“Lúc nhúc xóm Bình Khang, đầy rẫy phường bán phấn”

Đằng sau mặt tiền của khu bến xe Ngã Bảy là một hang ổ chứa gái mại dâm trước năm 1954, gọi là xóm Bình Khang (Nguồn: Manhhaiflick) 

Sau khi thiết lập chế độ thuộc địa ở Việt Nam, chính quyền Pháp cho công khai mua bán á phiện và cho phép hành nghề mại dâm hợp pháp. Riêng Sài Gòn-Chợ Lớn có đến hàng trăm tiệm hút hoặc tiệm hút kết hợp nhà chứa để dễ kiểm soát và thâu thuế. Tuy nhiên, điều này trở thành một vấn nạn trong xã hội về sức khoẻ cộng đồng (chưa bắt buộc gái hành nghề phải có chứng nhận không mang bệnh xã hội). Báo Phụ Nữ Tân Văn thường xuyên phê phán tệ nạn này từ những năm 1930 và miêu tả người mại dâm nhiều không đếm được. “Lúc nhúc xóm Bình Khang, đầy rẫy phường bán phấn”.

Xóm Bình Khang ở đâu? Khi tôi hỏi chuyện này với vài người quen lớn tuổi, ai cũng khẳng định rằng, xóm này ở bến xe Ngã Bảy (bến xe Petrus Ký) ngay chỗ nhà máy thuốc lá Mic gần hãng giày Bata. Phía ngoài mặt tiền đường là các tiệm buôn, trên đường Petrus Ký xe đò lục tỉnh ra vô tấp nập, khiến cả con phố này và các con đường lân cận như Hùng Vương, Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn trở thành một nơi nhộn nhịp của người tứ xứ lui tới Sài Gòn. Phía bên trong là mê trận các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo tối tăm, nhà cửa thấp tè, lượm thượm. Nơi đây là chỗ ngụ cư của dân lao động nghèo kiếm sống ở bến xe, chợ búa ngoài trời xen lẫn các nhà chứa gái của phường buôn hương bán phấn có patente (giấy phép).

Ðúng là thuở trước 1954, một số người dân Sài Gòn gọi nơi đây là xóm Bình Khang. Và nhiều người khẳng định như vậy không riêng gì mấy người quen lớn tuổi của tôi xác nhận. Tuy nhiên, cái tên Bình Khang được gọi theo cách nói dân gian, là nơi mại dâm hợp pháp để chính quyền kiểm soát và thâu thuế. Các cô gái bán hoa bắt buộc phải khám sức khoẻ định kỳ để được cấp giấy phép hành nghề.

Thật ra chữ Bình Khang là điển tích chỉ chung chỗ ở của các cô kỹ nữ, xuất phát từ một phường Bình Khang ở kinh thành Trường An đời Ðường. Ngày xưa ở xứ Tàu, (ngay cả xứ Huế thời nhà Nguyễn cũng có nghề kỹ nữ gọi là gái thuyền hoa) nghề kỹ nữ đòi hỏi các cô gái làm việc ở thanh lâu phải có sắc, có nghề cầm ca, thậm chí thuộc nhiều thi thơ để hầu rượu và phục vụ nhu cầu giải trí mua vui của giới đàn ông có tiền, có địa vị trong xã hội phong kiến thời bấy giờ. Tuy nhiên, người kỹ nữ bán nghệ chứ không bán thân.

Gái mại dâm tại một tụ điểm ở trung tâm Sài Gòn cuối thập niên 1960. (Nguồn: hinhanhvietnam.com)

Về sau nghề kỹ nữ bắt đầu biến tướng có phần chấp nhận cho cánh đàn ông thoả mãn tìm thú vui xác thịt. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du cũng từng sử dụng từ này lúc nàng Kiều lưu lạc trong chốn thanh lâu: “Bình Khang nấn ná bấy lâu/ Yêu hoa yêu được một màu điểm trang…”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Là một nghề kiếm sống nên nghề kỹ nữ phải có thần phù hộ. Cũng trong truyện Kiều, đoạn Mã Giám Sinh đưa Thuý Kiều về, Tú Bà bắt Kiều lạy tổ: “Giữa thì hương án hẳn hoi/Trên treo một tượng trắng đôi lông mày…”. Tượng có đôi lông mày trắng đó là thần Bạch Mi. Theo truyền thuyết thần Bạch Mi có râu dài tướng mạo đẹp, cưỡi ngựa xách đao. Ông có cặp lông mày trắng và mắt đỏ xuất hiện trên các tranh thờ từ đời nhà Minh, được các kỹ viện tôn thờ xem như thần tài độ trì cho các kỹ nữ có nhiều khách mua hoa.

Theo thời gian, nghề kỹ nữ trở thành một nghề mại dâm và họ cũng chẳng cần khả năng cầm kỳ thi họa. Khi người Pháp đến Việt Nam, nghề mại dâm bắt đầu xuất hiện nhiều hơn do nhu cầu sinh lý của quân lính viễn chinh và số lượng lớn khách ngoại quốc đến An Nam làm ăn buôn bán. Từ cuối thế kỷ 19, tại Sài Gòn ngoài gái mại dâm bản xứ, còn có gái mại dâm người nước ngoài du lịch vào Sài Gòn hành nghề kiếm sống. Khu vực tập trung gái về đêm nhiều nhất ở vùng Bồ Rệt (Marais Boresse) khi đó còn là một khu nhà lá nhếch nhác trên các vũng ao bùn nước đọng (nay là chợ Bến Thành).

Rồi những nhà chứa không phép mọc lên khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, gái hành nghề theo đó gia tăng. Chính quyền có cấm cũng không sao cấm được. Gái đứng đường bị bắt đem về bót nhốt vài ngày rồi lại thả ra sau khi đóng tiền phạt vạ. Và chính quyền Pháp cũng chẳng hề quan tâm đến hệ luỵ sức khoẻ của người bán dâm và người mua dâm. Lỡ mang bệnh thì cứ đến nhà thương. Theo một số liệu công bố, tại Sài Gòn tình trạng mắc bệnh hoa liễu trong gái mãi dâm rất cao. Năm 1933 ở Sài Gòn, một bệnh viện chuyên trị các bệnh hoa liễu đã phải chữa cho hơn 20,000 người.

Các tụ điểm nhạy cảm, quán bar, massage phục vụ cho lính Mỹ (HinhanhVietNam.com)

Riêng ở xứ Hà Thành, nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng từng làm một thiên phóng sự Lục Xì và cho ra đời cuốn tiểu thuyết Làm đĩ vào năm 1937 mô tả tệ nạn mại dâm ở xứ Bắc Kỳ và hậu quả sức khoẻ của việc mua bán dâm cũng như con đường nào đã dẫn nhân vật vào con đường bán trôn nuôi miệng. “Vào năm 1914, khi mà 74% binh lính Pháp ở Bắc Kỳ mắc phải bệnh hoa liễu, nhiều bác sĩ Pháp bắt đầu để ý đến các nhà thương về mắt ở Hà Nội và khẳng định rằng trong số những người dân Việt Nam bị chột và mù, cũng phải đến bảy mươi phần trăm là do vi trùng bệnh lậu mà ra”.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Giám đốc phòng Vệ sinh của thành phố Hà Nội cũng xác nhận cứ bốn nghìn trẻ con mới đẻ mà chết thì trung bình có chừng một nghìn đứa trẻ, theo lối nói kiêng của người mình, thì là sài, đẹn, là bỏ, là mất, là khó nuôi, nhưng theo khoa học là vì bố mẹ có nọc bệnh giang mai.

Ðó là hệ quả xã hội do sự quản lý của chính quyền mà thật ra chẳng thể quản lý được hoàn toàn. Ðịa bàn Sài Gòn-Chợ Lớn từ thập niên 1920-1940 mở rộng gấp đôi diện tích. Dân chúng khắp mọi miền Bắc, Trung, Nam di cư về Sài Gòn sinh sống. Ðường sá làm tới đâu thì nhà xây tới đó. Và tất nhiên kéo theo tệ nạn xã hội lan tràn khắp nơi bên cạnh các sòng bài Ðại Thế Giới, Kim Chung, nhà hút, nhà chứa mọc lên nhan nhản.

Thần Bạch Mi thần tài của nghề mại dâm (Ảnh: Internet)

Thời Bảy Viễn được Bảo Ðại giao chức Ðô trưởng cảnh sát Sài Gòn. Theo quyết định của Bảy Viễn, tất cả địa điểm kinh doanh dịch vụ mại dâm ở thành phố đều phải vào mướn nhà trong xóm Bình Khang. Người bán dâm vào đó hành nghề dưới sự kiểm soát của nhân viên y tế nhà nước. Nếu hoạt động mại dâm vượt ra ngoài khu vực Bình Khang thì bị coi là phạm pháp, chủ nhà bị bắt, đưa ra tòa. Ngoài khu Bình Khang, Bảy Viễn ra lệnh các hoạt động môi giới mại dâm các tụ điểm khác đều phải có giấy phép. Mục đích chính của việc cấp giấy phép là để tăng thu thuế chứ không phải bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng xã hội.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Sau khi Bảy Viễn bị chính quyền Ngô Ðình Diệm đánh tan tác, bỏ chạy sang Pháp, các sòng bạc do tay chân Bảy Viễn quản lý xưa kia bị xoá bỏ. Tuy vậy, các nhà chứa hợp pháp vẫn còn hoạt động cho đến khoảng năm 1959 sau sắc lệnh chấn chỉnh tệ nạn xã hội, chính quyền đóng cửa xóm Bình Khang và truy quét các hang ổ mại dâm trong đô thành và vùng phụ cận Gia Ðịnh như Cây Da Xà (quận 6), Hẻm số 2 (đối diện trại Lê Văn Duyệt quận 3) Ngã ba Chú Ía (Gò Vấp), khu xóm Cô Giang (Phú Nhuận)… Sau khi chính quyền ông Diệm bị lật đổ, các khu vực mại dâm trên càng hoạt động mạnh hơn nhưng lại càng phức tạp hơn dưới sự chăn dắt của các băng đảng, ma cô tú bà. Những năm 1965-1969, có khoảng 32 nhà chứa tồn tại ở Sài Gòn, xóm Bình Khang lại càng náo nhiệt hơn xưa. Theo thống kê của Bộ Xã hội, những năm 1950 gái mại dâm chưa đến 5,000 người, năm 1968 là 10,000 người và đến 1974 tăng gấp nhiều lần.

Cái tên xóm Bình Khang dần rơi vào quên lãng nhưng những điểm mua vui khoái lạc khắp thành phố vẫn còn đó công khai hoạt động bên cạnh hàng trăm cơ sở dịch vụ nhạy cảm mọc quanh các cư xá nơi quân lính Mỹ trú ngụ.

Sau năm 1975, xóm Bình Khang ngày xưa được gọi thành xóm Cây Ðiệp ngã bảy, một khu mại dâm lén lút nổi tiếng nhất thành phố, mỗi ngày có hàng trăm khách đến mua vui.

TN