“Cò” bệnh viện là cách gọi những người chuyên môi giới, mời chào, xúi giục bệnh nhân không điều trị tại bệnh viện lớn mà dẫn dụ họ đến các phòng khám tư, phòng khám “chui”. Tình trạng này khiến nhiều bệnh nhân bị lừa đảo, tốn kém tiền bạc nhưng được chẩn đoán sai, không điều trị hết bệnh…
Sáng hôm ấy, trong vai bệnh nhân, tôi tìm đến Bệnh viện Mắt (Quận 3). Chưa kịp bước vào cổng, một người đàn ông đứng sẵn đó liền xấn tới hỏi tôi muốn khám gì. Sau khi nghe tôi nói muốn đo độ cận thị và cắt kính, người này liền bảo sẽ giúp đưa tôi qua khoa khám mắt của bệnh viện này và chỉ lấy 20 nghìn VNĐ “cà phê”. Tiếp đó tôi được người này hướng dẫn vào một tiệm mắt kính cách chừng 200m. Tuy nhiên nơi đây không phải khoa khám mắt như người đàn ông giới thiệu mà là một tiệm đo và bán kính mắt. Ông ta trấn an: “Cửa hàng này do mấy bác sĩ bên Bệnh viện Mắt mở. Chú khám ở đây yên tâm về phẩm chất (?), lại khỏi phải xếp hàng!”.

Tình trạng quá nhiều bệnh nhân ở nhiều bệnh viện tại Sài Gòn
Tương tự, bệnh viện Từ Dũ từ sáng đến tối lúc nào cũng nườm nượp bệnh nhân ra vào. Đám “cò quạ” ăn mặc xuề xòa thường tụ tập ở quanh cổng bệnh viện hoặc trà trộn trong các phòng chiếu, X quang, xét nghiệm… Hôm khác tôi và người bạn nữ chở nhau bằng xe máy vừa bước xuống trước cổng thì gặp một người đàn bà nhanh nhẹn tiến lại hỏi: “Anh chị muốn đi khám thai nhanh em giúp cho, chứ đứng xếp hàng ở đây có khi tới…tối mới tới lượt. Hay em chỉ chỗ anh chị qua phòng khám tư của bác sĩ Ánh cho nhanh. Bà ấy cũng là bác sĩ lâu năm ở đây!”. Tôi hỏi: “Là chỗ nào?” Người này trả lời: “Có thằng em chạy xe ôm sẽ dẫn anh chị qua đó, nhớ cho nó vài ba chục đổ xăng là được!”. Nơi “thằng em” đưa chúng tôi đến là một phòng mạch trên đường Hùng Vương (Quận 10). Tôi quan sát thấy ở đây có cả dịch vụ siêu âm, soi cổ tử cung… Bên trong có một phụ nữ tự xưng bác sĩ Ánh, mặc blouse trắng nhưng không đeo bảng tên. Tôi hỏi: “Bác sĩ làm bên Từ Dũ hả?”. Bà ta trả lời: “Tôi nghỉ hưu 6 năm rồi. Giờ mở phòng mạch vừa kiếm thêm vừa giúp người anh ơi!”.
Thực tế, nạn “cò quạ” hoạt động ở các bệnh viện Sài Gòn tồn tại từ rất nhiều năm qua, gồm đủ thành phần gái trai, già, trẻ. Họ có nhiều thủ đoạn mồi chài, nhưng chủ yếu là các chiêu thức như dụ dỗ mua số thứ tự khám bệnh hoặc bệnh nhân sẽ bị một đám “cò” xúm vào lôi kéo, nói những lời tốt bụng và chỉ dẫn tới “nơi khám không cần xếp hàng”. Chỉ cần người bệnh tỏ thái độ thiếu dứt khoát lập tức chúng tiếp tục bu vào “tháp tùng” tới khi người bệnh bước chân ra khỏi cổng bệnh viện mới thôi. Bọn “cò” thường hoạt động theo nhóm và có mặt ở mọi nơi trong khắp các bệnh viện. Những địa điểm tập trung nhiều “cò” là bệnh viện Chợ Rẫy, Ung bướu cơ sở I và II, Bệnh viện Nhi đồng, Trung tâm truyền máu & huyết học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhiệt Đới, Hòa Hảo, Đại học Y Dược, Từ Dũ, Mắt, Da Liễu cùng nhiều nơi khác…

“cò quạ” có mặt từ rất sớm tại các bệnh viện để lôi kéo khách
Thường, có 2 lựa chọn khi người bệnh đến khám ở các bệnh viện là khám bảo hiểm y tế và khám theo yêu cầu. Hầu hết bệnh nhân phải lấy số thứ tự để vào các khoa phù hợp. Song với số lượng trung bình hàng mấy nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày, vì thế tình hình chung tại các bệnh viện luôn quá tải. Và những nơi này lập tức sẽ có các “cò” đứng ra chào mời người bệnh “đi đường tắt”, không quan trọng người đến trước hay sau, chỉ cần “chung đủ tiền” mọi sự sẽ nhanh gọn. Cũng vì tâm lý chung nhiều người không muốn mất nhiều thời gian chờ đợi hoặc đi sau nhưng muốn khám trước, vô tình tạo cơ hội cho đám “cò quạ” này ăn nên làm ra.

Một phòng khám “ăn theo” các bệnh viện thông qua các tay “cò”
Như đã nói, cách thức đầu tiên của đám “cò” này là xếp hàng hộ, lấy giùm số thứ tự. Tiếp nữa là dẫn dụ bệnh nhân “khám nhanh” nhưng ở… một nơi khác. Và cũng không chỉ giúp khách lấy số ưu tiên, đám “cò” còn có thể chen chân vào bất cứ khu vực nào ở các bệnh viện. Dĩ nhiên không phải tự dưng mà chúng có được đặc quyền như thế. Theo tiết lộ của một “cò” tên Hòa thường xuyên xuất hiện trước Bệnh viện Da liễu kiêm nghề xe ôm, để làm ăn, ông ta luôn phải nhờ sự “hỗ trợ” từ các bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện. Số tiền kiếm được hàng ngày, Hòa cũng phải trích ra một phần để “bồi dưỡng” cho các “quới nhơn” giúp đỡ. Cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số phòng khám tư nhân hiện đang kinh doanh theo cách “tầm gửi” vào những bệnh viện lớn. Để tồn tại, các phòng khám này sẵn sàng móc nối với một số lượng “cò” để giúp đưa khách về. Ví dụ gã tên Hòa là “cò cưng” của một số phòng khám da liễu, hoạt động ở nhiều khu vực như Quận 1, Quận 3, Bình Thạnh… Công việc chính của Hòa là tìm khách, dụ dỗ và có khi chở thẳng về các phòng khám này để hưởng “hoa hồng”. Mỗi trường hợp “thành công”, Hòa nhận thù lao từ 50-100 nghìn VNĐ từ phòng khám!

Bảng thông báo “ghi cho có” nhằm né tránh trách nhiệm ở nhiều bệnh viện
Nạn “cò” khám bệnh lộng hành ở Sài Gòn là thực trạng nhức nhối suốt nhiều năm nhưng vì sao không ngăn chặn được? Một giám đốc bệnh viện nói: “Ngay trước cổng bệnh viện, hàng ngày chúng tôi vẫn cho phát loa cảnh báo mọi người chú ý tránh lừa đảo, cẩn thận với các cò mồi bên ngoài viện nhưng có người vẫn nghe theo và dính bẫy của chúng!”. Trong khi đám “cò quạ” bệnh viện thản nhiên hoành hành có lẽ bắt nguồn từ chuyện phạt họ chỉ là tội vi phạm hành chính nên dường như ngày càng “nhờn thuốc”. Cái điệp khúc truy quét – tạm giữ – phạt hành chính rồi…thả ra không thể ngăn chặn được vấn đề “cò” quạ, đã khiến nhiều người bệnh điêu đứng vì vừa tiền mất tật mang!.

Một số tên bị bắt, phạt vi cảnh rồi… thả ra
NS