Một trong những nhà thương được xây dựng đầu tiên sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, là bệnh viện Grall. Nhà thương nghe bình dân hơn bệnh viện. Người bình dân thậm chí người tri thức vẫn gọi nhà thương như vậy cho đến thời kỳ sau 1975 thì gọi là bệnh viện. Một vài ý kiến cho rằng, nhà thương chẳng qua do tấm lòng y đức của bác sĩ và các nhân viên y tá chăm sóc bệnh nhân tận tình thể hiện tình thương giữa người với người nên hai chữ nhà thương xuất hiện.

Bệnh viện Hôpital Militaire tức bệnh viện Grall. Nguồn: Manhhaiflicks

Nhưng đó không phải là câu chuyện chính mà tôi muốn nói về nhà thương Grall. Grall (ngày nay là bệnh viện Nhi đồng 2) còn được gọi là nhà thương Ðồn Ðất trong thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hoà. Nhà thương Ðồn Ðất được bao quanh bởi bốn con đường Gia Long (trước là La Grandière, nay là Lý Tự Trọng) – Hai Bà Trưng (thời Pháp là Nationale) – Nguyễn Du (Taberd) – Chu Mạnh Trinh (Lafont). Cổng chính phía đường Gia Long, có một con đường nhỏ dài chừng hơn 300 mét chạy thẳng vào tạo thành ngã ba. Con đường này được đặt tên là Hôpital từ khi người Pháp phá tan thành Gia Ðịnh, xây dựng một đồn lũy bằng đất trấn ngữ để bảo vệ bệnh viện nhỏ của quân đội (Hôpital Militaire) dựng lên vào năm 1862 ngay góc đường National và Norodom (Thống Nhất). Sau đó vài năm, bệnh viện được xây dựng lại ngay trên mảnh đất của dinh đồn bằng đất (địa điểm trên đường La Grandière (Gia Long) tên bệnh viện chính thức vẫn là Hôpital Militaire.

Bệnh viện được xây dựng bằng khung sắt tiền chế, theo thiết kế của Trung tá J. Varaigne, Giám đốc ban thiết kế của trung đoàn Thủy quân Lục chiến và phụ tá của ông, Ðại úy AA Du Pommier. Bệnh viện do các bác sĩ người Pháp điều hành và điều trị cho binh lính và sĩ quan cũng như công chức thuộc địa Pháp – Việt.

Xem tài liệu hình ảnh các công trình xây dựng của người Pháp trong giai đoạn phát triển Sài Gòn vào những năm cuối và đầu thập niên 70 của thế kỷ 19, kiểu kiến trúc của bệnh viện Quân đội tương tự  kiến trúc trại lính bộ binh của binh đoàn số 11 Caserne infanterie coloniale xây dựng trên đường Norodom (sau năm 1955 các trại lính này đổi tên Thành Cộng Hoà). Bệnh viện được lắp đặt thành những toà nhà liên kết các khung sắt thông qua những cầu nổi kết nối với nhau, mái hiên rộng, thoáng trên nền móng đá granit. Vật liệu xây dựng hầu hết được đem từ Pháp sang. Trong khuôn viên bệnh viện trồng nhiều cây xanh, nhất là những hàng me rợp bóng đến ngày nay vẫn còn một số khá nhiều so với những con đường từng nổi tiếng rợp lá me bay trong thơ ca như đường Duy Tân hiện nay chẳng hạn.

Kiến trúc của bệnh viện Grall được xây cất từ các khung thép tiền chế (Ảnh: Bưu thiếp)

Nhà bác học nổi tiếng của Pháp Albert Calmette, học trò của nhà khoa học Louis Pasteur, điều hành phòng thí nghiệm của bệnh viện Quân đội này cho đến khi chính quyền Pháp thành lập Viện Pasteur (Pasteur-Institute) vào năm 1891 theo chỉ định của ông Louis Pasteur. Cơ sở này nằm trên đường Hôpital gần bệnh viện có nhiệm vụ nghiên cứu vaccine chống bệnh dại và bệnh đậu mùa, nghiên cứu các bệnh lý nhiệt đới, sản xuất huyết thanh chống nọc rắn hổ mang… Do có Viện Pasteur, nên vào năm 1897, con đường Hôpital đổi tên thành đường Pasteur cho phù hợp.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển và nghiên cứu điều trị các bệnh dịch, Viện Pasteur cần được mở rộng, Viện Pasteur mới được xây dựng trên đường Pellerin vào năm 1905 (vị trí hiện nay) và sau đó còn có thêm Viện Pasteur Hà Nội rồi tiếp theo là Ðà Lạt. Và con đường Pellerin đổi tên thành Pasteur. Xin nói thêm, cũng vào năm 1905, do cơ sở y tế này dưới sự điều hành của bác sĩ Charles Grall, mở cửa chữa trị cho mọi thành phần, quân sự cũng như dân sự kể cả dân bản xứ. Ðến năm 1925, Bệnh viện quân đội trở thành bệnh viện đa khoa và đổi tên thành bệnh viện Grall, để vinh danh cựu Tổng Thanh tra Y tế Nam kỳ, bác sĩ Charles Grall.

Hiên rộng vả trần cao làm thoáng mát bệnh viện. nguồn: Manhhaiflicks

Như vậy ở Sài Gòn có hai con đường mang tên Pasteur, một ngắn thuộc khu Bến Nghé quận 1 và một dài thuộc khu Tân Ðịnh quận 3. Mãi cho đến năm 1955, con đường Pasteur ở quận 1 mới được chính quyền thời Ðệ Nhất Cộng hoà đổi tên thành đường Ðồn Ðất và bệnh viện Grall đổi tên thành Nhà thương Ðồn Ðất theo tên gốc nhà thương tọa lạc trên mảnh đất của Ðồn Ðất, giống như Nhà thương Chợ Rẫy trên mảnh đất trồng rẫy của người Hoa Chợ Lớn vậy. Mặc dầu tên bệnh viện có thay đổi, người Pháp về nước nhưng dân chúng người Việt khá giả theo Tây học vẫn quen gọi là bệnh viện Grall, chỉ có người bình dân mới gọi là nhà thương Ðồn Ðất.

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Về lịch sử hình thành và kiến trúc nhà thương là vậy, trong thời gian dài khi Pháp thành lập các bệnh viện quân đội ở Sài Gòn phải kể đến thêm bệnh viện Saint Paul ở đường Phan Thanh Giản (sau 1975 là Ðiện Biên Phủ). Bệnh viện này xây kiên cố bằng gạch và bê tông cốt thép. Nhưng xét ở góc độ lịch sử thì bệnh viện Grall hay Ðồn Ðất có nhiều điểm nổi bật và ghi nhớ hơn nhiều, nhất là trong các thời kỳ chiến tranh. Có thể đánh giá nhà thương Ðồn Ðất là một công trình kiến trúc văn hoá lịch sử cùng với các công trình khác do người Pháp xây dựng vào thời thuộc địa ban đầu.

Năm 1945, bệnh viện bị trúng bom đồng minh, phá sập các phòng thí nghiệm ở mạn bắc. Mặc dầu người Pháp thua trận Ðiện Biên Phủ, đầu hàng rút quân theo Hiệp định Genève năm 1954 nhưng chính phủ Pháp sau đó vẫn ký biên bản điều hành bệnh viện Grall, vì chính thể Ðệ Nhất Cộng Hoà lúc bấy giờ không đủ y bác sĩ. Mặt khác, Sài Gòn vẫn còn nhiều người Pháp sinh sống và làm ăn, Sài Gòn cần có một bệnh viện được trang bị y tế tốt như bệnh viện Grall từng có để phục vụ như một bệnh viện tư nhân quốc tế. Do vậy, dân Sài Gòn nghe nói tới bệnh viện Grall vẫn cho rằng bệnh viện của những người giàu có.

Các bác sĩ Pháp và nhân viên chụp hình lưu niệm tại bệnh viện Grall (Ảnh: Paris Match)

Hoàng đế Bảo Ðại từng vào Sài Gòn chữa trị vì bị gãy chân trong một cuộc đi săn ở Cao nguyên. Báo Ðông Tây hồi tháng 12/1938 đăng tin: “Ðức Hoàng đế Bảo Ðại bị nạn gãy chân trái. Tin điện hôm 15 Décembre bỗng bắn ra một tin dữ dội khiến ai nấy đều phải sửng sốt giật mình và chú ý đặc biệt tức là tin Ðức Bảo Ðại đi săn ở một Cao nguyên gần Ðà Lạt bị nạn gãy chân. Các viên đốc tờ y sĩ ở Ðà Lạt vội tới ngay chỗ bị nạn cứu chữa. Nhà nước được tin cũng vội phái máy bay lên đó, để định đưa ngay Hoàng đế về Sài Gòn điều trị. Nhưng vì gió to quá, máy bay không thể nào đỗ xuống được. Bất đắc dĩ phải bay về Ban Mê Thuột chờ đón Ngài tại đấy. Sau khi ô tô đưa Ngài đến, các nhân viên y tế liền đưa Ngài lên phi cơ bay thẳng về Sài Gòn. 13h30 máy bay đã đáp xuống trường bay Tân Sơn Nhất. Có một đội lính khố đỏ bồng súng và thổi kèn chào. Liền đó có ô tô đưa Ngài về bệnh viện Grall. Trong khi điều trị ở Sài Gòn Ngài sẽ ngự tại Phủ Toàn quyền”.

Thế nhưng sau này, trong hồi ký của mình Bảo Ðại có nhắc lại chuyện bị gãy chân. Té ra báo chí thêm thắt câu chuyện đi săn cho hợp tình hợp lý. “Trong một cuộc đá banh ở Ban Mê Thuột năm 1938, tôi sa chân vào một ổ kiến, nên bị ngã. Chân trái bị gãy khớp xương trên mắt cá. Lập tức tôi được máy bay đưa về Sài Gòn và đưa ngay vào bệnh viện Grall để chữa. Bác sĩ Ðại tá Roques đã mổ chỗ đau cho tôi, sau đó tôi được đưa vào dinh Thống đốc Nam Kỳ Robin, ở điện Norodom để dưỡng bệnh…”.

Xem thêm:   Đông dược

Câu chuyện tiếp theo là tôi lượm lặt trong Hồi ký Nhất Linh trong đoạn Khóc Bạn của Bùi Khánh Ðản. Nhất Linh tự vẫn vì dính líu chuyện đảo chính ông Diệm không thành. Ông đã sắp xếp chuyện ra đi vĩnh viễn của mình không để cảnh sát bắt. Tôi chỉ thắc mắc tại sao lúc đó, bạn bè chí cốt của ông sao không đưa vào bệnh viện An Bình gần đó cấp cứu mà phải đưa đến bệnh viện Grall. Từ An Ðông đến trung tâm Sài Gòn là một đoạn đường xa hơn nhiều so với các bệnh viện gần nhà. Chớ không phải để kết thúc ở bệnh viện Grall.

Nói chuyện này còn dài và nhiều tình tiết. Tôi khơi ra một chi tiết chỉ để suy luận một điều: Bệnh viện Grall thời Ðệ Nhất Cộng Hoà vẫn được người dân tin tưởng là một bệnh viện tốt nhất Sài Gòn.

TN

Fort Worth, TX