Trang Y Hạ trước 75 sống ở Kontum hai mươi năm, làm việc cho VNCH 7 năm, sau 75 đi cải tạo cũng 7 năm tại trại K4 Long Khánh. Hiện định cư tại San Francisco, Bắc California.
[Trần Vũ]
Trang Y Hạ
Kỳ 2
Bất chợt cô gái quay người lại nhìn thẳng vô mắt tôi, nói:
– Ông biết không? Xã Tri Lễ chúng tôi là một xã dinh điền – hình thành từ năm 1957 – với số dân ban đầu khoảng – một ngàn năm trăm người – từ các quận ở Bình Định mà nhiều nhứt là Hoài Ân, Bồng Sơn lên lập nghiệp… Ban đầu người dân được chính phủ trợ cấp lương thực trong 8 tháng, các vật dụng dùng để canh tác kể cả các loại hột giống chính phủ cung cấp đầy đủ. Đất canh tác cũng được san ủi bằng phẳng rồi được phân chia cho từng gia đình… Ông thấy đó. Từ cầu Tri Lễ cho tới dốc cầu Dakmot là một bình nguyên rộng lớn dựa theo con sông Pơ-Kô, rất thuận lợi cho nông nghiệp. Dân ở đây có trồng cây cao su cây đay ngắn ngày và các loại hoa màu khác… Cuộc sống ổn định thì tai họa ập tới… Tai họa lớn đó là đám tướng lãnh phản chủ nhận tiền Mỹ giết chết gia đình cụ Diệm, giết chết nền Đệ Nhứt Cộng Hòa. Người dân vùng dinh điền như rắn mất đầu, còn đám tướng lãnh lo đấu đá tranh giành quyền bính mà bỏ bê người dân, đất nước, rừng cao su bị đốt cháy rụi, ấp chiến lược phá bỏ, an ninh lỏng lẻo… Từ đó người dân ở trong dinh điền bỏ đi về quê hoặc lưu tán khắp nơi… Ông thử nhìn xem ở xã Tri Lễ ngày nay chỉ còn khoảng hơn một trăm nóc nhà. Hiện giờ ở xã không trường học, không trạm xá, không nhà thờ, không chùa. không chợ… trước đây đều có. Tôi chỉ học hết lớp nhứt! Hôm nay các ông về… Tôi hy vọng rằng các ông sẽ giúp dân Tri Lễ phục hồi lại những thứ đã mất.
Cô gái đang nói, bỗng ngưng bặt rồi chạy nhanh ra đường nhận mấy thùng hàng… Tôi thấy có một thùng rượu Whisky 45 loại chai vuông; một thùng rượu Napoléon nắp đen, một thùng thuốc lá Mỹ. Một thùng trái cây cũng của Mỹ và các thứ hàng hóa lỉnh kỉnh khác.
Cô gái xin lỗi tôi, rồi cô nói chậm rãi:
– Ông biết không? Trời sanh, nhưng trời không diệt. Chính con người mới “Truy cùng diệt tận”… Dịp may cho xã Tri Lễ này là lính Mỹ tới đóng ở phi trường Phượng Hoàng. Họ xây dựng công sự chiến đấu, họ mở rộng phi đạo, họ tái thiết đường sá… Họ mang tới vùng đất cao nguyên một luồng sinh khí mới – ấm áp, thân thiện, văn minh đồng thời tạo công ăn việc làm… Dân ở Tri Lễ còn trụ lại ít ỏi, bám theo lính Mỹ mà sống… Nói chính xác hơn là xúm nhau đi lượm rác Mỹ, phục dịch các nhu cầu cho quân đội Mỹ, cũng nhờ có rác Mỹ mà một số người trở nên giàu có và rất giàu có!
Tôi ngồi im lặng chăm chú nghe cô gái nói chuyện như là tâm tình san sẻ nỗi dằn vặt của con người ly hương đi tìm một vùng đất hứa mà bị thất hứa hơn là sự diễn đạt một đề tài trong một áng văn “nghị luận”!
Cô ấy nói tiếp giọng trầm trầm:
– Ông biết không? Cái xã Tri Lễ các cây ăn trái trụi hết lá, đứng trơ cành… Nguyên do là từ chất bột trắng đựng trong các thùng màu vàng chất đống ở cuối phi trường đó! Tôi nói vậy chắc ông sẽ ngạc nhiên lắm phải không? Ông ngạc nhiên là đúng thôi. Những cánh rừng chung quanh đây vẫn đang còn xanh um kia kìa…? Trong rác Mỹ có đủ thứ rác: từ thùng carton, ván ép, bao nylon, ván thùng đạn, tôn, cây gỗ thông, nhựa đường, sơn các loại… Người dân trong xã gom về: phân loại ra dùng làm nhà, làm vách nhà, đóng bàn tủ ghế… Tận dụng hết chứ không bỏ thứ gì. Trong số rác đó có một số vô tình dính loại hóa chất hoặc thấm thứ nước hóa chất từ bột trắng do lính Mỹ pha loãng… Thứ bột trắng đục đó chính là thuốc diệt cỏ, hay còn gọi là nước hóa chất làm rụng lá cây… Loại cây trụi lá trước tiên là loại cây trong thân có mủ: cây mít, cây xoài, cây đu đủ… Xã Tri Lễ trước đây ở trong vườn, trong rẫy nhà nào cũng trồng mít, xoài… xum xuê, xanh mát. Vậy mà, bây giờ tìm một cái tàn cây để tránh nắng cũng chẳng có. Người dân ngang qua phi trường; đi lượm rác ở phi trường thỉnh thoảng được nghe phảng phất cái mùi hăng nồng, nhưng nào có ai biết đó là mùi gì? Người dân đặt cho cái tên, là mùi Mỹ. Nhưng cho dù là mùi gì đi chăng nữa, thì người dân xã Tri Lễ vẫn luôn luôn biết ơn và nhớ ơn người lính Mỹ.
Tôi thật sự cảm mến người con gái mà tôi gọi là người con gái Bồng Sơn. Vấn đề cô san sẻ với tôi chắc cô cũng đã xếp lớp trong đầu từ lâu, có thể cô chưa gặp được người hiểu chuyện để lắng nghe cô nói. Tôi hy vọng tôi sẽ là người đầu tiên hiểu chuyện… Không biết có đúng không?
Bất chợt cô gái hỏi:
– Ông vẫn nghe tôi nói đó chứ? Tôi nói ông nghe có chán không vậy? Cô gái khui một lon bia rót vô trong ly đá, rồi mời tôi…! Cô nói tiếp tục nói như phân trần, như minh chứng:
– Mấy điều tôi nói với ông vừa rồi… Tôi nghĩ là đúng. Bởi có tới ba bốn cái làng người Thượng ở chung quanh xã Tri Lễ và phi trường Phượng Hoàng; làng Thượng Daktri ở bên kia bờ sông Pơ-Kô, có cây cầu treo bằng 4 dây cáp kiên cố hình chậu, hai bên vách cầu, được che chắn kín mít, vì sợ trẻ con lọt xuống sông. Cây trái trong làng của họ vẫn tươi tốt, rừng chung quanh làng của họ vẫn rậm rạp… Làng Dakmot, làng Yanglokơram, ở xa hơn một chút, nhưng có hề hấn gì đâu? Người Thượng không bị cái “Mùi Mỹ” làm ảnh hưởng tới cái làng của họ. Người Thượng không bao giờ đi lượm rác Mỹ, cũng không đem bất cứ vật dụng gì của lính Mỹ về trong làng. Ngoại trừ thức ăn, đồ hộp, bánh kẹo – những thứ đó nếu có ai cho họ thì họ nhận và cảm ơn chứ tuyệt đối không bao giờ xin. Cũng không mua đồ Mỹ. Họ sống khép kín, hạn chế tiếp xúc với người Việt chứ đừng nói gì tới người Mỹ lạ hoắc, tới từ một đất nước xa lạ.
Tôi ngồi nghe cô gái Bồng Sơn phân trần khúc chiết. Tôi thầm khen cô có cái nhìn bao quát và cũng tràn đầy lòng nhân ái. Tôi nhớ lại thời gian tôi làm “Thường Vụ” đại đội ở phi trường Phượng Hoàng. Tôi chứng kiến người lính Mỹ – quả thật – họ đúng là lính nhà giàu, họ sử dụng phương tiện chiến tranh của họ đem qua thật là hoang phí… Hành quân mà có đụng độ – bất kể nhiều hay ít – họ bắn đạn bay như trấu – họ gọi pháo binh rót đạn như mưa… Phi cơ thả bom tới tấp… Đồ dùng cá nhân của họ, họ cũng đem bán hoặc cho, thậm chí đem cho hoặc bán luôn đồ dùng cá nhân của bạn hữu… Có lần, một người lính Mỹ xách một cái giường xếp cá nhân sườn nhôm, đem gởi ở chỗ tôi. Anh ta nói “Tôi đi công việc 7 ngày, cái giường để ở bên trại, bạn tôi sẽ đem đi bán, đi cho”. Cô gái Bồng Sơn nói không sai:
“Mấy ngôi nhà trong xã Tri Lễ, nhà nào cũng tích trữ đầy ắp đồ rác Mỹ các loại, không thiếu thứ chi”.
Tôi làm “Thường Vụ” ở trong phi trường Phượng Hoàng, nhưng tôi không được quyền đi qua bên phía đơn vị lính Mỹ ở trừ khi có công việc cần phải gặp trực tiếp cấp chỉ huy Mỹ. Do đó tôi không biết gì nhiều… Hằng tuần họ [Mỹ] giao cho tôi thứ gì thì tôi nhận thứ đó đem cung cấp cho đơn vị, nếu thiếu hụt hoặc có nhu cầu thì tôi làm danh sách yêu cầu cung cấp bổ sung… Thường thì nếu có yêu cầu là họ chấp thuận ngay.
Một lần tôi bị viêm phổi nặng. Bác sĩ Thiếu tá người Mỹ chuyển tôi xuống “Bịnh Viện Dã Chiến” ở dưới lòng đất chữa trị săn sóc trong hơn một tháng. Tuy là một Bịnh Viện Dã Chiến nhưng thiết bị y tế, giường bịnh không thua gì một bịnh viện lớn, hằng ngày, tới bữa ăn tôi đi lên phòng ăn ở trên mặt đất đứng xếp hàng cùng với lính Mỹ. Tôi theo họ lấy: muỗng, nĩa, dao, đĩa, ly (tất cả làm bằng nhựa và bằng giấy). Tiếp theo là đi tới quầy thức ăn – thích ăn món gì thì lấy món đó: đùi gà, thịt bò, khoai tây, trứng, cá, rau, trái cây, nước trái cây, sữa, giấy chùi miệng … Ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu… Ăn uống xong thì gom hết các thứ thừa thãi đem ra bỏ vô thùng rác.
Lính Mỹ, họ ngủ nghỉ, làm việc đều ở dưới hầm, hầm kiên cố, rộng rãi… Hầm làm bằng những cây gỗ thông hình vuông, dài – 12 mét, mỗi mặt gỗ, rộng 4 tấc, lợp ván ép bên trên, vách chung quanh hầm kể cả nền hầm và bậc thang cũng làm bằng ván ép (đặc biệt là ván ép Mỹ không thấm nước). Sau đó họ dùng xe ủi ủi đất phủ lên mặt hầm dày cỡ 2 hoặc 3 mét… Trên mặt đất chỉ có đài ra-đa, cột ăng-ten, nhà ăn, nhà vệ sinh, sân tập thể dục, vọng gác… Máy bay cũng nằm trong các ụ công sự có vòm che bằng sắt kiên cố.
Theo như cô gái nói, thì tôi có thấy những thùng màu vàng, đựng bột trắng và hàng chục cái “xì-tẹc” nằm ở cuối phi trường… Tôi không quan tâm, vì tôi đã biết… Tôi không rõ cô gái Bồng Sơn nghe thông tin ở đâu mà cô biết khá rành rẽ…? Vậy mới biết tai mắt của người dân quả thật rất là tinh tường. Không thể giấu họ bất cứ việc gì.
Cô gái lại nhắc tôi giải thích hai chữ Bồng Sơn với vẻ mặt hí hửng. Tôi nghĩ mẹ của cô gái chắc cũng đã cho cô ấy biết sơ qua về “lý lịch” của tôi.
Tôi nói chặn đầu:
– Mẹ cô đã cho cô biết về tôi rồi phải không?
Cô gái trả lời:
– Tên của ông là Trần Hoang Sơn. Mẹ tôi nói vậy. Hoang Sơn là ông bị đi lạc trên rừng hoang phải không? Đi lạc mà tại sao lại mò về ngồi kế bên tôi vậy? Tôi phì cười và cô gái cũng phì cười…! Sau trận cười bầu không khí nơi cái sạp chật chội có vẻ đỡ ngột ngạt hơn và cũng thân thiện hơn!
Tôi hỏi cô gái:
– Cô có biết hai chữ Bồng Sơn ý nghĩa ra sao không?
Không đợi cô gái trả lời. Tôi giải thích:
– Bồng có thể hiểu là nâng lên, đồng nghĩa với ẵm (Bồng – Ẵm). Bồng cũng có thể hiểu là: bồng bềnh (nhẹ). Sơn là núi. Vậy Bồng Sơn là đám mây bồng bềnh trên ngọn núi…Nghe tôi giải thích xong. Cô gái bỗng reo lên có vẻ khoái chí:
– Tôi hiểu rồi… Bồng Sơn có nghĩa, là… Hồi còn bé, tôi là chị hai của ông Sơn. Tôi ẵm ông Sơn đi chơi vòng vòng trong xóm… Tôi cho ông biết… Tôi lớn hơn ông 2 tuổi lận đó!
Chúng tôi lại cười…! Tôi nói tiếp:
– Tôi có nghe mẹ tôi nói rằng: “Nhứt gái hơn hai, nhì trai hơn một”. Lấy nhau theo câu “thành ngữ” này là hạnh phúc lắm đó! Cô có thích không?
Cô gái biết tôi “ăn miếng, trả miếng”. Cô trề môi:
– Ông… ông… đừng có ngồi đó mà mơ mộng hão huyền!
Kể từ đó… Những lúc rỗi rảnh, hai chúng tôi vẫn thường gặp nhau ở chỗ sạp hàng… Cha mẹ của cô gái cũng không nói gì về chúng tôi có lẽ họ mặc nhiên công nhận hai chúng tôi là một cặp trai gái hạp nhau trong tinh thần bạn hữu. Người trong xã cũng vậy – dù gì thì kể từ ngày đoàn công tác chúng tôi về xã, bộ mặt của xã đã khởi sắc: Trạm xá, Trường học, Hành Chánh, Văn Nghệ… hoạt động trôi chảy, vui vẻ, thuận lợi trở lại.
Khoảng cuối năm một ngàn chín trăm sáu mươi chín, lính Mỹ ở phi trường Phượng Hoàng có dấu hiệu rút bớt quân số. Mấy căn cứ hỏa lực trên dãy núi Ngọc-Rinh-Rua, họ cũng bàn giao lại cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Cái phố mái lợp tôn, vách ván ép – nơi đầu đường phi trường cũng từ từ vắng khách… Một thời hoàng kim người muôn phương kéo nhau tụ về buôn bán, giao dịch đông vui, sầm uất bây giờ cũng lần lượt ra đi… Quán xá đã bắt đầu rục rịch đóng cửa… Khách bây giờ phần nhiều là lính Việt từ Trung Đoàn 42; từ tiền đồn Ben-Hét. Nhưng rồi cái phố “bộc phát, bộc tàn” một thời cũng tới lúc phải dẹp bỏ khi không còn lính Mỹ. Một thời gian sau nếu ai có dịp đi ngang qua đó thì còn thấy một đám đất đỏ loang lở tiêu sơ, ảm đạm, cỏ tranh, cỏ hôi mọc xanh rì… Một vài cái quán còn sót lại chỉ là bộ xương cách trí xiêu vẹo, tôn, ván ép bị ai đó tháo gỡ đem đi đâu mất tiêu!
Tuy vậy, cái dãy sạp chợ trời nơi đầu cầu Tri Lễ vẫn tồn tại một thời gian nữa cho tới khi người lính Mỹ cuối cùng âm thầm rút đi.
Người lính Mỹ cuối cùng ra đi về lại nơi xứ họ mà chẳng có một lời từ biệt! (Chợt tới, chợt đi chẳng hẹn hò!) Không biết họ có còn nhớ cái phi trường Phượng Hoàng, cái xã Tri Lễ nho nhỏ bên dòng sông Pơ-Kô? Không biết họ có còn nhớ tiếng nói, tiếng cười nắc nẻ của các cô gái trong các quán Bar? Không biết họ có còn nhớ mấy câu tiếng Việt mà mấy cô gái trong quán Bar dạy cho họ nói? Không biết họ có còn nhớ người tình của họ sẽ chờ thư hồi âm của họ hay không? Không biết họ có còn nhớ các em thiếu nhi mà họ thương mến? Biết bao nhiêu câu hỏi nhưng không một ai có đủ thẩm quyền để trả lời.
Còn riêng tôi, tôi biết chắc một điều là những người lính Mỹ họ chụp rất nhiều hình ảnh nơi họ đóng quân hay đi lại gặp gỡ với người dân trong vùng họ công tác… Họ đem các tấm hình ảnh, đoạn phim đó đem về Mỹ cất giữ làm kỷ niệm…!
Cuối cùng thì dãy sạp bên đầu cầu Tri Lễ cũng dẹp bỏ… Người dân ở xã Tri Lễ quay sang các nghề khác. Dù gì trong mấy năm qua đi lượm rác Mỹ họ cũng tích cóp được một số vốn tối thiểu để dự phòng khi hữu sự… Trong nhà họ vẫn còn khá nhiều đồ Mỹ. Mùi Mỹ dù có phai nhạt nhưng mùi Mỹ còn đọng lại trong lòng họ thì không bao giờ phai nhạt. Họ có nuối tiếc! Họ có hụt hẫng! Còn riêng về phía cha mẹ cô gái Bồng Sơn thì họ giàu, họ giàu có là nhờ cái tiệm giặt quần áo cho lính Mỹ và buôn bán hàng hóa với lính Mỹ. Tôi cảm nhận rằng là vợ chồng họ có dự định sẽ trở về quê cũ Bình Định hoặc đi tới một địa phương nào đó an toàn, thuận tiện để cho họ gầy dựng lại cuộc sống. Tôi không biết họ sẽ bỏ đi lúc nào?
Cô gái Bồng Sơn bây giờ chuyển qua buôn bán rau củ các loại ở trên đầu dốc cầu Dakmot. Đơn vị của tôi cũng đã được lệnh di chuyển về trên đầu dốc cầu Dakmot (phía bên Tri Lễ) để lo ổn định đời sống cho mấy làng Thượng từ trong rừng sâu mới dời ra vùng an toàn. Vậy là tôi và cô gái Bồng Sơn vẫn còn gặp nhau thường xuyên… Chợ rau cải chồm hổm chỉ sinh hoạt nội trong buổi sáng, người bán hầu hết là phụ nữ ở xã Tri Lễ, chợ nằm bên lề đường đất đỏ Tỉnh lộ 512, rất gần công sự phòng thủ của đoàn công tác chúng tôi. Khách mua là các anh lính thuộc mấy Tiểu Đoàn Biệt Động Quân, Đơn vị Pháo Binh, Đơn vị Thiết Giáp và người dân Thượng… Tôi nhận được từ cô gái Bồng Sơn một vài món ăn tự tay cô nấu và cũng tự tay cô đưa cho tôi, (kể cả rau cải)… nhưng không thường xuyên… Nói thiệt là… chúng tôi có yêu nhau nhưng hai chúng tôi không để lộ ra… (Từ xã Tri Lễ đi tới trên dốc cầu Dakmot, cách nhau khoảng hơn ba cây số)… Tôi biết cô gái Bồng Sơn đi bán rau chỉ là tìm ra một cái cớ để hai chúng tôi tiếp tục gần nhau. Một cái cớ rất – hợp lý, hợp tình, dễ thương!
Một buổi sáng sương mù còn dày đặc. Cô gái Bồng Sơn chạy xe Honda tới chỗ tôi. Trong nét mặt của cô có vẻ buồn. Cô ngập ngừng nói:
– Anh ơi…! Cha mẹ em mời anh tới nhà, dự bữa cơm thân mật lúc ba giờ chiều ngày mai.
Bữa nay cô gái gọi tôi bằng anh chứ không gọi là ông như mọi ngày. Tôi mừng rỡ cầm tay cô, cảm động nói:
-Em xinh lắm, (rồi âu yếm hôn lên trán cô!). Cô để yên cho tôi hôn và cũng để yên cho tôi cầm tay thật lâu… Cô gái mở giỏ lấy thức ăn đưa cho tôi như mọi ngày. Linh tính mách bảo có chuyện không vui xảy ra nhưng tôi không dám hỏi… Chúng tôi trao nhau bằng ánh mắt tràn đầy yêu thương thầm lặng.
Vẫn giữ vẻ mặt buồn, cô gái nói:
– Anh nhớ tới nhà em đúng giờ đó. Đừng để mọi người phải chờ…! Em trở về lo công việc!
Nhìn cô gái trở bước chậm chạp đi ra đường… Tôi than thở:
Em đi lững thững ân tình
ngàn năm nhớ mãi dáng hình ấy thôi
tìm nơi đâu lá mùa trôi
chim bạt gió vọng cuối trời mây đưa. (Thơ Trang Y Hạ)
Trong bữa tiệc… Cha mẹ cô gái cho tôi biết rằng: “Gia đình chúng tôi có thể về lại Bồng Sơn… Nơi cái xã Tri Lễ không còn là vùng đất hứa”. Tôi đã dự đoán từ trước nên không cảm thấy bất ngờ. Có điều là họ nói “có thể”. Có thể, là gián tiếp cho tôi biết chưa chắc họ sẽ đi về đâu? Họ không cho tôi một chút hy vọng! Tôi biết cô gái Bồng Sơn cũng đã dự đoán như tôi. Từ lâu nay chúng tôi yêu nhau trong thầm lặng, cả hai chúng tôi đều đau lòng vì dự cảm được rằng: tương lai là sự chia ly! Tuy nhiên chúng tôi vẫn luôn vui vẻ thanh thản bên nhau được ngày nào mừng vui ngày ấy.
Trời chiều uể oải chậm chạp hòa vô màu đêm. Đêm mờ mờ hòa cùng sương núi. Một vài cánh chim nhởn nha bay về đâu đó… Tôi và cô gái Bồng Sơn chạy xe đi về hướng cầu treo nơi làng Daktri. Tối nay cầu treo là của riêng cho hai đứa chúng tôi… Chúng tôi dựa lưng vô thành cầu. Hai chúng tôi ôm nhau thật chặt… Cô gái Bồng Sơn đang khóc rấm rứt…! Tôi để im cho cô ấy khóc… Thời gian ngừng trôi; nước dưới sông ngưng chảy… Niềm xúc động tựa cơn sóng dâng trào thật lâu mới lắng xuống.
Lúc này, tôi mới hỏi cô ấy về cái thau nhôm:
– Em à! Em cho anh biết lý do tại làm sao mà mẹ của em không cho anh dùng cái thau nhôm ngày anh mới tới xin ở nhờ nhà em? Anh đã một lần lấy cái thau nhôm đó rửa rau, rửa cá…!
Cô gái Bồng Sơn nghe tôi nói vậy, cô ngước lên nhìn tôi với vẻ mặt sững sờ không khác gì mẹ cô lúc trước… Cô lại ôm tôi chặt hơn. Cô nhón chân hôn tôi…!
Cô xúc động, nói:
– Anh yêu ơi! Cái thau nhôm chỉ để dành riêng cho phụ nữ giặt đồ trong mấy ngày… nguyệt lịch!
Tôi thầm thì:
– Hóa ra là như vậy…!
Ánh trăng nửa tháng khi mờ khi tỏ soi trên mặt sông Pơ-Kô lấp lánh màu sắc dập dờn lượn trên con sóng phản chiếu rực rỡ…! Chiếc cầu treo rùng mình đung đưa đôi khi chao đảo cộng hưởng theo từng hơi thở ấm áp của hai trái tim đang độ yêu nhau.
Hơn một năm sau kể từ ngày tôi được chuyển công tác về Kontum. Hôm nay một mình tôi trở lại thăm vùng đất cũ, vùng đất mà tôi đã gieo mầm tình yêu… Tôi dừng xe gắn máy đi lang thang tìm dấu tích cái sạp hàng mà tôi và cô gái ngồi bên nhau nhưng nào có thấy gì đâu. Tôi nhìn lên dãy núi: thấy bóng nắng, thấy bóng mây… Bóng người con gái tôi yêu thì không biết bay về phương trời nào!
Khoảng đất có sạp hàng khi xưa cỏ mọc âm u, vắng lặng… Một vài người đàn ông Thượng đang bới tìm thứ gì đó…? Tôi cũng đang bới tìm! Tôi bới tìm từ trong ký ức kỷ niệm một thời gắn bó với Người Con Gái Bồng Sơn./.
TYH KBC 6235
Những tháng ngày ở Tri Lễ. Dakto (Kontum).