Thương xá Tax nay không còn nữa nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện này, nhiều người hoài cổ vẫn tiếc nuối cho một công trình thương mại có từ thời Pháp thuộc tại trung tâm Sài Gòn. Cũng có nhiều ý kiến khác đồng tình với việc hủy bỏ nó để thay thế một công trình khác hiện đại hơn trong nền kinh tế đang phát triển.

Thương xá Tax Sài Gòn thuở mới xây, có đường nét giống Grands Magasins Réunis ở Hà Nội (Nguồn: Tư liệu)   

Ðã có khá nhiều bài viết xác định sai thời gian xây dựng Thương xá Tax tức Grands Magasins Charner (GMC) từ thời Pháp thuộc. Chuyện này được nhà nghiên cứu lịch sử Saigon-Chợ Lớn, Tim Doling xác nhận: “Sai lầm này là do công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” sở hữu GMC không biết rõ quá khứ và không giữ các hồ sơ của mình, đã sai lầm đưa ra thông tin là tòa nhà thương xá GMC, ở số 135 Boulevard Charner, đã có từ năm 1880”.

Trong bài viết “Toà Ðô Chính” trước đây, tôi có đưa ra quang cảnh của đường Charner, nay tôi xin trích lại để dẫn chứng thêm lần nữa: “Thành Gia Ðịnh thất thủ được vài năm, người Pháp cho lấp đất hai bên bờ kênh; con kênh được thu nhỏ lại, chủ yếu dành để thoát nước ra sông và lưu thông ghe thuyền buôn bán nhỏ; đồng thời mở hai con đường bộ chạy song song mang tên Rue Rigault de Genouilly và Rue Charner dành cho xe kiếng. Tuy nhiên với lối sinh hoạt của người dân sở tại, con kênh nhỏ này bị ô nhiễm nghiêm trọng buộc chính quyền cho lấp hoàn toàn. Công trình đường bộ này mất nhiều năm để hoàn thành và đặt tên là Boulevard Charner để ghi nhớ công lao của người ban hành quy định địa phận thành phố Sài Gòn vào năm 1887. Không chỉ có con đường thuỷ lộ này được lấp mà vài con kênh gần đó cũng được lấp luôn như kênh trục đường Lê Lợi, Hàm Nghi ngày nay.”

Như vậy đến năm 1887 con đường thuỷ lộ và đường bộ song hành hai bên chính thức sát nhập làm một mang tên Boulevard Charner (Ðại lộ Charner). Và theo Niên giám Ðông Dương 1910 (và các năm trước đó) mà ông Tim Doling tìm hiểu thêm, cho thấy rất rõ: “Số 135 Boulevard Charner là nơi của công ty Bresset et Cie. của ông Bresset và bên cạnh số 137 của ông Muet buôn bán xe đạp và xe hơi. Chỉ vào năm 1914, công ty l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine [UCIA] mới có mặt ở nơi đây”.

Một gian hàng bán trang sức bên trong Les Grands Magasins Charner hồi thập niên 1930 (Nguồn: Manhhaiflickr)

UCIA (Liên đoàn Thương mại Ðông Dương và Châu Phi) sau này là chủ đầu tư công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” [SCGM] xây tòa nhà GMC. SCGM nguyên là một công ty đầu tư về ngành bách hoá tại Pháp. Các nước thuộc địa ở Ðông Dương hợp tác đầu tư với UCIA tiến hành xây dựng GMC năm 1921, do công ty này đã mua cơ sở của ông Bresset và ông Muet ở góc đường Charner và Bonard để xây  một trung tâm thương mại lớn giống Grands Magasins Réunis trên phố Paul Bert (phố Tràng Tiền) ở Hà Nội. Grands Magasins Réunis nguyên là một toà nhà Maison Godard được SCGM mua lại. Toà nhà này chỉ cần chỉnh trang và xây thêm chóp mái hình quả cầu, phía trên có chiếc đồng hồ được xem như một biểu tượng riêng của SCGM. Và thế là Grands Magasins Charner tại Sài Gòn hình thành với lối kiến trúc tương tự Grands Magasins Réunis. Báo L’Echo Annamite (Tiếng vọng An Nam) lúc đó có đăng bản tin Grands Magasins Charner khánh thành vào ngày 26/11/1924.

Xem thêm:   Đông dược

GMC có thiết kế 3 tầng, cầu thang có tay vịn bằng gỗ, thanh bằng thép uốn hoa văn. Phía đầu cầu thang trang trí tượng gà trống Gaulois bằng đồng, bậc thang cẩn gạch mosaic viền cạnh bằng lá đồng sáng bóng, trang trí hoa văn tinh tế bằng gạch khảm mosaic nhiều màu dẫn lên các tầng. Cổng chính ngó ra góc đường Charner và Bonard với mái hiên de ra hình vòm cong. Bên trong, từ tầng một đến tầng ba được chia thành nhiều cửa tiệm. Các tờ báo lớn nhỏ ở Sài Gòn quảng cáo các cửa tiệm bên trong GMC bán đồng hồ, trang sức vàng bạc, hột xoàn, ngọc trai, kính đeo, rượu, thuốc lá, thuốc tây, nước hoa, dịch vụ du lịch, Salon de Thé, Bar Américain, Salon de Manucure v.v. Sau này còn có bán súng đạn đi săn.

Tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Ðức Hiệp ghi rằng: “Cửa tiệm GMC trở thành nơi mua sắm của giới sành điệu thượng lưu Pháp-Việt-Hoa có tiền. Hầu như tất cả hàng hóa của các cửa hiệu lớn ở Paris cũng có mặt ở đây. Tháng 12 năm 1925, khi toàn quyền Alexandre Varenne đến Saigon, vợ của ông là bà Varenne sau đó có đến Grands Magasins Charner để mua sắm, một người bạn ông giám đốc GMC đã giới thiệu ông với bà Varenne. Bà rất là dễ chịu tiếp xúc với ông và ông đã bảo đảm chắc với bà là cửa tiệm GMC đều đón tiếp phụ nữ An Nam bất kể giai cấp xã hội của họ”.

GMC vào thời những năm đầu tiên của thập niên 1950, đã được cất thêm lầu 4, bỏ chip mái tròn (Ảnh: LIFE)

Ngoài trang điểm mặt tiền trên mái bằng tháp mái tròn, hai bên trên tầng mái phía mặt tiền đường Bonard và Charner còn có hai mái cong trang trí bằng ngói lưu ly. Sát bên các cửa hiệu phía đường Bonard là nhà kho, và một cổng vào nhà để xe cho khách đi mua sắm. Công trình kiến trúc của GMC không mấy nổi bật, ngoại trừ vài điểm trang trí bên trong, mà điểm nhấn là cầu thang hai bên dẫn lên lầu. Tuy vậy, tên tuổi kiến trúc sư thiết kế của toà nhà thương mại này đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra, cũng như bản vẽ thiết kế không tìm thấy do việc lưu trữ tại Pháp bị thất lạc.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Ðến năm 1942 GMC được xây thêm tầng bốn, đập bỏ tháp mái vòm và chiếc đồng hồ, thay vào đó là chữ GMC, cũng như hai mái vòm trên mái tầng ba cũng phá bỏ. Phần hiên cong chồm ra ở tầng trệt bị cắt bỏ, bo cạnh liền lạc.

Ðến thời VNCH, tòa nhà này được đổi tên là Tax. Theo một vài tài liệu ghi nhận: “Thập niên 1960, Tổng giám mục Ngô Ðình Thục ủy quyền cho Viện Ðại học Ðà Lạt mua lại thương xá này, từ đó trở thành bất động sản của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Sau năm 1963, nơi này không còn thuộc một công ty nào mà do thương nhân mướn lại làm nơi buôn bán”.

Vào khoảng năm 1968, lần đầu tiên tôi đặt chân vào Thương xá Tax do ba tôi dẫn đi chơi Sài Gòn, sẵn tiện ghé vào mua cái radio National. Với tôi đó là một chỗ mua bán không khác gì mấy tiệm bán truyền hình, radio, máy Akai ở đường Huỳnh Thúc Kháng mà sau đó hai năm, ba tôi dẫn tôi đến ngôi chợ điện tử này mua một cái truyền hình trắng đen hiệu Sharp có cửa lùa để cả nhà xem cải lương và phim cao bồi của Mỹ giải trí, bên cạnh cái radio mà ba tôi yêu thích để sát cạnh giường.

Đến thời VNCH đổi tên thành Thương xá Tax (Nguồn: Manhhailflickr)

Sau năm 1975, Thương xá Tax đổi thành Cửa hàng Bách hoá Tổng hợp của nhà nước. Nói là bách hoá, chứ các gian hàng toàn bán phụ tùng xe đạp, lốp xe, vải, đường, sữa hộp, xà bông, thuốc lá, quần áo may sẵn. Mãi đến năm 1998, Sở Thương nghiệp mới trả lại cái tên Thương xá Tax chạy đèn màu của ngày xưa gắn trên tầng mái chuồng cu vừa mới được xây thêm.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Cũng vào thời điểm này, Thương xá Ðồng Khánh trong Chợ Lớn được khai trương chuyên bán vải vóc để cho dân chúng biết thời kỳ kinh tế tư nhân bắt đầu được chấp nhận. Ðây là khoảng thời gian tôi thường hay ra Thương xá Tax mua những cuộn phim Kodak cho chiếc máy ảnh Nikon FM2 của mình. Sau này, trên sân thượng Thương xá Tax người ta còn mở quán cà phê ngồi ngắm sao trời.

Qua gần trăm năm thời cuộc đổi thay, kết cấu kiến trúc của trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn từ thuở ban sơ cũng thay đổi, các cửa tiệm bán buôn bên trong toà nhà trở thành những gian hàng thông suốt, cái nguyên bản không còn. Còn chăng là phần trang trí khu vực cầu thang dẫn lên các tầng lầu đã được bóc gỡ dành cho phần trang trí một chỗ nào đó của công trình mới như gìn giữ phần hồn của kiến trúc xưa.

Một lần về Tiền Giang tìm hiểu những ngôi nhà gỗ truyền thống, tôi nghe nhiều gia chủ than phiền: “Sao nhà tôi xưa cũ và đẹp thế này lại không được vào danh sách trùng tu?”. Họ đâu biết rằng việc trùng tu bất cứ công trình nào cũng phải giữ được bản sắc nguyên gốc  của nó, và kiến trúc ấy phải có chút gì đặc biệt độc đáo.

TN

(Fort Worth, TX)