Cuồng nhiệt thái quá trước “thần tượng” là chuyện không mới của một thành phần giới trẻ Việt Nam. Cách nay hơn 20 năm về trước, khái niệm “thần tượng” của phần lớn giới trẻ thường là các ngôi sao ca nhạc, phim ảnh, người mẫu… nhất là người nào vừa xinh đẹp, vừa có tài. Tuy vậy, hiện nay khi internet phát triển, nhiều bạn trẻ lại chuyển qua ngưỡng mộ kiểu “thần tượng” khác mà lắm khi những người này chẳng có chút tài năng hoặc đóng góp gì cho xã hội. Đó là các giang hồ mạng…

Huấn Hoa Hồng. Ảnh: tác giả cung cấp   

Thời gian gần đây, thông qua một số trang mạng xã hội, ở Việt Nam đã sản sinh ra khá nhiều nhân vật lạ lùng với những biệt danh không giống ai như Kenny Sang, Bà Tưng, Lệ Rơi, Tùng Sơn, Quân Kul… Sau một thời gian tung hoành, những nhân vật này lần lượt bị đào thải, tự chìm vào quên lãng. Thay vào đó, lại nảy nở những nhân vật khác. Lần xuất hiện mới này, các nhân vật thường có mẫu số chung là hình ảnh thân thể đeo đầy vàng vòng hoặc ngồi bên đống tiền chất cao như núi hay xăm trổ rằn ri vằn vện. Số khác lại khoe khoang cuộc sống hào nhoáng, cùng với “siêu xe”, ăn uống toàn thứ đắt tiền, chung quanh đông đúc đệ tử, đàn em hoặc gái gú xinh đẹp…

Cặp vợ chồng đeo đầy vàng vòng theo kiểu giang hồ mạng, bán ốc ở quận 3, Sài Gòn. Ảnh: tác giả cung cấp

Những nhân vật này rất chăm “lên sóng”, thông qua các video clip tự quay những livestream mà ở đó họ luôn phô bày tính bạo lực, ân oán giang hồ cùng những lời chửi thề tục tĩu, phát ngôn toàn thứ triết lý sống chẳng coi ai ra gì, kể cả pháp luật. Ðó là những giang hồ mạng mà chỉ cần bỏ chút thời gian lướt Facebook, YouTube, Tik Tok… mọi người có thể “gặp” nhan nhãn những cái tên như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Quang Rambo, Tuấn Trọc, Ðường Nhuệ, Giang Rồng, Khánh Sky, Phú Lê, Huấn Hoa Hồng, Thông Soái ca… Ðiều đáng lo ngại là không ít dân mạng, nhất là giới trẻ (cũng có những người lớn tuổi hơn) lại luôn háo hức chờ đón khi bắt gặp những nhân vật trên. Ðiều này thể hiện rõ khi kênh của các giang hồ mạng thường có hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt view, follow. Cứ mỗi status, videoclip, video livestream tung ra lập tức nhận hàng mấy ngàn like, hàng chục ngàn comment chỉ trong thời gian rất ngắn.

Thông Soái ca. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông Hoàng Vân (ngụ Thủ Ðức) cho biết, con trai ông năm nay 16 tuổi, rất hay xem và chia sẻ clip của các giang hồ mạng và luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ, mong muốn trở thành một người như vậy (?). Ông và gia đình rất lo nhưng chưa biết làm sao ngăn cản, vì bận nhiều công việc, gia đình không thể quản lý trẻ vị thành niên suốt 24/24 giờ. Tương tự, bà Thúy Hồng (ngụ Tân Bình) tâm sự: “Con tôi là con gái, năm nay cháu 17 tuổi nhưng cũng thường xem, tỏ ra thích thú và còn tìm cách học đòi cách sống của các giang hồ mạng”.

Khá Bảnh. Ảnh: tác giả cung cấp

Anh Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý, trường Ðại học Sư phạm Sài Gòn, nhận xét: “Không khó để nhận ra ảnh hưởng xấu của giang hồ mạng đến giới trẻ, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên khi hiện nay việc sở hữu một hoặc vài chiếc smartphone không khó, khiến việc tiếp cận trở nên quá dễ dàng. Thêm vào đó, nguyên nhân việc các bạn trẻ quá ngưỡng mộ giang hồ mạng là do bản thân các em hầu hết còn ở lứa tuổi khá trẻ, chưa có nhận thức đúng đắn. Nhiều em có những điều rất muốn nói, thích nói nhưng không dám hoặc không được phép nói. Vì vậy, khi có ai đó dám nói ra những điều mà không sợ gì, kể cả văng tục, nói bậy hay làm những thứ lố lăng… đúng ý mình nên lập tức các em quay qua ủng hộ. Ta có thể thấy nội dung chính của phần lớn các clip là hành động kiểu như khoe khoang giàu có, chạy xe lạng lách ngoài đường, chơi hàng nóng, đốt tiền, đốt xe… tạo cho không ít người trẻ ngộ nhận những hành động ấy là thể hiện sự mạnh mẽ, cá tính. Nói chung những kẻ muốn nổi loạn, muốn thể hiện cái tôi “ngông” của mình đã đánh trúng tâm lý giới trẻ. Càng đáng lo hơn khi từ việc tò mò, xem cho biết, không ít người trẻ đã nhiễm dần những thói hư, tật xấu, trở nên sùng bái, học đòi lối sống như vậy. Có thể thấy ở đây từ sự non nớt về nhận thức, một số bạn trẻ đang có nguy cơ bị đầu độc bởi các giang hồ mạng, để rồi dễ bị dẫn đến nguy cơ phát triển lệch lạc về nhân cách, ảnh hưởng trực tiếp đến cách hành xử, thái độ của các em khi phải tự mình giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Việc sa ngã, đi vào con đường vi phạm pháp luật của một số em trong thực tế cuộc sống, ở các gia đình hoặc chuyện bạo lực trong nhà trường hiện nay có thể đã bắt đầu từ những ảnh hưởng xấu kiểu này!”.

Cô gái trẻ học đòi làm giang hồ mạng xăm trổ khắp người. Ảnh: tác giả cung cấp

Một điều đáng chú ý nữa, hầu hết giang hồ mạng dường như giấu rất kín kẽ tông tích xuất xứ của mình. Rất khó để biết họ là con cái nhà ai hay từ “thế giới ngầm” chính gốc nào mà ra? Tiền bạc ở đâu mà có quá nhiều để ăn tiêu phung phí vô tội vạ như vậy? Có ý kiến cho rằng một số người vốn là cô chiêu, cậu ấm của một số ông bà tai to mặt lớn, dạng “khối băng chìm” của xã hội và chỉ những tay không hề có gốc tích dựa dẫm hoặc chỉ thuộc loại tép riu, nhất thời nổi lên mới bị nhà chức trách “sờ gáy” với những lý do khá mơ hồ như cho vay nặng lãi, cố ý gây thương tích người khác, mua bán, sử dụng ma túy, trốn thuế như trường hợp Phúc XO, Ðường Nhuệ, Khá Bảnh, Hoàng Tử gió…

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Rõ ràng, sự ủng hộ của một thành phần giới trẻ với “giang hồ mạng” đã cho thấy sự khủng hoảng giá trị sống của họ cũng như xã hội con người ở Việt Nam nói chung, hiện nay…

NS