Không biết người lớn tuổi có thích Tết không? Riêng tuổi tôi không nhỏ mà cũng không lớn nhưng trong đầu chẳng còn nôn nao mỗi độ Xuân về Tết đến. Cuộc sống quay như chong chóng ngày này qua tháng nọ, có khi quên béng những ngày lễ lạt trong năm. Ngay cả những chuyện vừa chợt nghĩ trong đầu thoáng chốc lại quên bẵng. Lễ Tết thì tất nhiên khó có thể quên, nhưng lạ lùng lại đi nhớ những cái Tết năm xưa ngày còn bé. Lòng đợi chờ từng ngày, đếm từ thời khắc đến Giao thừa nghe tiếng pháo chung quanh rước Xuân vào nhà. Tiếng pháo đì đùng là âm thanh rộn ràng nhất, làm cho lòng ta cởi mở nhất trong những ngày Tết. Còn những việc quét dọn nhà cửa, thay màu vôi mới cho ngôi nhà hay trang trí hoa cảnh mai vàng, đào hồng chỉ là chuyện phụ.

Những tiếng nổ đì đùng và cái mùi của khói pháo khi tan vẫn còn vô cùng đậm nét. (Ảnh: Internet)   

Pháo Tết luôn hấp dẫn trẻ con. Hẵn nhiên trong đó có tôi của những ngày cuối năm cùng mấy thằng bạn nhỏ trong xóm.

Ðám bạn nhỏ chúng tôi, đứa nào cũng chẳng có nhiều tiền trong túi. Mỗi đứa dành dụm tiền quà vặt ăn sáng từ sau ngày Tất niên của nhà trường thường vào ngày hăm sáu. Vài chục đồng bạc đâu đủ mua trọn một phong pháo trung, loại pháo hầu hết bọn trẻ tiểu học chúng tôi đều thích. Pháo nhỏ hay pháo chuột nổ lẹt đẹt chỉ dành cho tụi ấu nhi nhà trẻ chơi thôi. Pháo trung nổ đùng đùng kêu vang điếc cái lỗ tai nhưng làm cho tâm hồn khoái chí. Mấy chục đồng bạc mua được chừng hai chục viên pháo đỏ, nhét túi quần, đi về nhà để tối đến tụ tập trên bãi đất trống gần trường thi nhau tiếng pháo của ai nổ vang hơn.

Tuy nhiên, ba tôi cấm tuyệt anh em tôi đốt pháo. Có vui chơi cùng lắm là cho đốt pháo chuột mà phải đốt trong sân nhà. Mình đốt pháo mình nghe, không thi thố, vui chơi với ai lòng chẳng muốn tí nào trong khi trong nhà ngoài ngõ nhà ai cũng chưng phong pháo đỏ trên bàn thờ gia tiên, chuẩn bị cho những tràng âm thanh giòn tan đón chào năm mới.

Xem thêm:   Đông dược

Không phải ba tôi sợ chuyện phỏng bỏng tai nạn xảy ra với con cái mà là sợ lũ con hiếu động, đốt pháo lỡ quăng vào nhà hàng xóm hay ném trúng người đi đường, người ta đến nhà mắng vốn. Chuyện ăn vài ba roi mây vào mông đã xảy ra hai ba năm trước. Không biết thằng nhóc nào quăng viên pháo trung vào bàn thờ ông Thiên trước sân nhà ông Năm hớt tóc. Viên pháo nổ tẹt đùng làm rơi bình bông xuống đất bể nát. Tôi lại xớ rớ đứng đâu đó, trong tay cầm viên pháo và cây nhang đỏ đầu chưa kịp đốt. Ông Năm chạy ra hô hoán, bắt quả tang rồi nha. Không để tôi thanh minh thanh nga đầu cua đuôi nheo thì ông Năm xẹt qua nhà méc với ba tôi. Từ đó về sau, ba cấm anh em tôi đốt pháo. Chuyện cấm đoán này thật không công bằng, một năm mới có ba ngày Tết mấy đứa nhỏ trong xóm vẫn vô tư vui chơi với nắm pháo trong tay, còn mình phải chịu đưa mắt nhìn tụi nó vui đùa. Cấm thì cấm, chứ ba tôi bận công việc là tôi lén nhà ra ngoài chơi cùng chúng bạn.

Tiếng pháo trước 1975 không nhiều, đốt pháo có giờ giấc quy định (Ảnh: Internet)

Tôi không biết đốt pháo có từ khi nào. Ðối với tôi đó chẳng khác nào một phong tục truyền thống xuất hiện trong sinh hoạt đời sống xã hội từ thuở xa xưa. Nó đã trở thành một tập quán không chỉ dành cho những ngày Tết mà người ta còn đốt pháo mừng nhân dịp chúc thọ người già, khai trương làm ăn, ma chay, cưới hỏi hay ăn mừng học hành thi đỗ, thăng quan tiến chức.

Những câu chuyện về pháo tôi nghe vài anh thanh niên ham đọc sách kể chuyện là pháo xuất xứ tận bên nước Tàu. Người Tàu gọi pháo là bộc trúc có lịch sử hơn hai ngàn năm trước. Thân trúc khi đốt gặp nhiệt độ nóng làm không khí nở ra, khiến ống trúc nứt gây ra tiếng lẹt đẹt. Người xưa mê tín, họ cho rằng tiếng nổ lét đét làm cô hồn âm binh sợ chạy té khói, không quấy nhiễu người dương thế đang làm ăn sinh sống hoặc có khi người ta đốt bộc trúc để trừ tà, phòng ngừa ôn dịch, xua tan mầm bệnh lan truyền, xua đuổi những điều xui xẻo.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Sau này, tôi có dịp đọc đâu đó, rảnh rang ngày Tết xổ nho chơi cho mấy đứa nhỏ biết về phong tục đốt pháo hồi xưa rằng: “Chính nguyệt nhất nhật, thị tam nguyên chi nhật dã. Vị chi đoan nguyệt, kê minh nhi khởi, tiên vu đình tiền bộc trúc, nhiên thảo, dĩ tích sơn tiêu ác quỷ”, nghĩa là ngày mùng Một tháng Giêng, gà vừa gáy lần đầu, mọi người trở dậy đốt bộc trúc để xua đuổi sơn tiêu (ma núi, loài yêu quái một chân), ác quỷ.

Nhưng bộc trúc chỉ là cây thân rỗng ruột, có nổ thì chỉ nghe lẹt đẹt còn thua tiếng pháo chuột, chứ đâu phải đì đùng như tiếng pháo ngày nay. Chuyện này, tôi có thêm một “phát kiến” nữa khi học lớp đệ ngũ môn hóa học. Trong lớp cô giáo giảng bài về chất lưu huỳnh. Tai nghe lời giảng, mắt nhìn công thức hoá học viết trên bảng, bất chợt cô hỏi: “Thuốc nổ do nước nào phát minh?”. Cả lớp im thin thít. Xem ra ngột ngạt quá, rồi có đứa đứng lên trả lời: “Nước Mỹ cô ơi. Ba em làm việc ở tổng kho Long Bình nói rằng Mỹ là ông vua thuốc nổ”. Cô giáo làm thinh, lia mắt xuống đám tiểu yêu ngồi dãy cuối tìm thêm câu trả lời. Thằng nào cũng làm bộ ghi ghi chép chép gì đó tránh ánh mắt cô giáo. Cuối cùng cô giáo chỉ đúng ngay tôi. Tôi đứng dậy, nói thầm chết cha rồi, nước nào đây, ngộ nào có biết. Thôi thì nói đại nước Tàu, bởi lịch sử pháo Tết tôi đã từng biết rồi kia. Cô bảo: “Ðúng rồi”. Thế là cô giáo bắt đầu nói người Tàu phát minh ra thuốc nổ từ mấy ngàn năm trước. Mấy đứa ngồi gần nhìn tôi như một vị cứu tinh.

Ngày Tết trẻ con rất thích pháo, nhặt pháo tịt ngòi là niềm vui (Ảnh: Internet)

Tôi nhớ hồi trước 1975, dân chúng đốt pháo ngày Tết đêm Giao Thừa, sáng mồng Một, và đưa ông bà mồng Ba. Nhưng lượng pháo đốt không nhiều, có khi tràng pháo dài chừng một mét hay một phong pháo nhỏ tượng trưng. Nhưng sau năm 1975 đến 1994, tuy là đời sống vẫn còn khó khăn nhưng Tết đến dân ta chơi pháo thật hào sảng, phong pháo dài từ lầu ba chấm đất. Nhà nào cũng đồng loạt đốt đúng 12 giờ đêm Giao Thừa. Khói bay mịt trời, mùi diêm sinh (lưu huỳnh) nồng nặc lẫn cả vào mùng mền chiếu gối.

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Thời Pháp thuộc tiếng pháo nghe đều đều mỗi năm, ngoại trừ khi thực dân Pháp chiếm Sài Gòn, Thống đốc Louis-Adolphe Bonard ra lệnh kể từ ngày 20/12/1861 cấm đốt pháo trên các con đường và nơi công cộng của Sài Gòn lẫn Chợ Lớn. Ðây là một trong những lệnh đầu tiên liên quan đến việc thiết lập trật tự kiểu Pháp trong một khu vực vừa chiếm đóng. Nội dung của lệnh như sau: “Nghiêm cấm pháo hoặc các loại pháo hoa khác trên đường phố và nơi công cộng của Sài Gòn và thành phố người Hoa, cũng như cấm phi ngựa nước đại ở những nơi đó. Bất kỳ sự vi phạm nào đối với lệnh cấm này sẽ bị phạt tiền từ một đến hai đồng”.

Sau khi thiết lập bộ máy hành chánh, ổn định trật tự xã hội, việc đốt pháo ngày Tết và dịp lễ hoặc cá nhân tổ chức được phép diễn ra bình thường. Cho đến ngày 26 tháng Giêng năm 1892, Thống đốc Nam kỳ mới ra nghị định về việc đốt pháo ngày Tết như sau: “Chiều 30 sáng mồng Một Tết: được đốt pháo từ  3 giờ đến 5 giờ chiều và từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng. Ngày mồng Một, mồng Hai, mồng Ba Tết và ngày rằm tháng Giêng được phép đốt pháo từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, từ 3 giờ đến 5 giờ chiều và từ 8 giờ tối đến 11 giờ khuya. Ai trái với lịnh này sẽ bị phạt. Trong lúc đốt pháo nếu liệng pháo ra giữa đường, liệng vào người đi đường, vào cẳng ngựa hay gây ra các vụ tai nạn gì trong khi đốt pháo sẽ bị truy tố hay bị phạt vạ”. 

Trở lại chuyện đốt pháo ngày Tết, người tin dị đoan cho rằng, tiếng pháo nổ giòn không bị đứt quãng là điềm báo hiệu một năm mới hanh thông, làm ăn thuận lợi mua bán phát tài. Còn tiếng pháo đì đùng như nấc cụt, rời rạc, tịt ngòi thì báo hiệu một năm không thuận lợi. Ðám cưới có tiếng pháo nổ cũng mang lại điều tốt lành, hạnh phúc. Do đó tiếng pháo đi liền với đám cưới  trong lễ vu quy, tân hôn.

Tôi là người không tin dị đoan, đám cưới của tôi tuy tổ chức đơn sơ nhưng cũng có tràng pháo đỏ đì đùng đón dâu về nhà chồng (Nhà Nước VN chính thức cấm đốt pháo, mua bán pháo từ Tết năm 1995).

Trẻ con và người lớn cùng chơi pháo

TN