Sau khi CS Bắc Việt chiếm được Miền Nam thì môn Sử Ký, Ðịa Lý bị bọn bồi bút của CS quậy nát bét nên đám nhỏ học trò nó chán hơn cơm nếp nát.

Hổng học là dốt nên mới có cái chuyện: Cô giáo dạy Sử hỏi:“Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?” Cả lớp im lặng như tờ! Cô bèn chỉ đại một học sinh: “Em biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương không?” Em học sinh sợ quá, mếu máo: “Dạ không phải em!”

Vừa lúc đó thầy hiệu trưởng đi ngang. Cô giáo phân bua: “Thầy xem, học trò bây giờ tệ quá. Em hỏi ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương mà không đứa nào biết.”

“Thôi cô nói anh Vương làm bản tường trình rồi tui nói ban giám hiệu xuất quỹ đền cho. Ðừng làm rùm beng! Trường mình mang tiếng chết!”

(Trời đất ơi! Năm 218 trước công nguyên, Ðồ Thư là tướng của Tần Thủy Hoàng xâm lăng nước ta; Thục Phán đã khiến Ðồ Thư bỏ mạng giữa sa tràng.

Mãi sau, vì cái vụ nỏ thần, gián điệp tình ta “Trọng Thủy Mỵ Châu’ mà mất nước.)

yeu-sao-ten-dat-que-minh

Bảo Huân

o O o

Bây giờ CS tệ hại, bại hoại như vậy; chớ hồi tui còn đi học làm gì có chuyện đó.

Học Sử Ðịa trong lớp chưa đủ, còn kiếm mua sách của ông bà GS Tăng Xuân An để đọc. Ngoài những bài học Ðịa Lý chính khóa, khoái nhứt là còn có những bài đọc thêm cho đám học trò nó thỏa cái chí tò mò ngao du sơn thủy.

Còn về địa phương chí thì tìm đọc sách của nhà biên khảo Huỳnh Minh. Nhưng đã điếu nhứt là đọc các ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc…

Vì nếu không đọc Sơn Nam, đọc ‘Mùa Len Trâu’ trong tuyển tập ‘Hương Rừng Cà Mau’ thì làm sao biết xứ mình có cái tên rất lạ lùng là: ‘Cà Bây Ngọp.’

“Cà Bây Ngọp nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp, trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn…

“Len” trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, “len trâu” có nghĩa là cho trâu đi tự do. Ở đây nước lụt, nước lụt từ 1m đến 4m. Người ta ở nơi lụt, người ta không có chỗ ở là phải, và trâu cũng không có chỗ ở. Cho nên nó phải đi đến những vùng đất cao để có cỏ cho nó ăn. Ở nhà tối nó ngủ không được, ngủ với nước sao mà ngủ được, và trưa thì làm sao cho nó ăn, cỏ đâu ra mà cho nó ăn. Người nuôi trâu, chủ nhà có trâu, phải đưa trâu đến vùng đất cao. Làm sao người làm ruộng nuôi trâu? Muốn nuôi trâu thì phải lùa trâu đi.

Ngày thường trời nắng, nuôi trâu trong chuồng. Ðến ngày trời mưa thì phải lùa trâu đi. Vì vậy cho nên phải đem trâu đi chỗ khác. Ðưa trâu đến vùng Bảy Núi. Nhưng nó xa nhà mình đến 30 – 40 km, xa quá sao mà đưa đi. Vì vậy, mình phải đưa nó đi lòng vòng, ăn hết cỏ chỗ này, nước lên, thì đưa trâu sang chỗ khác. Có khi đến ba bốn tháng mới đưa trâu về. Trâu dẫn đi phải có người giữ. Trâu không dẫn đi thì phải mướn người ta giữ. Người nghèo mướn ai bây giờ? Vậy thì để con cái đi giữ nó. Ngày trước trẻ con đi theo con trâu, áo quần không có, mùng mền không có, gạo cơm thiếu, đó là cả một chuyện khó khăn. Vì vậy đối với chúng tôi dân miệt dưới, tôi là dân miệt dưới, đó là một bài học cho thanh niên trở thành người lớn!”

Mãi hơn nửa thế kỷ sau mới có một ông Việt Nam từ hải ngoại về làm cái phim cùng tên. Dĩ nhiên là ông Sơn Nam khoái chí tử, vì vừa có tiền vừa có tiếng.

Xem thêm:   Anh Hai Nổ

“Tôi rất hãnh diện, vì tác phẩm tôi viết đã gần 50 năm rồi, nhiều anh em tính làm phim, nhưng nghĩ làm hông nổi. Thời buổi này đâu còn trâu, máy cày hết rồi, thành ra tôi để đó coi, chờ xem. May mà có anh Nguyễn Võ Nghiêm Minh, ổng làm sao mà ổng có tiền ổng mướn trâu, thiên hạ sợ quá. Chứ làm sao thằng cha này có tiền mướn ba bốn trăm con trâu để đóng phim, dân làm phim Sài Gòn ngán Nguyễn Võ Nghiêm Minh, tưởng cha này là tỷ phú Việt kiều Mỹ hay gì đó.

Tôi hãnh diện, được thấy cái phim này, đối với đồng bào ở đồng bằng sông Cửu Long, tôi đã trả được một món nợ tinh thần. Tôi là một đứa con có hiếu với dân ở dưới. Tôi hy vọng các anh có phương tiện, phải làm sao chiếu ở dưới cho nhiều, và băng video in ra bán rẻ cho dân ở dưới coi…”

o O o

Nhớ mùa bãi trường năm 1970, đi theo thằng bạn xuống  Cần Thơ  thăm dì ruột của nó, có chồng làm Ðại úy, Ðại đội trưởng Quân vận 414, đóng sát bên chân cầu Trà Nóc.

Trà Nóc! Sao có cái tên nầy? Hỏi em xinh đẹp, con bà Ðại úy, học tới lớp Ðệ tứ trường Trung học Ðoàn Thị Ðiểm Cần Thơ nhưng em lại bí lù.

“Ðể em hỏi mấy đứa bạn học của em xem coi có đứa nào sanh đẻ tại đây may ra nó biết. Vì Tía em làm lính, rày đây mai đó, thì cách chi mà biết hè!”

“Phải chi anh hỏi câu dễ dễ như: “Em có muốn… he he… mắc cỡ quá hè!” Thì em biết ngay câu trả lời liền! Câu đó là ‘không’ vì em còn nhỏ lắm anh ơi. Chờ em ba năm nữa nhe!”

Thôi hỏi hổng ai biết thì tự mình tìm hiểu vậy. Lục Tỉnh Nam Kỳ mình có rất nhiều tên đất gốc Khmer, bắt đầu bằng chữ Trà lắm.

Xem thêm:   Hùm Xám Cai Lậy.

Như Trà Vinh, Préah Trapeng, là ‘Tượng Phật ở trong ao’ Trà Cú là ‘Rạch kinh con sâu’. Trà Cuông là ‘Rau muống’

Ngoài ra Trà còn do chữ ‘Tà’ nghĩa là ‘ông’ chuyển qua. Nên Trà Lọt là “ông Lọt”. Trà Canh nghĩa là ‘ông Canh’…

Như vậy Trà Nóc là con kinh có nhiều cá Nóc hay là nơi có ông tên là Nóc? Hổng biết luôn! Nhưng tui biết chắc là nghệ sĩ có nghệ danh là Cô Ba Trà Vinh thì ở đất Trà Vinh. Và Út Trà Ôn, vua vọng cổ, thì ở đất Trà Ôn.

o O o

Nằm gác tay lên trán, nghĩ tới nghĩ lui… rồi dào dạt yêu sao tên đất quê mình! Quá nể ông cha mình từ hồi năm nẳm, cơm đùm cơm gói, đi bộ hoặc theo ghe bầu từ ngoài Trung vô Nam khai khẩn biết bao nhiêu là ruộng đất.

(Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Việc nặng là chồng làm việc nhẹ là chổng mông lên trời để cấy mạ là do bà vợ làm. Thế mới có câu “Cô kia công nợ gì không? Mà sao cô lại chổng mông lên trời?”)

Ðàn ông Việt Nam mình xưa nay bao giờ cũng kính trọng vợ mình như tui bây giờ đó thôi. “Dẫu không sinh đẻ ra ta. Nhưng công nuôi dưỡng thiệt là lớn lao.”

Quý ông luôn luôn ‘ẵm hộ’ quý bà! Quý anh luôn luôn ‘ẵm hộ’ quý em! Ðể đáp lại tấm thạnh tình đó, người vợ yêu chồng  như ‘con’, như tình Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.

Xem thêm:   Để trả lời một câu hỏi

Nên đứa nào dám cả gan đụng tới cọng lông chưn của anh yêu là phải chết!

Lịch sử ghi rõ, năm 40 sau công nguyên, Thái thú Tô Ðịnh là thằng ngu hết biết khi giết Thi Sách. Chồng bị giết nên bà Trưng Trắc nổi giận, vùng lên khởi nghĩa, rượt Tô Ðịnh chạy tóe khói về Tàu.

‘Cảm ơn em đã yêu anh!’ Ðền đáp lại không phải chỉ bằng mồm mà bằng hành động, dùng tên em để đặt cho vùng đất mới.

Ði theo cái lộ Ðông Dương hồi xưa, Quốc lộ 4 thời mình, thì thấy biết bao tên đất, tên làng bắt đầu bằng Cái (có nghĩa là ‘của’ con gái) như Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hươu, Cái Nai, Cái Vồn, Cái Mơn (tên nghe thiệt quá xá là đã)

Rồi từ cái hình tượng của người phụ nữ… ‘đồi núi chập chùng’… mới có:, Gò Găng, Gò Quao, Gò Tre, Gò Xoài… Gò Công… rồi Gò Bầu!

Nhưng tượng hình hơn cả, đã hết biết, là ‘Xẻo’ (nơi có nước chảy ra) như: Xẻo Bần, Xẻo Lá, Xẻo Nước, Xẻo Rô…

Nơi chảy ra thì đọng thành Vũng nên mình mới có Vũng Rô, Vũng Liêm và Vũng Thơm…(thơm thiệt!)

Còn nước đã đọng vũng lại tối hù thì mấy ông đặt tên là” ‘Hốc’…Như Hốc Môn, Hốc Ðùn… cuối cùng là Hốc Bà Tó!

Mấy anh để em yêu xí phần gần hết, chỉ chừa cho mình chút đỉnh ‘Hòn’… như:  Hòn Chông, Hòn Ðất… Hòn Chồng  mà thôi?

Vậy mà có một thằng cha cà chớn, qua đây hổng bao lâu, mà khoái chứng tỏ mình là Úc rặt, chê quý anh người Việt mình là ‘chồng chúa vợ tôi’.

“Thằng cha nầy ba xạo, là đồ phản bội, đâm sau lưng chiến sĩ đồng minh.

Ðịa danh ‘Cái’ của con gái nhiều gấp trăm lần địa danh tên ‘Hòn’ của con trai; bộ thằng chả quáng gà, hổng thấy hay sao mà dám nói chuyện tào lao!

đxt melbourne.