Câu cá được xem như trò tiêu khiển lúc rảnh rỗi, muốn tìm chút không khí trong lành của thiên nhiên. Họ có thể tới các hồ ao tự nhiên hoặc có chủ được treo sẵn tấm biển “dịch vụ câu cá giải trí” thuê cần câu, mua mồi rồi bỏ thời gian ngồi thư giãn. Tuy nhiên gần đây, câu cá giải trí lại được nhiều anh rất thích với những lý do đôi khi người ngoài cuộc khó lòng đoán biết…

Một số tụ điểm câu cá giải trí ở quận 9. Ảnh: tác giả cung cấp.  

Các tụ điểm dịch vụ câu cá giải trí xuất hiện đầu tiên tại Long An, nghe đâu có từ 1995. Sau đó nó lan dần về Sài Gòn, tập trung ở các địa phương vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè, Hốc Môn, Củ Chi, quận 9, quận 2, Thủ Ðức… Lúc đầu, hầu hết các tụ điểm này đều lấy danh nghĩa kinh doanh dịch vụ “lành mạnh”, tức chỉ có câu cá giải trí đơn thuần. Có chỗ nhận luôn chuyện chế biến “thành phẩm” (cá, tôm…) mà khách hàng đã câu được hay phục vụ thêm thức uống, bia rượu.

Anh Phạm Trường, chủ một dịch vụ câu cá giải trí ở quận 9 cho biết: “Kinh doanh hồ câu cá thư giãn tốn kém ít hơn nhiều so với mở nhà hàng, vũ trường, karaoke, billard hay những hình thức ăn chơi khác. Nếu dư tiền mình mua đất lập khu giải trí, bằng không thì chọn chỗ đông dân cư hoặc tiện đường giao thông thuê đất làm. Chỉ cần dựng một số chòi lá, sắm sửa cần câu cho thuê và mướn vài nhân viên đảm đương các việc nấu nướng, phục vụ, tạp vụ… là xong. Chẳng hạn hồi năm 1997, tôi mua khu đất này hơn 2,500 mét vuông, lúc đó giá 10 cây vàng. Tới nay tính ra doanh thu đã thừa số tiền bỏ ra mua mà giá đất hiện nay ở đây không dưới 35 triệu đồng/mét vuông”. Tuy nhiên với một số người, nhất là nam giới, cái thú đi câu cá chỉ để thư giãn, giải trí đã… “xưa rồi Diễm” mà phải đi câu cá theo kiểu “trốn nắng” hay “trốn làm” mới là điều khiến quý ông thú vị hơn. Các tụ điểm này có lẽ cũng hiểu ý và phần khác nhằm cạnh tranh nhau khi số tụ điểm mở ra ngày càng nhiều. Vậy là nhiều chủ hồ đã cố ý lách luật âm thầm mở thêm những dịch vụ trá hình khác.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Một chiều giữa tháng 10/2021 vừa qua, khi Sài Gòn tạm thời đồng ý cho mở lại một số các hoạt động dịch vụ, chúng tôi cùng anh Trương Văn Quý vốn là “thổ địa” ở phường An Phú Ðông (quận 12) thử “thâm nhập” vào tụ điểm câu cá giải trí M.T nằm cạnh Quốc lộ 1A.  Ðây là một khu câu cá hơi xập xệ nhưng khá rộng, ước trên dưới 2,000 mét vuông. Có tới 3 hồ câu và chung quanh là gần 20 căn chòi nhỏ xây cất khá sơ sài, mái lợp lá dừa. Vừa bước vào đến cổng, một phụ nữ khoảng trên dưới 40 tuổi, ra đón chào: “Trời, lâu dữ mới thấy anh Quý ghé chỗ bọn em!”. Anh bạn “thổ địa” cười đáp: “Ừ! Bữa nay toàn khách sộp đó! Làm sao coi cho được nghen em Hai!”. Người phụ nữ tên Hai trả lời: “Anh Quý với mấy anh đây khỏi lo. Vậy là mình không ngồi câu chòi ngoài mà vào chòi trong luôn phải không?”. Quý gạt đi: “Từ từ bà! Mấy ông anh đây cũng muốn câu kiết một lúc cho vui. Lát nữa mới tới vụ kia”. Tôi còn phân vân chưa hiểu mấy từ lóng, Quý liền giải thích: “Chòi ngoài là mình câu cá ngoài hồ bình thường. Còn chòi trong có tiếp viên phục vụ, ngồi nói chuyện vui và làm những việc khác tùy khách yêu cầu”.

Cũng theo lời Quý, với các điểm này, những người ngồi “chòi ngoài” nếu không mang sẵn cần câu sẽ thuê mỗi cần giá 20 ngàn, cứ hai giờ ngồi câu, tính giá 100 ngàn đồng. Cá khi câu được khách có quyền mang về hoặc chế biến ăn uống tại chỗ (không tính tiền cá, chỉ tính công phục vụ và gia vị). Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện, chị Hai lại bước tới hỏi: “Mấy anh dùng nước gì không em mang ra? Rồi khi nào muốn vào chòi trong báo luôn cho em nhé! Mấy anh yên tâm, dạo này ở đây “bao hàng tuyển”, gái xấu không cần trả tiền đâu!”.

“Má mì” mồi chài cung cấp tiếp viên cho khách nếu có nhu cầu. Ảnh: tác giả cung cấp.

Một tuần lễ sau, tôi cùng Quý tiếp tục thâm nhập một tụ điểm câu cá khác, lần này ở Bà Ðiểm (Hốc Môn), giáp ranh quận 12. Ðó là tụ điểm H.A. Con đường đi vào khu câu cá sâu hun hút với những hàng dừa nước rậm rạp hai bên. Bước vào quán, nhìn quanh thấy khá vắng. Một nhân viên nam lập tức đon đả chạy ra hỏi: “Chào hai chú! Hai chú câu cá nước hay cá cạn ạ?”. Lần này tới lượt tôi tỏ vẻ sành sỏi, trả lời: “Câu cạn luôn đi! Chiều tối quá rồi!”. Nam nhân viên hướng dẫn chúng tôi vào một căn chòi mỗi bề dài khoảng 3 mét, mái lợp tranh, vách dựng bằng lá dừa khá kín đáo, bên trong để sẵn bàn ghế và hai chiếc võng. Chừng 15 phút sau, hai cô gái trẻ chừng 24-25 tuổi, mặc váy ngắn, áo hai dây “khoe” những cái cần khoe bước vào. Lập tức, làm như người quen, một cô sà tới ôm ngang lưng tôi không chút ngại ngần. Cô còn lại cũng bước đến ôm cổ Quý rồi hôn chùn chụt. Họ đưa quyển menu, hỏi chúng tôi uống bia gì, dùng mồi gì. Sau một hồi tâm sự, hai cô gái cho biết quê quán tận Vĩnh Long không việc làm nên theo chân bạn bè lên Sài Gòn kiếm tiền từ nhiều năm qua. Ban đầu đi làm ở điểm karaoke nhưng gần đây nhà nước cấm hoạt động nên phải trôi dạt về đây, tính ra cũng đã mấy tháng. Theo lời cô gái này thì khu câu cá thư giãn mỗi ngày có chừng 40-50 khách đến, chủ yếu vào tầm trưa và chiều muộn. Các tiếp viên ở đây được trả “lương cứng” từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, thu nhập còn lại là do khách “bo”. Cô gái ngồi cùng Quý cho biết, các khu câu cá thư giãn trên địa bàn này hầu hết đều có dịch vụ em út. Cứ mỗi quán “nuôi” khoảng 4-5 cô gái để vừa ít tốn tiền trả lương vừa bớt phức tạp khi bị công an kiểm tra. Những lúc khách đông, “ông chủ” lại gọi người dẫn thêm “đào” bên ngoài vào tiếp khách. Cô gái ngồi cạnh tôi tiết lộ: “Khách nào cần bọn em ngồi tiếp bia thì bọn em tiếp bia. Còn ai muốn hơn nữa bọn em cũng sẵn sàng. Tuy nhiên mỗi lần như vậy khách sẽ trả từ 700 – 800 ngàn đồng và bọn em đều phải chung chi cho “ông chủ” 30%”.

Các tiếp viên các tụ điểm câu cá luôn làm “vui lòng khách đến, chiều lòng khách đi”. Ảnh: tác giả cung cấp.

NS