Hình ảnh những ngôi nhà mái ngói rêu phong cùng tiếng lóc cóc của những chuyến xe thổ mộ mỗi sáng trên đường ra chợ của người bán buôn, của người đi chợ, để lại trong lòng người cố cựu nhiều hoài niệm đẹp một thời bình yên nơi thôn dã.

Khung cảnh nên thơ bình yên bên cạnh dòng sông của vùng đất Hóc Môn (Ảnh: Tài liệu) 

Tôi tìm về ký ức xưa, cách đây khoảng 40 năm, khi chúng tôi được Viện Quy hoạch thành phố phân công về xã Nhị Bình thực hiện bản đồ hiện trạng huyện Hóc Môn. Khoảng thời gian ấy, cuộc sống kinh tế rất khó khăn nhưng người dân Hóc Môn rất hào phóng, tiếp nhận nuôi ăn nuôi ở “người của thành phố” về bước đầu khảo sát chuẩn bị cơ sở tài liệu cho dự án phát triển kinh tế xã hội, sau khi tách quận Hóc Môn của tỉnh Gia Ðịnh thành một huyện lỵ ngoại thành, cùng với các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Thủ Ðức, Nhà Bè và Duyên Hải.

Nhóm chúng tôi bốn người được về nhà má Tám Trầu sống rất thoải mái, trong khi những đồng nghiệp khác được những gia đình cư dân lân cận tiếp nhận nhiều lắm là ba người. “Một chục đứa má còn lo nổi đừng nói chi bốn năm người. Ăn uống mấy con đừng lo. Nhà có ruộng, có gạo, có rau, có trứng gà trứng vịt, có gì ăn nấy để có sức mà đi đo đạc vẽ vời”. Tấm lòng chân chất của người sống miệt thôn quê sát thị thành rộng mở, giống như thuở xa xưa, khi những di dân từ đàng Ngoài vào Nam khai khẩn đất hoang.

Theo một số tài liệu thì địa danh “Hóc Môn” xuất hiện muộn nhất là từ đầu thế kỷ XIX. Ðến năm 1915, Hóc Môn là một trong bốn trạm hành chính của tỉnh Gia Ðịnh. Năm 1917 có quyết định đổi là quận Hóc Môn. Từ năm 1976 gọi là huyện Hóc Môn. “Môn” đúng là cây môn nước, vì ở Sài Gòn có nhiều địa danh tương tự: “rạch Môn” (Thủ Ðức); cầu và rạch “Bàu Môn”, xóm “Bưng Môn” (Củ Chi),… Còn “hóc” đồng nghĩa với từ xép, có nghĩa là “dòng nước nhỏ”. Ở thị trấn Hóc Môn còn con rạch nhỏ mang tên “Hóc Môn”. Rất nhiều khả năng tên rạch Hóc Môn có trước tên vùng Hóc Môn vì tên sông, rạch là những địa danh rất cổ.

Trước đó nữa vào thời Minh Mạng, vùng đất Hóc Môn có tên gọi huyện Bình Long thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh. Ðến khi thực dân Pháp chiếm được Gia Ðịnh, phân chia lại địa giới hành chánh, nhập Bình Long vào phủ Tây Ninh. Sau cuộc khởi nghĩa 18 thôn vườn trầu của Phan Văn Hớn (1885), chính quyền thuộc địa chính thức đổi tên huyện Bình Long thành quận Hóc Môn. Quận Hóc Môn giai đoạn 1885-1945 thuộc tỉnh Gia Ðịnh là một vùng đất rộng lớn bao gồm 4 tổng: Tổng Long Tuy Thượng, Tổng Long Tuy Hạ, Tổng Long Tuy Trung và Tổng Bình Thạnh Trung nằm trên địa bàn của 3 quận huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận 12 ngày nay.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Hóc Môn còn nhiều làng xã mang cái tên đẹp như Mười Tám Thôn Vườn Trầu, cái nôi của lưu dân miền Bắc và miền Trung từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp; lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu hình thành 06 thôn dần dần phát triển thành 18 thôn, trồng trầu cau làm kinh tế nông nghiệp. Ðến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu”.

Chợ Hóc Môn xưa (Nguồn: vi.wikipedia.org)

Mà đâu chỉ có nơi này người ta mới trồng trầu cau. Ngay xã Nhị Bình hồi tôi về công tác vẫn còn rất nhiều nhà trồng trầu cau soi bóng dọc theo sông Sài Gòn. Tôi không biết tên thật của má Tám Trầu mà chỉ gọi theo cách gọi của mấy người hàng xóm vì bà bán trầu cho mối lái đem đi bỏ mối ở Sài Gòn. Tôi nhắc lại tên gọi đời thường của bà với lòng tưởng nhớ người đã khuất mà mãi đến sau này, qua một vài người bạn đồng nghiệp tôi mới biết. Nhà má Tám Trầu có cả một vườn trầu ôm nọc cau thẳng tắp. Mỗi ngày bà đều hái một cần xé lá trầu cay chờ người thu mua đến lấy. Con cái nghe đâu có người ở bên Pháp thỉnh thoảng gởi tiền về giúp gia đình nhưng chưa bao giờ về quê hương thăm viếng. Bà sống với vợ chồng anh con trai Út nuôi cặp ngựa lai gây giống bán cho người ham mê ngựa đua.

Vào thời đó cuộc sống khó khăn, ăn cơm độn khoai lang, bột mì, bo bo vậy mà anh Út đem bo bo nuôi ngựa. Anh có toan tính riêng của mình: “Chờ thời ngựa đua khôi phục. Mấy chỗ chuyên nuôi ngựa đua ở Ðức Hoà gầy cả đàn ngựa chiến chứ đâu như mình nuôi một cặp ngựa thì ăn thua gì”. Ngày trước, cha anh không nuôi ngựa đua mà nuôi ngựa thồ bán cho mấy ông xà ích chở hàng rau cải ra chợ Hóc Môn. Xứ Hóc Môn nhiều nhà có ngựa, bên kia sông Sài Gòn là huyện Thuận An của Bình Dương cũng là cái nôi nuôi ngựa thồ và đóng thùng xe thổ mộ. Miệt Củ Chi thì lại ít hơn, người ta nuôi trâu bò kéo cày chở hàng hoá. Cho nên, khi nhìn lại Hóc Môn tôi chợt nhận ra có điểm đặc biệt hơn các huyện khác trong chuyện vận chuyển hàng hoá bằng xe ngựa giữa các làng xã với nhau.

Xem thêm:   Nhớ ôm thợ nhộm

Anh Út kể: “Lúc tui còn nhỏ, ngày nào cha tui lại không đánh xe ngựa đưa bà già mang trầu cau ra chợ bán. Cho đến đầu thập niên 1970 xe ngựa ở Hóc Môn vẫn còn được sử dụng rất nhiều để thồ hàng. Sau năm 1975, xe ngựa ngưng một thời gian vài ba năm rồi trở lại sử dụng lúc xăng dầu khan hiếm. Ðược vài năm mấy cỗ xe lại phải đem cất xó vào góc vườn vì lệnh cấm không cho sử dụng xe ngựa chở rau màu vào vùng Bà Quẹo nữa”.

Chuyện xe ngựa thồ hàng ở Hóc Môn nhiều người cố cựu biết rõ. Trước chợ quận Hóc Môn vào khoảng thập niên 1950 có một bến xe ngựa xếp hàng dài. Nhiều người đi chợ mua sắm bảo con cái đánh xe ngựa ra chợ quận như những người “quý tộc” xưa ở châu Âu. Tôi gọi chợ quận theo cách gọi của người dân cố cựu vùng này. Từ một chợ quận của huyện Bình Long, tỉnh Gia Ðịnh trở thành huyện lỵ của thành phố Sài Gòn mở rộng mới được vài năm. Người lớn tuổi vẫn quen gọi theo tên cũ “chợ quận”. Mà thật tình hai tiếng “chợ quận” nghe bảnh hơn “chợ huyện”, vì Hóc Môn lúc này đã hình thành nhiều ngôi chợ theo tên làng xã như Ðông Thạnh, Tân Xuân, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Thượng… có tên chợ hẳn hoi chứ không còn là những ngôi chợ làng ngày xưa nữa.

Vườn Tao Ngộ trong quân trường Quang Trung ở Quán Tre Hóc Môn (Nguồn: Manhhaiflickr)

Tôi nhớ chợ Hóc Môn vẫn tường vách xưa cũ, mái ngói rêu phong. Cách chợ vài trăm mét có bến xe lam, và xe đò chạy bằng than do khan hiếm xăng dầu. Ðạp xe loanh quanh một vòng xem như đi hết cả khu trung tâm huyện lỵ mà nghe người lớn tuổi kể lại rằng, “chợ sầm uất, nhộn nhịp mua bán suốt ngày vì Hóc Môn khi xưa nổi tiếng với hàng thịt heo quay ngon nức tiếng”.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 21 tháng 3 năm 2024

Khoảng thời gian nửa thế kỷ, từ lúc ngôi chợ được hình thành cho đến thời điểm tôi còn nhìn thấy chợ Hóc Môn cuối thập niên 1970 không thay đổi nhiều. Kiến trúc chợ vẫn y nguyên, chỉ lớp tường vách bao quanh với những sạp hàng san sát là mới xây thêm. Những thay đổi sinh hoạt của một ngôi chợ quận ngày xưa diễn ra rất chậm so với bây giờ: chợ hoàn toàn xây mới, nhà cửa mọc đầy trên những con phố mới mở làm người xa Hóc Môn nhiều năm gần như không còn nhận ra nơi mình từng sinh sống nữa.

Một người quen lớn tuổi quê ở Hóc Môn nhận xét khi nghe đến huyện Hóc Môn: “Hóc Môn nằm sát Sài Gòn, hưởng chút hào nhoáng của vùng đô thị nhưng cuộc sống còn rặt chất thôn quê. Gò Vấp, Thủ Ðức, Nhà Bè trước 1975 người dân trồng lúa, hoa màu. Hóc Môn được thuận lợi hơn trên vùng đất cao, hiếm gặp triều cường ngập úng. Nguồn nước ngầm phong phú và con sông Sài Gòn ôm trọn phía đông huyện, thuận lợi cho việc dẫn nước vòng ngang phía bắc qua kênh An Hạ. Những điều kiện địa lý tự nhiên làm cho vùng đất Hóc Môn trù phú về hoa màu rau trái. Vì vậy, Sài Gòn sau năm 1975, gặp nhiều khó khăn về lương thực thực phẩm chứ dân Hóc Môn sống an nhiên tự tại, chẳng phải lo miếng ăn hằng ngày”.

Nhớ về Hóc Môn mà không nhắc đến quân trường Quang Trung là một thiếu sót đối với những người lính VNCH. Theo wikipedia: “Trung tâm được thành lập ngày 1 tháng 4 năm 1953 với danh xưng ban đầu là Trung tâm Huấn luyện Quán Tre. Trên danh nghĩa là quân trường của quân đội quốc gia nhưng vẫn do quân đội Pháp điều hành huấn luyện. Ðến năm 1954 mới chuyển cho quân đội quốc gia điều hành và huấn luyện. Năm 1955, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Huấn luyện số 1. Năm 1957, để kỷ niệm vị anh hùng dân tộc Quang Trung, Tổng thống Ngô Ðình Diệm ra quyết định cải danh thành Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung”.

Trong quân trường còn có một nơi với tên gọi là Vườn Cộng Hoà mà các anh tân binh gọi thân thương là Vườn Tao Ngộ, nơi gặp gỡ với người thân, người yêu của các tân binh vào mỗi ngày Chủ Nhật. Nhạc sĩ Nhật Hà đã xúc động trước hình ảnh rộn ràng yêu thương đó đã viết thành lời ca “Hôm nay ngày Chúa Nhật, vườn tao ngộ, em đến thăm anh. Ðường Quang Trung nắng đổ xa xôi. Mà em đâu có ngại, khi tình yêu ngun ngút cao…”.

TN