Một số người am hiểu sự xuất hiện của phim kiếm hiệp đầu tiên trên màn ảnh ciné Sài Gòn đều cho rằng đó là nhờ tài am hiểu thị hiếu công chúng của ông Ưng Thi, chủ rạp Rex và Văn Hoa. Nhưng để trở thành “vua” trong lĩnh vực này, phải kể đến ông Trương Vĩ Nhiên, một người gốc Hoa.

Pano quảng cáo phim kiếm hiệp tại rạp Khải Hoàn, thể loại phim kiếm hiệp bắt đầu ăn khách giữa thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflick)  

Ông bạn tôi kể bộ phim võ hiệp đầu tiên được chiếu tại Sài Gòn là «Ðộc Long Ðàm» ở rạp Rex và hai rạp Văn Hoa. Dân thích truyện kiếp hiệp Kim Dung chen chúc nhau xem đầy rạp. Nhiều người mua không được vé phải đành mua vé chợ đen mắc gấp đôi, gấp ba giá vé chính thức. Ông nhận xét: “Vào đầu thập niên 1960, phim Việt xuất hiện trên các rạp rất ít, đa phần là tình cảm xã hội, cảnh quay không sinh động và cả tài tử diễn xuất cũng còn đơn điệu, lời nói chậm chạp nghe dễ buồn ngủ”.

Nhận xét của ông hợp lý. Lần đầu tiên tôi được xem bộ phim Phạm Công Cúc Hoa và Lục Vân Tiên vào năm 1967. Tất nhiên những bộ phim đó không hợp với lứa tuổi nhỏ, nên tôi không thích. Ði xem phim chẳng qua là lạ và do bà chị lớn dẫn đi xem ở rạp Thanh Vân gần nhà cho biết ciné với người ta. Hơn nữa, đó là những bộ phim lịch sử và văn học phù hợp và ít nhiều bổ ích với lứa tuổi học sinh trung học như bà chị. Và rồi năm bảy năm nữa, biết đâu khi lên trung học những thể loại phim như thế lại phù hợp với tuổi học trò chúng tôi.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Khoảng thời gian này, không chỉ tôi thích mà nhiều người thích kể cả người lớn đều mê phim cao bồi Mỹ. Khi đó phim chiếu rạp còn có những bộ phim hay hơn nhưng xem phim truyền hình thì khỏi tốn tiền mua vé. Ðêm nào sau khi hết giờ học và làm bài xong, chúng tôi được tự do xem TV. Mỗi đêm, tôi chỉ chờ đến chương trình phim Batman hay cao bồi viễn Tây. Tôi thích nhất là bộ phim truyền hình Bonanza hay tài tử Robert Conrad (Jim West) xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, những pha đấu súng hồi hộp cùng tiếng nhạc ngựa phi.

Một quảng cáo trên báo về bộ phim tình cảm xã hội Autant En Emporter Le Vent (Cuốn Theo Chiều Gió) tại rạp Văn Hoa. Một thời phim Pháp là thị hiếu của khán giả Sài Gòn (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, các rạp chiếu bóng Sài Gòn đua nhau chiếu phim phương Tây và Hollywood của các hãng phim nổi tiếng như 20th Century Fox, Paramount, Goldwyn  Mayer… Phim tình cảm Pháp nổi đình nổi đám trước đó bắt đầu xuống dốc. Phim Mỹ lên ngôi, làm mưa, làm gió thị trường phim ảnh tại Việt Nam. Và rồi phim Mỹ trong thời gian ngắn bỗng dưng tuột dốc thê thảm khi thị trường phim màn ảnh rộng bắt đầu xuất hiện phim kiếm hiệp và theo đó là phim võ thuật với những gương mặt trong làng võ thuật thứ thiệt, thậm chí một số tài tử kiếm hiệp và võ thuật trở thành thần tượng của những thanh niên.

Người tiên phong trong lĩnh vực nhập phim kiếm hiệp và võ thuật đầu tiên là ông Ưng Thi chủ rạp Rex và Văn Hoa như nói ở trên. Nhưng người duy trì và tạo cơn sốt phim kiếm hiệp võ thuật lại là một người khác. Sau này, tôi có dịp tìm hiểu, mới biết đó là ông Trương Vĩ Nhiên một nhà kinh doanh người gốc Hoa.

Xem thêm:   Tân trang nhà cửa

Theo nhà báo Ðoàn Thiên Lý, ông Trương Vĩ Nhiên nhạy bén và nhanh chân hơn trong kinh doanh lâu dài. Ông ta nhận định, phim kiếm hiệp sẽ chiếm lĩnh thị trường, và qua mặt phim Âu, Mỹ. Hơn nữa, giá tiền nhập một bộ phim Hồng Kông, Ðài Loan chỉ bằng 50%, thậm chí là 30% so với phim Âu, Mỹ. Lập tức, Trương Vĩ Nhiên đặc cử em rể là Hang Vay Tche bay sang Hồng Kông, Ðài Loan ngay, bằng mọi cách phải ký được hợp đồng với Hãng Shaw Brothers (Thiệu Thị), và Golden Harvest (Gia Hòa) cho Hãng Viễn Ðông của Trương Vĩ Nhiên độc quyền nhập vào Việt Nam, khai thác phim của hai hãng này. Không có gì khó khăn để Vay Tche hoàn thành sứ mạng này.

Phim cao bồi Mỹ một thời làm mưa làm gió đầu thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflick)

Khi Trương Vĩ Nhiên được Vay Tche thông báo hợp đồng đã được ký kết, ở Sài Gòn ông ta lên ngay kế hoạch tân trang các rạp có sẵn: bọc lại ghế nệm, gắn hệ thống máy lạnh, thay máy chiếu và âm thanh, ánh sáng hiện đại. Ðồng thời, tổ chức cả buvette (quầy giải khát) phục vụ khán giả ngay trong rạp. Bên cạnh đó, Trương Vĩ Nhiên còn mua lại một số rạp xập xệ, xuống cấp, làm ăn không hiệu quả tân trang lại trong một thời gian kỷ lục để đưa vào kinh doanh.

Trương Vĩ Nhiên đã thắng lớn ngay những đợt phim kiếm hiệp đầu tiên mới nhập về. Người xem đổ xô đến các rạp còn đông hơn dự kiến và tất nhiên Trương Vĩ Nhiên đã thu được kết quả to lớn. Từ đó, dân ghiền Ciné đã bớt nhắc tới  những bộ phim nổi tiếng của Âu – Mỹ mà một thời họ từng say mê. Những bộ phim sôi nổi một thời như: “Cướp vàng giữa thành phố”, “Ðứa trẻ lạc loài”, “Nữ hoàng Cléopâtre”… và cả những tài tử lừng lẫy thế giới, như: John Wayne, Anthony Quinn, Alain Delon… hay các người đẹp bốc lửa: B.Bardot, Sophia Loren, Liz Taylor… xem như trôi vào quên lãng! Thay vào đó, người ta bắt đầu nhắc tới những tên phim: Ðộc Long Ðàm, Long Hổ quyết đấu, Thập tứ nữ anh hào, Thập tam thái bảo, Huyết ma thần chưởng…

Ciné Sài Gòn hốt bộn bạc khi chiếu phim kiếm hiệp võ thuật. (Ảnh: Internet)

Với những thần tượng mới: Lăng Ba, Lý Thanh, Trịnh Phối Phối, Hà Lợi Lợi, Vương Vũ, Khương Ðại Vệ, Ðịch Long, Lý Tiểu Long…  dĩ nhiên là Trương Vĩ Nhiên giàu lên rất nhanh.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Ðến những năm 70, khi những bộ phim kiếm hiệp đã bão hòa với người xem. Các hãng phim Hồng Kông và Ðài Loan lại cho ra đời một loạt những bộ phim võ thuật, với sự phô bày, biểu diễn các kỹ thuật và kỹ xảo tinh vi các thế võ Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên. Loạt phim quyền cước này với những ngôi sao Lý Tiểu Long, Kim Cang, La Liệt… đã được khán giả Việt Nam đón nhận còn nồng nhiệt hơn cả loại phim kiếm hiệp dã sử trước đó. Trương Vĩ Nhiên lại tiếp tục hốt bạc.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, đã định cư ở Chợ Lớn mấy đời. Trương Vĩ Nhiên có người anh cả là Trương Vĩ Hùng, cũng là một tài phiệt Chợ Lớn. Và em trai út là Trương Vĩ Trí, dân biểu quốc hội. Anh em ông ta được thừa hưởng một tài sản khá lớn do cha mẹ để lại. Vấn đề là họ đã biết cách làm cho khối tài sản đó ngày càng phình ra thêm. Tuy nhiên cuộc sống của Trương Vĩ Nhiên tương đối giản dị, không xa hoa và hưởng thụ như nhiều nhà tỷ phú khác, dù ông ta thành công rất sớm, khi mới tròn 30 tuổi.

TN