Coi ngoài rạch Bà Nghè 

Dòng trắng hây hây tờ quyến trải 

Ngó lên Giồng Ông Tố 

Cây xanh mù mịt lá chàm rai. 

Rạch Thị Nghè trước chợ Thị Nghè (Nguồn: Manhhaiflickr) 

Nhớ thuở thanh niên, hằng ngày, tôi thường xuyên luyện tập tại Câu lạc bộ bơi lội Yết Kiêu. Cứ mỗi lần cùng thằng bạn tập dợt khoảng cách dài là nó rủ tôi về nhà gần chợ Thị Nghè ăn uống bồi dưỡng sau một ngày tiêu hao sức lực. Cha mẹ thằng bạn rất vui tính, ngày trước cả hai làm nghề giáo. Ông già thỉnh thoảng viết bài biên khảo cho tạp chí Quê Hương. Sau năm 1975, hai ông bà tiếp tục đứng trên bục giảng, thu nhập nghề dạy học thời đó chẳng là bao nhưng chắt chiu nấu ăn đầy đủ chất, chăm chút cho thằng con thích môn thể thao mà ông già hồi còn thanh niên đam mê không kém.

Ông già kể chuyện: “Hồi thời Pháp, Sài Gòn chỉ có mỗi Câu lạc bộ Cercle Sportif Saigonnais sát bên Vườn Ông Thượng (Tao Ðàn) dành cho công chức người Pháp. Mãi cho đến thời VNCH thì mới có hồ bơi An Ðông ở Chợ Lớn và Yết Kiêu cạnh Sở Thú, giáp ranh Quận 1. Lúc còn thiếu niên, bác mê bơi lội nên mỗi chiều đợi nước lớn rủ đám bạn trong xóm ra cầu dẫn vào Vườn Bách Thảo (sau 1956 mới gọi là Sở Thú) nhảy xuống tắm sông, bơi qua bơi lại rạch Thị Nghè cả chục bận mà không biết mệt. Cái cầu đó sau này chính quyền thời VNCH cho làm lưới sắt ngăn lại ở giữa không cho người sống bên Thị Nghè qua lại Sài Gòn như ngày trước” (ngày nay là cầu Nguyễn Hữu Cảnh).

Nguyên nhân từ chuyện xảy ra vào ngày Quốc Khánh năm 1957. Lần đầu tiên Sài Gòn có Hội chợ trong vườn hoa Thị Nghè. Muốn đi hội chợ phải mua vé vào cổng Sở Thú, từ Sở Thú đi qua một chiếc cầu đúc mới sang được lễ hội, đêm ấy người ta nô nức đi xem rất đông. Ông cũng trong đám người đó, lúc ấy chừng 7 giờ tối, ông vừa mới bước lên đầu cầu, thì cảnh chen lấn xảy ra, tiếng kêu la vang dậy bắt đầu, cảnh sát nổ súng chỉ thiên, cũng không làm sao giữ được trật tự. Bà con nháo nhào hoảng hốt, có người muốn lui cũng chẳng được, ông bị xô lấn trong dòng người, khi ra đến giữa cầu ông muốn nhảy xuống sông bơi vào bờ cũng không cách nào leo lên được lan can cầu, và cứ thế ông bị xô đẩy qua tới bên kia cầu, quần áo xốc xếch, giày dép đứt quai, nhưng ông không thấy ai bị thương tích gì nặng. Sáng hôm sau qua báo chí, mới biết rằng có đến 17 người chết và mấy chục người bị thương phải đưa đi bệnh viện. Sau nầy mỗi lần vào Sở Thú, đi ngang chiếc cầu định mệnh đó, ông vẫn còn nhớ nỗi kinh hoàng của năm xưa. Người ta đồn cầu sập, cầu gãy, thật ra không có sập hay gãy gì cả. Nguyên nhân có lẽ do bọn người xấu muốn tạo ra cảnh đó để cướp giật, họ cũng không ngờ cảnh hoảng loạn gây nên bao nỗi tang thương!

Cầu bê tông nối từ Sở Thú qua chợ Thị Nghè (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nghe chuyện kể tắm sông của cha người bạn, tôi mường tượng con rạch Thị Nghè khi xưa nước trong xanh chứ đâu phải như thời thế hệ chúng tôi dòng nước chuyển màu đen xỉn, sình bùn hôi hám. Trong bài phú Gia Ðịnh phong cảnh vịnh miêu tả thế này: “Coi ngoài rạch Bà Nghè / Dòng trắng hây hây tờ quyến trải / Ngó lên Giồng Ông Tố / Cây xanh mù mịt lá chàm rai”.

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Theo sách sử biên khảo của Trịnh Hoài Ðức, rạch Thị Nghè xuất hiện từ cuối thế kỷ 18. Trước đó, người Cao Miên cư trú ở vùng đất này gọi tên con rạch là Prêk Kompon Lư, người Việt di dân vào Gia Ðịnh kêu là Nghi Giang, rồi sau gọi là rạch Bình Trị theo cái tên làng thời khẩn hoang lập ấp hình thành tổng Bình Trị thuộc phủ Tân Bình. Khi bà Nguyễn Thị Khánh, trưởng nữ của quan Khâm sai Chánh thống Vân Trường hầu Nguyễn Cửu Vân kêu gọi dân chúng trong vùng cùng quyên góp tiền bạc để bắc cầu qua con rạch cho tiện việc đi lại làm ăn mua bán, trong đó có phu quân của bà mỗi ngày phải đi ghe vào thành Phiên An làm việc thật là bất tiện. Cây cầu gỗ hình thành khoảng năm 1837. Sau đó mảnh đất bên cầu người dân tập trung buôn bán, hình thành nên cái chợ. Người dân địa phương ghi nhớ công lao của bà nên gọi tên cầu Bà Nghè, con rạch Bình Trị là rạch Bà Nghè và ngôi chợ trên bến dưới thuyền dù không do bà lập nhưng vẫn được hưởng công trạng mang tên chợ Bà Nghè.

Cha người bạn nhận xét: “Chắc thuở xa xưa đó, người dân tôn trọng danh xưng nên gọi là Bà Nghè, chứ từ thuở đời cha của bác (đầu thế kỷ 20) đã nghe cái tên rạch Thị Nghè, chợ Thị Nghè. Chỉ có tên con rạch trên bản đồ hành chánh do người Pháp thiết lập gọi là Avalanche..

Chợ Thị Nghè trước 1970 còn ngôi nhà lục giác trước sân chợ (Nguồn: Manhhaiflickr)

Rạch Thị Nghè chảy quanh, ôm trọn một vòng cung phía Tây Bắc đô thành Sài Gòn được mở rộng sau này ăn thông với kinh Nhiêu Lộc. Kể từ đầu thập niên 1950, dân chúng khắp nơi kéo về Sài Gòn sinh sống dọc theo bờ kinh, lấn chiếm ra giữa dòng kinh tạo thành một khu gia cư nhà sàn nhếch nhác. Vệ sinh yếu kém, xả thải trực tiếp xuống dòng kinh gây nên ô nhiễm dòng nước. Phía hạ lưu rạch Thị Nghè tương đối ít ô nhiễm hơn nhưng do ngôi chợ Thị Nghè nằm sát rạch, rác rến mỗi ngày dọn dẹp chất chứa một bãi ngay bên bờ. Ghe thương hồ chở hàng từ Ðồng Nai, Lục Tỉnh đổ về năm ba bữa mới nhổ sào cho nên vệ sinh môi trường sống ngay khu chợ càng ngày càng trở nên tệ hại.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Nhưng rồi mọi thứ đều phải đổi thay, cũng như ngôi nhà lục giác cột gạch tô xi măng, mái ngói ba tầng trước chợ Thị Nghè. Ðây là một kiến trúc khá chắc chắn, có hình dáng rất dung dị, dựng lên trước mặt tiền chợ. Từ lúc cha người bạn còn là một cậu bé thì đã thấy nhà lục giác này. Nhà kiểu thuỷ tạ nhưng không nằm trên mặt nước lại nằm trên bờ không biết để làm gì, chỉ thấy mấy bà bán buôn cá sống, các bà gánh nước thuê và mấy ông thợ đặt ghế bàn hớt tóc. Vào khoảng cuối thập niên 1960, nhà tròn này bị dỡ bỏ, xây lại thành nhà lồng bán cá mắm.

Rạch Thị Nghè bị lấn chiếm cất nhà tạm bợ bên bờ kinh (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Có lần ông kể chuyện xưa cho chúng tôi nghe: “Vùng Thị Nghè này còn nét thôn quê, gìn giữ phong tục cúng bái cho thôn làng bình yên được mùa no ấm. Mỗi năm tổng Bình Trị đều tổ chức lễ cúng gọi là Kỳ Yên, sau ngày Tết nhất hay Chạp miễu vào tháng Tám. Ðám rước quần áo ngũ sắc, cờ lộng trống chầu, xếp hai hàng đi trước; chức sắc hương làng áo dài khăn đóng, dẫn đoàn dân chúng mặc quần lãnh áo hoa, đầu đội mâm xôi, gà cúng, hương hoa bánh trái nối đuôi theo sau. Ðám rước khởi đầu từ ngôi chùa cổ Văn Thánh miếu cách đó không xa, tế lễ các bậc Thành hoàng rồi đi ngang qua chợ Thị Nghè dừng lại trước ngôi nhà lục giác bày sẵn hương án, cúng Bà Nghè và các bậc tiền hiền khai canh cho vùng đất Bình Trị để dân làng được ấm no hạnh phúc. Theo tôi được biết, hiện nay không ít làng xã nông thôn các tỉnh vẫn còn duy trì việc cúng bái tiền hiền mỗi năm trong mùa lễ Kỳ Yên. Ðó là văn hoá người dân cố gắng giữ gìn”.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Chợ Thị Nghè được xây vào khoảng cuối thập niên 1920, theo kiểu một nhà lồng dài, thuần Việt, bốn phía đều trống không dựng sạp. Về sau, từ thời VNCH, chợ bắt đầu che chắn các sạp mặt tiền chung quanh. Bãi xe chở hàng bên hông chợ cũng được dời. Khu bán trái cây, rau cải mở rộng dọc theo bến sông do dân chúng kéo về định cư ngày càng đông làm tăng nhu cầu buôn bán ở chợ. Ghe thuyền khắp nơi vẫn tụ tập trên bến sông xưa, tạo nên một hình ảnh trên bến dưới thuyền của một vùng đất Thị Nghè sống thuần bằng nghề nông, chăn nuôi và trồng trọt hoa màu.

Nhưng ngày nay đã khác, hình ảnh thôn quê ngày xưa đó khoác lên mình một diện mạo mới bằng những toà nhà chung cư cao tầng, dọc theo sông Sài Gòn đến đầu kênh Thị Nghè. Ðẹp thì có đẹp nhưng khi hồi tưởng hình ảnh xưa cũ của vùng Thị Nghè, người cố cựu vẫn có cảm giác nao nao trong lòng.

TN