Người Sài Gòn chắc còn nhớ toà nhà có khắc tên NG.V.HAO hiện còn tại góc đường Trần Hưng Đạo – Ký Con – Yersin – Lê Thị Hồng Gấm. Toà nhà có 3 tầng, mặt tiền như chiếc mũi tàu phía sau nở to. Chung quanh là các tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi, phía trước có cây xăng. Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hảo, nổi danh như một đại gia sau Trương Văn Bền (Hãng xà bông VN). Việc khắc tên ông trên các gian nhà ở tầng hai, không phải là ông chơi nổi, mà chính là tên công ty của ông – Công ty Nguyễn Văn Hảo.

Ngôi nhà của đại gia Nguyễn Văn Hảo cũng là văn phòng công ty và chỗ mua bán kinh doanh. Ảnh: Manhhaiflicks

Sinh thời má tôi rất rành khi nhắc đến gia đình ông Nguyễn Văn Hảo. Gia đình ông ở xã Nhị Long huyện Càng Long tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) cách không xa làng An Trường nơi má tôi sinh sống. Thuở bà còn nhỏ đã nghe khắp nơi ca tụng về sự giàu có của người con trai thứ ba của người vợ thứ ba trong một gia đình trung nông ở ấp Long Thuận. Cha ông có đến ba người vợ. Người anh cùng cha khác mẹ của ông khi đó là chủ một tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở Sài Gòn trên đường Nguyễn An Ninh. Ông lên Sài Gòn vào những năm cuối của thập niên 1920, phụ anh buôn bán. Sau đó, ông xin người anh cho ra riêng lập nghiệp, mở cửa tiệm bán phụ tùng xe hơi và máy móc nông ngư cụ tại đường Galliéni (Trần Hưng Ðạo). Chuyện làm ăn phát đạt, ông đưa vợ lên Sài Gòn giúp ông một tay.

Công việc làm ăn thuận lợi, lên như diều gặp gió do người giàu có ở Sài Gòn bắt đầu mua sắm xe hơi. Nhiều hiệu xe hơi có tiếng của Pháp, Ðức nhập vào Sài Gòn. Thấy chuyện bán buôn xe hơi, phụ tùng, sửa chữa là cần thiết. Năm 1933, ông gom tiền mua một mảnh đất rất rộng ở ngay trung tâm Sài Gòn, mở rộng kinh doanh. Ông cho xây một toà nhà rộng 800 mét vuông với 3 tầng lầu, phía trước kết hợp với hãng xăng dầu Caltex ở trước vạt đất trống sát đường Trần Hưng Ðạo, mặt tiền mở đại lý vỏ xe Michelin, các tiệm bên đường Yersin bán phụ tùng xe hơi, các tiệm bên đường Ký Con bán máy móc nông ngư cụ, phía đường Hồ Văn Ngà (Lê Thị Hồng Gấm ngày nay) làm dãy garage sửa chữa xe hơi và nhà kho chứa hàng, phía lầu trên có 6 phòng cho thuê. Phần lầu hai và lầu ba, phía trước dùng để ở và làm văn phòng hoạt động công ty. Vài năm sau, ông mua mảnh đất mặt tiền ở bốn góc đường Bùi Viện – Trần Hưng Ðạo – Ðề Thám – Nguyễn Thái Học xây cất hai dãy phố cho thuê.

Trên tầng hai của toà nhà có khắc tên NG.V.HAO Nguồn: Manhhaiflicks.

Ðó là khoảng thời gian má tôi chưa lập gia đình còn sống ở quê. Má tôi kể lại do làm ăn phát đạt, ông mang tiền về giúp cha mẹ xây mới nhà cửa. Ruộng vườn gia đình cha ông không tự canh tác nữa mà cho tá điền thuê mướn với công lúa rẻ để giúp những người nông dân nghèo khó. Chính nhờ sự tương thân như vậy nên tiếng thơm rộng rãi hào phóng của cha mẹ ông được thơm lây. Dân chúng huyện Càng Long ai nấy đều tự hào về ông Nguyễn Văn Hảo như một người con hiếu thảo, một đại gia có tấm lòng.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Sinh thời ông Nguyễn Văn Hảo mê cải lương. Buôn bán thuận lợi, tiền vô như nước, ông nảy ý định xây dựng một nhà hát cải lương vốn ngành cải lương hiện lúc đó thu hút nhiều khán giả. Thế là chuyện kinh doanh sân khấu hình thành. Năm 1940, ông mua một mảnh đất mặt tiền Trần Hưng Ðạo cho cất rạp Nguyễn Văn Hảo (Theathe NG.V.HAO), mặt sau có cửa thông ra đường Bùi Viện. Ðây là một rạp hát cải lương có sân khấu hiện đại và số chỗ ngồi lên đến 1200 ghế. Nhiều nghệ sĩ được diễn tại đây cho rằng đây là một “thánh đường sân khấu”, còn khán giả thì lại ví von rạp hát là một “hàng không mẫu hạm Nguyễn Văn Hảo”.

Rạp Nguyễn Văn Hảo (sau năm 1975 đổi tiên thành rạp Công Nhân) lộng lẫy có ba tầng lầu. Tầng Trệt hạng nhất có 500 ghế bọc da đỏ, tầng hai có 400 ghế dành cho khách mua vé xem hạng nhì, ghế bọc vải nệm, tầng ba dành cho vé rẻ tiền với các băng ghế gỗ có thể chứa được 300 người. Sau khi khánh thành nhà hát, rạp Nguyễn Văn Hảo ngày càng thu hút khán giả đến xem vì sang trọng và nhiều đoàn hát nổi tiếng thường xuyên thuê rạp trình diễn. Các rạp cải lương quanh khu vực trung tâm Sài Gòn như Thành Xương, Aristo, Thuận Thành bắt đầu xuống dốc, khán giả quay lưng chẳng qua là rạp hát quá cũ và sân khấu không rộng rãi.

Rạp Nguyễn Văn Hảo có ba tầng, là một rạp cải lương có sân khấu hiện đại và ghế ngồi lên đến 1,200 chỗ Nguồn: Manhhaiflicks

Trong quá khứ rạp Nguyễn Văn Hảo cũng từng bị ném một trái lựu đạn lên sân khấu hồi cuối năm 1955 khi diễn tuồng “Lấp sông Gianh”. Nội dung vở tuồng nói đến một mối tình ngang trái của hai dòng họ thù địch trong giai đoạn lịch sử của nước nhà khi Trịnh – Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh chia đôi đất nước. Nghệ sĩ Ba Cương và phóng viên sân khấu Nguyễn Mai gục chết, kép phụ tên Phiên và đạo diễn Duy Lân bị thương đưa vào bệnh viện. Duy Lân thì bị mất một chân còn kép Phiên không thể cứu sống.

Xem thêm:   Hoàng hậu cà phê hủ tiếu

Từ đó, bắt đầu xuất hiện những câu chuyện ma thêu dệt oan hồn lẩn quẩn hát nghêu ngao trên sâu khấu lúc về khuya. Gia đình bạn tôi bên cạnh rạp Nguyễn Văn Hảo, nhà có bán cháo đậu đen nước dừa ngon nức tiếng. Nhiều nghệ sĩ và nhân viên hậu trường thường ăn khuya sau xuất diễn đến nửa đêm. Chuyện ma tất nhiên do mấy người làm trong rạp yếu bóng vía khi quét dọn tưởng tượng ra, vậy mà nó lan truyền ai cũng tin là thiệt.

Nhưng thôi, chuyện ma cỏ nhiều lắm, kể ra thêm dài dòng lạc hướng chuyện đời của đại gia Nguyễn Văn Hảo. Chuyện làm ăn trong giai đoạn này cũng bắt đầu suy thoái. Hơn nữa các con của ông cũng không có tài năng buôn bán kinh doanh bằng người cha gầy dựng cơ nghiệp chỉ trong vòng hơn ba mươi năm trở thành người nổi tiếng. Năm 1960, ông Hảo trở về Càng Long, chuẩn bị cho tuổi già thanh thản. Ông mua một khu đất rộng 15 mẫu để xây chùa mang tên Hảo Tâm Tự, do kỹ sư Phan Hiếu Kinh thiết kế và xây dựng, phải mất 8 năm mới hoàn thành. Các vách tường của chùa được đắp phù điêu cảnh toà nhà công ty NG.V.HAO và rạp hát để nhớ những gì của một người xuất thân từ nhà nông chân lấm tay bùn làm nên.

Hảo Tâm Tự của ông Nguyễn Văn Hảo xây cất tại quê nhà Càng Long. Ảnh: Thang Nguyen Xuan collection)

Hảo Tâm Tự là một ngôi chùa đẹp mang dáng vẻ nửa truyền thống nửa hiện đại bằng bê tông cốt thép. Ông Hảo có ý định xây một cây cầu bắc qua sông An Trường nhưng chính quyền không đồng ý cấp phép. Quanh chùa ông cho xây những dãy phố cho thuê để lấy tiền an hưởng tuổi già và cất một cái chợ cho dân chúng mua bán mà không thu tiền. Năm 1966 khi bà vợ đầu của ông Hảo qua đời, ông trả môn bài ngừng hoạt động công ty, giao lại sản nghiệp gồm garage sửa xe và nhà hát Nguyễn Văn Hảo cho các con quản lý và kinh doanh. Năm 1968, chiến sự ác liệt, dân trong vùng kéo về chùa lánh nạn. Mọi người không phân biệt đều được ông Hảo giúp đỡ tận tình, gạo tiền, thuốc men.

Xem thêm:   Đông dược

Sau năm 1975, tôi về thăm quê ngoại lần thứ hai trong đời. Ðón xe về Càng Long, từ đây đi xe đạp thồ dọc theo tỉnh lộ 53 là về đến nhà dì Ba chị của má tôi. Ngay bến xe Càng Long đã là xã Nhị Long, ngôi chùa nằm gần tỉnh lộ 53 mà hồi khi cất chùa chỉ là một con đường làng. Chùa tôi thấy lúc đó còn rất đẹp, chung quanh yên tĩnh, cảnh trí nên thơ với vài cây phi lao buông lá, duy chỉ thưa vắng người.

Ông Nguyễn Văn Hảo mất năm 1971, sau năm 1975 cuộc sống khó khăn, con cái của ông bán dần các tiện nghi có giá trị trong nhà ở Sài Gòn. Ở Càng Long, ngôi chùa cũng bị đóng cửa chuyển thành nhà văn hoá nhưng không thấy sinh hoạt gì. Bây giờ không biết Hảo Tâm Tự còn không hay tan thành mây khói!?

TN

Fort Worth, TX