Năm 1868 sau khi Pháp chiếm xong Gia Định, tên gọi Thủ Đức mới xuất hiện do tách huyện An Ngãi thuộc tỉnh Biên Hoà (thành lập từ năm 1831) dưới thời Minh Mạng, thành một khu độc lập sát nhập vào tỉnh Gia Định, mang tên khu thanh tra Thủ Đức. Năm 1911, Thủ Đức chính thức thành quận khi chính quyền thuộc địa chia đơn vị hành chánh tỉnh Gia Định thành bốn quận: Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp và Nhà Bè.

Chợ Thủ Đức thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickr) 

Tên gọi Thủ Ðức bắt nguồn từ việc người có công lập nên chợ Thủ Ðức là ông tiền hiền Tạ Dương Minh còn gọi là Tạ Huy. Ông có tên hiệu Thủ Ðức – một thủ lĩnh thiểu số người Hoa trong phong trào “bài Thanh phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi chạy lánh nạn sang Việt Nam xin thần phục nhà Nguyễn và được cho định cư ở vùng đất An Ngãi thuộc tỉnh Biên Hoà.

Theo Bảo tàng Lịch sử, vào năm 1890, người dân Thủ Ðức cùng hương chức trong làng tìm được mộ ông ở vùng đất Linh Chiểu (trung tâm huyện An Ngãi). Chẳng biết ông mất năm nào chỉ biết ngày 19 tháng 6 Âm lịch. Mộ phần của ông được hương chức dân làng xây cất lại giữ gìn hương khói. Ông Nguyễn Liên Phong viết trong “Nam kỳ phong tục diễn ca” xuất bản năm 1909 rằng: “Thuở xưa ông Tạ Dương Minh / Lập chợ Thủ Ðức tại Linh Chiểu rày / Mả người cải táng nơi đây / Bởi làng xin bạc đổi thay mộ phần / Quan trên niệm nghĩa thi ân / Cho ba trăm rưỡi trùng tân giai thành…”.

Xem ra tên gọi Thủ Ðức chỉ mới có cách nay hơn 150 năm và ngôi chợ mang tên Thủ Ðức cũng có chừng ấy tuổi. Việc lấy tên một vùng đất đặt tên cho một ngôi chợ là chuyện bình thường theo thói quen gọi địa danh của cư dân địa phương. Nhưng tại sao người Pháp lại lấy tên Thủ Ðức mà không phải là một cái tên địa danh khác? Cũng có thể trước đó đã có cái tên này nhưng trước khi có tên chợ Thủ Ðức thì ngôi chợ này từng mang tên Linh Chiểu do ông Tạ Dương Minh lập nên như đã nói ở trên. Vậy thì, Thủ Ðức là ai? Tên hiệu của ông Tạ Dương Minh hay tên chức quan thủ ngự của một vùng đất có tên Ðức như cách lý giải địa danh Thủ Thiêm, Thủ Thừa, Thủ Dầu Một?

Đường phố còn nửa quê nửa tỉnh ở Thủ Đức. nguồn: nhacxua.vn

Theo Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của diễn giải “trại thủ” là đồn bảo vệ an ninh do dân làng lập ra. “Trại” canh giữ đường bộ, còn “thủ” canh giữ đường sông. Ðể nhớ công của ông quan thủ ngự canh làng, người dân gọi tên địa danh bằng cách lấy chức quan “trại thủ” ghép với tên của người thủ lãnh hay đặc điểm địa hình, cây cối có quanh nơi đồn trú. Chẳng hạn Thủ Dầu Một thì chẳng có ông quan nào tên Dầu Một mà là ở vùng trại thủ đó duy nhất có một cây dầu.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

Nói chuyện địa dư để có thể hiểu thêm đôi chút về một vùng đất mà con người gắn bó cuộc đời mình trên đó và để gợi nhớ cố hương đối với những người rời xa quê hương nhiều năm như người bạn định cư cùng thành phố với tôi. Người bạn của tôi quê ở Thủ Ðức ngay tại phường Linh Chiểu (xưa gọi là làng) nhớ lại, ngay bên hông chợ Thủ Ðức thuộc phường Trường Thọ hồi trước có từ đường ông Tạ Dương Minh. Rồi sau năm 1984 từ đường được dời về Ðình Linh Ðông thuộc phường Linh Chiểu, nơi có ngôi mộ của ông. Theo anh biết, con cháu họ Tạ cất nên ngôi từ đường này từ năm 1930 và hằng năm ngày giỗ tổ cúng kiến không chỉ có con cháu họ Tạ mà rất đông cư dân quanh vùng đều đến viếng cúng bái bậc tiền hiền.

Thủ Ðức ngày xưa rất rộng lớn (bao gồm Q.2 và Q.9 ngày nay). Thủ Ðức tuy sát bên đô thành hoa lệ nhưng bị chia cắt bởi sông Sài Gòn, nên việc giao thông rất khó khăn, chủ yếu dùng ghe thuyền. Mãi đến năm 1902, khi chính quyền thuộc địa xây cầu sắt Bình Lợi, mở tuyến đường hoả xa vượt sông Sài Gòn ra miền Trung, Thủ Ðức dần dần phát triển và sau này vào thời VNCH, có thêm tuyến đường bộ khi người Mỹ giúp xây dựng cầu Sài Gòn nối vào xa lộ Biên Hoà để dân Sài Gòn có thể đi lại làm việc tại khu công nghiệp Biên Hoà.

Một đoạn đường vào chợ Thủ Đức (Nguồn: Manhhaiflickr)

Trong bài viết “Thủ Ðức xưa và nay” của Lâm Vĩnh Thế ghi nhận những con đường từ Sài Gòn có thể đến được Thủ Ðức:

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Do vị trí tiếp cận với Sài Gòn, Thủ Ðức, ngay trong thời Pháp thuộc, đã từng là một vùng nửa chợ nửa quê. Từ Sài Gòn đi lên Thủ Ðức, khi tôi còn nhỏ, trong thập niên 40 và 50, chỉ có một lối duy nhứt là theo Quốc Lộ 1 qua Cầu Bông (Ða Kao), vào Bà Chiểu, qua Ngã Tư Bình Hòa và Ngã Năm Bình Hòa, qua Cầu Băng Ky, Cầu Bình Lợi, Cầu Gò Dưa, và sau cùng là Cầu Ngang để vào Chợ Thủ Ðức. Sang thập niên 60, thì có thêm một lối nữa là đi bằng xa lộ Biên Hòa, qua khỏi nhà máy Xi măng Hà Tiên, khu vực Làng Ðại Học rồi rẽ trái tại Ngã tư Xa lộ để vào chợ Thủ Ðức (nếu rẽ phải thì vào Chợ Nhỏ và Trường Bộ Binh Thủ Ðức). Bây giờ thì có thêm một lối đi nữa là theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (tức là đường Hồng Thập Tự trước 1975), qua Ngã tư Hàng Xanh, theo Quốc lộ 13, qua Cầu Bình Triệu, đến Ngã tư Bình Triệu thì rẽ phải để đi về hướng Cầu Gò Dưa. Tính cách nửa chợ nửa quê này của vùng Thủ Ðức thể hiện qua nhiều phương diện. Giữa Cầu Gò Dưa và Chợ Thủ Ðức ta có thể trông thấy nhiều cánh đồng lúa, nhiều khu vườn cây ăn trái với những ngôi nhà tranh vách đất, nhưng xuống khỏi dốc Cầu Ngang thì đã vào thị trấn Thủ Ðức với phố xá san sát hai bên chợ Thủ Ðức. Tính cách nửa chợ nửa quê này càng thấy rõ hơn qua mặt kinh tế. Thủ Ðức có những cánh đồng lúa, những khu vườn cây ăn trái, những vườn cao su, nhưng cũng có những nhà máy kỹ nghệ thuộc loại lớn nhất trong nước (thời VNCH) như Nhà máy Xi Măng Hà Tiên, Nhà máy dệt VIMYTEX, Nhà máy làm sữa hộp Foremost, Nhà máy nước Ðồng Nai, Nhà máy nhiệt điện Thủ Ðức, Nhà máy kim khí VIKIMCO, Nhà máy sản xuất tôle VINATON, v.v.

Làng đại học Thủ Đức được cơ quan Viện trợ Văn hoá Mỹ xây dựng. nguồn: thaolqd.blogspot.com

Ðó là vài ba con đường bộ kết nối Thủ Ðức, thực ra từ xa xưa (và cả đến thời kỳ sau này) bến phà Thủ Thiêm, bến đò Bình Lợi là hai nơi có thể đến được Thủ Ðức dễ dàng. Trong đó, bến phà Thủ Thiêm hình thành từ thời Pháp thuộc. Vùng đất Thủ Thiêm khi xưa thuộc làng An Lợi Ðông, qua phà đi đường đất đến An Khánh hoặc ngược xuống đi Thạnh Mỹ Lợi, qua Tăng Nhơn Phú. Nói chung là qua Thủ Ðức. Tất nhiên lúc đó, đường đất còn quanh co, băng qua ruộng vườn nên việc đi lại gây nhiều khó khăn. Vào thời VNCH, có khá nhiều đề án dãn dân Sài Gòn, mở thêm quận 9 (tức Thủ Thiêm) nhưng cuối cùng cũng bế tắc. Thủ Ðức chỉ phát triển xoay quanh đường bộ có sẵn. Nhất là khu vực quanh trung tâm quận có Làng đại học đầy đủ các khoa kỹ thuật và nông lâm súc, khiến người Sài Gòn và các tỉnh biết đến nhiều hơn.

Xem thêm:   Đông dược

Ngoài ra, Thủ Ðức còn nổi tiếng với món nem đặc sản. Chung quanh các dãy phố và các sạp mặt tiền chợ Thủ Ðức hay bên vệ đường Linh Chiểu xưa (nay là Kha Vạn Cân) nem được bày bán, treo lủng lẳng từng chùm to hấp dẫn khách thập phương tới lui Thủ Ðức. Người bạn của tôi sống ngay chợ Thủ Ðức xem ra rất tự hào khi nghe tôi nhắc đến món nem đặc sản. Anh vui miệng ngân nga: “Ở đâu mà chẳng biết ta / Ta ở Thủ Ðức, vốn nhà làm nem”.

Nghề nem ở Thủ Ðức ngày xưa tập trung quanh vùng Linh Chiểu, Linh Ðông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước. “Nem Thủ Ðức, rượu Gò Ðen” coi như trở thành thương hiệu đặc sản vùng Nam kỳ lục tỉnh khi được người đời nhắc đến. Ông Tản Ðà hồi còn làm cho tờ Ðông Pháp thời báo đã từng vào Nam kỳ, ghé Thủ Ðức mê tít cái thứ nem chua gói lá vông rồi đi xuống Gò Ðen nhắm rượu đế cay nồng lại còn đích thân ngâm mình trong làn nước xanh mát của suối Xuân Trường gần làng Linh Chiểu. Trở về Bắc ông thi sĩ nổi danh như cồn này đề hai câu thơ để nhớ: “Sài Gòn – Chợ Lớn ai qua lại / Thủ Ðức – Xuân Trường khách vắng đông”.

TN