Sau khi bình ổn được Sài Gòn, người Pháp cho xây ba công trình gần như cùng lúc: Khám Lớn trên mảnh đất của chợ Cây Da Còm (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp), Toà Án Sài Gòn, và Dinh Thống Đốc Nam Kỳ (sau là Dinh Độc Lập) – đại diện bộ mặt quyền lực của Pháp.

Toà Đại Hình Sài Gòn có lối kiến trúc cổ điển được xây dựng cùng thời gian với Khám Lớn Sài Gòn (Nguồn: hinhanhvietnam.com   

Trong những bài viết trước, tôi đã giới thiệu hai công trình Khám Lớn và Dinh Thống Ðốc. Còn Toà Án Sài Gòn (Tribunal de Saigon – Toà Ðại Hình), mà dân chúng thường gọi là Pháp Ðình Sài Gòn, cũng do kiến trúc sư Foulhoux giám sát thi công vào năm 1881, đến năm 1885 thì hoàn thành.

Tribunal de Saigon thời Pháp thuộc toạ lạc trên đường MacMahon. Nói đến con đường có cái tên đẹp đẽ này, cho tôi dông dài một chút vì bất chợt ký ức xưa hiện về. Người biết tiếng Pháp chút ít như má tôi giỏi lắm xong tiểu học trường làng cũng đọc tiếng Tây ngon ơ “Mặt Má Hồng”, mặc dù cả đời bà chưa lần nào đặt chân đến đây. Hồi tôi còn nhỏ bà hay kể chuyện Sài Gòn thời Pháp. Thật ra đó là những câu chuyện má tôi nghe người lớn tuổi kể lại, rồi đem thuật lại cho con cháu nghe như thể bà là người Sài Gòn có kém cạnh ai. Ba má tôi từ nông thôn lên Sài Gòn sinh sống sau khi người Pháp rời khỏi Ðông Dương được vài ba năm.

Cái tên Mặt Má Hồng, hồi đó tôi cứ nghĩ là tên một bà đầm diêm dúa. Té ra là tên dài ngoằng Marie Esme Patrice Maurice de MacMahon của vị Thống chế rồi lên làm Tổng thống Ðệ Tam Cộng Hoà Pháp. Người Pháp lấy tên MacMahon đặt tên cho một đoạn đường ở trung tâm Sài Gòn thuở ấy phát triển đến khu vực Chợ Ðũi ngày nay tức đường Trần Quý Cáp. Sau khi lên nắm chính quyền, TT Ngô Ðình Diệm cho đổi tên MacMahon thành đường Công Lý. Cái tên Công Lý không phải danh nhân của những anh hùng vinh danh được đặt tên đường phố, mà nó gắn liền với một nơi đại diện cho công lý của hệ thống tư pháp cao nhất, tức là Toà Thượng Thẩm Sài Gòn, hay dân chúng còn gọi là Pháp Ðình Sài Gòn.

Toà Đại Hình thập niên 1930 (Nguồn: Manhhaiflickr)

Ðến đây tôi xin trở lại thuở ban đầu của Tribunal de Saigon, tức Toà Ðại Hình, để trình bày theo dòng thời gian cho mạch lạc. Toà Ðại Hình thuở đó sau khi khánh thành chuyên phụ trách xét xử các vụ trọng án hầu hết là tội phạm chính trị đấu tranh chống Pháp. Sau đó bốn năm (1889) thì đổi thành Tòa Hình Sự Sài Gòn (Cour criminelle de Saigon) kiêm Tòa Thượng Thẩm Ðông Dương (Cour d’appel de l’Indochine). Năm 1919 đổi tên thành Tòa Thượng Thẩm Nam Kỳ (Cour d’appel de Cochinchine).

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Theo tài liệu của Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I (J 992- Journal officiel de l’Indochine 1889) của tác giả Hoàng Hằng trích dẫn về hệ thống tư pháp Nam Kỳ: “Nam Kỳ là khu vực người Pháp chiếm được sớm nhất tại Việt Nam và là thuộc địa do người Pháp trực tiếp cai trị với một hệ thống luật pháp khác hẳn hệ thống được áp dụng tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngày 25 tháng 7 năm 1864, thực dân Pháp ban hành Sắc lệnh đầu tiên về tổ chức tư pháp ở Nam Kỳ. Theo đó, có 2 hệ thống song song tồn tại: Một là hệ thống toà Tây án chuyên xét xử người Pháp do quan toà chuyên nghiệp phụ trách, xét xử theo luật của nước Pháp. Các quan toà chuyên nghiệp trực thuộc viên Tổng Biện Lý. Tổng Biện lý đặt dưới quyền chỉ đạo của Thống đốc Nam Kỳ. Hai là: Hệ thống toà Nam án: chuyên xét xử người Việt và người Âu cư trú tại Nam Kỳ do các quan cai trị – chủ tỉnh thực dân phụ trách, xét xử theo thể chế của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Các quan chủ tỉnh trực thuộc Giám đốc Nha Nội chính. Cho đến ngày 17 tháng 6 năm 1889, Tổng thống Pháp ký ban hành Sắc lệnh cải tổ tổ chức tư pháp tại Nam Kỳ. Sắc lệnh gồm 8 phần, 146 điều…”

Ðể không mất thời gian tìm hiểu hệ thống tư pháp của Pháp áp dụng trên toàn cõi Nam Kỳ, trong tổng quan bài viết ngắn nói riêng về Pháp Ðình Sài Gòn trích từ điều 29, 30 và 36: “Toà đại hình Sài Gòn xét xử những vụ trọng án do người Pháp hoặc những người Âu khác trên đất Cao Miên hoặc người châu Á quốc tịch Pháp gây ra đối với người Pháp, hoặc người Âu, hoặc người châu Á. Phạm vi toà Ðại Hình Sài Gòn bao gồm các tiểu khu: Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Tây Ninh, Biên Hoà, Bà Rịa và Côn Ðảo. Mỗi Toà Thượng thẩm gồm có: Một Chánh nhất, các Chánh án phòng, các Hội thẩm, một Chưởng lý, một hay nhiều Phó Chưởng lý, những Tham lý, một Chánh Lục sự, các Lục sự, những Tham tá và Thư ký.”

Sơ đồ xây cất Toà Đại Hình Sài Gòn (Ảnh: Internet)

Căn bản nhân sự cho một Toà Thượng Thẩm là như thế. Bên cạnh đó còn có Hội Thẩm Nhân Dân, tức là những người dân được Uỷ Ban Hành Chính chọn lựa vào đầu năm sau khi tham khảo với ông Chưởng Lý. Mục đích chọn Hội Thẩm Nhân Dân để xét và cân nhắc về tình và lý trong một vụ án để phạm nhân có thể được cho hưởng sự khoan hồng của công lý.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Nói đến cái tình là chạm đến một góc của đạo nghĩa làm người. Chẳng hạn vụ án Phan Phát Sanh tức Phan Xích Long, một thanh niên xuất thân làm bồi bàn cho Pháp, rồi tham gia hội kín (Thiên Ðịa Hội) mưu đồ làm chuyện quốc sự. Chẳng may bị bắt, xử ở Toà Ðại Hình Sài Gòn với án tù chung thân khổ sai. Trong khi chờ thi hành án thì bị tạm giam ở Khám Lớn. Việc làm của ông khiến chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mã thượng. Giới giang hồ tập trung từ các hội kín ở khắp nơi, tổ chức cướp ngục cứu đại ca bằng khí giới giáo mác, gậy tầm vông, nhưng chuyện bất thành. Kết quả Phan Xích Long và 50 người anh em phải chịu án tử hình tại Ðồng Tập Trận.

Cái đạo làm người trong bối cảnh xã hội thuở đầu thế kỷ hai mươi vẫn là thấy chuyện bất bình rút đao tương trợ. Chưa hẳn những bạn bè giang hồ cùng hội kín với Phan Xích Long là có cùng chung chí hướng, đánh Pháp vì lòng yêu nước mà đây là chuyện anh em giang hồ tỏ lòng điệu nghệ. Nhà văn Sơn Nam viết trong cuốn sách nhỏ “Người Sài Gòn”, nhận xét như sau: “Gặp mâu thuẫn gay gắt, khó xử, dùng biện pháp thô lỗ, đánh đấm nhau, nhưng sâu sắc nhất là đến chùa miễu, thề một tiếng rồi bỏ qua. Toà án của thế tục không công bình như toà án lương tâm của người khuất mặt (thần thánh)”.

Phù điêu tượng dưới hiên Toà Đại Hình (Ảnh: Internet)

Tuy vậy, pháp đình luôn là công cụ quan trọng của bất kỳ thể chế nào dùng để điều tiết và quản lý các quan hệ xã hội cho công bằng. Có tội thì phạt, vô tội thì tha dựa trên các điều luật và quy định do Bộ Tư Pháp soạn thảo.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Về mặt tổ chức của Toà Thượng Thẩm Sài Gòn cơ bản là như vậy. Riêng về trang trí kiến trúc nhìn từ ngoài vào là 4 cánh cổng sắt bằng thép đúc rất nặng, có trụ ở giữa mở ra hai bên. Hai bên cổng là hai trụ cột vuông mỗi cạnh 1m. Bên trên hai trụ cột là tượng nàng Marianne biểu tượng cho cuộc Cách mạng Pháp. Bước lên tam cấp, gặp ngay ba cánh cửa gỗ to dày dẫn vào gian sảnh rộng thoáng đãng giữa toà nhà hình chữ công (giống chữ I). Nổi bật dưới đỉnh hiên hình tam giác phía bên ngoài của tầng hai được trang trí một bức phù điêu hoa lá và tượng người. Tượng ở giữa biểu trưng cho thần công lý, tay phải cầm kiếm, tay trái giữ cuốn sách có khắc chữ CODE (bộ luật). Hai bên có tượng người An Nam, một nam đầu quấn khăn, một nữ đầu búi tóc. Hai hình tượng này có thể là biểu tượng đại diện cho bồi thẩm nhân dân.

Bên trong gian sảnh lớn, hai bên là các phòng xử sơ thẩm hình sự và dân sự, chính giữa là cầu thang rộng lớn dẫn lên lầu hai đến các phòng xử phúc thẩm. Phía đầu cầu thang trang trí bằng hai pho tượng nữ thần. Bên phải là thần công lý cầm kiếm, bên trái là tượng nữ thần đoàn kết, thanh cầu thang trang trí các hoạ tiết hoa văn trong các thần thoại Hy Lạp rất sắc sảo và tuyệt đẹp.

Ðến đầu thập niên 1960, khi các vụ án ngày càng nhiều, Tòa không đủ phòng xét xử, chính quyền cho xây dựng thêm các phòng phục vụ. Kiến trúc sư Ðỗ Bá Vinh giữ nguyên thiết kế của tòa nhà, thiết kế thêm dãy nhà ngang nằm về phía đường Nguyễn Trung Trực. Công trình mới này uy nghiêm và hài hòa với khu nhà phía trước.

Pháp Ðình Sài Gòn xây dựng không dùng bê tông cốt sắt, xứng đáng là một công trình kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia , đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp trầm trọng. Kế hoạch trùng tu toà nhà đang được tiến hành, nhiều người quan tâm đến di sản kiến trúc thuộc địa hy vọng rằng việc trùng tu bảo đảm tính nguyên thủy còn lại của công trình đã qua 130 tuổi.

TN

(Fort Worth)