Bạn có bao giờ từng nghe tiếng chuông của Vương cung Thánh đường Sài Gòn thường gọi là Nhà thờ Đức Bà. Tiếng chuông nghe như thế nào? Đinh đong hay đong… đong… đing hoặc đinh… đinh… đong. Tất nhiên có vài tiếng chuông được người gác chuông đánh lên cùng một lúc trên một cái chuông, cũng có khi là hai ba, hoặc nhiều tiếng chuông có âm vực khác nhau. Tiếng chuông đánh thức một đêm dài, tiếng chuông đánh lên mừng ngày lễ Chúa. Đặc biệt trong ngày lễ Giáng sinh, ta hãy lắng nghe cho kỹ. Có đến 6 âm vang, cách xa đó vài cây số vẫn nghe thấy.

Nhà thờ Đức Bà trong năm 1948 Nguồn Mạnhhàiflicks

Sau 1975, cuộc sống Sài Gòn rất khó khăn, ngoài đường toàn xe đạp là xe đạp. Về đêm thành phố rất yên tĩnh, đêm Giáng sinh, đứng ở ban công ký túc xá trên đường Trần Hưng Ðạo, nghe rõ tiếng chuông Nhà thờ Ðức Bà ngân nga trong không gian. Tiếng chuông vang trước thánh thót, tiếng chuông theo sau trầm bổng, cứ thế lần lượt vang lên tạo thành một khúc nhạc ngắn lặp đi lặp lại dễ khiến con người tìm cho mình một khoảng lặng cho riêng mình. Ðó là những gì thằng bạn của tôi nhớ về tiếng chuông Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, kể lại. Ðơn giản nhưng có chút lãng mạn. Tôi thì không lãng mạn bằng.

Một lần vào năm cuối trung học, chúng tôi cùng tụ tập nhau, đi chơi Giáng Sinh đêm Sài Gòn. Nói là đi chơi, chứ bọn học trò chúng tôi chẳng đứa nào có một xu trong túi. Có chăng là sức trẻ thanh niên, gồng chân đèo nhau đạp xe rong ruổi qua những con đường hướng về trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi dựng xe bên ghế đá công viên Hoà Bình, ngồi đó ngắm thiên hạ cả rừng người bu quanh Thánh đường. Tiếng ồn ào bỗng im bặt, thay vào đó là tiếng chuông nhà thờ bắt đầu ngân vang lúc nửa khuya. Tôi không rành âm nhạc nhưng vẫn nhận ra có đến 6 âm thanh khác nhau, có trước có sau, âm thanh hoà quyện vào nhau nghe hơi bị rối. Nhưng rồi, từng cái âm điệu trầm bổng đó vang ra kéo dài lại trở thành một tiết tấu kỳ lạ. Nghe rất thoải mái!

Sau này, tôi mới biết trên hai gác chuông Nhà thờ Ðức Bà có đến 6 cái chuông phát ra âm thanh của các nốt nhạc: Sol – La – Si – Do – Re – Mi. À mà sao không có âm Fa nhỉ? Chuyện này dành cho người nghiên cứu âm thanh lý giải thì hay hơn. Tôi chỉ biết 6 cái chuông có kích cỡ khác nhau, đương nhiên trọng lượng cũng khác nhau rất nhiều.  Chuông lớn nhất là chuông Sol, chuông 1 với đường kính 2.25m, cao 3.5m, nặng 8,745 kg; Chuông La, chuông 2: đường kính 1.90 m, nặng 5,931 kg; Chuông Si, chuông 3: đường kính 1.70m, nặng 4,184 kg; Chuông Do, chuông 4: đường kính 1.69 m, nặng 3,150 kg; Chuông Re, chuông 5: đường kính 1.45 m, nặng 2,194 kg; Chuông Mi, chuông 6: đường kính 1.25 m, nặng 1,646 kg. Sáu quả chuông này được sắp đặt không cân đối nhau. Gác chuông bên phải có hai chuông La và Do; gác chuông bên trái có 4 chuông Sol, Si, Mi, và Re.

Nhà thờ Đức Bà theo kiến trúc nguyên thủy xây xong năm 1880 (Nguồn: Manhhaiflicks)

Tuy Nhà thờ có đến 6 chuông nhưng không phải ngày nào cả 6 chuông cùng đổ. Ngày thường vào lúc 5 giờ sáng chỉ có tiếng chuông Mi, đến 4 giờ 15 chiều thì có tiếng chuông Re. Ngày Chủ Nhật và lễ lớn trong năm cả 3 chuông Do, Re, Mi. Riêng ngày Giáng sinh thì ngân lên cùng lúc 6 quả chuông. Có lẽ do vận hành các chuông này cần có nhiều người, nên tất cả các chuông chỉ vang lên dành cho ngày đặc biệt nhất. Hệ thống vận hành chuông kết nối với chiếc đồng hồ báo giờ phía trước mặt tiền Nhà thờ. Nghe đâu việc kết nối chuông và đồng hồ được vận hành bằng điện. Còn các chuông trước khi đổ vẫn mượn sức người vì có những quả chuông quá nặng phải dùng chân đạp lên bàn đạp làm bằng gỗ cho quả chuông từ từ đung đưa để lấy đà.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Khi viết đến đây, tôi chợt nghĩ, phải chăng Nhà thờ Ðức Bà đã sử dụng điện từ khi khánh thành (1880)? Xem lại hình ảnh xưa của Vương cung Thánh đường Sài Gòn, không thấy chiếc đồng hồ nằm ngoài mặt tiền và điều quan trọng là thuở đó Sài Gòn vẫn chưa có điện. Nhà máy điện Chợ Quán chạy bằng hơi nước khánh thành năm 1896, cung cấp một phần điện năng cho khu trung tâm. Vậy thì có thể rút ra kết luận: Những quả chuông hai bên gác đàn, trước đó được vận hành bằng sức người, bằng cách dùng bàn đạp chân để khởi động.

Ðiều này phù hợp với khoảng thời gian 1895 khi nhà thờ xây thêm hai tháp nhọn kết nối trên hai tháp bằng của thiết kế nguyên thuỷ. Lý do xây thêm hai tháp nhọn, đơn giản là Hội đồng thành phố thấy kiểu kiến trúc này sao giống Nhà thờ Ðức Bà Paris bên Pháp quá chăng? Ðúng vậy. Dư luận cho rằng Nhà thờ bị bắt chước thiết kế và không có nét kiến trúc đặc trưng. Vì thế sau 15 năm mang dáng dấp tháp bằng, năm 1895 theo thiết kế bổ sung của Kiến trúc sư Fernand Gardes, Giáo hội đã cho xây thêm 2 gác chuông mái nhọn bên trên tháp bằng, mỗi gác chuông cao 20 mét và thêm cây Thánh giá cao 3.5m. Như thế tháp và gác chuông Nhà thờ đã cao tới 60.5 mét trở thành công trình kiến trúc cao nhất thời bấy giờ.

Hai tháp nhọn được cất thêm để Nhà thờ trở thành kiến trúc đặc trưng để tránh hình ảnh giống với Nhà thờ Đức Bà ở Paris (Ảnh: Bưu Thiếp)

Lúc này, ô cửa sổ tròn lấy ánh sáng ở phía trên gần đầu nóc mặt tiền được thay thế bằng chiếc đồng hồ, đồng thời điện Chợ Quán đã cung cấp cho thành phố. Hệ thống chuông được kết nối vận hành qua công tắc điện để kéo cần trục cho quả lắc chuông chuyển động. Hai tháp chuông được xây dựng bổ sung nhưng rất chắc chắn. Năm 1904 bão lụt năm Thìn tàn phá Nam Kỳ nhưng không hề làm hai tháp nhọn suy suyển. Tuy vậy, sau này vào năm 1978, hệ thống báo giờ đánh chuông bị hư hỏng do một trục trặc nhỏ mà gây hại lớn. Cần búa báo giờ của chuông Sol bị gãy. Sau này có một chuyên gia đồng hồ của Hồng Kông sang khảo sát và thẩm định giá tiền sửa chữa mất cả triệu đô. Số tiền lớn như vậy nên, Nhà thờ đành không sử dụng chuông Sol nữa. Ðây là một tiếng chuông ngân vang xa nhất trong hệ thống chuông Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Những quả chuông Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn đều do hãng Bollee của Pháp đúc từ năm 1879 trong lúc khởi công xây dựng Nhà thờ (1877-1880). Tổng cộng trọng lượng chừng 30 tấn được gắn trong lòng hai tháp rất chật hẹp do tường tháp dày đến 1.4 mét bao quanh. Hệ thống treo chuông bằng các thanh gỗ to cùng dây cáp bằng kim loại. Sàn gác chuông lót bằng gỗ thưa. Càng lên cao càng chật hẹp với cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tới đỉnh. Phần tháp nhọn xây bổ sung đơn giản chỉ là phần tháp thay đổi hình dáng theo đồ án của kiến trúc sư Fernand Gardes. Ðó không phải là gác chuông mà không ít người nhầm lẫn. Gác chuông thật sự nằm ở tháp bằng của kiến trúc cũ.

Bên trong của một trong hai tháp chuông Nhà thờ Đức Bà (Ảnh: Internet)

Trong tập sách “Nhà Thờ Chính Tòa Ðức Bà Sài Gòn Qua Dòng Thời Gian 1880 – 2015” của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn viết: “Ðể chuẩn bị cho việc khởi công xây dựng Nhà thờ, người ta mở thầu rộng rãi và chính kiến trúc sư J. Bourad cũng là người trúng thầu, trực tiếp giám sát công trình. Ngày 7/10/1877, lễ đặt viên đá đầu tiên Nhà thờ Sài Gòn do Giám mục Isidore Colombert chủ trì dưới sự chứng kiến của phó soái Nam kỳ và các nhân vật tai mắt của Sài Gòn, diễn ra rất long trọng. Việc xây dựng Nhà thờ này cũng rất đặc biệt, nhiều loại vật liệu như ximăng, gạch, ngói, sắt thép thậm chí đến con ốc vít đều mang từ Pháp sang, công nhân tham gia được chọn trong số thợ lành nghề người Công giáo dưới sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư xây dựng Pháp”.

Xem thêm:   Đông dược

Tuy vậy, đây là ngôi Nhà thờ Chính toà xây dựng lần thứ ba, sau hai công trình Nhà thờ trước kia khi Pháp mới vào Sài Gòn. Ngôi Nhà thờ đầu tiên nguyên là một ngôi chùa bỏ hoang nằm trên đường Vannier (Ngô Ðức Kế hiện nay), được Ðức Cha Dominique Lefèbvre cho xây dựng lại vào năm 1860 để thu nhận giáo dân. Giáo dân theo công giáo ngày một đông, cần kiếm một chỗ rộng lớn hơn để xây cất Nhà thờ. Năm 1863, Thống đốc Louis Adolphe Bonard cho cất ngôi Nhà thờ bằng gỗ bên dòng Kênh Lớn (Nguyễn Huệ ngày nay). Ở vùng khí hậu ẩm ướt, muỗi mòng, đầy sông rạch như đất Sài Gòn, Nhà thờ nhanh chóng bị mối mọt tàn phá. Cuối cùng, Thống đốc Nam Kỳ thời đó, tổ chức cuộc thi đồ án tìm kiếm một ngôi Nhà thờ kiên cố xứng tầm cho một Sài Gòn đang phát triển tại khu trung tâm. Tên chính thức của Nhà thờ là Vương cung Thánh đường Chính toà Ðức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội nhưng người dân khắp nơi trong nước vẫn gọi là Nhà thờ Ðức Bà.

Nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn là một kiến trúc lịch sử hiện đang được trùng tu với một chi phí rất lớn.

TN

(Fort Worth, TX)