Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức vừa từ giã ra đi khiến Tim này bàng hoàng đau đớn dẫu đã thấy trước ngày vĩnh biệt khi cùng vài anh chị em Báo Trẻ xin phép chị Ngô Thúy Loan vợ của BS để đến thăm, hát và đọc thơ cho BS nghe bên giường bệnh hồi cuối tuần qua.

Thương ôi, một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng, được nhiều người yêu quý đã về trong mây trắng. Theo tin gia đình cho biết BS qua đời sáng ngày 5 tháng 5 năm 2022 tại tư gia thuộc thành phố Arlington, tây nam Dallas, tiểu bang Texas, hưởng thọ 87 tuổi. Cũng theo tin gia đình trước khi qua đời, Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức, “đã được Linh Mục Jim Khôi giải tội, Linh Mục Trịnh Ðình Diễm xức dầu, hai linh mục thuộc Dòng Lòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (Dòng Ðồng Công) và các thành viên Ðạo Binh Ðức Mẹ (Legio Maria) thường xuyên thăm viếng và trao Mình Thánh Chúa, đọc kinh cho bác sĩ.”

Ðược biết BS Nguyễn Ý Ðức sanh tại Hải Dương vào năm 1935, cựu học sinh Chu Văn An, Hà Nội, di cư vào Nam sau Hiệp định Geneve 1954. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ vào năm 1963, ông được Y khoa Ðại học đường thuộc Viện Ðại Học Sài Gòn cấp Văn bằng Tiến sĩ Y khoa Quốc Gia vào năm 1971. Là y sĩ hiện dịch trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông từng phục vụ tại Sư đoàn 25 ở Qui Nhơn và Sư đoàn 7 Bộ Binh, Bệnh viện 3 Dã chiến Mỹ Tho, Tổng Y Viện Cộng Hòa và Bệnh viện Trưng Vương Sài Gòn. Ðến Mỹ năm 1975, ông định cư và hành nghề bác sĩ tại thành phố Baton Rouge, tiểu bang Louisiana.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức thời chiến 

Ông là Chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam tại Louisiana, có lúc ông là Chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Việt Nam tại Baton Rouge.Tổng cộng, BS Ý Ðức có 50 năm hành nghề về Y Khoa Gia Ðình tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau khi về hưu, ông cùng gia đình chuyển về cư ngụ tại thành phố Arlington, Tây Nam Dallas cho tới bây giờ.

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Ngoài việc hành nghề Y, chăm sóc sức khỏe trực tiếp, BS Ý Ðức còn gián tiếp chăm sóc sức khỏe cho đồng hương Việt Nam qua hàng trăm bài viết trên các cơ quan truyền thông Việt ngữ về sức khỏe, dinh dưỡng và những vấn đề y tế xã hội qua mục “Câu Chuyện Thầy Lang” trên các báo như: Người Việt, Tuần Báo Trẻ, Việt Vùng Vịnh, Thời Báo, Bút Việt, Á Châu Thời Báo, Thằng Mõ, Hướng Ði…  Ông hợp tác với chương trình phát thanh VOA, RFI, RFA, Việt Nam Hải Ngoại, VietRadio, VAB, Dallas Radio, Lạc Việt Radio Canada, O 2TV, Vietface TV, Vietv, CMG TV…

Sau khi về hưu vào tháng 10 năm 2001, Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức chuyên tâm vào việc viết bài về y học cho các báo trong và ngoài nước cũng như trả lời các câu hỏi của thính giả trong nước và hải ngoại về các vấn đề sức khỏe trên các chương trình của các đài phát thanh VOA, RFA, RFI, Việt Nam Hải Ngoại, VietRadio, Dallas Radio… Ðây là công việc ông đã hoạch định từ lâu trước khi về hưu, theo lời bà Ngô Thúy Loan, phu nhân bác sĩ Nguyễn Ý Ðức.

Ngoài các bài viết về sức khỏe, đời sống, bác sĩ Nguyễn Ý Ðức cũng xuất bản hơn 8 tác phẩm về y học và dinh dưỡng như ‘Câu chuyện thầy lang’ gồm 5 quyển bàn về nhiều đề tài liên quan đến sức khỏe vật chất và tâm thần, hoặc như cuốn Cẩm nang sức khỏe cao niên, ngoài những câu chuyện liên hệ đến người lớn tuổi còn có phần tâm tình của bác sĩ Nguyễn Ý Ðức đối với tình hình trong nước hiện nay và đối với người Việt ở hải ngoại. Ðặc biệt, phần lớn những bài viết, nói chuyện của bác sĩ Nguyễn Ý Ðức trên các báo và đài phát thanh đều miễn phí. Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức còn mở một trang web để độc giả tham khảo. Chương trình truyền hình “Sống Khỏe Sống Vui,” của ông cũng được nhiều người ưa thích.

Xem thêm:   Sài Gòn của tôi xưa

Theo phu nhân của bác sĩ Nguyễn Ý Ðức, bà Ngô Thúy Loan, thì ông là một người điềm đạm, sống giản dị nhưng kỷ luật. Bác sĩ thường tâm sự là cuộc đời ông có hai điều ông hài lòng, đó là hành nghề y khoa và cầm bút. Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức cùng phu nhân đã thành lập Trung Tâm Tuổi Vàng tại Arlington, nơi giúp cho những người cao niên sinh hoạt, rèn luyện sức khoẻ và các hoạt động văn hoá truyền thống của dân tộc. Nhà báo Ðinh Yên Thảo, một người quen biết của bác sĩ Nguyễn Ý Ðức, cũng nói ông là người quảng giao, đặc biệt ông quý những người cầm bút. Tư gia của ông từng là nơi đón tiếp nhiều văn nghệ sĩ.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp thăm bác sĩ Nguyễn Ý Đức dưỡng bệnh tại tư gia . Ảnh AT

Phần tiểu sử BS Nguyễn Ý Ðức như ghi trên là theo tài liệu bài viết của Khôi Nguyên đăng trên Người Việt Online và bài của Hà Vũ trên VOA. Với người viết, BS Nguyễn Ý Ðức là mối thân tình lâu năm. Khởi đầu có lẽ từ báo Trẻ vì cả BS và mình đều thường xuyên có bài đi trên báo.

Ðúng như Ðinh Yên Thảo nói, BS Ðức là người quảng giao, rất yêu mến anh chị em văn nghệ, thường tổ chức những cuộc họp mặt tại ngôi nhà trong khu rừng nhỏ đường San Paulo, Arlington. Mình và cả hiền nội hồi Dung còn trên cõi đời này thường đến dự cuộc họp mặt ở nhà BS Ðức. Phải nói mình đặc biệt yêu thích ngôi nhà này. Ngôi nhà theo trí tưởng rất đỗi cà chớn của kẻ này, có một vẻ gì đó giống như Gothe Cabin của thi hào nước Ðức. Ngôi nhà nhiều cây cối và chim chóc và hoa treo quanh hiên. Ðứng trên sàn gỗ nhìn xuống là thấy con suối chảy. Mình gặp nhiều bạn bè ở đây. Có Hoàng Chu, Anh Thư. Một lần, mình đi cùng với Nguyễn Ðình Toàn tới. Tại đây, Toàn đã đọc bài thơ Tự Do, Tự Do tức Người Tù Già Kể Chuyện Mình của Nguyễn Hữu Nhật.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

Bao nhiêu năm tháng trôi qua, ngôi nhà vẫn còn đó cùng với cây, suối và tiếng chim. Hôm cùng với Ðinh Yên Thảo, Hoàng Ðịnh Nam, Anh Thư và Phượng tới thăm BS Ðức, cả bọn được chị Loan tiếp đón ân cần. BS Ðức nằm mê man đã hai ngày, vậy mà nghe hát và đọc thơ đã tỉnh dậy, mở mắt mỉm cười chào đón. Về nhà, nhớ lại cuộc hội ngộ đầy thân tình cảm động, mình có mấy câu ghi ra giấy với màu mực tím. Mặt trời mọc tiếng chim hót. bên hiên căn nhà gỗ khóm tường vi nở hoa người tỉnh dậy cho một ngày mới bắt đầu…

Bây giờ thì BS Ðức đã ngủ lại. Xin người ngủ yên.

TN