Còn nhớ Tô Thẩm Huy viết mở đầu bài về Thu Hứng:

Thu năm nao, từ phương bắc Texas, nghe thấy gì trong hơi gió heo may, tác giả Tôi Cùng Gió Mùa viết gửi tôi mấy giòng: Thu về rồi đấy, dịch Thu Hứng của Đỗ Phủ đi…

Xin lãnh ý.

Và Tô Thẩm Huy mở đầu bài viết của mình:

Thu Hứng Bát Thủ là chùm 8 bài thơ mùa thu Đỗ Phủ viết khi lưu lạc ở Quỳ Châu, lúc Trung Hoa đang lâm vào cảnh kiệt quệ, cùng cực đói khổ do loạn An Lộc Sơn gây ra. Tình lẫn cảnh trong cả 8 bài đều thê lương ảm đạm, chua xót ngậm ngùi lòng thương nhớ được trở về quê nhà. Nhất là trong bài 1, nguyên tác như toát ra vẻ ghê rợn, thần linh ma quái, của vùng núi nonVu Sơn Vu Giáp. Xin mời cùng đọc dưới đây. Trong một dịp khác sẽ xin giới thiệu 7 bài còn lại trong chùm 8 bài thơ nổi tiếng ấy.

Thu hứng (bài 1)

Sương buốt rừng thu xót cánh phong

Khí thu u uất vút song song

Trường giang sóng dội lưng trời thõng

Biên ải mây đùn nách đất long

Chắt lệ ngày nao vàng vọt cúc

Neo thuyn nẻo cũ sắt se giòng

Ai may giá rét len trong áo,

Gióng giả cháy đêm thốn đáy lòng

TTH

Cuối bài thơ dịch, Tô Thẩm Huy ghi chú:

– Sao gọi là ngày nao?

– Thưa là ‘ngày khác’ là ngày khác, một ngày nào khác, không phải hôm nay. Có thể là một ngày đã qua, một ngày của quá khứ buồn tủi, mà cũng có thể là một ngày chưa đến của tương lai u tối.  Một ngày không phải hôm nay.  Một ngày tha nhật lãng đãng khi lòng thi nhân đang ngậm ngùi giọt lệ.

– Thế hà cớ gì Đỗ Phủ lại bảo là tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ? Là khóm cúc những hai lần nở?  Mà cớ gì hoa cúc nở hai lần thì nhỏ lệ?  Một lần không đủ sao, mà phải tới hai lần?

– Thưa, có thể là một lần hôm nay đang nhìn cúc nở, và một lần hôm nọ vốn cùng ai bên khóm cúc.  Hai lần cúc nở hay là hai lần nhỏ lệ?  Lệ từ một ngày cô liêu xưa cũ khóc chưa cạn nước mắt, cất đi để dành, để rồi hôm nay chúng rón rén trở về lăn dài trên má.  Mà cũng có thể là lệ của ngày mai, của ngàn sau, mượn về khóc trước.  Rủ rê về khóc một lần cho đã hai con mắt.

Xem thêm:   Tháng Ba, tảo mộ …

– Nghĩa là?

– Là giọt lệ của ‘khứ nhật’ hôm qua, của ‘thứ nhật’ hôm nay, của ‘minh nhật’ ngày mai, của hết thảy mọi ngày từ ‘ngàn xưa’ đến ‘ngàn sau’ có thể là ‘hết thảy mọi giọt lệ ở trần gian’ cùng nhau chan hòa khóc, để từ nay về sau màu quan san sẽ thôi không làm xót xa cánh rừng phong thụ mỗi độ thu về. Để nhất thiết chúng sinh từ nay sẽ không còn ai bao giờ phải khóc nữa.

– Ra là thế.  Thế hà cớ gì mà cô chu nhất hệ cố viên tâm?  Chiếc thuyền đơn lẻ ấy vì sao mà cột chặt lòng mảnh vườn xưa?

– Thưa, nó đang trôi trên trập trùng sóng nước của nghìn trùng xa cách mà nghẹn ngào thương nhớ chốn thiên đường đã lạc mất lối về.  Giang thượng yên ba hà xứ thị? Trên con thuyền lẻ loi mịt mù khói sóng, đâu là nẻo về, đến chốn quê nhà?

– Thế thành Bạch Đế là thành nào, ở đâu vậy? Sao trong bản dịch không nói gì đến?

– Thưa, nó có thể là cổ thành Bạch Đế bên giòng Dương Tử giang, nơi người quả phụ đang ai oán khóc than cầu xin được chết.  Mà cũng có thể là thành Phụng hay thành Gia Định bên bờ sông Sài Gòn đã bị quân Pháp đốt phá, kho thóc cháy đến 2 năm khói vẫn còn nghi ngút. Lòng vốn hồ nghi Bạch Đế chỉ là cái cớ ngẫu nhiên của tình cờ sử lịch, nên trong bản dịch đã không nhắc đến.

TÔ THẨM HUY

Sau đây là nguyên tác bài Thu Hứng kèm lời dịch nghĩa và một bản dịch khác cũng theo Tô Thẩm Huy:

Thu hứng, kỳ nhất

Đỗ Ph

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm

Vu sơn Vu giáp khí tiêu sâm

Giang gian ba lãng kiêm thiên dõng

Tái thượng phong vân tiếp địa âm

Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ

Cô chu nhất hệ cố viên tâm

Hàn y xứ xứ thôi đao xích

Bạch đế thành cao cấp mộ châm

Thích Nghĩa:

Xem thêm:   Sài Gòn. bình minh mưa

Những giọt sương long lanh đang làm đau xót cánh rừng phong,

Khí thu mù mịt giữa hai vách núi Vu sơn.

Nơi kẽm Vu giáp sóng nước dộng lên nền trời,

Trên chốn quan tái mây gió sà xuống mặt đất.

Khóm cúc hai lần nở, khơi lên những giọt lệ của ngày nào,

Chiếc thuyền đơn lẻ, buộc chặt tấm lòng mảnh vườn xưa.

Nhà nhà trong xóm đem dao thước ra cắt may áo lạnh.

Trời tối, tiếng chày đập vải nghe dồn dập bên thành Bạch Đế.

Bản Dịch của Khương Hữu Dụng:

Móc trắng rừng phong vẻ úa gầy,

Vu Sơn, Vu Giáp khí thu dày.

Lòng sông sóng tận lưng trời nhảy,

Đầu ải mây sà mặt đất bay.

Lệ cũ nở hai mùa cúc đó,

Lòng quê buộc một chiếc thuyền đây.

Nơi nơi áo lạnh đòi dao thước,

Bạch Đế thành hôm rộn tiếng chày.

KHD

Bây giờ là những lời tản mạn của Nguyễn tôi. Không biết mình thích bài Thu Hứng từ lúc nào, nhưng thích lắm. Bài thơ đưa ta đi từ cảnh run rẩy của rừng phong buốt giá và vách núi vu sơn mù mịt cạnh dòng sông nước tung trời và mây sa từ quan ải… từ những cảnh hùng vĩ mà tiêu sơ ấy, tác giả đi tới tâm tình cá nhân với khóm trúc nở hai lần khơi dòng lệ chảy. Trong cảnh thu ấy nhà nhà đem dao kéo ra cắt may áo rét và tiếng chày đập vải dội lại từ thành xa.

Vàng ố rừng phong hạt móc sa

Núi non mờ mịt khí thu già

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm

Mặt đất mây đùn cửa ải xa

Khóm cúc tuôn rơi dòng lệ cũ

Con thuyền buộc chặt mối tình nhà

Nơi nơi dao thước đòi manh áo

Thành cổ chày đêm rộn rã khua

Nhớ hồi ở trại tù Cẩm Nhân Yên Bái, chiều chiều mình và Tô Thùy Yên ngồi nhìn lên đỉnh núi chờ trăng, đọc lại những bài thơ cổ trong đó có Hà Xứ Xuân Giang Vô Nguyệt Minh của Trương Nhược Hư và Thu Hứng của Đỗ Phủ. Xuân giang triều thủy liên hải bình, Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh. Diễm diễm tùy ba thiên vạn lý, Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.  Ôi thật là rực rỡ rồi chuyển qua mùa thu tàn úa, với núi non sông nước mịt mùng. Giữa cảnh ấy bỗng hiện lên khóm cúc hai lần nở hoa và lệ rơi ở một ngày khác. Tô và mình cứ thắc mắc, sao ‘tùng cúc lưỡng khai’ mà lại ‘tha nhật lệ’. Lệ rơi ở một ngày khác là sao. Rồi khi chuyển trại về Thanh Chương-Nghệ Tĩnh, Tô và mình lại trùng phùng… Lúc bước chân vào Thành Đá Xanh trong buổi chiều thu, bạn tù bỗng nghe vang lên tiếng chày bên này bên khác. Tô và Nguyễn lại nghĩ đến câu thơ của Đỗ Phủ: Hàn y xứ xứ thôi đao xách / Bạch Đế thành cao cấp mộ châm. Quái lạ ở đây mà có tiếng dao kéo cắt may áo lạnh và từ thành cao vang tiếng chày đập vải sao? Thì ra không phải thế mà là tiếng chày giã bắp. Nguyên là trại phát bắp và muối hột cho ăn qua bữa nhưng những anh tù già đã rụng gần hết răng không nhai nổi phải đem bắp ra giã cho nát để nuốt vào bụng. Lại nữa, chuyện ở Dallas này, chiều thu lạnh lái xe đi ăn phở bỗng nhớ tới bạn xa, bèn hạ bút: Ôi, mùa thu và Phở. Giá có Tô Thẩm Huy ở đây, Nguyễn sẽ mời ông ra Phở Bắc ăn một tô chín gầu béo ngậy, thơm lừng, uống cạn bình trà xanh do chủ nhân khoản đãi, rồi bắt ông ngâm Thu Hứng của Đỗ Phủ. Lúc bấy giờ nhìn ra sẽ thấy, trong trí tưởng, “Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm / Mặt đất mây đùn cửa ải xa.”

Ôi Thu Hứng, vậy mà đã gợi ra trong lòng này bao cảm xúc. Nay nhân buổi thu về xin ghi lại ở đây.

Xem thêm:   Mùi hương hoa nhài, và nhạc rahab trên đường phố

TN