Nhiếp ảnh gia người Singapore Willy Foo chia sẻ trên Facebook đoạn video mô tả chi tiết quá trình đóng sách hồi xưa, thu hút hơn 9 triệu lượt xem. Công việc đóng sách đều được làm bằng tay, và cuốn sách trông rất mỹ thuật. Điều này cho thấy, nghề đóng sách ngày nay tuy mai một nhưng có rất nhiều người mê sách quan tâm.

Những cuốn sách đặc biệt được đóng bìa cẩn thận (Ảnh: Internet)   

Nói về chuyện đóng bìa sách làm tôi nhớ đến thằng Liêm ở xóm nhà cháy của tôi. Liêm trạc tuổi tôi hồi bắt đầu vào năm lớp đệ thất. Sở thích chung của cả hai là thích nuôi gà chọi. Thằng này có tay nuôi. Gà ô, gà nhạn, con nào cũng mang bộ lông đen trắng mượt mà thấy mê và mấy con gà mái đẻ đều đều ấp ra những chú gà con khoẻ mạnh. Nhiều lần tôi sang nhà Liêm, chờ xem gà con lớn lên chừng tháng tuổi để mua một cặp về nuôi chơi. Ðến nhà bạn, mới biết anh Hai của nó chuyên nghề đóng bìa sách mới cho nhà in và làm lại bìa những cuốn sách cũ cho khách có nhu cầu.

Ban đầu tôi không để ý lắm đến công việc này nhưng có lần ông nội tôi nhờ tôi qua nhà anh Tâm (anh Hai của Liêm) lấy một số sách ông nội đặt làm bìa cứng bọc vải xanh dương về giùm thì tôi mới biết, số sách đó chỉ toàn truyện kiếm hiệp xuất bản năm 1914 đến 1920. Nhà ông nội tôi có một tủ sách (nói là sách chứ toàn là những bộ truyện kiếm hiệp, phong thần). Không biết tủ truyện này, ông nội tôi lưu trữ hồi nào mà có đến vài trăm quyển. Có cuốn được đóng bìa cứng, có cuốn bìa mềm, giấy úa vàng theo năm tháng. Thỉnh thoảng, ông nội tôi đem sách cũ ra xem lại bìa gáy ra sao, nếu có hư hỏng thì gom lại đem sang nhà anh Tâm nhờ làm mới.

Anh Tâm người nhỏ con hiền lành có cô vợ cũng hiền lành. Nhà rất chật chội nằm trên một góc xẻo đất sau lưng nhà ông nội tôi. Căn nhà nhỏ thiếu ánh sáng, có chút tối tăm ấy thế mà có đến sáu con người lớn nhỏ sinh sống trong đó. Ấy là chưa kể đến má anh, ngồi trên cái kệ nhỏ dựa lưng trên tường, lúc nào cũng có hương khói ấm cúng. Ba anh làm cảnh sát, sáng đi tối về cũng hiền lành ít nói. Một góc của phòng khách nhỏ đặt cái bàn lớn làm công việc đóng sách. Trên đó nào là bàn cắt giấy, dùi sắt các loại, kẹp ép, keo dán, khuôn chữ bằng đồng và tất nhiên là bìa sách mới chờ đóng gáy cho nhà in và mấy quyển sách cũ tróc gáy, sổ bìa chờ làm mới.

Một số dụng cụ dùng trong nghề đóng bìa sách bằng thủ công (Ảnh: Epoch Times)

Ðóng bìa sách mới là công việc thu nhập chính của anh, bên cạnh đó rảnh rỗi anh nhận làm thêm làm lại bìa sách cũ hư hỏng, rách gáy làm lại cho thành mới toanh. Bìa sách có đủ loại, nhưng đa phần là bọc vải thường, chữ in sơn màu hoặc chữ in bằng giấy kim tuyến vàng. Loại chữ in bằng kim tuyến vàng cũng thỉnh thoảng có khách đặt hàng. Mỗi khi anh nhận làm loại này là khi đó chúng tôi có những con diều đuôi dài thòng bằng dây băng kim tuyến vàng lấp lánh dưới bầu trời nắng nhẹ.

Xem thêm:   Đông dược

Từng giai đoạn sách thực hiện ra sao thì tôi không chú tâm lắm (tôi chỉ chú tâm đến đám gà con đang trổ mã của Liêm em anh Tâm). Chỉ biết đó không phải là công việc gia truyền trong gia đình anh vì ba anh làm cảnh sát. Không biết anh học nghề này từ đâu và tại sao lại chọn việc ít người làm này để mưu sinh. Việc đóng bìa sách thuở đầu thập niên 1970 không phải là nghề nghiệp phổ biến. Tuy vậy, nó cũng được xếp loại là một nghề như bao nghề khác. Theo Tự điển phân loại nghề nghiệp Việt Nam quyển 2 (Bộ Lao động VNCH 1973) là nghề có mã số 9-26, bao gồm đóng sách và tạp chí bằng tay hay bằng máy đóng sách. Họ lắp khuôn chữ hay hình vào cần in, nung nóng cần in, đặt giấy sáp hoá học lên vị trí ấn định, ép cần in lên giấy sáp hoá học (giấy sáp có màu sắc khác nhau như vàng, bạc…).

Sau này, tôi đọc vài bài báo nói về nghề đóng sách và làm bìa sách mới biết, nghề này không được coi là một nghề truyền thống ở Việt Nam. Nó có xuất xứ đâu tận bên Trung Ðông và các nước Châu Âu, nhất là Pháp. Hồi thuở đất nước mình còn dưới chế độ thuộc địa, người Pháp từng mở nhà in và đóng bìa sách cho các loại sách cần được giữ gìn tốt hơn bởi xứ nhiệt đới nóng ẩm quanh năm dễ làm sách hư hỏng. Hơn nữa, nhiều loại tài liệu quan trọng của chính phủ cần được đóng bìa giữ gìn tốt để thế hệ sau còn tham khảo. Sách hồi xưa được đóng bìa bằng da thuộc (da dê, da cừu), sau này là vải dày và giả da simili.

Sách cũ chuẩn bị được đóng bìa sau khi khâu lại gáy sách. (Ảnh: Internet)

Tác giả Phạm Công Luận nhận xét trong một bài biên khảo “Ðóng sách đẹp, nghề mai một” rằng: “Thời Trung cổ ở phương Tây, sách đã bắt đầu được đóng tỉ mỉ, tính mỹ thuật cao nếu qua tay một nghệ nhân giỏi. Các nhà sưu tầm sau này săn lùng chúng trong các hàng sách hiếm, các phiên đấu giá và họ xem chúng là bảo vật. Họ sưu tầm những bìa sách đóng bằng da dê thuộc (maroquin) hay da cừu thuộc (vélin), bìa bằng gỗ hay da in hình nổi, bìa sơn hay khảm, bìa làm theo những hình thức đặc biệt, sách đựng trong hộp hình trái tim… có người tiêu phí những món tiền khổng lồ để mạ vàng và trang trí bìa sách bằng da dê.

Ở Việt Nam chắc chắn chưa có một ngành nghề đóng sách đạt tới mức tinh tế và cao cấp như vậy. Người Pháp sống ở Việt Nam trước 1954 có nhu cầu bọc sách bằng bìa da chắc cũng chấp nhận trình độ đóng sách đủ để  giữ gìn cuốn sách chắc chắn trong khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, hơn là đòi hỏi mức độ mỹ thuật điêu luyện như ở chính quốc của họ. Giới đóng sách mua da nhập từ nước ngoài, mua da thuộc của người Hoa trong Chợ Lớn để phục vụ cho khách đóng sách đa số là dân Tây và những người Việt có học, hoặc đang làm việc cho Pháp…

Người Pháp mở đầu mua vải thổ cẩm trên Ðà Lạt, Ban Mê Thuột về bọc sách. Vải thổ cẩm có sợi chỉ nổi, nhiều màu, tạo sắc thái lạ tuy không bền bằng da. Những thợ đóng sách lớn tuổi ở Sài Gòn nhận xét, người Pháp thích sách bìa da, mạ chữ vàng, làm gân kỹ lưỡng. Những người Mỹ ở Việt Nam trong suốt thời gian trước 1975 không chú trọng việc này.

Ðâu còn mấy dấu vết của nghề đóng sách xa xưa ở Sài Gòn.

Sách đã được đóng bìa mới (Ảnh: Epoch Times)

Sau này, vào năm 1991 lần đầu tôi mua nhà chuyển về quận Tân Phú rời xa xóm cũ, có ghé đến thăm Liêm đã lập gia đình ra riêng. Liêm cho biết ba bạn qua đời sau khi học tập cải tạo trở về một năm. Anh Tâm thừa kế căn nhà vẫn làm việc đóng bìa sách lai rai cho những người sưu tập sách. Công việc ít hơn hồi trước nhiều, anh phải làm thêm việc chạy xe Honda ôm kiếm sống qua ngày.

Xem thêm:   Andropov & Lenin

Bạn kể, hồi trước anh Tâm đúng ra không làm nghề đóng sách và làm bìa sách, ảnh định đi lính nhưng ba bảo anh nên học một nghề gì đó và ba có người quen làm việc ở một cơ sở in ấn và đóng bìa sách trên đường Cô Giang quận 1. Anh Hai nghe lời ba đi học và làm việc ở đó đâu mất chừng bốn năm. Khi anh lập gia đình mới quyết định nghỉ việc về nhà nhận làm gia công và nhận thêm việc sửa chữa đóng lại bìa sách cũ do có nhiều khách đặt hàng.

Việc anh Tâm học và làm việc đóng và làm bìa sách ở nhà in trên đường Cô Giang không biết có liên quan gì đến nhà in và đóng sách Nguyễn Văn Châu mà tác giả Phạm Công Luận có nhắc đến về nghề nghiệp đóng bìa sách của người em họ của ông là bà Trần Thị Hai, còn gọi là Bà Hai Công Lý, một người mà giới xuất bản, chơi sách trước 1975 đều biết tiếng. Và bà cùng chồng làm việc cho ông Châu từ trước 1945?

TN