Từ rất nhiều năm qua, chỉ mỗi chuyện nhỏ nhặt là cấp đổi và chỉnh sửa số nhà một cách thuận tiện, khoa học tại một trong những đô thị lớn nhất nhì cả nước như Sài Gòn nhưng đến nay Chính quyền nơi đây vẫn chưa làm được đồng bộ. Điều này gây ra không ít phiền hà cho nhiều người, nhất là người từ nơi xa tìm tới hoặc bà con Việt kiều lâu ngày có dịp quay về thăm quê, tìm kiếm nhà người thân …

Số nhà cũ, số nhà mới được chủ nhà treo lẫn lộn 

Thực trạng

Hiện nay, có dịp đến Sài Gòn tìm nhà, sẽ không nhiều người dám vỗ ngực tự xưng mình là “người thành thạo tất cả mọi ngóc ngách, ngõ hẻm, đường phố”. Lý do nếu đi sâu tìm hiểu vấn đề này sẽ thấy nó hoàn toàn không đơn giản. Ví dụ có dịp đến Thủ Đức, bạn sẽ thấy có những con đường ở đây mang tên danh nhân lớn nhưng chỉ rộng dăm ba mét, dài chừng mấy chục mét. Trong khi đó khu dân cư Kiến Á (quận 8) người ta lại dùng cách đặt tên hẻm (căn cứ vào số nhà ở trục đường chính) dành cho các con đường có lộ giới từ 16 – 20 mét.

Cách đặt số nhà trong các con hẻm cũng không thống nhất: tại đường Lương Định Của, đoạn gần vòng xoay An Phú (Thủ Đức) có đến 5 căn nhà mang số 148. Trong đó 4 căn nhà nằm liên tiếp nhau và một căn khác nằm ở phía đối diện. Cũng tuyến đường này, số chẵn, lẻ sắp xếp bất thường: cùng một bên đường nhưng nhà này số chẵn, nhà kia số lẻ hoặc 2 nhà cạnh nhau nhưng số cách xa nhau. Có nơi số nhà nhảy nhót từ chẵn sang lẻ và ngược lại, hoặc từ số hàng chục lên hàng trăm như ở đường Phan Xích Long (Phú Nhuận). Lộn xộn nhất còn có những số nhà tự phát hoặc số nhà ở những khu đất lớn vừa được tách thửa do người dân tự đặt, hoặc do các đơn vị cấp điện, cấp nước đặt để dễ quản lý đồng hồ cân đo. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà ở Bình Tân, Nhà Bè có đến 4-5 “xuyệt” theo nguyên tắc cứ mỗi ngã rẽ lại gắn thêm một “xuyệt” khiến các nhà trong hẻm sâu, qua nhiều ngã rẽ phải mang số càng dài. Đáng chú ý như tại hẻm 1806 đường Huỳnh Tấn Phát (Nhà Bè) có những số nhà 3-4 “xuyệt” thậm chí 7 “xuyệt”. Ví dụ những căn nhà mang số 1806/127/2/6/15/48/2A, 1806/127/2/6/15/48B, 1806/127/2/6/15/48/5…Tình trạng số nhà kiểu này cũng xuất hiện ở nhiều quận, huyện khác như con hẻm trên đường Bùi Tư Toàn (Bình Tân) cũng có 5 “xuyệt”: 36/45/32/49/13/22, 36/45/32/49/13/24, 36/45/32/97/46… Người dân có ý kiến cho rằng những căn nhà này nên được sách Kỷ lục Guinness Book ghi nhận “những ngôi nhà có số nhà dài nhất thế giới”! Không chỉ nhiều “xuyệt”, có những trường hợp 1 ngôi nhà cùng lúc treo 2 số nhà cũ và mới. Hoặc một số nơi, người dân còn cố ý “né” số nhà 13 vì sợ xui rủi nên tự thay bằng số 12B hoặc 12+. Một số căn chung cư cũng tự “né” số 13 theo cách nêu trên!

Xem thêm:   Nước dưới chân cầu vẫn một màu xưa cũ!

Những số nhà dài nhất thế giới (?)

Giải quyết thế nào?

Dù vậy, khi  chúng tôi thử xem lại các quy chế do thành phố và cấp cao hơn của họ ban hành, dường như không đọc thấy quy chế nào quy định về việc cấm tự tiện đặt tên đường và số nhà. Tương tự, các quy chế hiện nay không quy định chiều dài giới hạn cho những con đường được đặt tên. Một số tuyến đường đi qua rất nhiều quận huyện như đường Võ Văn Kiệt trải dài các quận 1, 5, 6, 11, Bình Chánh. Vì vậy để tìm đúng địa chỉ trên con đường này cần biết nó thuộc quận huyện nào trong khi đây là điều phần lớn người dân và khách vãng lai không biết hết.

Anh Tài (ngụ Bình Thạnh) là nhân viên shipper cho biết đã làm công việc này 4 năm thì ngoài Bình Thạnh, anh thường xuyên đi các quận khác, đường sá cũng thông thuộc nhưng nhiều lúc phải “bó tay” với những địa chỉ siêu dài và sắp xếp lộn xộn. Don Trần, Việt kiều sống ở Mỹ gần 30 năm, vừa có dịp về thăm quê và người nhà ở Nhà Bè, nói: “Tôi thử tra địa chỉ người thân của tôi trên Google Map nhưng không thể tìm thấy. Gọi taxi công nghệ, nghe địa chỉ tôi cần tìm, anh tài xế cũng lắc đầu chào thua và sau đó đưa tôi đến một địa điểm khác và bảo tôi nên gọi điện thoại cho người thân dùng xe máy ra đón về!”

Xem thêm:   Cuộc chiến đậu nành

Lý giải nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, một quan chức chính quyền (không muốn nêu tên) nói: “Do Sài Gòn đang đô thị hóa mạnh nên có trường hợp nhiều người ở các vùng ven tự ý lấy đất nông nghiệp xây nhà dần hình thành các con hẻm rồi được địa phương cấp số nhà đã để lại những hệ lụy trên. Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu các quận huyện rà soát và khai triển thực hiện thí điểm dự án điều chỉnh số nhà bằng ứng dụng phần mềm đánh số nhà dựa trên nền tảng công nghệ GPS. Với phần mềm này, đối với đất quy hoạch dân cư, dự kiến cứ 4 mét (chiều ngang một lô đất đủ điều kiện tách thửa) ta sẽ đánh một số nhà; đối với đất quy hoạch khác (như công trình công cộng, công viên cây xanh…) thì đánh một số nhà cho cả khu phố đã quy hoạch. Đồng thời, hạn chế sử dụng tới 3 “xuyệt” trong việc đánh số nhà. Cũng có thể thực hiện bằng các cách khác để rút ngắn tình trạng số nhà nhiều “xuyệt” như: Nâng một số con hẻm lớn đã được quy hoạch thành đường; những hẻm nhiều ngách ngắn thì chọn cách đánh số kèm chữ A, B, C… sau mỗi số. Tại đầu mỗi con hẻm, ngoài bảng tên ghi số hẻm, tên đường, nay thêm một bảng khác ghi số nhà phía lẻ và số nhà phía chẵn có trong hẻm để khách dễ tìm…”.

Xem thêm:   Tình Thu tháng 11

Tuy nói vậy nhưng việc khai triển “ứng dụng phần mềm đánh số nhà dựa trên nền tảng công nghệ GPS” tới đâu và khi nào hoàn thành thì chúng tôi không nghe vị quan chức này nói tới. Có nghĩa là những người từ nơi xa tới hoặc bà con Việt kiều có dịp về thăm quê hương chẳng may phải đi tìm nhà ở một số khu vực nêu trên chắc là vẫn phải tự mò mẫm như nơi chốn … mê cung!

NS