Mỗi năm vào dịp Noel và New Year- ta thường thấy ở cửa siêu thị hay lối vào mall, hoặc bên một góc phố, một người mặc áo đỏ đứng lắc chuông, bên cạnh có một cái giá treo chiếc giỏ (gọi là kettle-ấm nước). Người này, đàn ông hoặc đàn bà lớn tuổi, mỉm cười với những người qua lại. Và rồi, bạn thấy gì nữa, có phải những hình ảnh rất dễ thương thoáng qua bên hè phố?…

Xin đọc lại câu chuyện sau đây. NS

Tôi vừa mới nghỉ dạy học, về hưu. Cảm thấy thời giờ trống trải, nhớ lớp nhớ học trò và bạn bè đồng nghiệp, tôi muốn tìm một công việc gì đó trong mùa Thu, và tôi chợt nhìn thấy một cái quảng cáo trên tờ báo địa phương mang dòng chữ: Cần Người Lắc Chuông cho tổ chức Salvation Army. Ðồng lương ít ỏi thôi, nhưng việc làm cho tôi cơ hội đi ra bên ngoài, gặp người này người khác, nhìn lễ Giáng Sinh đến với thành phố miền Nam California của chúng tôi. Nghĩa là tôi sẽ có một cái gì đó khác với một lớp học bận rộn. Thế là tôi gọi điện và ghi tên. Làm việc 4 tiếng một ngày. Một việc làm bán thời gian tuyệt vời.

“Như vậy có nghĩa là em sẽ đứng suốt 4 tiếng đồng hồ trên cùng một chỗ,” chồng tôi, Robert, phát biểu ý kiến. “Chân em sẽ đau nhức lắm đấy”.

Ồ, tôi đã không nghĩ tới điều này.

Chồng tôi nói tiếp: “Trong nhà chúng ta còn một tấm thảm nhỏ, em có thể đem theo và đứng trên đó…lắc chuông.”

Xem thêm:   Trở về thế giới tuổi thơ

Người trưởng nhóm của tôi cho phép thỉnh thoảng được ngừng nghỉ, xoa nắn tay và mỉm cười. Và rồi ông ta thả tôi xuống ở góc đường số Năm và đại lộ State, đối diện với J.C. Penny, ngay ở trung tâm khu shopping. Tôi đứng trên miếng thảm mang theo từ nhà, gần cái ấm treo màu đỏ, và bắt đầu lắc chuông. “Chúc Giáng Sinh vui vẻ. Nguyện nhiều ơn phước đến với ông / bà… Cảm ơn, cảm ơn anh / chị nhiều lắm…”.

Ðược một lúc, cánh tay tôi bắt đầu mỏi. Tôi xoa tay, vặn tay. Nhìn đồng hồ, tôi thấy mới chỉ vài phút trôi qua. Làm sao tôi có thể tiếp tục làm việc này trong suốt 4 tiếng nữa?

“Má ơi, bà này đang làm gì thế?” Một cô bé hỏi mẹ khi đi ngang qua cạnh tôi.

Bà mẹ trả lời: “Bà ấy là người lắc chuông, con ạ.”

“Lắc chuông để làm gì vậy, má?”

“Ðể quyên tiền giúp những người nghèo để họ có thể hưởng Giáng Sinh vui vẻ.”

“Vậy thì bà ấy tốt và dễ thương quá, hả mẹ.”

Thắm Nguyễn

Người chung quanh nói về tôi như thể tôi không nghe được họ nói gì. Mà quả thật đôi khi tôi không nghe được vì lắc chuông liên tục nhiều giờ. Và tôi luôn luôn phải ở gần cái ấm treo. Nếu như ai đó hỏi, “Tiệm bán giày ở đâu?”, hoặc “Bà ơi, bà có biết tôi có thể mua khung hình ở đâu không?” Trong trường hợp này, tôi huơ huơ cái chuông để chỉ. Cái cảm giác đứng chôn chân một chỗ trong khi thế giới quay cuồng chung quanh mình, cái cảm giác đó thật là kỳ lạ đối với tôi.

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Ðêm hôm ấy, Robert hỏi: “Sao, công việc ra sao?”

“Có hơi khác thường một chút,” tôi trả lời, không dám nói tới tiếng chuông luôn vang trong lỗ tai tôi.

Ngày hôm sau, tôi trở lại chỗ cũ, với cái ấm treo thường lệ. Tôi bắt đầu quan sát những người đi mua sắm chung quanh, thấy một số người ngày hôm qua lại xuất hiện. Như vậy có phải là họ đi shopping mỗi ngày không. Tôi tự nhủ: “Mình dạy học suốt 25 năm, bây giờ mình chỉ là một người học trò thôi!”

Tôi nghiệm thấy rằng lầm thầm hát những bài hát cổ một mình sẽ thấy thời giờ qua mau. Tôi phát hiện ra là đứng nguyên một chỗ rất dễ mệt. Tôi thấy giờ nghỉ ăn trưa người ta ít cho tiền. Còn những người khác thì thường rộng rãi hơn bạn tưởng nhiều. Tuy vậy, tôi cũng lo lắng là tôi sẽ không mang về đủ số tiền quyên góp. Nhưng việc duy nhất tôi có thể làm được là đứng đó lắc chuông.

Một bữa nọ, có 3 học sinh trung học ùa tới, bỏ vào trong chiếc giỏ ấm một ít tiền lẻ rồi nhập vào đám đông. Các em chạy qua trước mặt tôi ba lần, mỗi lần đều bỏ tiền vào giỏ ấm. Lần thứ tư, các em thú thật các em không còn đồng tiền nào cả. Lần thứ năm, các em thong thả tiến tới, em lớn tuổi nhất cho tay vào túi áo, cúi mặt nhìn xuống, hỏi: “Xin bà cho biết cháu có thể mua ở đâu một ít nước hoa… cho một đứa con gái?” A, tôi đã hiểu hết rồi.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

“Công việc như thế nào rồi?” Chiều, Robert hỏi.

“Khá hơn rồi.” Tôi trả lời, tay xoa bóp bờ vai. “À há, việc đứng lắc chuông cũng là một bài tập thể dục tốt đấy chứ.”

Một hôm có một nhà doanh thương bước vào lãnh địa của tôi. Ông ta dừng lại. Tôi nhìn ông. Ông ngần ngại. Có thể ông đang vội đi tới một cuộc họp lớn nào đó chăng. Nhưng tôi nhìn vào mắt ông, nở một nụ cười thật tươi và chúc ông Giáng Sinh Vui Vẻ. Ông rút ví tiền, lấy ra ít tờ giấy bạc và cho vào chiếc giỏ ấm màu đỏ. Ông có vẻ như tươi tỉnh, dễ chịu hơn. Tất cả những điều ông cần đến chỉ là một chút khích lệ để có thể thực hiện ước nguyện vị tha của ông. Công việc của người lắc chuông là như thế, giúp cho mọi người phấn khởi và cho.

Cuối cùng thì tôi đem trả lại cái chuông và lấy tấm thảm nhỏ về nhà. Tôi rất vui sướng là đã thư giãn được cánh tay của mình và không lắc chuông nữa. Nhưng năm ấy tôi được mừng Giáng Sinh với một cái nhìn mới về cho và nhận.

NS

(theo Betty J. Snyder)