Nhắc đến trường Trung học Pétrus Ký là nhắc đến niềm tự hào của nhiều thế hệ từng học ở một ngôi trường nổi tiếng của Sài Gòn. Sài Gòn thuở hơn trăm năm trước đã có vài ba ngôi trường do người Pháp xây dựng dành cho con em người Việt hoặc con cái người Pháp theo học. Những ngôi trường này đều nằm trong khu vực trung tâm Sài Gòn. Riêng trường Pétrus Ký lại được xây cất tại vùng Chợ Quán vào thời gian ấy khu vực này còn rất vắng vẻ, các cơ sở gồm hai và ba tầng được xây cất trên một diện tích trên 8 mẫu đất. Niên khoá đầu tiên 1928-1929 có 200 học sinh.

Trường Pétrus Ký năm 1930 (Ảnh: Nadal)

Ngôi trường Pétrus Ký ban đầu là một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat tức là trường Lê Quý Ðôn ngày nay. Tuy nhiên trường thu nhận toàn bộ là học trò người Việt, dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Nhiều học sinh các tỉnh, sau khi xong bậc tiểu học ở quê, có thể lên Sài Gòn dự thi vào trường. Về sau, từ thời Ðệ nhất Cộng Hoà, do số học sinh tăng nhanh, muốn vào trường công lập phải qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao, nên học sinh nào đậu vào trường là niềm hãnh diện lớn cho bản thân và cả gia đình.

Gia đình của bạn tôi có cả hai thế hệ theo học trường Pétrus Ký. Cha anh sống ở Tân Hiệp (Tiền Giang) khi vào trung học không thi vào trường Collège de My Tho được người Pháp xây từ rất lâu (1879) mà gia đình cho lên Sài Gòn thi vào trường Pétrus Ký. Trường ở Mỹ Tho nói là thi vào nhưng rất dễ, trong khi các trường ở Sài Gòn thi vào khó hơn nhiều.

Quan trọng hơn là lên Sài Gòn học để gia đình yên tâm trong bối cảnh các cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và Pháp ngày càng nhiều ở các tỉnh miền Nam. Chính quyền thực dân Pháp bắt bớ đàn áp liên miên, dân thường cũng bị làm khó do các phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra. Cha anh lên Sài Gòn thi vào trường Pétrus ký niên học 1944-1945.

Thi đậu vào trường nhưng năm đó cũng là lúc người Nhật tiến vào Sài Gòn một thời gian ngắn, cuộc chiến của Liên quân Anh – Pháp đánh Nhật diễn ra mạnh mẽ. Sài Gòn thường xuyên nằm trong mưa bom và tiếng súng. Các trường học phải đóng cửa, một số trường tạm thời di chuyển, sáp nhập cho học sinh đến học ở nơi an toàn hơn. Cha anh được chuyển đến học ở Tân Ðịnh cho đến năm 1947 mới quay trở lại trường Pétrus Ký. Mãi hơn hai mươi năm sau, đứa con trai thứ ba của ông mới thi vào trường Pétrus Ký niên khoá 1970-1971. Trong khi đó, cha anh lúc đó đã là một giáo sư dạy ở Viện Quốc gia Hành chánh.

Trường Pétrus Ký xây xong năm 1927 trên phần đất rộng chung quanh khu vực còn là đồng trống lau sậy (Ảnh: Tài liệu)

Thời gian cha anh còn là học sinh trung học Pétrus Ký, ông tận mắt chứng kiến bao cuộc đổi thay không chỉ của ngôi trường mà cả các cuộc chính biến kể cả sự phát triển của Sài Gòn, thay hình đổi dạng từng ngày. Ông nhớ hai ngày thi ngắn ngủi tại toà nhà hai tầng trong trường, chung quanh toàn là đồng không mông quạnh, dê bò chăn thả đầy đồng. Khu vực trường toạ lạc nằm giữa hai vùng Sài Gòn và Chợ Lớn, gò cao đồng trũng, ao đầm hiện ra giữa các con đường còn trải đất đá quanh trường. Ở phía góc ngã tư đường đất mà sau này là Trần Bình Trọng và Trần Hưng Ðạo có ngôi nhà gỗ và lăng mộ của ông Trương Vĩnh Ký tức Pétrus Ký lập nên tên của trường. Thuở nhỏ ông thường đọc sách của ông Trương Vĩnh Ký mới biết mặc dầu làm việc cho Pháp, nghiên cứu văn hoá Ðông Tây, nhà văn, nhà giáo, nhà báo (chủ biên tờ Gia Ðịnh báo) và được Viện Hàn Lâm Pháp phong danh hiệu nhưng ông Trương Vĩnh Ký là một con người luôn giữ tâm hồn thuần Việt. Ban đầu nhiều người nhầm lẫn Pétrus Ký mang tên Tây chắc là nhập tịch Pháp. Pétrus Ký (Pétrus Trương Vĩnh Ký) chẳng qua là tên ngắn gọn từ cái tên Thánh Jean-Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký khi ông theo học trường đạo ở Penang (Malaysia).

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Trong cuốn sách nhỏ Người Sài Gòn, nhà văn Sơn Nam viết: “Trương Vĩnh Ký, nhà học giả có tầm cỡ trong bối cảnh Sài Gòn cuối thế kỷ 19 đã gây được sự mến mộ nhờ phong cách bình dân, áo dài đen, đi giày hàm ếch, khăn đóng, đặc biệt là hớt tóc… Bài thơ sau cùng của ông nhằm tự phán xét: “Học thức gởi tên con sách nát. Công danh rốt cuộc cái quan tài… Cuốn sổ bình sanh, công với tội. Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”. Ðương thời, Trương Vĩnh Ký không xin nhập quốc tịch Pháp…”.

Ông là người giỏi tiếng Pháp, tấm lòng của ông vẫn là một người con dân nước Việt, giữ đạo đức, phẩm hạnh của một người Việt theo luân lý Khổng Mạnh. Nói chung không chỉ nhiều người trong nước yêu mến ông mà cả người Pháp trí thức cũng yêu mến ông không kém.

Lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn trong khuôn viên trường năm 1950 (Ảnh: Tài liệu)

Chính vì vậy mà bức tượng toàn thân và bán thân của ông đã được nhà điêu khắc Sylve Raffegeard thực hiện từ năm 1889 tức là lúc ông còn sống. Mặc dù thời gian này, chính quyền thuộc địa Pháp tỏ thái độ không còn ưu ái ông nữa, trường thông ngôn của Trương Vĩnh Ký phải đóng cửa, ông lui về sống ẩn dật tại nhà, cuối cùng lâm bệnh và mất vào năm 1898.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Bức tượng toàn thân Trương Vĩnh Ký đầu đội khăn, mặc áo dài thâm đứng trên bệ đá cao được trang trọng đặt tại vườn hoa trước Dinh Norodom (nay là Dinh Ðộc Lập) năm 1927 (hiện nay được lưu tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật). Riêng tượng bán thân được dựng ở sân trường vào năm 1937 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của học giả Trương Vĩnh Ký (nay bức tượng còn giữ tại phòng truyền thống trường trung học Lê Hồng Phong tức Pétrus Ký ngày xưa). Ngoài ra còn một bức tượng bán thân khác đúc bằng xi măng, sơn đen giả đồng đặt trong lăng mộ của gia đình ông Trương Vĩnh Ký cũng vào năm 1937. Về sau bức tượng này bị kẻ trộm lấy mất.

Trở lại chuyện cha của người bạn tôi trở lại trường vào năm 1947 để tiếp tục lớp đệ ngũ cho đến khi đỗ tú tài. “Vào thời gian này, Bộ Giáo dục trưng dụng một phần cơ sở của trường tôi để làm Trung tâm 2 trường Cao đẳng Khoa học thuộc Viện Ðại học Ðông Dương trên đường Nancy (nay là ÐH Khoa học Tự nhiên đường Nguyễn Văn Cừ).

Tiếp đến một sự kiện chấn động toàn Nam Kỳ vào đầu năm 1950. Ðó là cuộc biểu tình của sinh viên học sinh Sài Gòn chống lại chính quyền thuộc địa. Trong cuộc biểu tình có cả người Pháp tham gia nữa. Học sinh trường Pétrus Ký tham gia rất đông, nhất là học sinh các lớp lớn đệ nhất cấp cùng các trường khác như Võ Trường Toản kéo về biểu tình ở khu vực Dinh Thống Ðốc, vườn Bờ-rô. Cảnh sát đàn áp cuộc biểu tình, bắn trúng anh học trò Trần Văn Ơn của trường Pétrus Ký tử thương.

Cổng trường Pétrus Ký năm 1972 vẫn còn khắc hai câu đối vào năm 1950 nói lên tinh thần học tập của ông Trương Vĩnh Ký (Ảnh Tài liệu)

Ðây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi tham dự tang lễ của trò Ơn tại trường trong khi linh cữu anh được gia đình để tại Nhà vĩnh biệt trên đường Thuận Kiều.

Cuộc truy điệu lớn khủng khiếp, sinh viên học sinh khắp Sài Gòn, kể cả các giáo sư khắp nơi đều có mặt. Báo chí lớn nhỏ đều đưa phóng sự một sự kiện lớn của sinh viên học sinh đấu tranh chống chính quyền thuộc địa Pháp. Cuộc đấu tranh được hưởng ứng kể cả người Hoa, người Ấn sống tại Sài Gòn Chợ Lớn cùng nhau bãi thị, ngưng buôn bán suốt ba ngày, phong trào lan rộng tới các tỉnh ở Nam Kỳ, cha mẹ tôi khăn gói lên Sài Gòn một thời gian ngắn để trông chừng, khuyên nhủ tôi tuổi nhỏ nên lấy chuyện học hành làm trọng”.

Cũng vào niên học năm 1950-1951, sau sự kiện trò Ơn, để khẳng định tinh thần học tập của học giả Trương Vĩnh Ký, thầy Ưng Thiều, giáo sư môn Hán văn của trường viết hai câu đối, được ông hiệu trưởng Phạm Văn Còn cho khắc trước cổng trường để nêu rõ quan điểm giáo dục học sinh của trường về đạo đức và trí dục như sau: “Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt / Tây Âu khoa học yếu minh tâm”.

Còn anh bạn tôi vào Pétrus Ký niên khoá 1970-1971 trong giai đoạn chính trị xã hội tương đối bình yên, ngoại trừ anh thấy bức tượng bán thân của ông Pétrus Ký trên sân trường, bên má trái bị một vết lõm tròn. Vết lõm này là do đạn bắn trúng không biết từ bên nào giữa quân đội của TT. Diệm tấn công nhóm quân Bình Xuyên của Bảy Viễn chiếm trường cố thủ. Hai câu đối khắc hai bên cột cổng trường vẫn còn cho đến sau năm 1975 khi trường chỉnh trang lại một vài cơ sở bên trong, cổng chính được phá bỏ xây mới.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

TN

Fort Worth, TX