tản trước được thực hiện cách nay đúng 4 hôm, khiến cho công tác của chúng tôi trở nên khó khăn thêm. Ðịch đã đặt trong tình trạng báo động. Chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó nguy cơ trước mắt.

Hành trình đến căn cứ Rekata thực nguy hiểm với hằng hà sa số đá ngầm và nhiều nơi đáy biển không được đánh dấu. Hải đồ của chúng tôi sao y hải đồ của Anh, vẽ năm 1939 kèm theo lời ghi chú như sau: “Những hòn đảo này mới được nghiên cứu có một phần, và phần lớn còn lại vẫn chưa biết hết. Tốt hơn nên cẩn thận khi di chuyển trong khu vực này.”

Lúc chúng tôi rời khỏi Rabaul chưa đầy 100 dặm thì 3 phi cơ địch xuất hiện ở độ cao 7,000m. Súng cao xạ khai hỏa tức khắc, nhưng ở cao độ này làm sao với nổi. Quả thực đáng lo.

Phi cơ địch không bỏ một quả bom nào, nhưng cứ quấy phá bằng cách bay vòng tròn trên đầu chúng tôi. Lối chọc tức này thực đáng chửi thề. Khoảng chừng 10 phút sau, 6 chiến đấu cơ Zéro cất cánh từ căn cứ Buka xuất hiện trên không phận của khu vực. Sáu chiến đấu cơ Nhựt đâm thẳng vào các oanh tạc cơ địch và khai hỏa. Nhưng phi cơ địch, dường như là loại oanh tạc cơ B24 Liberator, vẫn tiếp tục bay, hoàn toàn không có vẻ gì là rối loạn cả. Mọi loại súng của chúng tôi đều quay mũi lên trời sẵn sàng tiếp ứng, nếu phi cơ địch bay vào tầm.

Quấy phá chừng 20 phút, các phi cơ địch bỏ đi. Sáu chiến đấu cơ Nhựt tiếp tục bay che trên các chiến hạm của chúng tôi, cho đến chiều tối mới quay về. Nhưng chúng tôi vẫn sống trong bất an, vì vậy vẫn phải duy trì tình trạng báo động. May mắn là không còn chiếc phi cơ nào đến quấy rầy nữa. Chúng tôi tiến một cách chậm chạp dọc theo bờ biển Bougainville và luôn luôn phải đề phòng bất trắc trên đoạn hải trình nguy hiểm này.

Chúng tôi len lỏi tiến vào khu vực đầy đá nhọn và đáy biển nông, bao quanh đảo Choiseul. Ngay lúc đó, một mật điện hỏa tốc gửi đến từ căn cứ Rekata. Không một ai trong chúng tôi quên được nội dung khi đọc mật điện này: “Bốn tuần dương hạm và rất nhiều khu trục hạm địch được nhìn thấy lảng vảng gần cửa khẩu vào hải cảng Rekata.”

Tôi la trời. Tất cả các chiến hạm của chúng tôi đều chạy một cách nặng nề và chậm chạp, với vận tốc tối đa 10 hải lý. Như vậy chúng tôi sẽ trở thành mấy con vịt bằng đất sét vĩ đại, làm mồi cho phi pháo và ngư lôi của địch. Trong khi tôi rối trí trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, đèn trên chiếc Hamakaze nhấp nháy tín hiệu: “Xoay hướng tức khắc, chạy trở ra biển với tốc độ 24 hải lý cho đến khi nào chúng ta hiểu rõ địch tình.”

Rời bờ biển để chạy ra khơi như vầy chúng tôi sẽ trở thành mục tiêu rất rõ cho radar của địch. Chúng tôi chạy theo hướng mới chưa đầy 10 phút, truyền tin của chúng tôi bắt được một công điện xuất phát từ một trinh sát cơ địch, báo cáo về sự xoay hướng của chúng tôi. Chúng tôi phải làm gì để kháng cự lại với một đối thủ đầy đủ tai mắt như thế?

Sau khi xem xét hải đồ, chúng tôi biết rằng địch chỉ cách chúng tôi 30 dặm. Có thể nào chúng tôi tiến vào bờ để đánh lạc hướng radar địch hay không? Chạy trốn? Tấn công? Tấn công chắc chắn chúng tôi sẽ chỉ hạ gục một hay hai chiến hạm địch là cùng, và sau đó, những chiến hạm còn lại của địch chắc chắn sẽ nuốt sống chúng tôi. Ðèn hiệu màu xanh sau đuôi của chiếc Hamakaze lại nhấp nháy: “Rabaul ra lệnh trở về căn cứ ngay lập tức, tránh chạm trán với địch. Vận tốc rút lui 30 hải lý.”

Tôi thở phào nhẹ nhõm và cúi nhìn đồng hồ, lúc đó gần nửa đêm. Chúng tôi xoay hướng chạy thẳng về Rabaul và đến nơi vào trưa ngày 23 tháng 8. Nhưng chúng tôi chỉ có chút ít thời gian để hồi sức sau mấy đêm mất ngủ.

Tuần sau: 

Chương XXXVII

Hạm trưởng huyền nhiệm

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships