Thuốc phiện (hay á phiện, a phiến, nha phiến) được chiết xuất từ quả cây anh túc (còn gọi là cây nàng tiên, phù du, thẩu…). Ở Việt Nam, cây anh túc được người dân trồng rải rác ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa…
Cây anh túc cao từ 0.7 – 1.5m, nở hoa màu tím, vàng hoặc đỏ khá to mọc đơn ở đầu cành hoặc đầu thân. Quả có hình trứng dài 4 – 7cm. Người ta trồng để thu nhựa thuốc phiện từ quả và tinh dầu từ hạt anh túc. Trong nhựa anh túc chứa khoảng 40 ancaloit, gồm các chất cơ bản là morphine, codeine, thebaine … Trong y học, nhựa anh túc được dùng làm thuốc giảm đau, chữa ho, tiêu chảy…
Để lấy nhựa từ quả anh túc, người ta dùng dao nhỏ rạch nhiều vết ngang hay dọc hoặc nghiêng tùy nơi. Vết rạch phải đủ sâu đến các ống nhựa có chứa mủ của quả. Người ta thường tiến hành rạch quả vào lúc sáng sớm rồi xế chiều quay trở lại cạo mủ hoặc rạch vào buổi trưa hay chiều ngày hôm trước, qua hôm sau sẽ đến cạo. Nói chung quá trình rạch quả phải chờ một thời gian từ 8-12 tiếng để không khí và ánh sáng làm nhựa quánh lại. Khi cứng lại nhựa anh túc có màu nâu sẫm. Theo một số người dân, người ta sẽ lấy nhựa này phết lên một tấm giấy bản rồi đem hong trên bếp lửa nhẹ hoặc phơi nắng cho khô, gọi là “thuốc phiện sống”. Tiếp theo lấy “thuốc phiện sống” cho vào nước sôi, lọc lần nữa rồi đun tới khi đặc lại trở thành “thuốc phiện chín”.
Một số người dùng “thuốc phiện sống” để hút vì nó có mùi thơm rất đặc biệt. Riêng “thuốc phiện chín” được hút bằng tẩu hoặc bàn đèn…Ban đầu khi hút “thuốc phiện sống”, người ta cảm thấy có sự hưng phấn, giảm đau nhức, mệt mỏi. Tuy nhiên càng hút nhiều thì ngày càng phải tăng liều lượng mới đạt cảm giác giống lần trước. Đáng chú ý ở những người hút thuốc phiện (kể cả loại sống và chín) đều dễ xuất hiện các biến chứng như táo bón dai dẳng, phát ban ngoài da, sưng phổi, mạch đập chậm không đều, viêm dạ dày, viêm ruột…
Đầu tháng 10/2023, chúng tôi có dịp tìm về một số địa phương miền Bắc. Mặc dù lâu nay, chính quyền VN từng ban hành lệnh cấm nhưng người dân ở một số khu vực nêu trên vẫn lén lút trồng cây anh túc trong nương rẫy, trên núi cao hoặc ở những khe đồi, lối khuất ít người qua lại. Nhiều người còn trồng anh túc xen kẽ với các loại cây rau màu khác lẫn lộn quanh khu vườn nhà.
Thông qua một “thổ địa” ở Cần Nông (Hà Quảng, Cao Bằng), chúng tôi làm quen với ông Triệu Chín (54 tuổi), người đã trồng khoảng 500 cây anh túc trên diện tích đất vườn 100 m2. Ông cho biết mua số giống cây anh túc này của một người không rõ lai lịch tại chợ phiên xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc rồi mang về trồng với mục đích chữa bệnh đau lưng bằng cách ngâm thân, lá, rễ cây anh túc trong một bình rượu trắng dùng uống hàng ngày và ông bảo “rất chất lượng, người bán còn nói rượu này còn có thể chữa được bách bệnh, kể cả chứng viêm khớp, đau bụng, viêm tá tràng…” (?)
Tương tự, tại Lục Ngạn (Bắc Giang), chúng tôi được một người quen khác là ông Thào A Ký (64 tuổi, người dân tộc Mông) mời uống rượu “cuốc lủi” và ăn lẩu trâu có sử dụng một thứ “rau” có vị chát, hơi chua. Khi cả bọn ngà say, ông Ký cho biết đó là lá của cây anh túc. Chúng tôi hỏi: “Ông dùng cây anh túc thế này không sợ chính quyền biết rồi bắt phạt hay sao?”. Ông ta tỉnh bơ đáp: “Nhà trồng vài chục cây trong vườn phía sau để lấy lá làm rau ăn còn quả thì phơi khô, ngâm rượu uống trị đau bụng cho người, kể cả cho lợn, trâu bò khi chúng bỏ ăn. Mà tôi trồng rải rác quanh vườn đồi, mấy anh không nói, chúng tôi không nói, bà con quanh đây không nói thì chả ai biết đâu!”.
Đang vui chuyện, ông Ký kể thêm: “Người Mông chúng tôi trồng cây anh túc nhiều và rầm rộ nhất hồi những năm 1980 đến năm 1993 của thế kỷ trước. Thời ấy, năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, đến đầu tháng 10 âm lịch là bà con chúng tôi bắt đầu gieo trồng cây anh túc cùng với rau cải mèo rồi tiến hành thu hoạch vào tháng 3 năm sau. Trồng loại cây này kinh tế tốt hơn nhiều. Ví dụ, nếu làm lúa rẫy thật chăm chỉ một gia đình người Mông chỉ kiếm được khoảng 15-20 triệu VNĐ/năm nhưng nếu trồng cây anh túc thì trong vòng 6 tháng, có thể kiếm được 20-25 triệu VNĐ mà không mất quá nhiều công sức…”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân khiến một số bà con người dân tộc thiểu số ở miền Bắc tiếp tục lén lút trồng cây anh túc là do cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, nhất là vẫn có không ít người nghiện hút nên cố gắng trồng để sử dụng riêng (hoặc mang bán cho người khác). Ngoài ra một số gia đình còn suy nghĩ đơn giản rằng trồng cây anh túc để làm thuốc chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm hoặc dùng ngâm rượu uống tăng cường sức khỏe… Thậm chí hiện nay có nhiều trang và nhóm trên mạng xã hội được lập ra để rao bán công khai hạt giống, hoa và cả rượu ngâm cây anh túc. Để tránh việc dòm ngó từ các nhà chức trách, khi rao bán, các tài khoản này thường không nói rõ là cây anh túc mà đặt tên sản phẩm như “cau Hà Giang”, “Hạt giống tâm hồn”, “Hạt hoa vùng cao”, “cây 138”…
NS