Đồi Vọng Cảnh

Lần đầu tiên đứng trên đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương, dòng nước uốn lượn mềm mại, vài chiếc thuyền trôi chậm mà tôi được biết có thuyền du lịch đưa khách đến Điện Hòn Chén bên kia sông, tôi ước giá có thời gian sẽ đi tour này. Vậy mà phải nhiều năm sau, tôi mới đến Điện Hòn Chén dù sau đó có lên lại Đồi Vọng Cảnh vài lần. Đó là lý do tôi gộp hai nơi đối diện nhau qua sông Hương trong một bài viết.

Đồi Vọng Cảnh nằm trên đường Huyền Trân Công chúa, thuộc xã Thủy Biều. Lân cận với các di tích lăng Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị…

Thuyền du lịch trên sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh          

Sáng tháng Tư đồi thông mát rượi. Chúng tôi ngồi nhìn xuống dòng sông Hương đẹp lãng mạn, nên thơ. Câu chuyện giữa chúng tôi lan man từ chùa Từ Hiếu, rồi chạy xe lên Đồi Vọng Cảnh mà chuyện vẫn còn dài. Chúng tôi đi bộ quanh đồi, vừa gặm bắp luộc tiếp tục chuyện trò, để đến khi rời đi tôi mới nhận ra chưa kịp quan sát hết nơi này trừ hai di tích xưa (hầm hay lô cốt) khá gợi tò mò.

Chiều hôm sau, tôi trở lại Đồi Vọng Cảnh một mình, ngắm phía đông rồi quay sang phía tây cảm giác dòng nước bên dưới như dải lụa mềm thay đổi kỳ diệu theo từng giờ. Buổi sáng nhìn về phía Kinh Thành Huế, màu bạc lấp lánh, buổi chiều màu ngọc bích dịu mắt. Và phía tây thì ngược lại; tuy nhiên, khi hoàng hôn buông xuống màu ngọc bích chuyển dần thành màu hồng rồi vàng cam, đẹp mê hồn. Tôi nhìn về ngã ba sông mà không biết có phải là nơi hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch hợp dòng làm nên sông Hương, khi mà trên bản đồ vị trí ngã ba sông Bằng Lăng ở khá xa?

Di tích trên đồi Vọng Cảnh

Bên kia sông (phía mặt trời lặn) là Điện Hòn Chén, mái ngói thấp thoáng trong cây rừng, những chiếc thuyền du lịch nhỏ xíu dưới bến sông…

Xem thêm:   Xích lô đạp ở Đà Nẵng đâu rồi?

Trở lại Đồi Vọng Cảnh lần thứ 3 với một người bạn thì tôi khá lười biếng để ngắm cảnh vì cảm giác mọi thứ mình đã biết hết rồi nên giật mình khi nghe bạn bảo: “Giữa những hàng cây giống như ở đảo Nami của Hàn Quốc” và bạn dứt khoát bắt tôi đứng lên cho bạn chụp tấm hình: “Chẳng thua gì đang ở đảo Nami”. Cả hai chúng tôi cười vang!

Trên đồi Vọng Cảnh mà trông giống như ở đảo Nami Hàn Quốc

Trong các tài liệu còn lưu trên Internet, năm 2004 một dự án xây dựng khu du lịch nghỉ mát được địa phương cấp phép trên Đồi Vọng Cảnh, nhưng gặp phải sự phản đối của người dân nên phải dừng lại.

Năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chỉnh trang nơi này thành công viên. Năm 2024, công việc hoàn thành với kinh phí 13 tỉ đồng cho các hạng mục như: lối đi dạo, bồn hoa, dựng tháp ngắm cảnh, ghế đá, cột đèn, chiếu sáng, nhà vệ sinh… Tôi chưa trở lại sau khi nơi này được làm mới!

Chính điện Điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén

Đồi Vọng Cảnh luôn khiến tôi luyến lưu rời đi khi nhìn bên kia sông có Điện Hòn Chén, vậy mà mãi đến 3 năm sau tôi mới quyết tâm phải đến, nếu không coi như mấy chục năm trong đời đến Huế, tạt qua Huế, lang thang Huế mình chưa biết Huế.

Tuy nhiên, chiều hôm đó chúng tôi không đi thuyền dọc sông Hương mà chạy xe máy đến Điện Hòn Chén. Sau chầu bánh ướt thịt nướng thật ngon ở Kim Long, chúng tôi men theo sông Hương mà đi, nhờ vào bản đồ Google. Đường càng đi càng xa, càng nôn càng thấy lâu, nhất là khi vào con đường đất, hẹp, lởm khởm đá. Thỉnh thoảng lại coi bản đồ hay dừng xe hỏi thăm, cuối cùng cũng đến nơi. Ngồi ở quán nước có giữ xe máy và nhìn ra dòng sông đã thấy bình yên. Bên dưới nhiều thuyền nhỏ của những người bán cá phóng sinh. Vài người mời chúng tôi mua cá. Chị bạn tôi xiêu lòng, mua rồi thả cá xuống sông. Tôi không biết khi nào lũ cá này lọt vào lại trong cái vợt của những người vừa bán chúng cho chúng tôi.

Động thờ ông Hạ Ban (ông hổ) Ở Điện Hòn Chén

Chỉ ít bậc cấp theo con đường mòn đi lên, chúng tôi đến khu vực Điện Hòn Chén.

Xem thêm:   San Jose và buổi triển lãm hy hữu

Theo các tài liệu, Điện Hòn Chén hay còn gọi là Điện Huệ Nam, tọa lạc trên núi Ngọc Trản, phường Long Hồ, quận Phú Xuân, Huế. Núi Ngọc Trản xưa có tên gọi là Hương Uyển Sơn. Ngọc Trản có nghĩa là chén ngọc, từ một giai thoại trong dân gian vua Minh Mạng trong một lần đến đây đã đánh rơi chén ngọc xuống sông, một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho vua nên trong dân gian vẫn gọi là Điện Hoàn Chén hay Điện Hòn Chén. Tuy nhiên, trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn thì dùng: Ngọc Trản Sơn Từ (đền thờ trên núi Ngọc Trản), Đến thời Đồng Khánh (1886 – 1888), ngôi điện được đổi tên là Huệ Nam Điện (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam).

Sông Hương nhìn từ Đồi Vọng Cảnh

Ngày xưa người Chàm thờ nữ thần Ponagar ở Điện Hòn Chén, sau đó người Việt tiếp tục thờ Bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Từ năm 1954, Liễu Hạnh Công Chúa (1) cũng được đưa vào thờ ở đây. Ngoài ra tại Điện Hòn Chén còn thờ Phật, Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác… Như vậy, xét về mặt tín ngưỡng, Điện Hòn Chén bố cục thờ không theo nguyên tắc mà phối hợp thờ nhiều tín ngưỡng khác nhau.

Hàng năm Điện Hòn Chén có nhiều lễ hội lớn thu hút đông đảo người dân và khách thập phương như lễ Vía Cha, Vía Mẹ… người dân đến cầu nguyện cho sức khỏe, bình an, may mắn…

Thuyền chở khách du lịch trên sông ở Điện Hòn Chén

Nhà văn Trần Thùy Mai khi giới thiệu về truyện ngắn: “Trăng nơi đáy giếng” có viết:

“Ở Huế quê tôi, phía đầu nguồn sông Hương có Điện Hòn Chén, một ngôi điện bé nhỏ nằm cheo leo trên mỏm đá cao, trước một vực sông sâu thẳm.

Ghe bán cá phóng sinh ở dưới chân Điện Hòn Chén

Hàng năm vào tháng Ba và tháng Tám, cả ngàn người tụ về, ca hát, nhảy múa, cầu khấn trên hàng trăm con thuyền neo dưới chân ngôi điện. Trong mấy ngày đêm lễ hội, họ như sống trong một thế giới khác, nơi họ có thể gặp và giao tiếp với các vị thần linh. Nơi họ tin là họ được yêu thương, được che chở và không bao giờ bị phản bội. Có thể nói, đó là một thế giới của huyễn mộng. Nhưng cái khát khao được đắm mình trong huyễn mộng lại là một nhu cầu có thật. Nhu cầu ấy xuất phát từ sự bất toàn, chắp vá của thế giới này. Hàng nghìn năm qua, ở rất nhiều nơi, con người vẫn đi tìm những vầng trăng nơi đáy giếng, dưới hình thức này hay hình thức khác.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Conyers

Câu chuyện này tôi viết từ lần gặp gỡ với một người đàn bà hiền hậu có đôi mắt rất buồn, trên con thuyền đi dự hội Rằm tháng Tám…”

Xem hầu đồng

Hôm chúng tôi đến là ngày bình thường không có lễ hội nên cảm nhận chiều bình yên đến mức không muốn rời đi vì tiếc!

Trên sông ngoài ghe nhỏ của những người bán cá phóng sinh còn có chiếc thuyền du lịch lớn, đậu ở phía xa. Vang vọng trên mặt nước là âm thanh hòa quyện của nhiều loại nhạc cụ dân tộc trong làn điệu chầu văn tạo cho buổi chiều sự sinh động rất đặc biệt. Những người bán cá phóng sinh nói với chúng tôi là thuyền chở khách đi từ sông Hương và họ sẽ rời đi, nếu chúng tôi muốn xem hầu đồng thì chờ đến giờ sẽ có.

Chúng tôi nán lại để xem hát chầu văn trên một chiếc thuyền lớn. Người ngồi xếp lớp  trong, ngoài. Họ như đắm chìm vào một thế giới khác của âm nhạc mang tính tâm linh và những  động tác múa khi chậm, lúc nhanh. Sắc màu lung linh, âm thanh vang vang trong không gian bao la của sông nước, đồi thông, những mái ngói cũ tạo nên một cảm xúc bâng khuâng khó tả, hiếm gặp ở đâu khác.

Trên sông ở Điện Hòn Chén

Bài và hình ĐTTT

(1) Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, Liễu Hạnh Công Chúa là một trong 4 vị thánh Từ Bất Tử. Bà còn được gọi bằng các tên Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên, hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ, Bà được gọi ngắn gọn là Mẫu Liễu.