Khi nhắc đến khu vực chợ Bến Thành ngày nay, người ta lại nhớ đến một khu vực sình lầy ao trũng trên trăm năm trước, từng là nỗi ám ảnh của chính quyền thời bấy giờ trong công cuộc chấn chỉnh đầm lầy Boresse, người Việt mình gọi là ao Bồ Rệt. Vùng này rộng lớn có hình dạng chữ nhật, ngày nay gồm các phường: Bến Thành, Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão và Cầu Ông Lãnh.

Xóm nhỏ trong khu vực đầm lầy Boresse ngày xưa (Manhhaiflickr)    

Theo địa bạ triều Nguyễn và bản đồ của Trần Văn Học vẽ năm 1815, khu vực này thuộc phần đất của làng Long Hưng là vùng đất dân nghèo bao gồm người Việt, người Campuchia tụ về sống gần thành Gia Ðịnh. Khi Pháp chiếm Sài Gòn, hầu hết dân chúng bỏ nhà cửa tản cư lánh nạn, vùng đất sình này bỏ trống cho đến khi những nhóm dân cư khác đổ về thành phố sinh sống trong những mái nhà tranh vách đất, điều kiện vệ sinh tồi tàn, tệ nạn xã hội đầy rẫy khiến nó trở thành nỗi ám ảnh của chính quyền thời đó trong suốt ba thập kỷ bên cạnh khu vực người Pháp tập trung xây dựng các cơ quan công quyền nguy nga ngay trung tâm thành phố.

M.A. Petition một nhà du lịch thám hiểm người Pháp, trong chuyến đến Ðông Dương, dừng lại ở Sài Gòn đã ghi chép trong cuộc hành trình, có thể tóm tắt như sau: “Vào khoảng năm 1890, trong khu Boresse vẫn còn nhiều đường đất đắp cao, cắt nhau khá đều đặn, chạy ngang dọc, chia khu đầm lầy ra thành từng xóm nhỏ. Những chỗ trũng ngập nước chỉ sâu một vài mét. Mỗi xóm là một khu nhà sàn mái lá xây trên cọc gỗ. Từ trong xóm, mỗi căn chòi có cầu ván đi thông ra ngoài đường, có khi hai hay ba tấm ván nối nhau nếu vũng sình quá rộng. Người qua cầu nếu lỡ bước hụt chân sẽ rơi xuống vũng sình bùn lẫn với rong rêu, ếch nhái…”.

Bản đồ đầm lầy Boresse năm 1865 (Ảnh: Tài Liệu)

Khu cảnh sình lầy hôi hám như thế mà ông miêu tả chi tiết thật sinh động và lãng mạn theo cách nhìn của một nhà du lịch lần đầu đến xứ An Nam. “Ban ngày các khu xóm tồi tàn ấy vắng ngắt như một ngôi làng bỏ hoang, nhưng khi đêm về cảnh vật tưng bừng như hội chợ. Hằng ngàn đèn lồng bằng giấy đủ màu treo khắp mọi nhà, ánh đèn phản chiếu trên mặt nước thật ngoạn mục làm ta quên đi nơi đây là một khu xóm nghèo bẩn thỉu. Dọc theo lề các đường đất hằng trăm lò lửa được nhóm lên. Ðấy là những cái bếp lộ thiên, nơi chiên, xào, nấu, nướng đủ loại thức ăn, món nhậu. Khách hàng gắp ăn hoặc chỉ cần bóc tay lùa vào miệng khi món ăn còn nóng. Trên đường người đi đông vô kể, trong đám đông đó có những thủy thủ đã từng đi khắp năm châu bốn biển, có cả lính tráng đủ các binh chủng, và người thường dân thuộc đủ các nghề nghiệp. Họ chen nhau đi giữa những hàng cháo, hủ tiếu, bánh mứt, rượu trà, thuốc lá… Lẫn trong đám người qua lại, có cả những cô gái buôn hương bán phấn thuộc đủ mọi quốc tịch. Không khí càng thêm ồn ào vì tiếng rao mời khách mua hàng, tiếng người gọi nhau, các chú lính thủy say sưa vừa đi vừa hát. Bên ngoài xóm nhà sàn, dọc theo hành lang một dãy nhà, những cô gái mặt hoa da phấn đang ngồi gảy đàn đợi khách dưới chuỗi đèn lồng xếp bằng giấy hồng”.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Ðó là những ghi nhận sau khi những người dân tụ về sống ở nơi đây đắp đất làm đường. Trong cái đầm sình lầy này duy chỉ có cuộc đất cao hơn, đó là khu vực nhà ga xe lửa Sài Gòn Chợ Lớn, Sài Gòn – Mỹ Tho mà ngày nay nằm giữa đường Phạm Ngũ Lão và Lê Lai. Tuy nhiên khi làm nhà ga và depot xe lửa, người Pháp đã cho đắp đất thêm nện nền cho chặt để đường tàu không bị sụt lún, ngoài khu đất này, chung quanh đều là sình lầy ngập nước.

Đường Boresse (Yersin) còn là lô đất sau khi san nền cất nhà đầu thế kỷ 20 (Ảnh: Tài Liệu)

Ða số dân chúng sống ở đây đều là dân nhập cư chiếm đất bất hợp pháp. Chính quyền thành phố trưng thu, nhượng đất miễn phí dành riêng cho giới công chức, nhân viên chính quyền làm việc cho Pháp và phân lô bán lại giá rẻ cho người dân nào muốn định cư vĩnh viễn với điều kiện trong thời gian hai năm, người mua phải đắp nền cao, xây nhà gạch lợp ngói và cho người chiếm đất có thời hạn dọn đi trong vòng sáu tháng. Trường hợp cụ thể là việc mua đất của ông Hui Bon Hoa (Chú Hỏa). Vào năm 1896, ông mua 12 lô đất. Ít lâu sau ông yêu cầu chính quyền gia hạn thời gian lấp đất là 3 năm thay vì chỉ 2 năm như đã quy định, vì theo ông lượng đất cần thiết lên tới 70,000 mét khối nên ông cần thêm thời gian để lấp hết những thửa đất ấy. Ðất dùng để lấp ao Boresse lấy từ khu vực Bình Hưng Hoà (Bình Chánh), được hàng ngàn chuyến xe lửa chuyên chở.

Xem thêm:   Đông dược

Bên cạnh san lấp đắp nền xây dựng nhà cửa, nền đường lộ chính phân chia đã được hình thành nhưng còn thô sơ bằng đất và đá dăm lấy từ Biên Hoà, cống rảnh sơ sài. Sau một thời gian ngắn, các con đường này biến thành đường ổ gà ổ voi. Ðường được lát lại đá xanh mãi cho đến năm 1920 mới được tráng nhựa. Nhìn lại các dự án chỉnh trang khu sình lầy Boresse trong khoảng 2 thập niên đầu của thế kỷ 20, ta thấy như sau:

Đường Abattoir (Nguyễn Thái Học) cắt ngang Gallieni (Trần Hưng Đạo chưa được mở rộng) (Ảnh: Manhhaiflickr)

-1901: Ðường còn nhiều ổ gà nên hầu như xe cộ không lưu thông được. Phân nửa số đường chưa rải đá. Nhiều đường thiếu cống thoát nước.

-1904: Dự án xây cống ngầm dọc đường phố và lấp bằng đầm lầy Boresse.

-1905: Chương trình cung cấp nước uống.

-1907: Nghị định của thống đốc Rodier và dự án của Hội đồng thành phố: 1) Xây nền nhà ga xe lửa Xuyên Ðông Dương trên diện tích bằng 10 hec-ta. 2) Mở  đại lộ Sài Gòn – Chợ Lớn rộng 40 mét, theo đường thẳng nối liền Sài Gòn với vùng Chợ Quán. 3) San lấp đầm lầy Boresse, xây dựng cống ngầm cho nước mưa và nước đã sử dụng đổ ra rạch Bến Nghé. 4) Phát triển đường xe tramway và xây ngôi chợ trung tâm Halles centrales (chợ Bến Thành).

-1910: Việc chỉnh trang khu Boresse cũng là một dịp phá bỏ nhiều nhà ổ chuột. Năm 1911, sửa sang khu vực đường Bourdais (Calmette), xây nền nhà ga. Nhà thầu xây dựng là Công ty xáng đào kênh (Société des dragages).

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

-1912: Phần nền nhà ga đã hoàn tất. Công trình này gắn liền với việc chấn chỉnh hệ thống hỏa xa Sài Gòn – Khánh Hòa.

-1913: Sửa sang khu vực đường Némésis (Phó Ðức Chính), xây nền chợ mới. Nhà thầu Champestève.

-1915: Sửa sang khu vực các đường Boresse (Yersin) và Marchaisse (Ký Con). Nhà thầu Mayeur.

-1916: Xây đại lộ Galliéni (nay là đại lộ Trần Hưng Ðạo). Nhà thầu Phạm Thị Vân.

-1917: Sửa sang đại lộ Abattoir (Nguyễn Thái Học). Nhà thầu Phạm Thị Vân.

Bùng binh Eugène Cuniac (sau là Diên Hồng, rồi Quách Thị Trang) đang được xây dựng sau khi chợ Bến Thành khai trương, kết thúc 30 năm chỉnh trang đầm lầy Boresse. (Ảnh: Manhhaiflickr)

Sang thập niên 1910, khu Boresse đã hình thành rõ nét những dãy nhà phố san sát cho đến khi chợ Bến Thành xây xong thì cái ao sình lầy Boresse gần như san lấp toàn bộ. Các dãy phố hai tầng mua bán chung quanh chợ rất khang trang kết nối dọc theo đường Lê Lợi đến thẳng ngã tư Bồn Kèn. Bùng binh Eugène Cuniac (sau là Diên Hồng, rồi Quách Thị Trang) kết nối giao lộ các đường Lê Lai, Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Hàm Nghi và Trần Hưng Ðạo.

Nhân dịp lễ khánh thành chợ mới (Bến Thành) và hoàn thành 30 năm chỉnh trang đầm lầy Boresse, chính quyền thành phố tổ chức linh đình ăn mừng liên tiếp trong ba ngày vào cuối tháng 3 năm 1914. Dịp này là một biến cố hy hữu nên đông đảo người dân dù ở tỉnh xa cũng không bỏ lỡ cơ hội về Sài Gòn tham dự. Bên trong và cả bên ngoài chợ đều có những gian hàng trưng bày hàng hóa, thực phẩm đủ loại, có cả hội chợ từ thiện với các trò chơi trúng thưởng. Cuộc vui tổ chức lúc ban ngày có múa lân, biểu diễn võ thuật, diễn hành xe hoa, hòa tấu cổ nhạc, trình diễn quân nhạc Pháp. Buổi tối có rước đèn, bắn pháo bông, trình diễn hát bội ngoài trời.

TN

(Fort Worth)