Du lịch là chuyện trong mơ đối với dân chúng Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc. Sau đó là chiến tranh triền miên nên ngành du lịch tuy có những kế hoạch nhưng không mấy tiến triển.

Poster cổ động du lịch thời Pháp thuộc (Ảnh: mythuats.com)  

Những thập niên đầu thế kỷ XX, chính quyền Pháp đã hình thành cơ quan quản lý và phát triển du lịch gọi là Nha Du lịch ở Liên bang Ðông Dương (Tonkin – Bắc kỳ, Annam – Trung kỳ, Cochinchine – Nam kỳ, Cao Miên và Lào). Với ngành du lịch, Ðà Lạt thuở đó được xem như thủ đô nghỉ mát mùa hè của cả Ðông Dương dành cho giới cầm quyền Pháp.

Như nói ở trên, du lịch trong giai đoạn này chỉ dành cho giới cầm quyền hoặc một số khách ngoại quốc muốn đến Ðông Dương tìm hiểu cuộc sống và sinh hoạt người dân xứ thuộc địa. Trước đó, một số ít khách du lịch ngoại quốc (chủ yếu là người Pháp) giàu có hoặc một vài nhà nghiên cứu văn hoá thường đến Ðông Dương để khám phá những điều mới lạ của xứ thuộc địa phương Ðông. Khách du lịch thường tìm đến Hà Nội, Huế, Sài Gòn hay những bãi biển tràn đầy ánh nắng như Sầm Sơn, Nha Trang, Cấp (Vũng Tàu), hoặc những vùng núi Tây nguyên hữu tình như Ðà Lạt. Ðặc biệt nhất ở Trung kỳ là khu vực Kinh thành Huế hiển nhiên trở thành một điểm du lịch được giới thiệu nhiều nhất.

Tuy chủ quyền đất nước đã mất vào tay thực dân Pháp, nhưng phần lớn sinh hoạt lễ nghi truyền thống của triều Nguyễn trong Hoàng thành vẫn giữ được tính nghiêm trang, và cuộc sống của Hoàng gia trong chốn thâm cung vẫn được bảo mật để tránh những cặp mắt hiếu kỳ từ bên ngoài. Cho nên, phạm vi xem danh lam thắng cảnh của du khách đã được triều đình giới hạn từ điện Cần Chánh và điện Phụng Tiên trở ra phía trước Hoàng thành, bao gồm: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, phủ Nội Vụ, Thái Miếu, Triệu Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu và điện Phụng Tiên.

Poster cổ động du lịch nước ngoài thời VNCH bằng máy bay Boeing 727 Sài Gòn – Paris (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, để cổ động mạnh hơn cho hoạt động du lịch ở Huế, chính quyền Pháp bấy giờ đã biên soạn và phát hành nhiều ấn phẩm thuộc loại sách mỏng (brochure) hoặc tập gấp (dépliant). Cụ thể nhất là: Vào năm 1931, Phủ Toàn quyền Ðông Dương đã ấn hành quyển Hue ville impériale (Huế, thành phố Hoàng gia) cỡ 21x33cm, dày 22 trang, gồm lời giới thiệu, 14 ảnh minh họa và 4 sơ đồ hướng dẫn du lịch. Vào năm 1935, Phòng Du lịch Trung Kỳ đóng tại Tòa Khâm sứ Huế ấn hành một loạt tập gấp, mỗi tập giới thiệu một hoặc hai tỉnh thuộc miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và Cao nguyên Trung phần như Kontum, Pleiku, Ðồng Nai Thượng, Ðà Lạt; trong số đó có một tập dành riêng giới thiệu về du lịch tỉnh Thừa Thiên. Tập gấp cỡ 23x11cm, gồm 8 trang, trong đó có ba sơ đồ, nhưng phần lớn là lời giới thiệu, cung cấp những thông tin cần thiết cho du khách khi đến tỉnh này. Các tác giả của tập gấp đã đưa ra ba chương trình du lịch khác nhau (chương trình du ngoạn 1 ngày, chương trình 2 ngày và 3 ngày) để du khách tự ý lựa chọn tùy theo thời gian mình lưu trú tại Huế ngắn hay dài.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Ngành Du lịch tại Việt Nam chính thức có mặt khi Quốc trưởng Bảo Ðại cho lập Sở Du lịch Quốc gia vào ngày 5 tháng Sáu năm 1951. Chuyển tiếp sang thời kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Nha Quốc gia Du lịch điều hành việc phát triển du lịch trong nước ở phía Nam vĩ tuyến 17 cùng tăng cường hợp tác quốc tế như việc gửi phái đoàn tham dự Hội nghị Du lịch Quốc tế ở Brussels năm 1958.

Khách đến du lịch Đà Lạt năm 1969 (Ảnh: Internet)

Trong một bài biên khảo về ngành du lịch VN trước 1975, tác giả Phạm Công Luận đưa ra một vài chi tiết khá thú vị. Tôi xin trích lại một vài đoạn như sau:

Năm 1959, có một công ty du lịch hình thành và có thể coi là công ty đầu tiên chuyên làm du lịch của người Việt. Ông chủ đầu tư là ông Nguyễn Văn Liêm, chủ hãng phim Hoàn Kiếm chuyên nhập phim Nhật và cũng là chủ nhân hai nhà hàng nổi tiếng là La Pagoda và nhà hàng Tự Do ở trung tâm Sài Gòn. Sau khi hình thành, ông mời ông Nguyễn Danh Xương làm giám đốc, đạo diễn Kha Thuỳ Châu làm phụ tá và diễn viên điện ảnh Ðoàn Châu Mậu phụ trách về giao tế. Công ty lấy tên là Saigon Service Center (S.S.C) chuyên về du lịch, đặt trụ sở tại đường Ngô Ðức Kế, quận 1. Lúc đó Sài Gòn sau khi ký Hiệp định Geneva vài năm đang còn ổn định, chiến tranh chưa lan rộng, ông Nguyễn Văn Liêm có tầm nhìn xa, nghĩ là tình hình sẽ thay đổi, người Mỹ và người nước ngoài sẽ vào miền Nam nhiều hơn để làm ăn nên muốn đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ du lịch cho người nước ngoài và cả người Việt khá giả. Còn thực tại thì khách đi du lịch không nhiều, đa số là người có máu mặt, người Việt gốc Hoa và phụ nữ là những đối tượng dễ xin phép ra nước ngoài lúc đó.

Do mới mở nên khách mua dịch vụ lai rai, không ồ ạt. Lúc đó, công ty còn nghĩ đến một kế hoạch táo bạo hơn. Thế là sau khi suy tính, cố vấn phụ trách giao tế là ông Ðoàn Châu Mậu gửi một lá thư bằng tiếng Anh cho ông Hugh Hefner, chủ tạp chí Playboy chuyên dành cho đàn ông nổi tiếng của Mỹ. Thư đề nghị công ty ông Hefner liên doanh với S.S.C vào dự án xây dựng một Sandy Club, khu du lịch có bãi tắm tiên dành cho người nước ngoài tại đảo Thổ Chu (phía tây nam đảo Phú Quốc). Khu du lịch trên hòn đảo hẻo lánh này, ắt sẽ thoả mãn những điều kiện du lịch phóng khoáng nhất mà người nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ ưa thích, như bãi “tắm tiên” theo cách gọi bây giờ.

Bức thư gửi đi Mỹ, không biết mấy tuần sau và cũng không chắc được phản hồi. Ai ngờ, một thời gian sau, có một người Mỹ tên là Clinton, đại diện ông Hufner bay qua Sài Gòn và tìm đến Văn phòng Chánh phủ VNCH tìm hiểu điều kiện đầu tư việc mở du lịch liên doanh với công ty S.S.C tại đảo Thổ Chu. Tin đến tai Tổng thống Ngô Ðình Diệm, vốn là một người công giáo gốc phong kiến. Ông nổi trận lôi đình, đòi bắt bỏ tù ai dám thảo thư mời chủ báo Playboy mở loại công ty du lịch như vậy…”.

Cấp (Vũng Tàu) là điểm đến du lịch tắm biển của nhiều cá nhân vào năm 1970 (Ảnh: Internet)

Năm 1961 Nha Du lịch cổ động du lịch thăm viếng Ðông Dương với ba điểm chính: Nha Trang, Ðà Lạt và Vũng Tàu. Vì chiến cuộc và thiếu an ninh ngành du lịch bị hạn chế. Ðến năm 1963 công ty S.S.C của ông Nguyễn Văn Liêm chính thức bị phá sản. Ngành du lịch Việt Nam gần như rơi vào bế tắc, kinh phí nhà nước hỗ trợ tuyên truyền cổ động rất eo hẹp. Sau khi thiết lập nền đệ Nhị VNCH, ngành du lịch bắt đầu manh nha trở lại nhưng vẫn còn yếu, du lịch nội địa vẫn chưa phát triển. Chủ yếu là khách du lịch nước ngoài vào Sài Gòn.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Trong luận văn cao học kinh tế “Du lịch kỹ nghệ đệ tam đẳng tại Việt Nam” của sinh viên Lê Thái Khương khoá 1964-1967 Học viện Quốc gia Hành chánh đánh giá hiện trạng thực tế và tiềm năng cũng như đề xuất ý tưởng xây dựng một ngành du lịch nước nhà phát triển. Với hệ thống khách sạn tại khắp các tỉnh và đô thành Sài Gòn có thể đáp ứng nhu cầu trú ngụ của du khách, cũng như các đường bay ra nước ngoài bằng Boeing 727 bắt đầu phát triển cùng cơ sở hạ tầng vui chơi giải trí, ăn uống, mua sắm hiện hữu tại Sài Gòn hấp dẫn du khách chi tiền hưởng thụ. Tuy nhiên, cuộc chiến bắt đầu lan rộng khắp nơi khiến du lịch không thể phát triển đồng đều ở các tỉnh, hầu hết khách ngoại quốc tập trung ở Sài Gòn, còn du lịch nội địa gần như chỉ có Vũng Tàu và Ðà Lạt là điểm đến với những du khách tự túc hoặc rất ít có tổ chức theo nhóm, đoàn thể.

Ngoài những trở ngại an ninh do chiến tranh còn có trở ngại kinh tế do tình trạng lạm phát mỗi năm một tăng. Nhất là khi hàng trăm ngàn lính Mỹ tiêu pha đồng lương thoải mái góp phần khiến vật giá và tỉ giá đô la làm đồng tiền Việt Nam càng ngày càng mất giá. Ông Phan Lương Hoan (phó Giám đốc Air Viet Nam rời chức vụ chuyển sang làm Giám đốc Nha Du lịch Quốc gia từng đề nghị xây dựng một trung tâm giải trí ở Ðà Lạt rất quy mô không thua gì khu giải trí Walker Hill ở Seoul, Hàn Quốc nhưng cũng không thực hiện được. Duy chỉ phát hành được bộ tem “Du lịch” ngày 12/7/1974 trước khi Sài Gòn thất thủ.

Xem thêm:   Dubai

TN