Nhiều người biết đến ông Trương Văn Bền qua sản phẩm xà bông Cô Ba. Đó là trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của ông khi thành lập hãng xà bông Việt Nam năm 1931. Để có được sự thành công ấy, ông phải trải qua nhiều bước từ một tiệm chạp phô ngũ cốc cho đến cơ xưởng chế biến hàng nông sản công nghiệp.

Vợ chồng ông Trương Văn Bền lúc sống ở Paris (Ảnh: Tài liệu của cháu ông TVB)   

Những tài liệu xưa về chuyện làm ăn lúc khởi đầu của ông thật ít ỏi. May thay, tôi tìm được một mẩu quảng cáo của hãng dầu Trương Văn Bền đăng trên báo Lục Tỉnh Tân Văn vào tháng 4/1910 tức cách nay hơn thế kỷ. Nội dung quảng cáo ghi rõ: Hãng dầu Trương Văn Bền có trữ bán đủ thứ dầu. Dầu phộng ăn thiệt ngon, dầu dừa, dầu xổ không có mùi hôi, dầu mè thơm và dầu bông giá rẻ để cho thợ bạc dùng.

Bên cạnh sản phẩm dầu, là sản phẩm tận dụng phần còn lại của quá trình chế biến như bánh dầu đậu phộng thiệt tốt, bánh dầu đu đủ, bánh dầu hột gòn, bánh dầu hột bông, bánh dầu dừa để cho heo và cá ăn. Ngoài ra quảng cáo còn ghi việc thu mua các nông sản với giá khá hơn các nơi như: dừa khô, đậu phộng, mè, hột gòn, hột bông, hột đu đủ và hột cao su (caoutchouc).

Qua nội dung quảng cáo, tôi xin lan man đôi chút về vài loại hạt (ngày nay hiếm khi nghe tới) nhưng có liên quan tới việc làm ăn của ông Bền. Hạt gòn lấy từ trái gòn, một loại cây rừng có tên cây gòn, hay cây gạo (thân gỗ không cứng), mọc nhiều ở các vùng Ðông Nam Phần và Cao nguyên cách nay hơn trăm năm. Bông gòn dùng để nhồi gối, còn hạt có thể ép lấy dầu. Hạt bông tức là hạt của cây bông vải, cũng trồng nhiều ở cao nguyên và các vùng duyên hải ngày xưa. Cả hai loại hạt này ép làm dầu thực vật dùng để ăn rất tốt giống như các loại hạt ép dầu khác. Riêng hạt đu đủ ép lấy dầu làm thuốc xổ mà trong quảng cáo trên ghi là dầu xổ. Hạt cao su ép lấy dầu dùng pha chế sơn dầu, còn bã dùng pha trộn thức ăn chăn nuôi. Ngày nay, cây gòn hiếm thấy ở Sài Gòn, trước năm 1975 trên đoạn đường Yên Ðỗ khúc Bà Huyện Thanh Quan người ta có trồng cây gòn ven đường nhưng do đến mùa trái bung trổ, bông gòn bay đầy đường phố nên sau đó người ta đốn bỏ, trồng cây dái ngựa và cao su.

Quảng cáo bán sản phẩm nông nghiệp của hãng dầu Trương Văn Bền trên báo Lục tỉnh Tân Văn năm 1910 (Ảnh: chụp lại từ báo LTTV)

Nói thêm về cây dừa, hơn thế kỷ trước, đây là cây ăn trái và đồng thời là cây công nghiệp, không riêng gì ở Bến Tre, người ta trồng nhiều dừa trên đất Nam kỳ. Phần cơm dừa ép lấy dầu dừa dùng trong sinh hoạt đời sống rất đa dạng. Một đoạn nói về vấn đề trồng dừa cũng như trồng lúa hồi đó trong báo Lục Tỉnh Tân Văn như sau: “Ðất Nam kỳ thật là tốt lắm, hễ không trồng giống chi thì thôi, chớ như trồng hoặc gieo hột, hoặc cắm nhánh, đều lên tươi tốt, huê quả sum suê, dẫu người tha bang ngoại quốc, xem đến cũng đều khen ngợi luôn, Tuy đặng chỗ đất đai tốt, mà người bổn xứ chưa thấy rõ cuộc làm ăn cho xa, cứ một điều hễ người dị quốc ưa mua bán vật chi, thì mới xúm mà đua chen trồng tỉa vậy. Ví như lúa gạo cùng là dừa, đang lúc này thì mỗi người chăm chỉ trồng có hai thứ ấy nhiều hơn; cũng bởi dễ bán, nhà buôn lớn nào cũng đều mua lúa và mua dừa khô”.

Xem thêm:   Triển Lãm Nhiếp Ảnh Lê Văn Khoa

Ðọc đoạn văn, tôi mường tượng, người nông dân mình hễ thấy trồng cây gì có ăn thì tập trung trồng, không cần có sự cân đối của thị trường tiêu thụ. Do vậy, chuyện được mùa mất giá là vấn đề muôn thuở của nền nông nghiệp xứ ta. Trở lại cây dừa, đó là nhu cầu thiết yếu trong đời sống người dân thuở ấy. Chuyện thu mua dừa khô và ngũ cốc hay các hạt làm ra dầu được nhiều cơ sở thủ công hoặc hãng xưởng lớn nhỏ thu mua xuất cảng nguyên liệu thô hoặc các hãng xưởng nội địa thu mua chế xuất ra các sản phẩm như hãng dầu Trương Văn Bền là một ví dụ. Ở khoảng thời gian năm 1910 lúc đó, hãng xưởng của ông khuếch trương lớn rồi. Không còn là một tiệm bán các loại gạo, đậu, đường nhỏ lẻ của gia đình ở số 40 rue du Cambodge, Chợ Lớn nữa.

Trương Văn Bền khởi nghiệp rất sớm khi mới 18 tuổi, ông quán xuyến chuyện bán buôn cho gia đình. Và chỉ bốn năm sau đó, ông mở xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Ðức. Hãng trang bị các máy móc hiện đại như máy nén ép thuỷ lực mua từ Mỹ và Pháp. Công cuộc làm ăn thuận lợi tấn tới, nhứt là dầu dừa là nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của mọi người trong nước và xuất cảng nguyên liệu thô sang Pháp để làm xà bông. Một năm sau, ông mở một nhà máy xay gạo ở Chợ Lớn và một ở Rạch Cát. Ông cũng có một khách sạn và một tiệm mỹ phẩm ở Chợ Lớn.

Bánh dầu đậu phộng ngày nay người chăn nuôi nhỏ vẫn còn sử dụng (Ảnh: Internet)

Việc làm ăn từ đây lên như diều gặp gió, Trương Văn Bền gom tiền mua đất lập đồn điền cao su ở Thủ Ðức, thuê nhân công trồng trọt khai thác mủ cao su xuất cảng, hạt cao su ép thành dầu và bã xác cao su đều có thể biến thành tiền. Sau đó ba năm, ông lại mở thêm một cơ sở sản xuất dầu ở Chợ Lớn làm ra sản phẩm dầu dùng nấu ăn và trong các ngành kỹ nghệ.

Xem thêm:   Nị ăn cơm chưa?

Trong ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ” viết năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh có nhắc đến Trương Văn Bền: “Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy xay xát lúa gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”.

Mặc dầu ông Trương Văn Bền gốc người Tàu (theo cha mẹ di cư từ Quảng Ðông sang Chợ Lớn lập nghiệp) nhưng Phạm Quỳnh nhìn nhận ông là một thương nhân người Việt chính cống. Chính Trương Văn Bền trong hồi ký của mình cũng tự nhận là người Việt Nam. Năm 1918, ông Trương Văn Bền được bầu làm Nghị viện Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ khi mới 31 tuổi. Với người đời xem tuổi tam thập nhi lập chỉ mới là sự khởi đầu tạo dựng sự nghiệp, nhưng ông đã thành công còn sớm hơn người ta tưởng. Lại nữa khi lập gia đình ông kết hôn với một hoa khôi đất Nam kỳ mà hình tượng sau này được in trên bao bì của thương hiệu xà bông Cô Ba.

Hãng xà bông VN do con cái ông Trương Văn Bền quản lý sau năm 1948 (Ảnh: Manhhaiflick)

Nhờ những thành công trên thương trường, ông Trương Văn Bền được nhiều quan chức Pháp biết đến và mời ông tham gia vào những hoạt động kinh tế, chính trị ở xứ Nam kỳ, kể cả toàn cõi Ðông Dương. Ông hoạt động kinh tế trong nhiều lãnh vực. Năm 1922, ông là thành viên Phòng Thương mại và Phòng Nông nghiệp Nam Kỳ. Khi Sở Lúa gạo Ðông Dương được thành lập (1924), ông Trương Văn Bền là Hội viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch Liên hiệp Canh nông (Union d’Agriculture).

Xem thêm:   Chuyện đòn roi

Tất nhiên những chức vụ của ông được nhà nước thuộc địa chọn trao, tạo thêm nhiều cơ hội cho ông ngày càng đưa sự nghiệp kinh doanh đi lên. Năm 39 tuổi, ông thành lập công ty khai khẩn ruộng ở Ðồng Tháp Mười với diện tích 18,000 mẫu. Ðây là đất hoang hoá nhiễm phèn nặng, nên được chính quyền Pháp gần như cho ông mướn với tiền thuê không đồng theo hợp đồng nhiều năm. Ngược lại, ông phải tự bỏ tiền đào hệ thống kênh thuỷ lợi nhằm cải tạo đất ở khu vực này. Ðúng là sự may mắn của ông. Với 3,000 tá điền canh tác khoán trắng, trồng lúa ăn chia theo tỷ lệ. Tuy vậy, ông cũng cho xây dựng một nhà máy xay lúa tại chỗ, mặc dù năng suất lúa không cao lắm.

Thời điểm này, mặt hàng xà bông trong nước hầu như bỏ ngỏ khi loại xà bông xấu do các lò nấu nhỏ ở Chợ Lớn có phẩm chất quá kém, không cạnh tranh nổi với loại xà bông được nhập từ Pháp, do các hãng ở cảng Marseille cung cấp. Nhận thấy đây sẽ là cơ hội kinh doanh lớn, năm 1931, ông Trương Văn Bền quyết định lập hãng ép dầu và làm xà bông với tên chính thức “Công ty Trương Văn Bền và các con” tại số 49 Bến Kim Biên. Bằng sự nỗ lực miệt mài cùng với sự tìm tòi khám phá, ứng dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất xà bông, ông đã thành công đưa thương hiệu xà bông các loại ra thị trường và đặc biệt là xà bông Cô Ba. Sản phẩm xà bông được bán trên toàn Ðông Dương, xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Một tài liệu ghi nhận, năm 1941 số tiền thuế của ông đóng cho chính phủ là 107,000 đồng (giá vàng thời điểm đó là 60đ/lượng). Sau chiến tranh Ðông Dương, ông và vợ cùng vài người con sang Paris sống. Cơ ngơi công ty Xà bông Việt Nam giao lại cho các con sống tại VN quản lý.

TN