Báo Le Petit Marseillais số ra tháng 4/1931 cho biết các quốc gia trên thế giới nghe được chương trình phát thanh của đài Radio Saigon – “Tiếng nói Đông Dương”, gồm: khu vực Thái Bình Dương (Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Nga, Úc, Canada, Mỹ, New Zealand, và Nam Mỹ); khu vực Ấn Độ Dương (Ấn Độ, Mauritius, các quốc gia Đông Phi và Nam Phi, Madagascar); khu vực Châu Âu (Pháp, Anh, Hungary, và nhiều nước khác).

Đài thu phát sóng Radio Saigon “Tiếng nói Đông Dương”, mặt tiền ngó ra đường Maréchal Fox, thời VNCH là Nguyễn Văn Thoại, sau 1975 là Lý Thường Kiệt (Ảnh tư liệu: Frederic Vaillant) 

Văn phòng hành chính của Ðài Radio Saigon đặt tại số 106 Boulevard Charner (đại lộ Nguyễn Huệ ngày nay) còn đài thu phát sóng đặt tại Chí Hoà (trên đường Maréchal Fox, thời VNCH là Nguyễn Văn Thoại, sau 1975 là Lý Thường Kiệt, gần trường Ðại học Bách Khoa). Ðài thu phát sóng nằm trên một diện tích rất lớn, khi ấy khu này là vùng đất trống, cỏ mọc cao quá đầu gối. Chung quanh là các trại lính, còn lại là rừng cây cao su kéo dài đến tận ngã tư Bảy Hiền.

Hồi nhỏ tôi vẫn thường lén nhà cùng đám bạn trong xóm đến đây tìm bắt dế lửa ở các con mương lộ thiên chung quanh đài phát sóng. Từ nhà, lội bộ theo đường Tô Hiến Thành, qua khỏi Quân tiếp vụ một chút là đến con đường nhỏ mà các bà nội trợ trong khu gia binh đi tắt ra đường Nguyễn Tri Phương cho tiện. Ðây là khu vực phía sau đài thu phát sóng, hàng rào kẽm gai bao quanh nhưng ít thấy lính canh đi tuần, ngoại trừ trạm gác ở phía cổng chính trên đường Nguyễn Văn Thoại.

Từ thuở chính quyền thuộc địa, dân chúng không ai gọi là đài phát sóng hay trạm vô tuyến điện theo đúng nghĩa dịch từ tiếng Pháp là télégraphie sans fil (T.S.F), tiếng Anh là wireless telegraphy/wireless radiotelegraphy mà thường gọi là nhà “Dây thép gió”. Không biết có phải nhìn những cột ăng-ten thu phát sóng bằng sắt với những sợi dây thép cột căng để tránh gió giật ngã mà gọi như vậy? Ngay cả những năm cuối thập niên 1960, trạm phát sóng do chính quyền VNCH điều hành, nhiều người lớn trong xóm tôi vẫn gọi nhà dây thép gió Chí Hoà, không khác gì cách gọi của dân chúng bình dân vào thời Pháp thuộc.

Bên trong phòng hòa nhạc của Radio Saigon đặt tại trạm phát sóng vô tuyến Chí Hoà (Ảnh tư liệu:  Frederic Vaillant)

Những công trình xây dựng bằng gạch trong khuôn viên đài phát sóng vẫn giữ nguyên như vậy, giống như hồi mới được các kỹ sư từ Pháp sang lắp đặt các thiết bị thu phát sóng vào năm 1929, chuẩn bị thành lập đài Radio Saigon đầu tiên ở Ðông Dương. Ðây là thời kỳ nở rộ vô tuyến điện tin (wireless telegraphy) mở ra sự kết nối toàn cầu bằng sóng radio, phát triển rộng rãi từ thập niên 1930 đến 1940. Radio trở thành phương tiện thông tin đại chúng từ các thành phố lớn đến những vùng hẻo lánh trên toàn thế giới. Sự lan rộng của radio trên thế giới cũng là thời kỳ bắt đầu xuất hiện các đài phát thanh đầu tiên ở Ðông Dương.

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

Radio Saigon trực thuộc Công ty Vô tuyến Pháp – Ðông Dương (Compagnie Franco-Indochinoise de Radiophonie – CFIR) chính thức phát sóng vào năm 1930, thời Toàn quyền Ðông Dương Pierre Pasquier. Hai năm trước đó, đại diện của Công ty Vô tuyến Ðiện thoại Pháp – Ðông Dương đã đến Paris đặt mua hệ thống phát thanh và ký hợp đồng với các nhạc công người Pháp, thực hiện những chương trình âm nhạc cho Radio Saigon… CFIR cũng là chi nhánh ngoài Pháp, thuộc Công ty Vô tuyến Pháp thành lập tại Paris từ thập niên đầu thế kỷ 20. Người sáng lập đồng thời là chủ tịch CFIR tại Ðông Dương tên Auguste Raphaël Fontaine.

Cũng nên nói thêm một chút về ông này: Trước đây, ông từng giữ chức vụ điều hành chính sách độc quyền rượu tại Ðông Dương. Trong thời gian đương quyền, ông được dân nấu rượu lậu đặt biệt danh là “vua chum chum” (từ cách gọi khinh thường của người Pháp để chỉ loại rượu gạo, người dân dùng chum, là loại vại to để làm nguội và chứa rượu sau khi nấu). Sở dĩ có biệt danh này là do ông ta kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ việc bắt phạt nấu và buôn bán rượu của dân nấu rượu lậu. Từ năm 1897, cùng với thuốc phiện và muối, rượu trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của ngân sách Ðông Dương, tạo nguồn thu để chi cho hoạt động mở mang cũng như chương trình phát triển kinh tế đầy tham vọng của nhà nước thuộc địa. Càng bất ngờ hơn nữa, A.R.Fontaine chính là nhà bảo trợ cho tập san nổi tiếng nhất Ðông Dương là Ðô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế ). Trong thư viện cá nhân của ông có vô vàn những tác phẩm của các nhà trí thức Tây học VN như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…

Chương trình của đài Radio Saigon đăng trong báo Courrier de Saigon (Ảnh tư liệu:  Frederic Vaillant)

Trở lại chuyện Ðài Radio Saigon. Ðể bắt được sóng vô tuyến tốt, Công ty Vô tuyến Pháp thiết lập một trạm phát sóng công suất cao nằm cách Paris 50km về phía nam. Từ đó, tín hiệu được phát đến trạm thu phát sóng đặt tại Chí Hoà và truyền tín hiệu qua đường dây điện thoại tại cơ sở thu của đài radio rồi phát sóng ra toàn cõi Ðông Dương và nhiều nơi khác trên thế giới. Việc ra đời của Ðài Radio Saigon không chỉ kết nối nhanh chóng thông tin liên lạc với các nước thuộc địa mà còn là hội nhập toàn cầu giao lưu văn hoá ra thế giới.

Xem thêm:   Oscar 2024

Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuyên trong bài khảo cứu về Công ty Vô tuyến Pháp – Ðông Dương ghi nhận: “Báo L’Éveil économique de l’Indochine (19.7.1931) tường thuật ông Lévy – Lãnh sự Pháp ở Vân Nam, và ông Wilden – Bộ trưởng Pháp ở Bắc Kinh đều xác nhận là âm thanh từ Radio Saigon rất mạnh và rõ ràng. Thêm vào đó có nhiều thư phản hồi từ các thính giả Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ceyland và Mỹ đều khen ngợi chương trình trình diễn âm nhạc của đài Radio Saigon được dàn dựng rất hay”.

Ở New Zealand, báo Star có tường thuật: “Một đài phát thanh Pháp, Sài Gòn, tôi nghĩ vậy, trên làn sóng 23.6m, được nghe thấy gần như mỗi buổi chiều, nói chuyện với Paris sau 10:30 pm. Âm thanh rất rõ”. Tại Úc, nhiều thính giả đã viết thư cho tạp chí The Wireless Weekly để tìm hiểu thông tin về đài phát thanh mới này. Tòa soạn báo này đã có bài trả lời chi tiết (tháng 12.1930) và còn ghi rõ lời chào của phát ngôn viên: “Hello. Hello, here is Radio Saigon” (Xin chào. Xin chào, đây là Radio Saigon).

Nhân viên trong đài thu phát sóng Chí Hòa năm 1947, đổi tên thành Radio France Asie (Đài Phát thanh Pháp – Á) (Ảnh: Internet)

Thông tin chi tiết của chương trình phát thanh thường được đăng trước hai tuần trong phụ lục của báo Courrier de Saigon. Cụ thể, buổi chiều từ thứ Năm cho đến thứ Ba, chương trình biểu diễn nghệ sĩ cải lương Nam kỳ được phát sóng trực tuyến từ 18 giờ 30 đến 20 giờ; sau đó là chương trình biểu diễn âm nhạc phương Tây từ 21 giờ 15 đến 22 giờ 15. Ngày thứ Tư từ 18 giờ 30 đến 19 giờ 30 là chương trình độc tấu nhạc cụ phương Tây, sau đó có diễn tuồng cải lương từ 20 giờ 45 tới 23 giờ 30.

Xem thêm:   Hoài cổ đầu Xuân

Sự ra đời của Radio Saigon đã đưa các nghệ sĩ nhạc tài tử và vọng cổ cải lương Nam kỳ lên sóng phát thanh “Dây thép gió” đến với nhiều thính giả hơn, ở Ðông Dương và các quốc gia khác. Hàng đêm, các chương trình phong phú đa dạng với các bài quen thuộc như Lưu thủy, Giang Nam, Tứ đại oán, Nam ai, Ngũ đối hạ, Vọng cổ hoài lang v.v… được dàn dựng độc tấu, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền với giọng ca và cả diễn tuồng cải lương cho thính giả thưởng thức. Theo tư liệu của Frederic Vaillant (radiotsf.fr), các buổi biểu diễn trực tuyến này được thực hiện tại phòng hòa nhạc của đài phát thanh Radio Saigon ở Chí Hòa.

Dàn nhạc thính phòng phương Tây của Radio Saigon được sự chỉ đạo của nhạc trưởng là nhà soạn nhạc André Soyer. Theo báo Les Annales Coloniales (8/1930), dàn nhạc này gồm một số nhạc công nòng cốt từ Paris và trong các buổi hòa nhạc quan trọng có tăng cường thêm các nhạc công của khách sạn Continental và của hãng phim Eden Cinema.

Rất đáng tiếc là Radio Saigon phải chính thức ngừng hoạt động vào tháng 5.1932 vì thiếu kinh phí. Năm 1940, Chính phủ Ðông Dương chính thức quản lý Radio Saigon và sau Chiến tranh Thế giới thứ hai được đổi tên thành Radio France Asie (Ðài Phát thanh Pháp – Á).

TN