Trưa 6.9.2021, một nữ công nhân vệ sinh đang làm việc trên đường Trương Ðịnh (quận 3, Sài Gòn) bất ngờ bị một thanh niên áp sát khống chế rồi dùng tay, chân đánh đá liên tiếp. Nghe chị công nhân kêu cứu, vài người đi đường xông lại can ngăn. Khi đưa vào đồn cảnh sát, qua test nhanh biết anh này đang lên cơn “ngáo đá”.
Chiều 26.9.2021, thanh niên tên Trần Huy sống trong con hẻm đường Trần Xuân Soạn (quận 7) sau khi cự cãi với người hàng xóm đã dùng con dao dài 40 cm chém rơi đầu anh này. Sự việc được người dân cấp báo cảnh sát. Lúc cảnh sát tiếp cận thấy Huy có nhiều biểu hiện tinh thần bất thường. Hơn tiếng đồng hồ sau, cảnh sát khống chế Huy đưa về đồn, sau khi test nhanh tên này cũng dương tính ma túy (ngáo đá).

Nhiều bạn còn rất trẻ nhưng vẫn thường chọn ma túy đá làm bạn. Ảnh: tác giả cung cấp.
Tối 10.10.2021, gã đàn ông Lý Chính Nghĩa lên cơn “ngáo đá” tự trèo cột điện trung thế cao 10 mét trong con hẻm đường Nguyễn Ðình Chiểu (quận 3) la hét, quậy phá. Người dân gọi xuống nhưng Nghĩa tiếp tục leo trèo trên đường dây điện rồi đu lan can nhà này sang nhà khác, cuối cùng trượt chân ngã, bị thương nặng vùng đầu…
Trên đây là vài vụ điển hình với “tác giả” là những kẻ “ngáo đá” trong rất nhiều vụ tương tự như con cái sát hại cha mẹ, chồng giết vợ, cha giết con, người tình đâm chém nhau… liên tục xảy ra ở Việt Nam gần đây. Các vụ việc cho thấy, “ngáo đá” đang là hiện tượng xã hội ẩn chứa trong nó mối hiểm họa khôn lường cho sự an toàn của cộng đồng.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần Sài Gòn, cho biết: “Ðá là tên gọi nôm na các loại ma túy tổng hợp có chứa methamphetamine và amphethamine do hình dạng kiểu tinh thể của nó, đang xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Ở mức độ sử dụng thấp, ma túy “đá” mang lại cho người dùng cảm giác tự tin, hưng phấn, dồi dào năng lượng, tăng nhu cầu tình dục. Tuy nhiên ở mức độ sử dụng thường xuyên và liều lượng cao dần, người dùng sẽ gặp phải vấn đề như lo âu, kích động, tim đập nhanh, đôi khi gây nhồi máu cơ tim, co giật, đột quỵ. Càng dùng nhiều, nó sẽ khiến người sử dụng dễ biến đổi tư duy, tri giác, dẫn đến sự quá độ khiến người bị nhẹ thì múa may quay cuồng, thản nhiên cởi bỏ quần áo nơi chỗ đông người, nặng thì trèo mái nhà, leo cột điện hoặc lấy dao tự cắt rạch mình, tự tử… nhưng bản thân họ không nhận thức được mình đang làm gì. Nhiều người còn hoang tưởng ảo giác, ảo thị, ảo thanh, nhìn cảnh vật mà tưởng thấy quái vật. Cũng do ảo giác, kẻ “ngáo đá” nhìn người chung quanh đều thấy méo mó, biến dạng, cứ tưởng họ là kẻ thù đang muốn đuổi đánh mình dẫn đến việc “trả đũa” bằng cách giết hại không chùn tay…”
Những kẻ ngáo đá với hành vi bất thường. Ảnh: tác giả cung cấp.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của cảnh sát Việt Nam cho thấy cả nước hiện có 222,582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó “ngáo đá” chiếm hơn 30% số người này (con số ngoài danh sách chưa thống kê cũng ở mức tương đương). Trong đó trên 67.5% số người nghiện đang sinh sống giữa cộng đồng, 13.5% số người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc, 19% số người còn lại ở trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, các trường cai nghiện. Ðáng chú ý là tỷ lệ người dưới 40 tuổi nghiện ngập hoặc sử dụng ma túy các loại hiện nay ở Việt Nam chiếm khoảng 60-70% con số thống kê trên.
Tương tự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Việt Nam cho biết trong 11 tháng đầu năm 2021, nhà chức trách phát hiện hơn 25,000 vụ, bắt giữ hơn 37,000 người, tịch thu 596kg heroin, 2.6 tấn ma túy tổng hợp, 2.4 triệu viên hồng phiến… Dù vậy, có lẽ vì nguồn lợi khổng lồ, những vụ vận chuyển, mua bán các loại ma túy vẫn không giảm. Những địa phương thường xuyên phát giác các vụ vận chuyển, mua bán ma túy các loại có thể kể như khu vực biên giới Lào và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung; khu vực biên giới Campuchia với Tây Ninh, Long An, An Giang… Những nơi sử dụng, tiêu thụ nhiều ma túy là Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng, một số tỉnh, thành phố khác ở Nam và Trung phần…
Tang vật thu giữ trong một vụ mua bán, vận chuyển các loại ma túy. Ảnh: tác giả cung cấp.
Như đã nói, các loại ma túy nói chung, ma túy đá nói riêng đang là hiểm họa đe dọa an ninh, trật tự xã hội cộng đồng. Cũng trong 11 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 3,200 vụ tai nạn giao thông, gây rối trật tự xã hội, tự tử hoặc giết người…liên quan tới “ngáo đá” chưa kể số vụ kẻ “ngáo đá” tự gây thương tích cho mình. Vẫn theo lời Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển: “Ðiều lo ngại là các người “ngáo đá” khi chưa lên cơn thường có diễn biến tâm thần âm thầm, người ngoài nhìn vào khó nhận biết để sớm ngăn chặn. Mọi người cũng lưu ý rằng cai nghiện ma túy đá rất phức tạp, thậm chí còn khó hơn cai nghiện heroin. Ví dụ nếu heroin còn có phương pháp điều trị, gồm biện pháp thay thế như methadone, buprenorphine nhưng đến giờ ma túy đá vẫn chưa có thuốc đặc hiệu hoặc phương cách nào thay thế!”
Một cán bộ cảnh sát cấp bậc Ðại tá hiện đã nghỉ hưu (không muốn nêu tên), nói với chúng tôi: “Theo tôi quan sát, hiện nay khắp các tỉnh, thành Việt Nam đều có người sử dụng ma túy đá. Cách nay 10 năm về trước, giá 1 viên thuốc lắc trên dưới 1 chỉ vàng, nhưng hiện chỉ khoảng 120-150 ngàn đồng/viên và khi giá càng rẻ, nó càng dễ tiếp cận, nhất là với giới trẻ. Số sự việc được tìm thấy, được báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng. Tôi không hiểu lý do nào mà các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia cứ hoạt động ì xèo, liên tục luồn lách đưa chất cấm vào được Việt Nam, kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”. Phải chăng có sự bắt tay ngầm nào đó giữa bọn tội phạm và những người thừa hành ở các cửa biên giới? Rõ ràng, việc ngăn chặn ẩn họa từ các kẻ “ngáo đá” đang là thách thức với cộng đồng và toàn xã hội ở Việt Nam mà nếu không làm thật quyết liệt sẽ không bao giờ chấm dứt sự hoành hành của những kẻ ngáo đá…”
NS