30 Tháng Tư lại về, gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm.

Cũng trên mục này, Tim Nguyễn có viết vào dịp kỷ niệm Tháng Tư Đen năm nào:

… Bỗng chốc Sài Gòn đổi chủ. Rạng đông một màu xám mọc lên trên thành phố. Và mưa… Có lẽ người dân Sài Gòn hiện phiêu bạt khắp nơi trên thế giới không ai quên được những cơn mưa ngày ấy. Mưa vào lúc hừng đông thành phố. Đã bao nhiêu năm qua rồi mà những ảnh bóng của một thời chưa tan biến. Những cơn mưa của Sài Gòn năm ấy, mưa trái mùa, che khuất chân trời. Những trang thơ tình đẹp đẽ về một Sài Gòn áo lụa như mơ của Nguyên Sa đã khép lại. Vở kịch Giấc Mộng Đêm Hè của anh và em cũng đã hạ màn. Bây giờ là một vở tuồng khác, với một câu chuyện khác, những đào kép khác. Này nghe ba tiếng gõ trên sàn ván, sân khấu mở màn với cảnh Thị Kính ngồi ru con trước hiên chùa. Bên ngoài trời đang mưa… Mưa rơi, mưa bây giờ rơi trên những trang kinh Địa Tạng.

Thành phố lúc rạng đông, mưa. Em đi trong mưa, cúi đầu, nghiêng vai… Trần Dần đã viết như thế về những cơn mưa Hà Nội thời Nhân Văn Giai Phẩm. Còn em, cô ca sĩ kể với tôi, ngày ấy khi thành phố vừa đổi chủ, đã cùng chàng đi mua ngay một chiếc xe đạp, để “từ đài trang bước xuống bụi bặm của cuộc đời”. Bây giờ là rạng đông, Sài Gòn của tôi đang mưa. Nhà nhà đóng cửa. Không ai dám nói lớn, cười lớn. Ở một góc quán nào đó, trong mưa, mường tượng thấy người ca sĩ mù hiện về ôm đàn gào lên những khúc đoạn rã rời, thảm thiết. Có lẽ đó chỉ là ảo ảnh thôi. Thật ra thì người ca sĩ mù ấy những năm tháng về sau này mới ôm đàn gào trước rạng đông. Một rạng đông có mặt trời mọc nhưng mặt trời bị cắt cổ (soleil, cou coupé -Apollinaire).

Bây giờ, đã dứt những cơn mưa? Vâng, bây giờ là con mắt trên Bức Tường Đá Đen…

Bức Tường Đá Đen kỷ niệm chiến tranh Việt Nam… Ở Washington DC. Có lẽ Bức Tường Đá Đen là nơi nhiều người Mỹ đến thăm nhất vì trên đó khắc tên hơn 50 ngàn chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh. Từ khởi đầu, năm 1982 và những năm kế tiếp, mỗi năm có hơn 4 triệu người đến viếng Bức Tường. Những người đến thăm đã để lại dưới chân tường bao nhiêu hiện vật tiếc thương, trong đó có những dòng chữ viết và những bài thơ tưởng niệm, ca ngợi chiến công và lòng dũng cảm của người đã nằm xuống trên mảnh đất gió mùa của Việt Nam. “Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam không giống những Đài Tưởng Niệm khác,” phát ngôn viên của khu công viên quốc gia nhận định. “Chiến tranh Việt Nam khác với những cuộc chiến tranh đã có trong cách thế mà nó diễn ra, trong bầu không khí những cuộc phản kháng và mọi thứ đều sôi động, mãnh liệt. Bức Tường Đá Đen là một đài tưởng niệm được dựng lên để hàn gắn các vết thương. Trong khi đó, trái ngược lại, Đài Kỷ Niệm Thế Chiến II là một đài kỷ niệm chiến thắng.”

Bức Tường Đá Đen kỷ niệm chiến tranh Việt Nam – nguồn Britannica 

Đúng với ý nghĩa đã gợi ra, những người đi thăm đã để lại những kỷ vật nói lên cái tình của người sống đối với người đã khuất: có khi đó là chiếc dép của một em bé, một chiếc đồng hồ, một cái nón phụ nữ, những huy chương, những thẻ bài và những bài thơ. Những hiện vật này gợi lại hồi ức và nói lên lòng thương tưởng khiến người ta có thể bật khóc. Một người có tên là Jeff vào năm 1993 đã đến thăm để được gần anh bạn Eddie ngày xưa của mình. Jeff để lại một gói thuốc lá, một can bia, một hộp thịt bò, và những dòng chữ ghi lại những gì hai người bạn đã cùng trải qua với nhau. Anh viết: “Trong tín điều xưa cổ của người Ai Cập về đời sống vĩnh cửu thì cái “ka” (tức cá thể của hai người song đôi) cần phải được nuôi dưỡng để có thể tiếp tục sống đời đời. Do đó, cái “ka” cá thể của mày sẽ không bị chết đói, tao đã mang đến cho mày những thứ này để làm tăng gấp đôi bữa đại tiệc của anh em chúng mình hồi Tháng Tám năm 1967 khi cùng có mặt chiến đấu bên nhau.”

Xem thêm:   Phạm Quỳnh Anh. chào Việt Nam

Một cựu chiến binh khác có tên Michael L. Murphy, có mặt ở chiến trường Việt Nam những năm 1967, 1968, 1969, đã viết những dòng sau đây: “Bức Tường Đá Đen? Tôi muốn xem nó chứ, tôi phải xem nó, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy sợ phải nhìn thấy nơi linh thiêng này. Thế rồi, tim tôi như ngừng đập, tôi cảm thấy như ngạt thở khi tôi cùng vợ đến bên Bức Tường Đá Đen. Nó làm bằng cẩm thạch, một nửa chôn sâu dưới đất. Nước mắt tuôn rơi không ngừng lại được. Tôi nhắm mắt lại và bỗng thấy mình trở về chiến trường xưa. Tôi như hít thở được cái không khí của vùng đất này. Rồi tôi mở mắt ra. Ôi, bao nhiêu là tên người. Tất cả đều còn trẻ, cũng như tôi vào cái thời xa xưa ấy. Trẻ với bao nhiêu giấc mơ, hy vọng. Việt Nam như chảy tràn qua tôi. Tôi đứng đó và khóc nức nở. Tôi khóc cho những người tôi biết đến và cho cả những người tôi không biết. Chúng tôi tất cả đều là anh em của nhau. Chúng tôi đã đến một nơi có những người thù ghét chúng tôi và trở về đây, vùng đất quê nhà cũng chối bỏ chúng tôi. Lẽ nào như thế được.”

Vâng lẽ nào như thế được. Lẽ nào lại bội tình vong ân đến như thế. Đây, ta hãy nghe Bài Ngợi Ca của một tác giả vô danh gởi một cựu chiến binh của chiến trường Việt Nam (Eulogy for a Veteran) để thấy lòng ấm áp và được an ủi, khích lệ: Xin đừng đứng bên mộ tôi và khóc. Tôi không có mặt ở đó đâu, tôi không hề an giấc. Tôi là ngàn cơn gió lộng, tôi là kim cương sáng ngời trên băng tuyết. Tôi là ánh nắng trời trên hạt lúa chín. Tôi cơn mưa thu dịu dàng. Khi anh thức giấc trong im lặng sớm mai, thì tôi là những cánh chim bay lên lượn vòng trong tĩnh lặng, tôi là những ngôi sao êm đềm chiếu sáng bầu trời đêm. Xin đừng đứng bên mồ tôi và khóc, tôi không có mặt ở đó đâu, tôi không chết.

Eulogy for a Veteran

Xem thêm:   Sài Gòn, bình minh trong cơn mưa

Do not stand at my grave and weep. I am not there, I do not sleep. I am a thousand winds that blow. I am the diamond glints on snow. I am the sunlight on ripened grain. I am the gentle autumn rain. When you awaken in the mornings hush, I am the swift uplifting rush of quiet birds in circled flight, I am the soft stars that shine at night. Do not stand at my grave and cry, I am not there, I did not die.

(Author unknown)

I did not die. Tôi không chết. Vâng, anh không chết đâu anh… Xin cùng nghe thơ của một người con gái tên Ce Ce có người yêu chết ở chiến trường Việt Nam. Bài thơ có tựa đề Your Name on the Wall (Tên Anh Trên Bức Tường):

Khi ấy, anh mười lăm và em mười ba

Một đêm nào xa thật xa

Hai đứa cùng thẹn thùng không nói

chỉ chào nhau hello

Chỉ là cuộc hẹn hò thơ dại đầu tiên

và chúng ta cùng nhau đi dạo chơi giây lát

em còn nhớ mái tóc anh vàng rực

và nụ cười mơ hồ, e ấp của anh

sau đêm đó em chẳng còn nhìn thấy anh nữa

phải chăng lúc ấy chúng mình còn quá trẻ

để biết những điều chung quanh

nhưng em chẳng bao giờ quên

rồi một vài năm sau, khi em hỏi thăm

người ta nói với em rằng anh đã chết

ở chiến trường Việt Nam, và không bao giờ về nữa …

Cô gái tên là Ce Ce

không tin lời người ta thuật lại.

Cô tự nhủ với lòng mình:

‘anh em sẽ không bao giờ mất

dấu tích

của nhau’

Mãi ba mươi năm sau…

cô vẫn còn hồ nghi bất định

Rồi một chiều trong quán sách

cô đọc thấy tên anh

giữa những hàng tên ghi trên Bức Tường

và cô biết rằng anh đã chết

Xem thêm:   Lửa và ánh nến trong kiếp phù sinh

trong chiến tranh Việt Nam

Nhưng tại sao. tại sao. cô hỏi

và nước mắt dâng đầy

phải rồi Robert Lynch đã chết

này trái tim cô khóc nức

‘yên nghỉ đời đời, nhé, Robert ơi’

Ce Ce

Bức Tường Đá Đen, những hàng tên, bông hoa hồng trên đá, và đôi giày trận… ôi, gợi nhớ biết bao nhiêu những người đã nằm xuống trên mảnh đất của đồng lầy và sương muối có tên Việt Nam. “Vật thể đầu tiên có sức mạnh khiến tôi quỳ xuống khi tôi viếng thăm Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam là một đôi giày trận. Tôi đã nhìn thấy nó bên Bức Tường.” Janis Nark, cựu Nữ Trung Tá Quân Đội từng tham chiến ở Việt Nam nói trong hàng nước mắt. “Đó chỉ là đôi giày trận đã mòn vẹt, nhưng bạn biết không, nó đã lội trong bùn đất Việt Nam.”

Bức Tường Đá Đen Tưởng Niệm những chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh ở chiến trường Việt Nam. Chúng ta có một khu tưởng niệm nào như vậy không? Xin thưa: Có đấy, đó là Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa với pho tượng Tiếc Thương và hàng ngàn ngôi mộ, với Đền Tử Sĩ và Nghĩa Dũng Đài dưới trời mây trắng. Nhưng hỡi ơi, nhà cầm quyền Cộng Sản với lòng thù hận và dã tâm hèn hạ, kể từ những năm đầu tiên làm chủ đất nước, đã triệt hạ pho tượng Tiếc Thương, cho người đập phá các bia mộ, làm ngơ cho dân vào chiếm đất xây cất, để cho cây cỏ dại mọc tràn lan… Cảnh tượng được nhà báo Seth Mydans ghi lại: “Đôi mắt của hạ sĩ Lê Văn Nào bị đục thủng… Những con bò lang thang gặm cỏ… Những tấm bia ngả nghiêng… Nhiều ngôi mộ trống.” Như vậy còn chưa đủ, năm vừa qua thủ tướng Cộng Sản Nguyễn Tấn Dũng còn ra lệnh cho Quân Khu 7 bàn giao khu Nghĩa Trang hiện đang quản lý cho tỉnh Bình Dương và đổi tên là Nghĩa Địa Dân Sự Bình An. Như vậy là từ đây không còn cái tên Nghĩa Trang QĐBH nữa. Nghĩa là sẽ mất cả xác lẫn hồn. Bi thảm như thế đó. Và ghê thay cho sự thù hận, tàn ác của những người được gọi là anh em. Có thể rồi đây, dưới sự đập phá và dã tâm bôi xóa của Cộng Sản, sẽ không còn bức tường, pho tượng, nghĩa trang hay đền đài nào nhắc nhở đến hình bóng lẫm liệt của người chiến sĩ quân dân Miền Nam. Có điều là CS có thể đập phá nhiều thứ thuộc giới vật chất, nhưng họ không thể đập phá những tượng đài trong lòng người. Họ cũng không thể bôi xóa lịch sử. Tất cả mãi mãi sẽ được nhắc lại và tô đậm nét trong văn học, báo chí, những bài thơ bản nhạc, bức tranh, cuốn phim… ở nhiều nơi trên thế giới.

You did not die. Anh không chết đâu anh…

TN