Chúng ta hãy ngắm nhìn một đứa bé nghèo: Nó có thể vui với cái bông vụ hay chiếc chong chóng chạy trước gió. Tại sao vậy? Chỉ vì bé có thế giới riêng của mình. Cũng vậy, Sandy không có nhiều của cải -thế giới của cô là đứa con gái nhỏ và những gì cô cùng con trải qua ở công viên, dưới bóng cây, hay trong một tiệm kem. Cô có những người bạn chân tình và cô luôn giữ niềm vui trong lòng.
Đây, mời các bạn cùng chia sẻ với Sandy.
NS
Sandy sống trong một căn chung cư chật chội, chật cho tới nỗi mỗi khi đi mua đồ ở Goodwill về, cô phải xếp dọn lại mọi thứ mới có chỗ chứa. Hàng ngày, cô phải chật vật lắm mới có được cái ăn cái mặc cho mình và đứa con gái 4 tuổi nhờ vào số tiền viết mướn kiếm được và những công việc lặt vặt khác.
Ông chồng cũ của cô thì đã mất tăm mất tích từ lâu khi anh ta xuống xe trên một quãng đường nào đó. Còn cô thì đi chiếc xe cà khổ cứ hỏng máy hoài khiến cô phải đi xe đạp những hôm thời tiết cho phép hoặc nhờ bạn chở đi.
Những thứ mà người Mỹ cho là thiết yếu trong cuộc sống -như TV, lò vi ba, radio và kẹo bánh… là điều Sandy không dám mơ ước tới. Thức ăn bổ dưỡng, quần áo ấm, một căn chung cư tiện nghi, tiền ghi danh học đại học hay sách vở cho con gái hoặc giả một buổi đi xem chiếu bóng sẽ làm hao mòn số tiền ít ỏi của gia đình cô.
Sandy đã gõ rất nhiều cánh cửa để xin một việc làm xứng đáng nhưng đều không được -hoặc là cô có quá ít kinh nghiệm hoặc không thích hợp, giờ giấc không thuận lợi.
Thật ra hoàn cảnh của Sandy cũng là hoàn cảnh chung của nhiều người. Một số lớn những cha mẹ độc thân như cô hoặc những người lớn tuổi bị kẹt giữa tình trạng kinh tế khốn khổ khiến họ không đủ sống mà cũng không đủ điều kiện để xin trợ cấp an sinh.
Thế nhưng điều làm cho Sandy khác với nhiều người ấy là cái nhìn của cô về mọi thứ…
“Tôi không có nhiều những thứ mọi người có hay những cái gọi là giấc mơ Mỹ.” Cô nói với nụ cười chân thật.
“Vậy cô có buồn không?” Tôi hỏi.
“Đôi khi. Nhìn thấy một bé gái khoảng tuổi con tôi, có quần áo đẹp, hoặc ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng, hay sống trong một ngôi nhà tráng lệ, tôi cũng cảm thấy trong lòng xót xa. Mọi người đều muốn vui khi nhìn thấy con mình.”
“Nhưng cô có cảm thấy cay đắng không?” Tôi hỏi.
“Tại sao lại phải cay đắng? Mẹ con tôi không đến nỗi chết đói hay chết rét. Chúng tôi có đủ mọi thứ thiết yếu cho cuộc sống.”
“Vậy theo cô những cái gọi là quan trọng thiết yếu đó là cái gì?” Tôi hỏi Sandy.
“Theo tôi nghĩ, bất luận bạn sở hữu những gì, kiếm được bao nhiêu tiền, bạn chỉ cần giữ lấy ba điều trong cuộc đời.” Sandy nói.
”Thế nào gọi là giữ gìn?” Tôi hỏi.
”Tôi muốn nói là không ai có thể tước đoạt của bạn.”
”Vậy ba điều đó là gì?”
Sandy nhìn tôi thong thả nói: “Một, là những kỷ niệm bạn đã có trong đời; hai, là những người bạn đích thật; ba, là những gì bạn ươm trồng trong lòng.”
Với Sandy, những kỷ niệm cô có được không nhiều. Đó là những thời khắc cô được ở bên con gái, cùng nhau dạo chơi trong rừng, nằm chợp mắt dưới bóng cây, nghe nhạc, tắm nước ấm trong phòng tắm hay nướng bánh trong lò nướng.
Quan niệm về bạn bè của Sandy khá rộng rãi. Cô giải thích: “Bạn đích thật là những người ta luôn nghĩ đến, cho dù họ vắng mặt trong đời bạn một thời gian. Những năm tháng cách xa nhau đều không có nghĩa lý gì, bạn có thể tìm lại họ ở một nơi nào đó vào một lúc nào đó, và cho dù họ có qua đời họ vẫn sống mãi trong trái tim của bạn.”
Còn về những gì ươm trồng trong tâm hồn, Sandy chỉ nói gọn: “Tùy theo mỗi người thôi. Tôi không gieo trồng những hạt mầm của cay đắng và tuyệt vọng. Tôi có thể làm như thế nhưng tôi không muốn.”
Sandy âu yếm nhìn con gái mình rồi nhìn tôi. Cô chỉ vào mắt mình, đôi mắt sáng ngời tình yêu, lòng biết ơn và niềm vui chan hòa.
– Tôi ươm trồng những điều này đây.
NS
(theo Chicken Soup for the Woman’s Soul)