Trong mùa bãi trường này, tên của Lillian Ngô Usadi, 22 tuổi,  vừa tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ sẽ được nhắc đến và chúc mừng đó đây khi cô sẽ là một trong số 32 sinh viên Mỹ nhận được học bổng danh giá Rhodes Scholarship. Nhân mùa bãi trường, mời các bạn cùng theo dõi câu chuyện của tân thiếu úy hải quân gốc Việt Lillian Ngô Usadi, người Việt đầu tiên được chọn vào học bổng này. Chuyên mục cũng xin gởi lời chúc mừng đến các tân khoa cùng các bậc cha mẹ có con cái tốt nghiệp các bậc học mùa học này.

Tân Thiếu Úy Hải Quân Lillian Ngô Usadi (phải), người Việt đầu tiên được học bổng danh giá Rhodes Scholarship. (Hình: Twitter Lillian Ngô Usadi) 

Một tháng cuối trước ngày hết hạn, Lillian vẫn chưa nộp đơn xin học bổng Rhodes vì cô nghĩ mình sẽ không có cơ hội. Nhưng cuối cùng theo lời khuyến khích các cố vấn và gia đình, cô vẫn nộp đơn. Trải qua hai ngày phỏng vấn cùng các giáo sư của đại học Oxford, cô vẫn không kỳ vọng mình sẽ được nhận để khỏi phải thất vọng. Nhưng cuối cùng tin vui đã đến: Lillian Ngô Usadi được chấp thuận vào chương trình đào tạo này sau khi tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ và sẽ tiếp tục theo học tại Anh vào mùa Thu tới đây.

Rhodes Scholarship là một trong những học bổng danh giá lâu đời nhất của thế giới, chọn lọc các cá nhân xuất sắc từ khắp thế giới để theo học bậc hậu đại học tại đại học Oxford của Anh với mục đích huấn luyện các lãnh đạo trong các lãnh vực mà họ sẽ theo đuổi trong tương lai. Việc chọn lựa các ứng viên học giả (scholar) qua quá trình chọn lựa cẩn thận, gắt gao của Oxford không chỉ dựa vào thành tích học vấn xuất sắc mà chú trọng tính cách trội bật, kỹ năng lãnh đạo xuất sắc và quá trình, sự cam kết cùng ý hướng phục vụ xã hội của các sinh viên tương lai.

Từ trái sang : em trai Benjamin, mẹ Oanh Ngô Usadi, Cha Adam, Lillian và chị Hannah.

Mỗi năm học bổng Rhodes chỉ nhận khoảng 100 sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Riêng tại Mỹ, đã có gần một ngàn sinh viên xuất chúng được gần 300 đại học Mỹ đề cử ứng tuyển để được chọn ra 32 người. Một số cựu sinh viên của Rhodes đã trở thành tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, khoa học gia đạt giải Nobel… Trong đó cựu sinh viên của học bổng Rhodes có cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice và hiện nay là Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cùng đương kiêm Bộ trưởng bộ giao thông Pete Buttigieg là một vài người có thể kể tên trong số những nhân vật quan trọng từng nhận được học bổng này.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Nhắc qua học bổng Rhodes này để thấy việc tân sĩ quan hải quân Lillian Ngô Usadi được nhận vào chương trình này là điều hết sức đặc biệt và hiếm hoi với người Việt. Cô sinh ra trong một gia đình có ông bà ngoại và mẹ Lillian đến Mỹ trong làn sóng thuyền nhân vào thập niên 80s và định cư tại Port Arthur tại Texas. Câu chuyện của gia đình cô cũng có những điều thú vị để kể.

Cô Lillian Ngô Usadi (trái) và các bạn cùng khóa. (Hình: US Naval Academy)

Mẹ của Lillian là bà Oanh Ngô Usadi đến Mỹ lúc 12 tuổi, đã phụ giúp cha  bán bánh mì sau giờ học rồi trở thành một nhà văn. Các bài viết, trả lời phỏng vấn của bà từng xuất hiện trên các tên tuổi truyền thông như Forbes, Wall Street Journal, Washington Post, VOA… Con đường trở thành nhà văn của bà cũng khá ngẫu nhiên. Trả lời phỏng vấn trên đài VOA Anh ngữ, bà Oanh cho biết khi người cha mà bà hết lòng thương yêu và có nhiều ảnh hưởng qua đời, bà đã viết một bài văn để tưởng niệm cha nhân ngày giỗ ông. Bài báo này đã được Wall Street Journal đăng trong ngày lễ Cha và vị biên tập đã đề nghị bà hãy viết thành một cuốn hồi ký dựa trên những trải nghiệm bà đã viết trong bài báo.

Cuốn hồi ký “Những cây cầu khỉ và bánh mì: Từ Sài Gòn đến Texas” (Of monkey bridges and Bánh Mì sandwiches: From Saigon to Texas) ra đời như vậy. Nó là một hồi ký được giải thưởng và chú ý tại các ngày hội sách, được lọt vào danh sách là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên tờ WSJ.

Trong một buổi thực tập

Lillian Ngô Usadi tốt nghiệp trung học tại New Jersey năm 2017. Cô là một học sinh xuất sắc, yêu thích khoa học và vật lý, là một tay vĩ cầm, dương cầm thủ có hạng và trở thành một nhạc trưởng tại học viện hải quân. Lillian đã nhận một số học bổng tham gia nghiên cứu về điện và vật lý như Bowman, Tridents trong thời gian theo học kỹ sư điện tại học viện. Lillian sẽ tiếp tục theo học và huấn luyện về hệ thống năng lượng tại đại học Oxford với mục tiêu lâu dài là tham gia phục vụ, nghiên cứu phát triển khoa học, năng lượng và kỹ thuật cao cho hải quân Hoa Kỳ.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Lillian từng tham gia thiện nguyện lính chữa cháy và cấp cứu, là chủ tịch hội thủy thủ gốc Do Thái và thành viên hội thủy thủ gốc Việt tại học viện Hải Quân. Cô cũng là cấp chỉ huy đại đội vào mùa Hè năm trước để huấn luyện cho các tân binh. Cô là phó chủ tịch các cuộc hội nghị thường niên về khoa học và kỹ thuật tại học viện. Tất cả những thành tích đó đã được học viện đề cử và đưa cô lọt vào danh sách tuyển chọn cuối cùng của chương trình học bổng toàn phần Rhodes.

Nhận được học bổng Rhodes là niềm vui và niềm hãnh diện của mình nhưng Lillian cho biết cô cũng có chút buồn vì không được theo các bạn đồng khóa xuống tàu hải quân phục vụ. Sau khi tốt nghiệp Oxford, cô sẽ phục vụ tại các tàu ngầm nguyên tử của hải quân Hoa Kỳ trong vòng 5 năm, trước khi quyết định những hướng đi khác trong sự nghiệp của mình.

Ðược thành lập từ năm 1845, nếu học viện quân sự danh tiếng West Point nhằm huấn luyện các cấp sĩ quan cho lục quân thì Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ cũng không thua kém khi huấn luyện các sĩ quan hải quân. Một số đô đốc, tư lịnh hải quân Hoa Kỳ đã xuất thân từ học viện này. Lillian bảo có chút áp lực với cô vì cô là người gốc Việt di dân, được thu nhận vào Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ và nay là học bổng Rhodes, cô mong muốn nhiều người cũng có cái nhìn về nước Mỹ và Hải Quân, cũng như quân đội Hoa Kỳ luôn chiến đấu và bảo vệ cho nền dân chủ và tự do thế giới như cô đã nhìn thấy.

Xem thêm:   Chó...

Lillian bảo chính vì sự giúp đỡ của nước Mỹ với gia đình mà cô chọn gia nhập binh ngũ để phục vụ, đáp trả cho quốc gia này. Cô nói, “Tôi thật sự hy vọng tôi có thể làm cho Học Viện hãnh diện, cho Hải Quân hãnh diện về mình”. Chúc tân Thiếu úy hải quân Lillian Ngô Usadi thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình và chúng ta có thể tin rằng, cô sẽ thực hiện được. Ðó cũng sẽ là niềm hãnh diện mà thế hệ gốc Việt thứ hai đã làm được trên đất nước Hoa Kỳ này.

ĐYT