Hiếm người biết được, trước khi trở thành nhà đầu tư địa ốc trên khắp các con phố Sài Gòn cách nay trăm năm, gia đình Hui Bon Hoa (chú Hoả) còn là chủ nhân của hệ thống tiệm cầm đồ ở Chợ Lớn. Mãi đến sau 1945, nghề cầm đồ mới được số ít người Việt học hỏi tham gia.

Phố Hàng Chiều Hà Nội có nhà Vạn Bảo là tiệm cầm đồ mà nhà văn Tô Hoài có nhắc tới (góc bên phải) (Nguồn: Tài liệu)  

Ðiều này dễ hiểu, người Hoa có “máu” làm ăn buôn bán và biết giữ chữ tín nên bất cứ chuyện bán buôn gì từ nhỏ đến lớn, họ đều không kén chọn. Theo lịch sử, nghề cầm đồ, xuất hiện tại Trung Quốc cách nay hơn 3000 năm. Và không chỉ tại nước Tàu, chuyện người ta cần tiền cầm cố đồ vật coi như một khoản vay có lãi trong một thời hạn nhất định cũng xuất hiện ở phương Tây từ rất xa xưa như Hy Lạp và La Mã cổ đại. Thậm chí vua Edward III của nước Anh đã đem cầm cố trang sức để gây quỹ trong chiến tranh với Pháp. Vua Henry V cũng làm điều tương tự. Nữ hoàng Isabella của Tây Ban Nha từng cầm cố trang sức của bà để tài trợ cho chuyến đi đầu tiên của Christopher Columbus đến Tân Thế Giới.

Trên đường vi vu cùng anh bạn du lịch sang Mỹ chơi, chạy ngang một tiệm cầm đồ (pawn shop) bày biện trước cửa đủ thứ máy móc dùng trong gia đình, cho đến chiếc xe đạp và cả xe mô tô, tôi gợi ý anh nói về dịch vụ cầm đồ nghe chơi cho thêm biết chuyện. Và cũng trả lời câu hỏi của anh rằng ở xứ này, hệ thống tiệm cầm đồ hoạt động khá nhiều, có cả một hiệp hội nghề cầm đồ. Tiệm cầm đồ nhận bất cứ món hàng nào còn có giá trị dù ít hay nhiều, từ các công cụ trong nhà cho đến hàng điện tử, trang sức và cả kim cương. Ðôi khi khách lại muốn bán luôn món hàng, chủ tiệm cũng mua với giá rẻ để bán ra. Và thường những món hàng cầm cố người ta không chuộc lại, sau thời gian ấn định họ đem ra bán cho những ai cần đến.

Trước 1975, gia đình cha mẹ anh có một tiệm cầm đồ ở khu vực bên hông bưu điện quận 5. Khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền vay khi cầm cố lại tài sản hoặc các loại giấy tờ có giá. Lãi suất trong hoạt động cầm đồ thường được thỏa thuận bởi hai bên. Tuy nhiên, trong thực tế thì lãi suất do bên cung cấp dịch vụ cầm đồ ấn định vì những người đi cầm đồ thường có khó khăn về kinh tế, cần gấp một khoản tiền hoặc muốn tiêu thụ tài sản một cách nhanh chóng nên không có ưu thế trong thỏa thuận. Sau một thời hạn được ấn định trong giấy cầm đồ, người đem cầm cố không đến chuộc đồ thì xem như tài sản đó thuộc về tiệm cầm đồ.

Xem thêm:   Đông dược

Nói chung hình thức và phương cách hoạt động tiệm cầm đồ ở xứ ta hay xứ người gần giống như nhau. Tiền lãi từ những món hàng trong thời gian cầm cố khá nhiều. Có thể hiểu nôm na là cho vay có thời hạn với lãi suất cao.

Ảnh minh hoạ, Khu Dân Sinh, nơi ngày xưa từng có nhiều tiệm cầm đồ (Nguồn: Internet)

Anh bạn giải thích thêm khi đoán “ẩn ý” trong chữ lãi suất cao (có khác gì cho vay nặng lãi) đối với những người đang túng quẫn tiền bạc. Tiệm cầm đồ chẳng qua giúp họ đổi giá trị món hàng ra tiền mặt mà họ không thể đem bán với giá rẻ mạt. Họ không có điều kiện hoặc không muốn vay mượn của bạn bè, người thân. Thật đáng tiếc những người đem đồ cầm cố, thường là những người nghèo hoặc sa cơ vào bài bạc, hút xách. Những người đó có thể là kẻ đáng thương trong cuộc sống xã hội đầy nhiễu nhương. Nhưng dịch vụ cầm đồ khác cho vay nặng lãi là sau thời hạn cầm cố, nếu họ không có điều kiện chuộc lại xem như họ mất món đồ. Còn lãi suất cho vay, lãi mẹ đẻ lãi con, như tình trạng mượn tiền từ thẻ tín dụng, tiền lãi cứ chồng chất mãi.

Dù sao đi nữa, khi người ta nghe nói đến tiệm cầm đồ đều có một chút gì đó dị ứng với cái nghề này. Có lần, sau thời gian làm ăn tích luỹ được số vốn, ba người bạn tôi muốn mở một tiệm cầm đồ gần casino. Ông nghĩ đơn giản, nghề này một vốn bốn lời, đầu nào cũng lời, cầm đồ hoặc mua đứt món hàng của người say mê đỏ đen đang khát tiền gỡ gạc. Nhưng bà vợ cản ngăn không cho làm nghề này, thậm chí còn cho đó là một nghề “thất đức”.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Tôi đọc đâu đó trong truyện của một tác giả nhắc đến nhà văn Tô Hoài với suy nghĩ về tiệm cầm đồ Vạn Bảo ở phố Hàng Chiếu thời Pháp thuộc: Cùng với việc quy hoạch, xây dựng đường phố, Hàng Chiếu được nhiều người Pháp đầu tư tiền của vào kinh doanh. Tại đây có nhà máy chuyên may quân phục cho lính thuộc địa, hãng buôn hàng xuất nhập cảng và đặc biệt trong phố có một tòa nhà để lại nhiều vết dơ cùng sự đau khổ cho người dân khi ấy.

Ðó là tòa nhà Vạn Bảo của người Hoa thuê lại từ người Pháp dùng làm nơi chuyên cầm cố đồ với lãi suất cắt cổ. Thôi thì mọi thứ, từ kim cương cho đến cái quần còn lành lặn cũng được mang đi cầm cố. Nhà văn Tô Hoài kể một câu chuyện cay đắng khi theo người dì của mình đi cầm đồ, những bàn tay gầy guộc từ bên trong ngôi nhà tối om, thò ra cầm lấy món đồ, và cũng một bàn tay xương xẩu, im lìm đó chìa ra mấy đồng bạc lẻ, cái giấy biên nhận. Nó kinh khủng hơn một nơi cầm đồ, nhà cầm cố giống như một nơi mua bán linh hồn, những thứ quý giá nhất của người ta bị tước bỏ vì đói khát quá…

Chợ cá (bưu điện quận 5 ngày nay) ở hai đường bên hông chợ ngày trước có nhiều tiệm cầm đồ (Nguồn: AAVH)

Nhà Vạn Bảo nay vẫn còn, tôi đã đi thật chậm trên đường phố để nhìn ngắm ngôi nhà đó, cái dấu vết bi thương một thời vẫn còn, nhếch nhác và bụi bặm. Ðó là một ngôi nhà ba gian rất rộng, một mặt quay ra Hàng Chiếu, một mặt tiếp giáp với Hàng Giầy. Tất nhiên sau này ngôi nhà đã được chỉnh trang và trên trán tòa nhà vàng ệch nhuốm màu thời gian ấy vẫn còn hàng chữ nổi đắp bằng xi măng đáng chú ý: “Mậu dịch quốc doanh, cửa hàng lương thực Hà Nội”. Những mẫu chữ của một thời đã rơi rụng đi nhiều, nhà Vạn Bảo nay đã bị chia thành nhiều ô riêng để kinh doanh đủ các mặt hàng.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Những ngày ấy, khi người dân túng đói quá, phải cầm cố mọi thứ để có cái ăn. Mà nếu không còn đồ cầm cố nữa thì đi làm thuê, hầu hạ nhà giàu, quan Tây, làm con sen, thằng bếp hoặc bất cứ việc gì kiếm được miếng ăn.

Ðó là ý của tác giả, riêng tôi trước đây viết bài Khu Dân Sinh có nhắc một chút về chuyện hình thành các tiệm cầm đồ tại khu vực này sau năm 1954, tức là thời điểm các sòng bài Kim Chung ở khu vực Cầu Muối và một sòng Kim Chung khác ở khu vực gần Bưu điện quận 5, cũng như sòng bài Ðại Thế Giới bị nhà nước đóng cửa. Vào khoảng thời gian này, dân tứ xứ đổ về Sài Gòn sinh sống rất nhiều, nhất là tìm đến khu vực Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh. Một số người mở tiệm cầm đồ kiếm sống vì khu vực này tập trung hầu hết là dân nghèo, làm thuê, làm phu phen ở các chợ hoặc các vựa hàng dọc theo kênh Bến Nghé. Ngoài tiệm cầm đồ, còn có không ít cá nhân sống bằng nghề cho vay có thế chấp món hàng có giá trị. Dần dà nơi này là “lãnh địa” của giới cầm đồ, sau khi người cầm không có tiền chuộc lại thì chủ cầm đồ bỏ ra bán tháo bán đổ để thu hồi vốn. Từ đó, người có đầu óc làm ăn đứng ra thu mua mọi thứ của người bán vì cần tiền,  người phải dọn nhà đi xa không tiện mang theo đồ lỉnh kỉnh, hay người không có nhu cầu sử dụng một vật gì nữa đều mang đồ đến đây để bán lại. Và rồi hình thành khu Chợ Dân Sinh mua bán đủ thứ hằm bà lằng.

“Nghề nào cũng là nghề kiếm sống, miễn không vi phạm pháp luật là được”. Anh bạn nói bâng quơ và cho biết thêm, gia đình từ Hà Nội di cư vào Sài Gòn năm 1954, sáu năm sau cha mẹ anh dọn về ở quận 5 dùng tiền dành dụm mua dứt tiệm cầm đồ của một gia đình người Hoa nghe đâu hồi trước thuộc gia đình chú Hoả. Tiệm làm ăn khấm khá, khách cầm đồ toàn là người Hoa, hiếm khi thấy người Việt. Họ chuộc đồ đúng hạn, hầu hết là đồ có giá trị. Sau năm 1975, tiệm nhà anh đóng cửa, chuyển sang nghề khác. Ngày nay, tiệm cầm đồ mọc lên san sát. Ðúng là buôn có bạn bán có phường, nhất là ở quận 6 và quận 8.

Sau năm 1975, hệ thống tiệm cầm đồ bị cấm hoạt động, ngày nay tiệm cầm đồ mọc lên như nấm (Ảnh: Internet)

TN