Ngày 17 tháng 10-1944 Phó Đô đốc Takijiro Onishi đến Phi Luật Tân, chính thức thành lập các phi đoàn Thần  Phong. Nhật Bản rơi trầm vào cuộc chiến tuyệt vọng. Mc Arthur đã áp sát vịnh Leyte, Halsey phong tỏa hải đảo Iwo Jima, biển Nhật đã bị khống chế. Với binh sĩ Nhật không còn lối thoát nào khác ngoài lưỡi gươm danh dự Seppuku: Rạch bụng hay chết cùng kẻ thù! Đ?t t?n cho c?c phi ?o?n Kamikaze, ặt tên cho các phi đoàn Kamikaze, Onishi đọc lời thơ cổ của tiếng thơ Motoori Norinaga: ‘‘Nếu ai hỏi tôi đâu là trái tim Nhật Bản, tôi sẽ trả lời chính hương dâu tằm hoang dại trước mặt trời mọc.’’ Shikishima Đảo Thiêng, Yamato Vương quốc Đại Hòa, Yamazakura Dâu Tằm, và Asahi Mặt Trời Mọc sẽ là danh xưng của các toán cảm tử đâm bổ tự sát đầu tiên.

Thật vậy không Kamikaze là những kẻ cuồng tín? Ngày 25 tháng 10-1944 Trung úy Yukio Seki đâm chúi xuống hàng không mẫu hạm USS St. Lo; trước lúc xuất phát Seki tuyên bố thi hành sứ mệnh vì lệnh. Thiếu úy Saburo Sakai khi đồn trú tại Iwo Jima cũng đã từ chối đâm bổ để trở về với người yêu; tuy sau đó chính Sakai thừa nhận Nhật Bản không còn cách nào khác. Có phải khi tuyệt vọng, ý chí tự hủy lấn át bản năng sống còn? Câu trả lời là con người bình thường với con người tự sát đã cùng tồn tại trong lòng mỗi Kamikaze cho đến phút mà trời và biển nhập làm một. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 33

Chương 30

Vào ngày 27 tháng 10, mười ngày sau các binh sĩ đầu tiên của Hoa Kỳ tràn lên bãi biển Phi Luật Tân, Bộ Tư Lịnh Tối Cao Hoàng Gia đưa ra thông cáo lịch sử này:

“Ðơn vị Shikishima, thuộc Phi đoàn Tấn Công Ðặc Biệt, vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 25 tháng 10 năm 1944 đã thành công trong một cuộc tập kích bất ngờ chống lại hải lực đối phương, bao gồm 4 hàng không mẫu hạm, cách Ðông Bắc đảo Suluan thuộc quần đảo Phi Luật Tân, ba mươi hải lý. Hai phi cơ tấn công đặc biệt đã đâm nhào xuống một hàng không mẫu hạm địch, gây nhiều đám cháy và tiếng nổ lớn, và có lẽ chiếc tàu đã chìm. Một phi cơ thứ ba đã chúi xuống một hàng không mẫu hạm khác, gây một đám cháy khổng lồ. Một phi cơ thứ tư khác cũng chúi xuống một hàng không mẫu hạm, gây ra một tiếng nổ dữ dội và chiếc tàu đã chìm ngay sau đó.”

Tiếng sấm của những ngọn Thần Phong đã bắt đầu! Nhiệm vụ tự sát đầu tiên do Trung úy Yukio Seki thực hiện. Yukio cầm đầu 5 chiến đấu cơ Zéro, mỗi chiếc mang một trái bom 550 cân. Seki là một phi công oanh tạc cơ có chưa đến 300 giờ bay, bốn phi công khác cũng không hơn hắn mấy. Tuy nhiên, chỉ có một trong năm chiếc không chúi trúng mục tiêu.

Bốn chiếc Zéro bay theo hộ tống năm chiếc Zéro tự sát. Sau đó tôi được biết chỉ huy nhóm hộ tống chính là người bạn thiết Hiroyoshi Nishizawa của mình, hiện thời là một chuẩn úy. Nishizawa đã khéo léo né tránh sự ngăn chặn của hơn hai mươi chiếc Hellcat, đưa năm phi cơ Thần Phong xuyên qua những trận cuồng phong để áp sát hạm đội địch quân.

Sau khi năm phi cơ Thần Phong đã chúi xuống, Nishizawa trở về sân bay Mabalacat ở Cebu, và báo cáo kết quả phi thường của nhiệm vụ.

Ảnh chụp Trung úy Yukio Seki khi chết 23 tuổi.      

Khắp nơi các phi công Nhựt đều bàn về cuộc tấn công chưa từng có trước đây. Và cuộc tấn công đã đạt một kết quả ngoạn mục, trái ngược hẳn những mất mát đầy bi thảm như cuộc tấn công của chúng tôi ở Iwo Jima. Ở vị trí phi công chiến đấu, tôi không tán thành nhiệm vụ tự sát, nhưng hiện tại không thể phủ nhận hiệu quả của cú đấm kinh khiếp đã giáng xuống hạm đội Mỹ ở Phi Luật Tân. Tôi ý thức là vào lúc này, việc bổ nhào xuống tự sát có vẻ là phương pháp duy nhứt của chúng tôi để đánh trả lại tàu chiến Hoa Kỳ.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Từ ngày đó trở về sau, danh từ Kamikaze nằm trên đầu môi của chúng tôi. Chúng tôi biết mỗi lần Kamikaze cất cánh là mỗi lần đi vào cõi chết. Nhiều Kamikaze không thể nào tiến đến các mục tiêu, vì bị phi cơ nghinh chiến của đối phương bắn hạ hoặc bị những bức tường hoả lực phòng không kiên cố do các chiến hạm địch tạo ra ngăn chận.

Nhưng luôn có những Kamikaze vượt thoát để rồi nhào xuống chiến hạm địch giống như những hồn ma phục thù, có nhiều chiếc tiến đến mục tiêu với đôi cánh rách nát hoặc bao trùm trong lửa đỏ. Thỉnh thoảng từng chiếc một, hai chiếc, hoặc cả nhóm từ sáu đến mười sáu chiếc Kamikaze lướt lên không trung cho lần đi cuối cùng.

Thần Phong đã cho chúng tôi một sức mạnh mới đầy kinh khiếp. Hiệu quả được nhìn thấy qua một số chiến hạm và quân vận hạm địch, từng là những mục tiêu khó xâm nhập vì được hoả lực bao che mạnh mẽ, rơi vào cảnh hỗn loạn xăng cháy, bom nổ và tiếng người la hét.

Những Kamikaze đã cào các hàng không mẫu hạm Mỹ từ mũi đến lái, đánh chìm nhiều hơn bất kỳ loại vũ khí nào mà chúng tôi đã từng sử dụng để tấn công loại tàu này. Còn loại tuần dương hạm và khu trục hạm, mỗi lần một Kamikaze chúi trúng thì đó là hồi chuông báo tử đã gióng lên.

Ðối với địch quân, họ coi sự tự sát của phi công Nhựt là bị ép buộc. Dĩ nhiên dân Mỹ hoặc bất kỳ sắc dân Tây phương nào cũng không thể hiểu biết đầy đủ vấn đề này.

Họ cho rằng mạng sống của binh sĩ Nhựt bị quăng ra một cách rẻ rúng. Trái ngược hẳn, các phi công đã tình nguyện hàng loạt để thực hiện các nhiệm vụ một chiều của họ.

Nhiệm vụ này không thể gọi là tự sát! Những phi công, trẻ có già có, họ đã không chết một cách vô ích. Mỗi phi cơ chúi trúng mỗi chiến hạm địch là một cú đấm mà phi công dâng tặng cho quê hương của họ. Mỗi trái bom Kamikaze rơi trúng các bồn chứa xăng của một hàng không mẫu hạm khổng lồ, sẽ có nhiều kẻ thù bị giết, triệt hạ nhiều phi cơ bay đến thả bom và bắn phá trên mảnh đất quê hương của họ.
Những phi công này mang niềm tin. Họ tin vào nước Nhựt, họ đánh kẻ thù bằng chính mạng sống của họ, cho nước Nhựt. Ðó là một giá rẻ, một người đánh đổi lấy mạng sống của hàng mấy trăm người đôi khi cả hàng mấy ngàn người. Xứ sở của chúng tôi không thể nào dựa vào sức mạnh của những chiến thuật thông thường hiện tại. Tuy nhiên, một lần nữa, Thần Phong là một trường hợp quá ít ỏi, quá muộn màng. Ngay cả những thành quả vĩ đại được gặt hái bởi các phi vụ Kamikaze cũng không thể nào chận đứng cú đấm tập trung khủng khiếp của Hoa Kỳ. Họ quá mạnh, quá nhiều, quá tiến bộ. Họ có quá nhiều chiến hạm, quá nhiều phi cơ, súng ống và nhân lực.

Dĩ nhiên, những phi công Nhựt thực hiện phi vụ của họ đều ý thức được việc này. Chắc chắn có nhiều phi công Thần Phong ra đi với thừa nhận tình thế tuyệt vọng của Nhựt Bản trong cuộc chiến. Nhưng họ không co đầu rụt cổ, không do dự. Họ bay và chết cho xứ sở của họ.

Có những điềm xấu báo trước cho dân tộc chúng tôi. Một chiếc B29 vĩ đại bay ù ù trên không phận Ðông Kinh lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 11 năm 1944, xuất phát từ các căn cứ mới trên đảo Saipan. Giờ phút hãi hùng của dân chúng ở kinh đô hầu như đã nằm trong tầm tay, vì điều hiển nhiên là chiếc oanh tạc cơ đáng sợ đó chỉ là một phi cơ do thám lót đường cho những chiếc khác nối bước trong tương lai gần. Chiếc Siêu pháo đài bay đã lướt một cách nhởn nhơ, xa tít cao trên không phận Ðông Kinh, và các chiến đấu cơ của Lục Quân và của Hải Quân cuống cuồng nhảy lên để chận bắt kẻ xâm nhập. Nhưng tất cả đều không thể nào tiến sát để bắn ra một phát đạn.

Xem thêm:   Hang gấu

Vào ngày 5 tháng 11, và một lần nữa vào ngày 7, một chiếc B29 đơn thân độc mã từ Saipan đến viếng thăm thủ đô Ðông Kinh. Lần thứ hai và thứ ba này, các chiến đấu cơ Nhựt đều ùa lên không, và cố đạt đến độ cao cho bằng phi cơ địch một cách vô ích. Bộ Tư Lịnh Tối Cao nổi nóng, chửi bọn phi công vụng về và ngu xuẩn. “Chỉ có một chiếc phi cơ địch mà không làm nên trò trống gì cả.” Họ thét.

Họ không hiểu sự khó khăn trong việc ngăn chặn các Siêu pháo đài bay ở độ cao đó. Một việc nữa, chỉ trong vòng một vài phút giữa thời gian nhận báo động và cất cánh không kịp cho chiến đấu cơ lên đến nơi thì oanh tạc cơ địch đã bay mất. Cho dù có bay lên kịp đi nữa, phi công Nhựt cũng không chắc có thể đuổi kịp tốc lực kinh hồn của chiếc B29.

Vào tháng 12, những cú đấm chờ đợi từ lâu đã đến. Ðông Kinh, Osaka, Nagoya, Yokohama và nhiều thành phố lớn khác của xứ sở chúng tôi nằm khoanh dưới những đợt tấn công khủng khiếp của các oanh tạc cơ Hoa Kỳ. Chúng san bằng các cơ xưởng chế tạo máy bay, và hủy diệt lần lượt mọi phân xưởng khác.
Những cuộc không tập khủng khiếp trên các thành phố lớn của Nhựt Bản đã được lịch sử dành cho những chương kinh hoàng nhứt. Ðó là một câu chuyện mà cả thế giới đều biết rõ.

Các siêu pháo đài bay B29 đều xuất hiện ban đêm, và hầu hết phi công Nhựt chỉ biết ngồi bó gối trên mặt đất, miệng không ngớt nguyền rủa sự yếu kém khả năng hoạt động đêm của chiến đấu cơ Nhựt và sự khiếm khuyết huấn luyện dạ chiến của họ. Phi cơ địch chỉ bị hoả lực phòng không phá rầy mà thôi.
Khắp nơi, chúng tôi đang thua. Mọi nơi, chúng tôi bị đối phương bắt buộc phải thối lui, phải triệt thoái. Các đơn vị không quân của chúng tôi bị cắt ra từng mảnh, phi cơ của chúng tôi rơi như lá rụng, phi công của chúng tôi không chết một người, hai người hoặc ba người lẻ tẻ, họ chết chùm hàng chục trở lên.

Vào giữa tháng 2, năng lực phòng thủ Phi Luật Tân của chúng tôi hấp hối. Mọi phi cơ Nhựt trên quần đảo đều biến mất, nếu không bị chiến đấu cơ Mỹ đẩy rớt xuống đất, thì cũng bị các phi vụ Kamikaze một chiều thiêu rụi hết. Các cuộc tấn công Thần Phong tiếp diễn đến khi không còn chiếc phi cơ nào để tiếp tục.

Vào ngày 20 tháng Giêng năm 1945, Hải quân Hoàng gia thành lập một không đoàn khu trục mới, không đoàn chót cùng trong cuộc chiến, ở Matsuyama, trên đảo Shikoku. Khi thuyên chuyển đến căn cứ mới, tôi gặp lại Trung tá Nakajima, ông được chỉ định vào chức vụ chỉ huy phó không đoàn. Ông rút khỏi Phi Luật Tân với mười lăm phi công khác để lập nền tảng cho không đoàn mới này. Ðây là không đoàn bao gộp những tay chiến đấu tài ba. Chỉ huy trưởng không đoàn là Ðại tá Minoru Genda, được xem là một trong những chiến lược gia hải quân sáng chói nhứt của Nhựt Bản, là người đã thiết kế trận tấn công Trân Châu Cảng.

Trung tá Nakajima là người duy nhứt mà tôi quen biết nhiều. Một hôm có dịp vô văn phòng của ông với ý định nhắc nhở lại những người đã từng sát cánh chiến đấu với chúng tôi trong quá khứ, tôi đã lặng người khi ông cho tôi biết tin tức về cái chết của Nishizawa.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

“Hắn đã mất”, Nakajima nói, “trong một trường hợp đáng tiếc xảy ra vào ngày 26 tháng 10, ngay sau cuộc tấn công Thần Phong đầu tiên.”

“Nishizawa đã tình nguyện tham dự phi vụ Thần Phong vào ngày kế đó, sau khi hộ tống năm chiến đấu cơ Zéro chúi xuống chiến hạm địch trở về. Hắn nói với tôi rằng hắn sẽ chết sớm. Việc này thật lạ lùng,” Nakajima nghĩ ngợi, “nhưng Nishizawa nhấn mạnh rằng hắn có một linh cảm. Hắn cảm thấy đời sống của mình chỉ còn một đôi ngày nữa mà thôi.”

“Tôi không cho hắn đi. Một phi công tài ba như vậy, để hắn chiến đấu sẽ có ích cho xứ sở hơn là để hắn chúi xuống một hàng không mẫu hạm. Nhưng hắn cứ nằng nặc xin đi cho được.

“Nhưng, vào ngày chiếc chiến đấu cơ của Nishizawa chuẩn bị sẵn sàng thì hắn được lịnh lái một chiếc vận tải cơ Showa cũ kỹ và không võ trang, trên đó có một số phi công khác, đến phi trường Clark để nhận một số chiến đấu cơ Zéro. Chiếc vận tải cơ cất cánh vào sáng sớm ngày 26 tháng 10 từ Mabalacat và mất tích luôn.

“Phi cơ của hắn có lẽ bị chiến đấu cơ Hellcat hoạt động trong khu vực đó bắn hạ. Hình như hắn rớt ở một nơi nào đó ở Cebu. Tôi vẫn không thể nào tin nổi, Saburo, một phi công vĩ đại như vậy lại chết như vậy, bất lực, không thể bắn một phát súng tự vệ…”

Không còn gì để nói. Như vậy là Nishizawa cũng ra đi. Vị thần sát tinh của các phi cơ địch ở Lae và Rabaul đã đi chung đường với Sasai, Ota và những người khác.

“Ngay cả trong tình trạng chiến đấu ở Phi Luật Tân gian nan hơn trước đây cũng không thể làm giảm những chiến thắng trên không của hắn.” Nakajima nói, và ông tin rằng Nishizawa đã hạ hơn 100 phi cơ địch trong các trận không chiến. Ðiều này không thể nghi ngờ, cả tôi lẫn Nakajima hay bất kỳ người nào đã từng biết và chiến đấu với Nishizawa đều phải công nhận hắn là một “Ace” vĩ đại nhứt của Nhựt Bản, một phi công có khả năng và tài ba vô tiền khoáng hậu. Vậy mà hắn đã thiệt mạng trong một vận tải cơ không võ trang!

“Ít nhất Nishizawa cũng thỏa dạ là máy bay của hắn, chiếc Zéro gắn bom 250 kg giao cho phi công Tomisaku Katsumata đã đâm thủng sàn phi đạo của một hàng không mẫu hạm Mỹ ở Surigao làm nổ tung nhiều bình xăng máy bay và gây một đám cháy lớn.” Trung tá Nakajima kết thúc với giọng buồn bã, “Dù sao hắn cũng được toại nguyện là chiếc phi cơ của hắn đã hoàn thành nhiệm vụ.” Nakajima không còn gì để nói nữa. Một im lặng phủ trùm.

Tuần sau: Chương 30 (tiếp theo)

Hôn lễ của Saburo và Hatsuyo

Ghi chú quân sự:

Siêu pháo đài bay B29

Phi hành đoàn 11 người, Chiều dài: 30.2m, Sải cánh: 43.1m, 

Trọng lượng tối đa: 60,560 kg, 4 x động cơ turbot công suất 2,200 mã lực

Tốc độ tối đa: 574 km/g, Đường kính hoạt động: 9,000 km

Trần bay: 10,200m, Tốc độ lên cao: 4.5m/s

12 đại liên 12.7 ly 9,000 kg bom

Hàng không mẫu hạm Hộ Tống USS ST. LO

Trọng tải 11,000 tấn, dài 156 m, vận tốc 37 km/g, võ trang 1 đại bác 130 ly, 16 phòng không 40 ly và 20 cao xạ 20 ly, thủy thủ đoàn 900 binh sĩ với 28 máy bay TBF Avenger và Grumman F6F Hellcat.

Hạ thủy tháng 6-1944, bị đánh đắm ngoài khơi vịnh Leyte Phi Luật Tân tháng 10-1944 do phi đội cảm tử Đảo Thiêng Shikishima của Trung úy Yukio Seki thực hiện phi vụ Thần Phong Kamikaze. 

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956,

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa ảnh minh War Thunder