Đường Trần Hưng Đạo (Galliéni) vào những năm đầu sau khi Pháp chiếm thành Gia Định, gói gọn từ đường Nguyễn Thái Học (Abattoir) trở về phía Sài Gòn. Phần còn lại là vùng đất trống toàn bưng trũng trồng rau trồng lúa. Con đường này bắt đầu được mở rộng và tráng nhựa từ năm 1910 nối với đường Đồng Khánh (Des Marins) tạo thành trục đường huyết mạch nối Sài Gòn-Chợ Lớn.

Đầu đường Trần Hưng Đạo năm 1969 (Ảnh Internet)   

Hồi nhỏ chúng tôi thường hay đố nhau (thường học lóm hoặc nghe thấy người khác nói) cho vui. Ðường nào là đường dài nhất ở Sài Gòn? Ðứa thì bảo đường Trần Quốc Toản, đứa khác nói đường Nguyễn Trãi, đứa nọ lại cãi đường Trần Hưng Ðạo. Bởi có lời nói trước đó qua lời nhại ca dao chế lại: “Ðường nào dài bằng đường Trần Hưng Ðạo, lính nào xạo bằng lính…”. Dưới thời Quốc trưởng Bảo Ðại năm 1952, đường Des Marins đổi tên thành Ðồng Khánh và sang năm 1955 đường Galliéni đổi thành Trần Hưng Ðạo. Vào thời gian này, đường Trần Hưng Ðạo được xem là con đường dài nhất Sài Gòn từ đầu đường Calmette đến đường Ðồng Khánh. Sau đó đường Trần Quốc Toản nối liền các đoạn đường mới làm thành con đường dài nhất Sài Gòn trước 1975. Nhưng cuối cùng, tháng 8/1975 đường Trần Hưng Ðạo và đường Ðồng Khánh được nhập với nhau (đoạn Ðồng Khánh là Trần Hưng Ðạo B) dài khoảng hơn 6 cây số trở thành con đường dài nhất Sài Gòn.

Theo Wikipedia cho thấy sau nhiều năm thảo luận, vào ngày 27 tháng 7 năm 1910 chính quyền đã thông qua dự án với kinh phí lên đến 1.25 triệu piastres (tiền Ðông Dương), bao gồm san lấp khu vực đầm lầy Boresse, xây dựng nhà ga xe lửa mới và mở đại lộ nối hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Công trình căn bản hoàn thiện vào cuối năm 1912. Ðến năm 1916, đại lộ Sài Gòn – Chợ Lớn chính thức được đặt tên là đại lộ Galliéni. Ban đầu, đường chỉ trải đất đỏ, đến năm 1928 mới được chỉnh trang, rải đá xanh và trải nhựa, bề rộng mặt đường khoảng 20 m. Ngoài ra, cũng trong năm này chính quyền đã đưa vào sử dụng tuyến xe điện chạy dọc theo đại lộ.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Ở đây thời gian đặt tên đường có một vài điểm chưa rõ ràng. Thực tế đường Galliéni đã có tên trên bản đồ hành chánh Sài Gòn vào năm 1874. Chợ Lớn là một thành phố riêng biệt cách Sài Gòn qua một cánh đồng trống rộng lớn. Và đường Galliéni chỉ mới đến đường Abattoir (Nguyễn Thái Học) như nói ở trên. Mãi cho đến khi giải toả khu đầm lầy Boresse, xây dựng nhà ga xe lửa, cất chợ Bến Thành mới (khánh thành năm 1914), đường Galliéni mới được kéo dài đến đường Nancy (Cộng Hoà) do một công ty tư nhân người Việt thi công trải đá và đổ nhựa đường.

Đại Thế Giới sòng bạc trên đường Galliéni (Trần Hưng Đạo) khai trương năm 1937 sau khi hình thành tuyến xe điện nối vào đường Des Marins (Đồng Khánh) (Nguồn: Manhhai flickr)

Một điều cần biết thêm, vào năm 1904, Hội đồng thành phố Chợ Lớn từng đề nghị với Hội đồng thành phố Sài Gòn việc kết nối hai thành phố với nhau, mở rộng khu dân cư qua việc kéo dài đường Bonard (Lê Lợi) vào Galliéni làm một. Hội đồng thành phố Sài Gòn không đồng ý vì nhiều lý do. Trong đó có lý do xây dựng bùng binh Eugène Cuniac trước chợ Bến Thành theo đồ án. Bùng binh phân rõ điểm cuối đường Bonard, nơi tập trung nhiều đường vào một vòng bùng binh. Hơn nữa, Bonard thuộc về quận 1, quận trung tâm duy nhất của thành phố Sài Gòn. Trong khi đó, bên phía đường Galliéni ngay đầu đường Calmette là quận 2 khi thành phố bắt đầu mở rộng qua phía ao đầm Boresse. Vùng đất lầy lội này làm ảnh hưởng môi trường sống và không an ninh khi về đêm với nhiều tệ nạn xã hội, cần được giải toả.

Thật ra trước đó, người Pháp vẫn muốn thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn là hai thành phố riêng biệt, chỉ duy trì thông thương đường bộ bằng đường Trên (route haute de Saigon à Cholon, sau là Nguyễn Trãi) vốn là con đường có từ thời nhà Nguyễn và con đường Dưới (route basse de Saigon à Cholon, sau là đường Bến Bình Ðông). Phần còn lại là đồng trống và ruộng lúa đến đường ngã tư An Bình là đường Des Marins (Ðồng Khánh). Nhưng sau cùng chính quyền nhận thấy, không thể tách rời hai thành phố vì mối liên hệ kinh tế và an ninh nên năm 1928, Pháp cho thành lập đường xe điện từ đường Galliéni đến hết đường Des Marins. Tóm lại, vào thời gian này, đường Galliéni bắt đầu từ đường Calmette kết thúc đến đường Nancy và đường Des Marins bắt đầu từ đường An Bình kết thúc ở đường Học Lạc. Khoảng giữa Nancy đến ngã tư An Bình vẫn còn đồng không mông quạnh, bưng trũng, cỏ lác mọc đầy, mặc dù có đường xe điện chạy qua, tăng cường giao thông đường bộ Sài Gòn-Chợ Lớn.

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Theo sách Bến Nghé xưa của Sơn Nam thì giữa Sài Gòn và Chợ Lớn phía đất thấp, chưa có dự kiến nên nối liền, còn ruộng lúa với người cày, ao nuôi vịt, ngọn rạch cạn, đợi đến năm 1916 mới bắt đầu đắp đường, trải đá ong… (Ðó là đường Galliéni, nay là Trần Hưng Ðạo). Tuy nhiên khi nhắc đến Chợ Lớn người ta lại nghĩ tới đường Trần Hưng Ðạo, mặc dù con đường này hình thành muộn hơn nhiều với đường Trên (Nguyễn Trãi) và đường Dưới (đường Bến Bình Ðông) và hai con đường này đều có đường xe lửa điện khổ 1 mét đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 1 tháng 7 năm 1882, dài 5 kilômét nối Sài Gòn và Chợ Lớn.

Đại lộ Đồng Khánh phát triển rất sầm uất so với đoạn đường Trần Hưng Đạo (Artcorner.vn)

Ðến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã giáp nhau ở chỗ nay là đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thiện Thuật. Ngày 27 tháng 4 năm 1931, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là Khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Ðứng đầu khu là một Khu trưởng, do Toàn quyền Ðông Dương bổ nhiệm. Khu trưởng là Chủ tịch Hội đồng quản lý khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Chức Thị trưởng vẫn còn tồn tại đến năm 1934, nhưng một số quyền hạn của chức này chuyển sang cho Khu trưởng. Năm 1951, Khu Sài Gòn – Chợ Lớn đổi thành Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn và đến năm 1956 đổi thành Ðô thành Sài Gòn.

Từ khi đường xe điện đưa vào vận hành trên con đường Galliéni, dân chúng có tiền bắt đầu tìm đến khoảng trống đồng bưng giữa Sài Gòn-Chợ Lớn mua đất cất nhà. Nhiều người lớn tuổi vẫn còn nhớ đến năm 1954 vẫn còn nhiều khoảnh đất trống xen kẽ vườn rau cải mà đa phần là người Tiều trồng trọt. Người bạn lớn tuổi của tôi kể chuyện hồi còn nhỏ học nội trú tiểu học ở trường Petrus Ký, cuối tuần thường lén giám thị leo hàng rào ra ngoài đi chơi với chúng bạn. Hình ảnh mấy thím mấy chú Ba Tàu vừa đi vừa gánh đôi thùng nước tưới cả một ruộng cải xanh rờn. Ruộng cải rộng lớn mà họ làm không biết mệt. Với cái dáng liêu xiêu, đầu đội nón đan tre rộng vành, đi giữa các vồng đất, oằn vai gánh ngang đôi thùng gỗ lớn đục thủng bên hông cho nước tia thành vòi. Hình ảnh bình dị đơn sơ đó để lại ấn tượng trong đầu đứa trẻ cho đến tận giờ, ở tuổi gần 90 mà ông vẫn không quên.

Đường Trần Hưng Đạo một đại lộ năng động giữa Sài Gòn-Chợ Lớn (Nguồn: Internet)

Ðường Galliéni bắt đầu phát triển các khu dân cư, tiệm ăn và các cơ sở mua bán vật liệu, máy móc. Ban đầu là đại lý máy may Sinco (ngay góc Calmette), nhà hàng Tam Kỳ Khách lầu, nhà hàng Văn Cảnh (sau này mới có). Ðầu năm 1930, bắt đầu có một số tiệm buôn phụ tùng xe đạp, và sau đó là xe hơi. Nhiều dãy nhà kiểu chung cư người Hoa kéo dài đến đường Des Marins được Công ty gia đình ông Hui Bon Hoa đầu tư xây dựng cho thuê và bán dứt. Năm 1937 Ðại Thế Giới (Casino Grand Monde) được người Pháp cho thành lập công khai nhằm lấy thuế. Lý do chính quyền đưa ra là thà cho cờ bạc công khai, có lấy thuế, còn hơn để tệ nạn lén lút nhưng tràn lan vừa thất thu thuế, vừa xúc phạm đến quyền lực của chính phủ bảo hộ Pháp. Cùng lúc thành lập Ðại Thế Giới còn có sòng bạc Kim Chung ở khu vực Cầu Muối (nay là Khu Dân Sinh, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1).

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Một trong những rạp hát cải lương đầu tiên cất trên đường Trần Hưng Ðạo là rạp Nguyễn Văn Hảo (đầu năm 1940). Sau năm 1945, những khu vực còn trống bắt đầu được xây dựng nhiều công trình trường học, nhà hát, khách sạn, phòng trà, tiệm ăn. Từ năm 1960 các cơ sở chính quyền quân sự và building cho Mỹ thuê cất lên rầm rộ. Năm 1954, ngay đầu đường Ðề Thám và Trần Hưng Ðạo có một bãi rác khổng lồ, người dân đi ngang ai cũng phải bịt mũi đến năm 1963 mới được giải toả trong kế hoạch chỉnh trang đô thị.

TN