Khi tấn công Midway, Thủy sư Đô đốc Isoroku Yamamoto đi tìm “trận đánh quyết định” tương đương với chiến thắng Đối Mã của Nhật đã thiêu hủy hạm đội Nga vào năm 1905. “Trận đánh quyết định” là một khái niệm trong lý thuyết quân sự của Clausewitz, qua đó, phía tấn công tiêu diệt sinh lực địch để từ đó thế trận không thể đảo ngược. Waterloo, Sedan, Stalingrad và Điện Biên Phủ là những trận đánh quyết định. Tuy nhiên Clausewitz yêu sách: phải tập trung binh lực trong hướng tấn công chính và có ưu thế số đông. Yamamoto không kết hợp hai yếu tố này.

Thiết lập kế hoạch Midway, Yamamoto chia Hạm đội Hỗn hợp làm 6 đạo:

  1. Hải lực Bắc (Phó Đô đốc Moshiro Hosogaya) tấn công Aleutian Islands ở cực Bắc, đánh chiếm hai đảo Kiska và Attu. Mục đích lôi Nimitz ra khỏi Trân Châu Cảng.

2 hàng không mẫu hạm Junyo và Ryujo (82 phi cơ) tăng cường 178 phi cơ đóng trên các đảo Kwajalein, Wake, Wotje. 7 tuần dương hạm, 12 khu trục hạm

  1. Hải lực Tiền tiêu (Phó Đô đốc Teruhisa Komatsu) canh chừng Pearl Harbor.

13 tiềm thủy đĩnh

  1. Lực lượng Đặc nhiệm (Phó Đô đốc Chuichi Nagumo) tấn công US Pacific Fleet.

4 hàng không mẫu hạm Kaga, Akagi, Soryu, Hiryu (261 phi cơ)

2 thiết giáp hạm, 3 tuần dương hạm, 12 khu trục hạm, 5 tàu tiếp tế dầu

  1. Lực lượng Chiếm Đảo Midway (Phó Đô đốc Nobutake Kondo).

2 hàng không mẫu hạm nhẹ Zuiho (24 máy bay), Chitose (thủy phi cơ)

2 thiết giáp hạm, 10 tuần dương hạm, 20 khu trục hạm, 4 tiểu đĩnh, 4 tàu dò mìn, 3 tàu săn tàu ngầm, 5 tàu tiếp tế dầu, 14 dương vận hạm vận chuyển Trung đoàn 28 của Sư đoàn 2 Sendai

  1. Hải lực Nam (Phó Đô đốc Shiro Takasu) nghi binh.

4 thiết giáp hạm, 2 tuần dương hạm, 12 khu trục hạm, 4 tàu tiếp tế dầu

  1. Hải lực Yểm Trợ: Đệ Nhất Hạm Đội (Thủy sư Đô đốc Isoroku Yamamoto).

1 hàng không mẫu hạm nhẹ Hosho (8 thám thính cơ)

2 tàu vận tải Chiyoda và Nisshin chở thủy phi cơ và tàu ngầm bỏ túi

3 thiết giáp hạm nặng, 1 tuần dương hạm, 9 khu trục hạm

Thời điểm tháng 6-1942 Nhật áp đảo Mỹ trên 3 mặt: Số lượng tàu chiến, kinh nghiệm tác chiến và kỹ năng tôi luyện của phi công cùng với thủy thủ đoàn. Hạm đội Hỗn hợp của Yamamoto tập trung 9 hàng không mẫu hạm, 11 thiết giáp hạm, 23 tuần dương hạm, 65 khu trục hạm 13 tiềm thủy đĩnh, tổng số 121 chiến hạm các loại. Một đa số tuyệt đối. US Pacific Fleet của Đô đốc Chester Nimitz chỉ có 3 hàng không mẫu hạm, 8 tuần dương hạm, 17 khu trục hạm và 12 tàu ngầm, tổng cộng 40 tàu chiến.

US PACIFIC FLEET (Đô đốc Chester Nimitz).

Task Force 16 (Đề đốc Raymond A. Spruance).

2 hàng không mẫu hạm Enterprise (79 phi cơ), Hornet (79 phi cơ)

6 tuần dương hạm, 9 khu trục hạm

Task Force 17 (Đề đốc Frank J. Fletcher).

1 hàng không mẫu hạm Yorktown (75 phi cơ)

2 tuần dương hạm, 6 khu trục hạm

Hải đoàn Tiếp vận.

2 tàu dầu, 2 khu trục hạm hộ tống

Hải đoàn Tiềm Thủy đĩnh (Đề đốc Robert H. English).

12 tàu ngầm

Task-Group 7-2: 7 tiểu đĩnh

Căn cứ Midway (Đại tá Cyril T. Simard).

131 máy bay (33 chiến đấu cơ, 37 thám thính cơ, 42 oanh tạc cơ và 19 pháo đài bay B17)

{Trích La Guerre du Pacifique, Bernard Millot, trang 182-192, Nxb Robert Laffont 1968}

Tuy nhiên cách phân bố của Yamamoto làm giảm thiểu ưu thế của Nhật. Không một hải lực nào của  Yamamoto đủ sức lấn lướt US Pacific Fleet, chính vì Nimitz kết hợp cả hai Task Force 16 và 17 vào trong cùng một hạm đội, càng thêm nguy hiểm một khi Yamamoto thiết kế trận chiến không qua giao chiến hải pháo giữa các thiết giáp hạm mà bằng không kích từ các hàng không mẫu hạm. Chính đây là nguyên nhân thất bại của Yamamoto vì hướng tấn công chính do Lực lượng Đặc nhiệm của Nagumo đảm trách chỉ có 4 mẫu hạm với 261 máy bay để kình chống với 233 máy bay của Fletcher và Spruance.

Là chưa tính đến 131 máy bay đậu trên đảo Midway của US Navy. 131 máy bay là tương đương với sức chứa của hai hàng không mẫu hạm nặng của Nhật. Có nghĩa thay vì 3 mẫu hạm, Nimitz có tương đương 5 mẫu hạm để nghinh chiến 4 mẫu hạm của Nagumo. Điều kiện “phải tập trung binh lực trong hướng tấn công chính và phải có ưu thế số đông” của Clausewitz đã không được Yamamoto thực thi.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Các sử quan Hoa Kỳ về sau chê trách Yamamoto đã “quá Á đông” khi hành binh. Hiểu ngầm là quá rắm rối phức tạp không cần thiết. Vì sao phải đánh nghi binh lên cực Bắc chiếm hai đảo thuộc Aleutian Islands khiến hai hàng không mẫu hạm Junyo và Ryujo với 82 phi cơ không thể tham chiến ở Midway? Vì Yamamoto muốn điệu hổ ly sơn. Vì sao phải dùng Hải lực Nam của Phó Đô đốc Shiro Takasu với 4 thiết giáp hạm nghi binh hướng Nam? Vì muốn áp dụng binh pháp Tôn Tử hư hư thực thực…

Thay vì tập họp nguyên hạm đội và ùa đến Midway sống mái, Yamamoto đã chia làm 6 hải đạo cách nhau quá xa để không thể hỗ tương tiếp ứng.

Thư hùng giữa Clausezwitz và Tôn Tử? Tại Midway, Clausewitz chiến thắng.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XIX

Những công điện kế tiếp báo cáo các cuộc tấn công có hiệu quả của địch vào 2 hàng không mẫu hạm Soryu (Thanh Long) và Akagi (Xích Thành), soái hạm của Phó Ðô đốc Nagumo. Sân bay của 3 hàng không mẫu hạm bốc cháy cùng một lúc! Tôi đang đọc những gì đây? Có phải tôi nằm mơ không? Tôi lắc đầu. Không, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Tôi kêu trời và trao công điện cho các sỹ quan của tôi. Ðại úy Shimizu run rẩy khi lướt mắt trên các giòng chữ. Mặt Ðại úy Matsumoto xanh như tàu lá, Trung úy Miyoshi tỏ vẻ nghi ngờ.

Tôi nhìn quanh, đoàn tàu của chúng tôi đang lướt theo hình chữ chi. Tôi chắc các hạm trưởng và sỹ quan trên mấy chiếc tàu kia đã đọc những tin tức gây xúc động này. Dù choáng váng, chúng tôi vẫn phải tiếp tục kế hoạch đã sắp xếp, vì chúng tôi không hề nhận được lịnh thối lui.

Tin tức tiếp tục dồn dập và trong chúng tôi không còn một ai nghi ngờ sự thật đã xảy ra. Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo đã bị cắt nát ra từng mảnh. Nhưng các tư lệnh phía chúng tôi đang toan tính gì? Cơn buồn rầu của tôi vì sự mất mát 3 hàng không mẫu hạm biến thành cơn thịnh nộ. Chúng tôi sẽ rơi vào bẫy như lực lượng chánh của Nagumo?

Cuối cùng lịnh hành quân mang số 154 đến lúc 9 giờ 20 sáng, chỉ thị đoàn tàu chuyển vận của chúng tôi “tạm thời quay mũi về hướng Tây Bắc” và “tất cả các chiến hạm tấn công địch quân từ phía Bắc Midway”. Các hộ tống hạm nhỏ và 16 dương vận hạm xoay chầm chậm theo đội hình, rồi chạy thẳng về hướng Bắc. 6 khu trục hạm và một tuần dương hạm thuộc phân đội của chúng tôi gia tăng tốc lực lên 30 hải lý, trực chỉ Midway.

Cho dù hôm nay trời đứng gió, với tốc độ hiện thời, chiếc Amatsukaze lướt sóng ào ạt, tạo ra một màn mưa và bọt nước che mờ đài chỉ huy. Bây giờ tôi không còn cảm thấy lưỡng lự nữa. Lúc 10 giờ 10, lịnh hành quân 156 công bố “hoãn lại” kế hoạch chiếm đóng đảo Midway, và chỉ thị cho chúng tôi tiến sát vào bờ biển để pháo kích san bằng hòn đảo này.

Chúng tôi vẫn còn cách Midway 300 dặm, còn 10 tiếng đồng hồ nữa chúng tôi mới đến mục tiêu. Hình như đó là một thời gian khá dài, đủ để địch quân kịp thời chuẩn bị. Chúng tôi tiếp tục tiến tới, và vẫn tiếp tục nhận được các tin tức không mấy lạc quan. Lúc 14 giờ 30 ngày 4 tháng 6, báo cáo của chiếc Hiryu (Phi Long), hàng không mẫu hạm cuối cùng còn hoạt động của Nagumo, cho biết: “Chúng tôi bị oanh tạc và bốc cháy.” Và lúc 16 giờ 15, Ðô đốc Isoroku Yamamoto ban ra lịnh thứ ba trong ngày, chỉ thị thành phần còn lại thuộc lực lượng của Nagumo tấn công địch quân vào ngay đêm đó. Lịnh này không những không đề cập đến sự mất mát tất cả các hàng không mẫu hạm của Nagumo, nhưng còn nhấn mạnh rằng “hiện thời hạm đội địch đã bị tiêu diệt và tàn quân đang rút về phía Ðông.”

Cho dù với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi về các biến cố trong trận đánh này, tôi cũng thấy lịnh của Yamamoto vừa ban ra có vẻ khó hiểu. Tôi nghĩ là ông đã mất sự sáng suốt. Nhưng ngay sau đó tôi hiểu ra, sở dĩ Yamamoto đã ban lịnh này, đó chỉ là vì ông đang cố gắng ngăn chận sự sụp đổ tinh thần của các lực lượng dưới quyền của ông.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 18 tháng 4 năm 2024

Lúc 21 giờ 30, Nagumo gọi vô tuyến báo cáo một tin tức khiến cho các lịnh đánh lừa của Yamamoto trở thành mỉa mai: “Lực lượng của địch quân bao gồm 5 hàng không mẫu hạm, 6 tuần dương hạm và 15 khu trục hạm đang di chuyển về hướng Tây. Chúng tôi đang hộ tống chiếc Hiryu rút lui về hướng Tây Bắc.”

Hai giờ sau đó, Yamamoto đưa ra một lịnh nữa, là ông vẫn chủ tâm tấn công địch quân. Lịnh này đến tay tôi khi tôi đang nhìn thấy một chiếc tàu lớn đang bốc cháy dữ dội, cách chiếc Amatsukaze khoảng 5,000 thước về phía Ðông. Tôi xem lại hải đồ và xác định chiếc tàu đang bốc cháy chính là hàng không mẫu hạm Akagi. Tôi nhớ lại quang cảnh một chiến hạm địch bốc cháy ở Java. Bây giờ đây là soái hạm của chúng tôi. Trái ngược xiết bao. Trong trận hải chiến ở biển Java, cả hai, Nhựt và Ðồng Minh đều vấp phải lỗi lầm, nhưng ở Midway chỉ có một mình Nhựt sai lầm mà thôi.

Trước nửa đêm không lâu, chúng tôi nhận được lịnh chấm dứt cuộc hành quân Midway, và chỉ thị chúng tôi sáp nhập vào lực lượng chánh của Yamamoto.

(Trong trận hải chiến Midway Nhựt Bản bị đánh chìm 4 trong tổng số 6 hàng không mẫu hạm lớn nhất và hiện đại nhất của Hạm đội Hỗn hợp của Yamamoto là các chiếc Akagi, Kaga, Soryu và Hiryu và một tuần dương hạm hạng nặng Chikuma.

Chiếc Kaga (Gia Hạ) tiền thân là một thiết giáp hạm nhưng vì Hiệp ước Giải trang Hoa Thạnh Ðốn nên được biến cải thành một hàng không mẫu hạm trọng tải 38,000 tấn, thủy thủ đoàn 2,000 người. Về trang bị nó vẫn giữ được một phần võ trang của thiết giáp hạm gồm 10 khẩu đại bác 200 ly, 8 khẩu 127 ly và 22 khẩu phòng không 25 ly, nó có thể đạt tốc độ tối đa 29 hải lý, mang được tối đa 90 máy bay gồm 18 chiến đấu cơ Zéro, 37 oanh tạc cơ đâm bổ Aichi (Val) và 37 phóng pháo cơ phóng ngư lôi Nakajima (Kate).Số lượng máy bay có thể thay đổi tùy theo các cuộc hành quân.

Hàng không mẫu hạm Akagi (Xích Thành), soái hạm của Phó Ðô đốc Chuichi Nagumo trong suốt các cuộc hành quân của Lực lượng Ðặc nhiệm từ Trân Châu Cảng đến Midway, tiền thân là một kiểu thiết giáp hạm lớp Amagi nhưng cũng vì Hiệp ước Giải trang nên cả hai được biến cải thành hàng không mẫu hạm nhưng chiếc Amagi bị động đất chôn vùi năm 1923. Chiếc Akagi hoàn tất vào năm 1935 là hàng không mẫu hạm hiện đại của Nhựt Bản lúc đó, trọng tải 37,000 tấn, thủy thủ đoàn 2,000 người, võ trang giống như chiếc Kaga và cũng mang được tối đa 90 máy bay.

Hàng không mẫu hạm Soryu (Thanh Long), đây là kiểu tàu trọng tải lớn được thiết kế đúng với tính năng của một hàng không mẫu hạm hiện đại, nó chỉ nặng 20,000 tấn quá bé nhỏ so với 2 chiếc Kaga và Akagi nhưng đây là hàng không mẫu hạm chạy nhanh, năm 1935 nó được hạ thủy và được xem là hàng không mẫu hạm chạy nhanh nhất thế giới lúc đó, đạt đến tốc độ 35 hải lý, thủy thủ đoàn 1,100 người, võ trang gồm 12 khẩu 127 ly dùng để phòng không lẫn tự vệ chống tàu bé như khu trục hạm chẳng hạn, 26 khẩu phòng không 25 ly và 15 khẩu đại liên 13 ly phòng không, mang theo 57 máy bay nhưng có thể mang tối đa đến 80 chiếc.

Hàng không mẫu hạm Hiryu (Phi Long), chiếc tàu đàn em của Soryu, được cải tiến trên kiểu Soryu, trọng tải 20,000 tấn, nó cũng có những tính năng như Soryu nhưng trang bị đến 31 khẩu phòng không 25 ly và vẫn như Soryu nó cũng mang theo 57 đến 80 máy bay gồm Zéro, Aichi hoặc Nakajima.

Nhựt cũng lên kế hoạch đóng tiếp 6 chiếc hàng không mẫu hạm thuộc lớp Soryu nhưng không hoàn tất được chiếc nào, ngoại trừ chiếc Unryu (Vân Long) bị tàu ngầm USS Redfish đánh chìm trên chuyến hải trình đầu tiên từ Manila về Kuré vào ngày 12 tháng 9 năm 1944, vì lúc đó Hoa Kỳ đã tấn công vào Luzon mà việc hoàn tất Unryu vẫn chưa xong. Unryu chìm mang theo hạm trưởng Ðại tá Kaname Konishi và 1,318 thủy thủ đoàn. Chỉ có 146 người được khu trục hạm hộ tống Shigure (Mưa Thu) cứu sống. Các chiếc khác không hoàn tất được là Amagi (khác với Amagi (Thiên Thành) đã bị động đất chôn năm 1923), Katsuragi (Cát Thành), Kasagi, Aso, Ikoma vẫn còn nằm trên xưởng và bị phá bỏ vào năm 1946, trừ chiếc Katsuragi hoàn tất tháng 8 năm 1944 và nhận nhiệm vụ tháng 10 năm 1944 chở một số oanh tạc cơ Ryusei B7A và Nakajima B6N làm nhiệm vụ Kamikaze và sau đó được dùng như là một tàu vận tải lớn để chở binh sỹ vì Nhựt đã mất hẳn ưu thế trên biển, sống sót sau chiến tranh và bị phá bỏ ngày 22 tháng 12 năm 1946. Chiếc Karuma thì bị hủy bỏ từ năm 1943. Trong suốt cuộc chiến Nhựt Bản chỉ hạ thủy được thêm một mẫu hạm hạng nặng và tối tân nhất thế giới lúc đó, là chiếc Taiho (Ðại Phụng) nhưng cũng bị đánh chìm chỉ bởi 1 quả ngư lôi ở trận Leyte do thủy thủ đoàn quá thiếu kinh nghiệm điều khiển. Còn một con quái vật trên biển nữa nhưng cũng chưa hoàn tất, siêu mẫu hạm Shinano, biến cải từ lớp thiết giáp hạm Yamato, Shinano được đóng ở Ðài Loan nhưng tình hình bất lợi nên được di dời về Nhựt để hoàn tất tiếp, trên đường về thì bị tàu ngầm USS Archerfish của Hoa Kỳ đánh chìm ngày 28 tháng 11 năm 1944. Chiếc Shinano, trọng tải 70,000 tấn mang được 140 máy bay, trang bị cả rừng phòng không 16 khẩu 127 ly, 145 khẩu 25 ly và 12 ống rocket 127 ly. Tiếc là nó chưa có cơ hội chứng tỏ sức mạnh.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tuần dương hạm Chikuma 14,000 tấn, đây là một trong hai chiếc thuộc lớp Mogami, tuần dương hạm hạng nặng hiện đại nhất của hải quân Nhựt Bản, nó đạt tốc độ 37 hải lý, trang bị 10 trọng pháo 203 ly trong 5 tháp súng, 8 khẩu 127 ly, 8 dàn 25 ly và 4 dàn 13 ly phòng không và 12 ống phóng thủy lôi 610 ly. Bị các oanh tạc cơ SBD Dauntless của Hoa Kỳ đánh chìm trong trận Midway, Chikuma trúng trực tiếp 6 bom 750 cân Anh, chỉ có 240 người được các khu trục hạm cứu sống gồm có cả hạm trưởng Ðại tá Shakao Sakiyama bị thương nặng và thiệt mạng 3 ngày sau đó trong tổng số 850 thủy thủ đoàn.

Bốn hàng không mẫu hạm Nhựt chìm trong trận Midway mang theo 250 máy bay và 400 phi công đầy kinh nghiệm của Nhựt qua các trận đánh không hải chiến lớn ở Thái Bình Dương, và hơn 2,000 thủy thủ được tôi luyện trong các chiến dịch lớn trước đó. Thiệt hại này không thể bù đắp.

Về phía Mỹ, chỉ mất một hàng không mẫu hạm và một khu trục hạm cùng 175 phi cơ. Hàng không mẫu hạm Yorktown đóng năm 1934 và hoàn tất năm 1937, 25,000 tấn, chở được 90 máy bay các loại, tốc độ 33 hải lý, thủy thủ đoàn 2,217 người. Chiếc Yorktown đã bị thương trong trận hải chiến ở biển San Hô và đưa về Trân Châu Cảng sửa chữa cấp tốc trong 3 ngày và quay lại tham chiến ở Midway, đây là một điều bất ngờ dành cho Nhựt.

Khu trục hạm Hammann, hạ thủy năm 1938, đây là lớp khu trục hạm mới của Mỹ, trọng tải 2,200 tấn, trang bị 4 khẩu 127 ly, tốc độ 35 hải lý, thủy thủ đoàn 192 người. Khu trục hạm Hammann tham dự hầu hết các trận đánh lớn ở Thái Bình Dương và bị đánh chìm ở Midway bởi các ngư lôi do tàu ngầm I-168 phóng đi, một trong những trái ngư lôi đó đã kết thúc luôn chiếc Yorktown đang hấp hối sau cuộc oanh tạc của Nhựt sau khi đã di chuyển hết thủy thủ đoàn sang các tàu khác. Trận Midway Mỹ chỉ thiệt mất 307 người trên các chiến hạm, bao gồm cả phi công.

Tuần sau: Chương XX

Giấc ngủ của Yamamoto

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships